Jessica Nabongo đã buộc phải giảm tốc các chuyến đi của mình từ năm 2020. “Vào đầu năm, tôi dự định thực hiện 100 chuyến bay ở khoảng 40 quốc gia. Nhưng đại dịch đã làm thay đổi tất cả”, cô chia sẻ.

Cựu chuyên gia tư vấn của Liên hợp quốc này đã thực hiện 170 chuyến bay vào năm 2019. Con số ấn tượng này được duy trì liên tục trong nửa thập kỷ để trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên đặt chân tới mọi quốc gia trên thế giới. Vào tháng 10 năm 2020, Nabongo đã kết thúc chuyến du lịch vòng quanh thế giới ở quốc gia thứ 195 trong danh sách. Nhưng cô đã không thể ngờ rằng suốt một khoảng thời gian dài sau đó bản thân đã không thể đi đâu khác ngoài ngôi nhà ở Detroit.

Jessica Nabongo là người phụ nữ da màu đầu tiên đi vòng quanh thế giới. Ảnh: CNTraveler

Với tư cách là người sáng lập công ty du lịch boutique Jet Black, Nabongo đã gặp không ít các khách hàng bất bình vì các chuyến đi liên tục bị hoãn hay hủy. Nhưng những thay đổi tích cực bắt đầu diễn ra khi bước sang năm 2021. Và giờ đây những người theo dõi Nabongo trên mạng xã hội nói với cô rằng họ đang lên kế hoạch cho những chuyến đi lớn hơn vào năm 2022.

Có một thuật ngữ mới vẫn được dùng để mô tả nhu cầu du lịch bị dồn nén suốt thời gian đại dịch này là: “du lịch trả thù”. Và gần đây, ngày càng nhiều người trong ngành sử dụng nó hơn.

Tâm trạng bồn chồn, háo hức của nhiều khách du lịch khiến các chuyên gia dự đoán "du lịch trả thù" có thể mang lại một cú nổ lớn cho ngành này.

Những chuyến 'du lịch trả thù' bắt đầu

Khái niệm “chi tiêu trả thù” xuất hiện ở Trung Quốc vào những năm 1980 được dùng để mô tả về nhu cầu tiêu dùng đang gia tăng sau một khoảng thời gian nghèo đói kéo dài trong Cách mạng Văn hóa. Thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu đã áp dụng lại nó vào việc người dân tăng chi tiêu cho hàng các mặt hàng xa xỉ trên khắp Trung Quốc. Vào tháng 4/2020, một cửa hàng Hermès ở Quảng Châu đã thu về 2,7 triệu USD chỉ trong một ngày. Đây là dấu hiệu cho thấy cách người giàu phản ứng khi họ phải đối mặt với khoảng thời gian cách ly buồn chán.

Nhu cầu du lịch nội địa và tiêu dùng ở Trung Quốc tăng mạnh sau đại dịch. Ảnh: CGTN

"Du lịch trả thù" cũng sẽ là một cuộc chạy đua tương tự như vậy. Đối với lĩnh vực bán lẻ, các nhà phân tích du lịch hiện đang theo dõi cẩn thận tâm lý và chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc kể từ khi ngành du lịch nội địa được tái khởi động lại. Một báo cáo của McKinsey & Company cho thấy niềm tin của người Trung Quốc vào du lịch nội địa đã tăng tới 60%. Du khách thường chọn những địa điểm ở gần nhà có thể di chuyển bằng ô tô hoặc các chuyến bay ngắn. 

Mỹ hiện là thị trường du lịch nội địa lớn nhất thế giới. Ảnh: US Times

Trong suốt năm 2021, xu hướng tương tự cũng diễn ra ở thị trường nội địa Mỹ. Nhu cầu du lịch đường dài bằng ô tô tới các vùng nông thôn hay các điểm tham quan nổi tiếng trong nước cũng tăng vọt. Minh chứng rõ ràng nhất là việc "xứ sở cờ hoa" hiện là thị trường du lịch nội địa lớn nhất thế giới.

Mong muốn đi du lịch càng ngày càng mãnh liệt

Những nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng cho thấy đại dịch hầu như đã không còn là mối quan ngại hàng đầu của các du khách. Họ đã trông đợi được bước ra ngoài thế giới từ quá lâu nên bất chấp những ảnh hưởng của sự gia tăng giá cả, lạm phát... các chuyến đi gần như chắc chắn vẫn sẽ diễn ra.

Một cuộc khảo sát của Harris Poll đối với 2.500 du khách Mỹ vào đầu tháng 5 cho thấy mong muốn đi du lịch tăng lên chóng mặt. Kết quả cho thấy du khách từ các bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch là những người háo hức đi du lịch nhất trong vòng bốn tháng sau đó. Ngoài những lo lắng về những rủi ro sức khỏe cộng đồng, Harris Poll phát hiện ra rằng mong muốn kết nối với những người thân yêu ở xa và thay đổi cảnh quan là những yếu tố chính thúc đẩy khách du lịch ở tất cả các bang. 

Nhiều người tìm kiếm những chuyến đi sau hàng loạt bộn bề, căng thẳng của cuộc sống. Ảnh: Road Trip Blog

Philip Pearce, giáo sư nền tảng về du lịch tại Đại học James Cook ở Úc, giải thích rằng đại dịch đã tạo ra một bước ngoặt mới về những lý do cốt lõi khiến chúng ta muốn đi du lịch. Tìm lại động lực, thư giãn và thoát khỏi những khó khăn thực tại là những mục đích cơ bản của du lịch được Pearce xác định trong nghiên cứu của mình.

“Thông thường, việc đi đến một nơi chốn mới sẽ giúp nhiều người tạm gác lại những căng thẳng trong công việc hay trong cuộc sống", giáo sư cho biết.

Những điểm đến của 'du lịch trả thù'

Câu hỏi được đặt ra hiện này là "các điểm nóng về du lịch trả thù có thể xuất hiện ở những đâu? Hiện tại đây là một câu hỏi mở, nhưng các chuyên gia cũng có những dự báo nhất định.

Xu hương du lịch nội địa tại các quốc gia vẫn sẽ tiếp tục phát triển và không có dấu hiệu giảm nhiệt. Tuy nhiên, khi Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương mở cửa thì du khách sẽ có thêm những lựa chọn du lịch quốc tế.

Những điểm đến nổi tiếng như Venice sẽ tấp nập du khách trở lại. Ảnh: CNN

Khi du lịch quốc tế quay trở lại, Nabongo, người sáng lập Jet Black tin rằng “cảm giác nôn nao của du khách” có thể khiến các điểm đến thường đông đúc trước đây như Venice sẽ tấp nập trở lại.

Đỗ An (Theo Washington Post)