Hiện nay, dịch Covid xuất hiện nhiều biến chủng mới, bệnh đậu mùa khỉ lây lan, những khuyến cáo nào được Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ tại Việt Nam đưa ra để giúp cơ quan hữu quan phòng chống dịch bệnh hiệu quả, đồng thời đảm bảo phát triển ổn định kinh tế - xã hội?

Tuần Việt Nam có cuộc trao đổi với bác sĩ Eric Dziuban - Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Trong  chặng đường quan hệ Việt - Mỹ suốt 27 năm qua, hợp tác y tế giữa hai quốc gia phát triển tốt đẹp, ông có thể chia sẻ mục tiêu và kỳ vọng từ sự hợp tác này?

Chúng ta có sự hợp tác tuyệt vời về lĩnh vực y tế, trong đó các vấn đề sức khỏe toàn cầu có vai trò rất quan trọng. Hai bên cùng nhau ứng phó với những căn bệnh tồn tại lâu dài như lao, cúm mùa…

Có những bệnh mới nổi cần được xem xét nghiêm túc với các phương án hành động nhanh chóng và hiệu quả. Hai bên đang cùng phối hợp giải quyết những bệnh đó. Ví dụ đại dịch Covid-19, khi chúng ta vừa nỗ lực đảm bảo sức khỏe người dân, vừa giúp kinh tế phát triển ngay cả khi virus hiện hữu. Chúng ta cũng đối mặt các mối đe dọa mới, như bệnh đậu mùa khỉ. Tất cả cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác hai nước để giải quyết các vấn đề này.

Đâu là những trụ cột trong hợp tác y tế mà hai nước đang tập trung?

Chúng tôi có một số chương trình về các bệnh mà hai bên cùng nhau hợp tác thực hiện trong thời gian dài: phòng chống HIV là một chương trình lớn, phòng chống lao, giám sát cúm mùa… Chúng tôi không chỉ giúp Việt Nam chẩn đoán, tìm ca bệnh mà còn cung cấp các dịch vụ điều trị chất lượng cao, lấy con người làm trung tâm, để đảm bảo rằng người bệnh được chăm sóc tốt nhất.

Chúng tôi cũng tập trung thúc đẩy hệ thống y tế Việt Nam như hợp tác trong xét nghiệm, đào tạo nhân viên y tế, và tất nhiên là cả chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp.

Những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến tầm quan trọng của việc chuẩn bị tốt cho các tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Năm tới là kỷ niệm 25 năm thành lập Văn phòng CDC tại Việt Nam. Tôi nghĩ thật tuyệt vời khi chúng ta có thể gặp gỡ, tin tưởng lẫn nhau, cùng nhau giải quyết những vấn đề nảy sinh để đưa ra các giải pháp thống nhất sớm nhất có thể.

Năm 2021, Văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á được thành lập và đặt trụ sở chính tại Hà Nội. Điều này thể hiện sự đánh giá ra sao của Mỹ với Việt Nam trong nỗ lực hợp tác và thúc đẩy an ninh y tế trong khu vực?

Chúng tôi đánh giá cao vai trò của Việt Nam đối với an ninh y tế toàn cầu và hợp tác y tế ở Đông Nam Á. Hiện nay, có hai Văn phòng khác nhau của CDC Hoa Kỳ tại Hà Nội. Một văn phòng tập trung vào các mối quan hệ trực tiếp giữa hai nước, văn phòng còn lại tập trung vào các vấn đề của khu vực, nhiều trong số các vấn đề đó thông qua các hoạt động của ASEAN. Việt Nam đang đóng một vai trò quan trọng và đó là lý do các văn phòng được đặt tại đây.

Trong hơn 2 năm Covid-19, CDC Hoa Kỳ tích cực hỗ trợ Việt Nam ứng phó với đại dịch, xin ông chia sẻ những dấu mốc quan trọng và một vài con số cụ thể?

Thời gian vừa qua diễn ra đầy căng thẳng với tất cả nhưng chúng ta đã có mối quan hệ tin cậy lẫn nhau khi bước vào tình huống khẩn cấp như vậy. Những ngày đầu của đại dịch, Việt Nam đã gửi thiết bị bảo hộ y tế đến Mỹ giữa lúc chúng tôi rất cần. Và chúng tôi cũng làm nhiều việc để giúp Việt Nam ứng phó với Covid-19. Mỹ đã cung cấp gần 40 triệu liều vắc xin cho Việt Nam, đặc biệt trong những ngày đầu, khi lượng vắc xin chưa nhiều.

