Trao đổi với PV. VietNamNet chiều 11/1, ông Trương Quang An, Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu (Long An), cho biết, thanh long ruột trắng đã tăng lên trên 20.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ ở mức 30.000 đồng/kg.
Đây là thanh long nghịch vụ, sản lượng không có nhiều. Những ngày này, nhà vườn có bao nhiêu ông gom mua hết bấy nhiêu để xuất khẩu. Thế nên, ngoài lượng thanh long của các thành viên trong HTX, ông còn thu mua thêm từ các nhà vườn liên kết, song vẫn thiếu hàng. Như ngày 11/1, ông chỉ gom mua được 15 tấn thanh long ruột trắng và ruột đỏ.
Theo ông, không chỉ tiêu thụ rất tốt tại thị trường nội địa dịp Tết Nguyên đán, xuất khẩu thanh long cũng nhộn nhịp hơn trước. Đặc biệt, sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, hàng xuất sang thị trường này càng thuận lợi hơn nên giá cũng tăng mạnh so với trước kia.
Thời điểm cuối năm 2021 đầu năm 2022, tình trạng tắc biên khiến giá thanh long thu mua tại vườn giảm xuống mức 2.000-4.000 đồng/kg. Sau đó, giá thanh long đã phục hồi nhưng neo ở mức thấp, nhiều nông dân chặt bỏ vườn thanh long già cỗi để chuyển sang các loại cây trồng khác.
“Nay Trung Quốc tăng mua, xuất khẩu thuận lợi, nhà vườn lãi lớn ăn Tết to”, ông An chia sẻ. Ông nhẩm tính, 1ha thanh long ruột trắng vụ nghịch cho thu khoảng 26 tấn trái. Với mức giá bán như hiện nay, nhà vườn có thể thu lãi từ 250-300 triệu đồng/ha/vụ. Một năm 3 vụ nên giá ổn định như thời điểm hiện tại thì người nông dân yên tâm duy trì sản xuất.
Vườn thanh long của ông Trần Văn Bình ở xã Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) đã có rất nhiều thương lái đến hỏi mua dù trái thanh long còn 3 ngày nữa mới tới lứa cắt bán.
“Nhu cầu thị trường nội địa tăng, Trung Quốc mở cửa trở lại nên tiêu thụ thanh long tốt, giá bán cao”, ông nói.
Tại thủ phủ thanh long Bình Thuận, thương lái thu mua thanh long ruột trắng từ 18.000-26.000 đồng/kg, còn thanh long ruột đỏ dao động từ 35.000-42.000 đồng/kg. Mức giá này tăng gấp 3-4 lần so với cách đây một tháng, còn so với cùng kỳ năm ngoái tăng gấp cả chục lần.
Các vựa thanh long ở huyện Chợ Gạo đang thu mua thanh long ruột đỏ loại 1 với giá trên 34.000 đồng/kg, loại 2 với giá 28.000-30.000 đồng/kg và loại 3 là từ 23.000-25.000 đồng/kg.
Ông Trần Đình Trung - Giám đốc HTX Thuận Tiến (Hàm Thuận Bắc) - khẳng định, với giá thanh long như hiện nay người nông dân trúng đậm, nhưng sản lượng vụ nghịch này không có nhiều, hàng khá khan hiếm.
Diện tích thanh long của các thành viên HTX này chỉ 24ha, diện tích liên kết khoảng 200ha. Theo ông Trung, nếu duy trì được mức giá thanh long từ 14.000-15.000 đồng/kg trở lên thì bà con nông dân sẽ canh tác tốt, ổn định sản xuất, bởi mức giá này đã có lãi.
Ở nước ta sản lượng thanh long lên tới hàng triệu tấn mỗi năm. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính, chiếm khoảng 90% kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam. Khi Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid, kiểm soát chặt dịch bệnh trên phương tiện, hàng hoá khiến trái thanh long xuất khẩu sang thị trường này bị ảnh hưởng nặng, giá lao dốc.
Mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo từ ngày 8/1 gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm axit nucleic phòng chống Covid-19 tại cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu, bao gồm cả hàng hóa đông lạnh. Đồng thời, Trung Quốc sẽ mở cửa biên giới và dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng dịch Covid-19.
Trao đổi về thị trường Trung Quốc tại họp báo Kết quả công tác năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của Bộ NN-PTNT, cơ quan chức năng ngành nông nghiệp nhận định, Trung Quốc mở cửa là cơ hội cho nông sản Việt Nam xuất khẩu, nhất là xuất khẩu trái cây. Thời gian qua, nhiều loại trái cây của ta đã ký được nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường hơn 1,4 tỷ dân này.
Trung Quốc mở cửa trở lại, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc dự báo sẽ bùng nổ thời gian tới.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định, với những tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh, trong đó kim ngạch xuất khẩu quả thanh long có thể lấy lại mốc tỷ USD.