icon icon

Nhân một Chủ nhật cuối tuần, Ubon Yu, chàng sinh viên đại học ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc, vội vã đến nhà ga và bắt một chuyến tàu lúc 12h30 để đến Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông.

Trước khi đến nơi, Yu tranh thủ kiểm tra các ghi chú về chuyến đi trên điện thoại, thay đổi một số hoạt động trong lịch trình hai ngày dịp cuối tuần. 

“Tôi muốn check-in tất cả các điểm tham quan và thử nhiều món nhất ở Quảng Châu trong khả năng”, chàng trai 22 tuổi cho biết.

Kế hoạch của Ubon Yu trước khi đến Quảng Châu

Mục tiêu của anh là có thể ghé thăm 20 danh thắng ở vùng đất mới, cũng như thử càng nhiều đồ ăn càng tốt trong 48 tiếng.

Đây là một trong những cách du lịch kiểu mới đang rất thịnh hành, đặc biệt phổ biến với sinh viên đại học ở Trung Quốc. Họ coi đây như một loại thử thách. Mục tiêu là đến thăm càng nhiều điểm du lịch hot càng tốt và thường trong một khoảng thời gian rất ngắn. Do đó, những người này cần lên kế hoạch cho hành trình của mình một cách chi tiết và tuân thủ chính xác nhất có thể. Chính vì vậy, xu hướng này được truyền thông Trung Quốc gọi là "du lịch kiểu quân đội".

Sau ba năm bị phong tỏa do đại dịch Covid-19, thế hệ Gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2012) của Trung Quốc muốn dành những ngày cuối tuần và kỳ nghỉ ngắn để tới thăm càng nhiều điểm tham quan và nếm thử càng nhiều đồ ăn càng tốt. Nhóm đối tượng này thường có ngân sách eo hẹp nên xu hướng “du lịch trả thù” kiểu tiết kiệm này đặc biệt được ưa chuộng.

Yu cho biết lịch học ở trường đại học tương đối linh hoạt, đó là lý do tại sao anh có thể dành những ngày cuối tuần để đi du lịch đến các thành phố lân cận.

Ubon Yu trên chuyến tàu cao tốc từ Trường Sa đến Quảng Châu

“Tôi thường khởi hành vào chiều thứ Sáu, để có thể ngủ trên tàu qua đêm và bắt đầu ngày mới ngay khi đến nơi”, anh nói, đồng thời nhấn mạnh việc tuân thủ đúng thời gian và kỷ luật là chìa khóa thành công của cách du lịch này.

Dữ liệu du lịch cho thấy trong Lễ hội Thanh Minh gần đây nhất, 62% khách du lịch gen Z ở Trung Quốc đã chọn bắt đầu hành trình vào ban đêm và 30% trong số họ đã đến thăm hơn bốn danh lam thắng cảnh ở Trung Quốc chỉ trong một ngày.

“Chúng ta đã lãng phí ba năm vì đại dịch. Tôi muốn đi du lịch nhiều hơn ở Trung Quốc khi còn trẻ và khỏe”, Yu nói.

Ubon Yu đã đến thăm Tháp Canton trong chuyến đi hai ngày của mình ở Quảng Châu

Kể từ khi các hạn chế đi lại ở Trung Quốc được nới lỏng vào đầu tháng 1 năm 2023, Yu đã đi du lịch “kiểu quân đội” đến các thành phố như Vũ Hán, Quế Lâm và Quảng Châu.

Ubon Yu đến thăm Chùa Dafo, một ngôi chùa Phật giáo ở Quảng Châu

“Đó là một cuộc chạy đua với thời gian”, Yu nói, đồng thời cho biết thêm rằng thử thách của những hành trình như vậy đưa anh ra khỏi vùng an toàn của mình. “Về thể chất, tôi cảm thấy mệt mỏi hơn nhưng tinh thần cũng sảng khoái hơn".

Trong khi đó, Zhao Yu, một sinh viên đại học năm cuối ở Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam, quyết định làm điều gì đó điên rồ hơn.

Yu cũng đã đến thăm phố Shangxiajiu ở Quảng Châu

Anh ấy đã đi đến bốn thành phố trong năm ngày và ngay sau chuyến đi vào cuối tháng Ba, anh tiếp tục đến thăm bốn thành phố khác trong năm ngày vào đầu tháng Tư. Mỗi chuyến đi, bao gồm cả tiền vé và chỗ ở, anh tiêu tốn khoảng 1.700 nhân dân tệ (250 USD).

Vé cho các chuyến đi của Zhao Yu đến bốn thành phố trong năm ngày vào tháng Ba (phía trên, bên trái) và đầu tháng Tư

Zhao nói: “Tôi không cảm thấy mệt mỏi và tôi muốn thử thách giới hạn của mình". Sau khi nhìn thấy xu hướng du lịch này trên mạng, Zhao quyết định đây là một thử thách và muốn thử ngay khi có thời gian rảnh.

Trước khi bắt đầu kỳ thực tập vào tháng tới, Zhao tranh thủ đi du lịch vì đã hoàn thành tất cả chương trình học của mình ở trường đại học.

“Đây có thể là cơ hội duy nhất tôi có thể đi du lịch kiểu này vì tôi sợ rằng mình sẽ không có thời gian để làm điều đó một lần nữa trong tương lai”, anh nói.

Chàng trai 23 tuổi cho biết, mặc dù thời gian không còn nhiều và hiếm khi được nghỉ ngơi, nhưng anh vẫn muốn tiếp tục và đạt được những mục tiêu hấp dẫn trong ngày. Anh ấy cảm thấy có động lực hơn khi đạt được mục tiêu.

Sau ba năm bị hạn chế bởi Covid-19, việc có thể kiên trì làm một việc gì đó khiến Zhao cảm thấy "cuộc sống có ý nghĩa hơn".

Đỗ An

Xem các bài viết của tác giả