Điều đó thực sự quan trọng, đặc biệt vào mùa hè 2021 - thời điểm khó khăn nhất đối với Việt Nam. Chúng ta đang tiếp tục làm việc cùng nhau khi Covid-19 vẫn hiện hữu và có thêm các biến thể mới. Cần theo dõi chặt chẽ tình hình và xem xét những tác động với Việt Nam. Điều quan trọng là mọi người cần tiếp tục tiêm vắc xin, để duy trì mức độ miễn dịch cao và ngăn chặn những làn sóng chết người khác.

Hiện Covid-19 đã xuất hiện nhiều chủng mới, ông có khuyến cáo gì để giúp Việt Nam vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội ổn định?

Chúng tôi biết đây thực sự là thời điểm quan trọng. Thật vui khi thấy mọi người quay lại nơi làm việc, trẻ em đến trường học. 

Vẫn có những người dễ bị tổn thương vì Covid-19. Điều quan trọng nhất là tiêm vắc xin và Việt Nam đã rất triển khai mạnh mẽ chương trình này. Trên 95% dân số đã tiêm chủng. Tuy nhiên theo thời gian, khả năng miễn dịch từ vắc xin giảm dần và suy yếu. Vì vậy tiêm liều nhắc lại rất quan trọng, giúp người dân bảo vệ chính mình và hệ thống y tế không bị quá tải.

Chúng ta nói nhiều đến việc tiêm vắc xin phòng Covid-19. Hiện nay ngày càng có nhiều dòng phụ của biến thể Omicron, liệu tiêm vắc xin có thực sự là một lựa chọn tốt? Mỹ đang triển khai chương trình tiêm vắc xin ngừa Covid ra sao?

Virus liên tục thay đổi nên chúng ta cũng phải liên tục thay đổi. Hiện tại chúng ta có liều nhắc lại cho một số nhóm đối tượng nhất định đủ điều kiện và họ nên tiêm ngừa. 

Tôi rất vui khi có một số loại vắc xin cho các biến thể mới nhưng không nghĩ mọi người nên chờ đợi.

Tại Mỹ, chúng tôi tiếp tục tiêm vắc xin ngừa Covid cho những người sẵn sàng. Một số đối tượng đủ điều kiện tiêm liều thứ 3 hoặc 4 tùy theo độ tuổi, tình trạng sức khỏe. 

Ngoài Covid-19, gần đây, Bộ Y tế Việt Nam đã có hướng dẫn tạm thời về giám sát và phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Xin ông cho biết khái quát về tình hình bệnh này trên thế giới hiện nay?

Thật không may, chúng ta đang chứng kiến một tình huống khẩn cấp khác về y tế công cộng toàn cầu là bệnh đậu mùa khỉ. Đây là lần đầu tiên chúng ta thấy loại virus này lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới.

Hiện có hơn 45.000 ca bệnh ở 98 quốc gia, hầu hết trong số đó chưa từng ghi nhận ca bệnh nào trước đây. Cần ngăn chặn sự lây lan của virus khi nó đang khiến nhiều người phải chịu đau đớn và một số trường hợp đã tử vong.

Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Nghĩa là chúng ta có thêm thời gian để chuẩn bị cho tình huống bệnh xuất hiện. Điều quan trọng là cần hiểu rằng bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh này. Bệnh lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc. Hiện tại chúng tôi thấy phần lớn các ca bệnh đang xảy ra ở một số nhóm đối tượng nhất định như nhóm quan hệ tình dục đồng giới.

Việc không kỳ thị và phân biệt đối xử đối với các nhóm người có nguy cơ cao là rất quan trọng. Chúng ta cần làm cho mọi người cảm thấy thoải mái, để khi họ nghĩ rằng có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ hoặc phơi nhiễm với bệnh này, sẽ tìm đến các dịch vụ y tế để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Chúng tôi không nghĩ bệnh này sẽ trở thành đại dịch như Covid-19 bởi nó không lây lan dễ dàng, cũng không gây chết người như Covid-19. Vì vậy, có nhiều khả năng để kiểm soát được virus gây bệnh. Hàng nghìn người đã nhiễm bệnh nhưng chúng tôi không dự kiến sẽ đạt đến con số lớn như Covid-19. Nhưng chúng ta cần nhìn nhận một cách nghiêm túc và hành động sớm để tránh hậu quả tồi tệ hơn.

Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ là gì và cách phòng tránh?

Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ thường bắt đầu giống như nhiều bệnh khác: sốt, mệt mỏi, đau nhức người, sưng hạch, sau đó vài ngày bắt đầu phát ban. Lúc mới phát ban thường là các nốt đỏ phẳng, sau đó các nốt này phồng lên. Phát ban có thể xảy ra trên bất kỳ bộ phận nào của cơ thể và thông thường sau một vài tuần sẽ hết. Khi phát ban đã đóng vảy hoàn toàn và lớp vảy tróc ra, người đó không còn khả năng lây nhiễm.

Bệnh đậu mùa khỉ có thể phòng ngừa bằng cách tránh tiếp xúc cơ thể với người mắc bệnh. Nếu ai đó có các triệu chứng bệnh, điều quan trọng là không nên tiếp xúc cơ thể, ôm, hôn, hay bất kỳ hoạt động tình dục nào. Bệnh cũng có khả năng lây lan qua việc dùng chung các đồ vật như khăn tắm hoặc đồ trải giường. 

Có những phương pháp điều trị và vắc xin nào cho bệnh đậu mùa khỉ?

Chưa có vắc xin hoặc phương pháp điều trị đặc hiệu nào cho bệnh đậu mùa khỉ nhưng virus rất giống với virus gây bệnh đậu mùa. Chúng ta có một số phương pháp điều trị và vắc xin cho đậu mùa, một số quốc gia cũng đang sử dụng cho bệnh đậu mùa khỉ.

Tuy nhiên, nguồn cung hiện nay còn hạn chế, không đủ trên toàn thế giới. Các nước đang thúc đẩy sản xuất nhanh hơn. Phương pháp điều trị và vắc xin được chấp thuận sử dụng trong tình huống khẩn cấp cho những người có nguy cơ cao hoặc người phơi nhiễm với bệnh đậu mùa khỉ, người có các triệu chứng nặng hoặc diễn biến xấu.

CDC Hoa Kỳ đang phối hợp với Bộ Y tế Việt Nam như thế nào để ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ và các mối đe dọa về bệnh truyền nhiễm mới nổi?

Chúng tôi ở đây để giúp đỡ người dân và Bộ Y tế Việt Nam ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ. Tôi thực sự đánh giá cao việc Bộ Y tế đã nhanh chóng vào cuộc. Họ không đợi đến khi có ca bệnh mới xem xét tình hình. Điều đó giúp Việt Nam có tâm thế tốt hơn trong ứng phó.

Từ đầu tháng 6, Bộ Y tế đã họp với một số cơ sở cung cấp dịch vụ y tế, những nơi có thể phát hiện ca bệnh đầu tiên nếu bệnh xâm nhập vào Việt Nam. Chúng tôi đã làm việc cùng Bộ để xây dựng các hướng dẫn, từ dự phòng bệnh, các phương án điều trị, giám sát và nhóm nguy cơ…

Chúng ta cần làm nhiều hơn thay vì việc chỉ tập trung vào từng bệnh riêng lẻ. Chúng tôi không muốn chỉ ứng phó mỗi khi có tình huống khẩn cấp mới xảy ra. Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đang làm việc với Bộ Y tế về tổng thể hệ thống y tế, để các hệ thống ấy được chuẩn bị sẵn sàng và vận hành tốt cùng nhau, ứng phó hiệu quả với các vấn đề sức khỏe hàng ngày ở Việt Nam và cả những mối đe dọa mới nổi mà chúng ta chưa biết.

Xét nghiệm, giám sát dịch bệnh, đào tạo nhân viên y tế, đáp ứng khẩn cấp, kết hợp những việc đó thực sự giúp mọi người an toàn trước các mối đe dọa trong tương lai.

Thái An - Đức Yên - Bạt Tuấn

Ảnh: Lê Anh Dũng

Thiết kế: Hoàng Cúc