GIĂNG LƯỚI, TÁT VÉT THU HOẠCH CÁ CHÉP ĐỎ CÚNG TÁO QUÂN

- Thực hiện: Nguyễn Huế -

Trước lễ tiễn Táo quân chầu trời từ 3 đến 4 ngày, người dân làng Thuỷ Trầm (Tuy Lộc, Cẩm Khê, Phú Thọ) bắt đầu xắn quần xuống ao quăng lưới, tát vét thu hoạch cá chép đỏ.

Nghề ươm nuôi cá chép đỏ ở làng Thủy Trầm bắt đầu từ những năm 1960. Cá chép tại đây có các ưu điểm về hình thức, màu đỏ rực rỡ như màu cờ, mắt xanh đen, khỏe mạnh, không có đốm trên thân. Người dân nơi đây nuôi cá chủ yếu chỉ để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của khách.

Ông Nguyễn Danh Đích, người có thâm niên hơn 30 năm trong nghề cho biết, giống cá chép đỏ này có nguồn gốc Nhật Bản, nuôi khá dễ. Người dân chỉ cần cho ăn mỗi ngày một lần bằng cám công nghiệp hoặc phụ phẩm nông nghiệp như rau già, bèo tấm. 

Ngay từ tháng 7 Âm lịch, các gia đình tại Thuỷ Trầm bắt đầu thả và nuôi cá chép đỏ. Họ chăm sóc sao cho đến khi thu hoạch cá có kích cỡ bằng khoảng 3 ngón tay là đạt yêu cầu.

Để chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch Tết, các bể xi măng được cọ rửa sạch, hệ thống sục khí oxy được kiểm tra kỹ nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất giúp cá không bị ngạt khí.

Ngay từ sáng sớm, bà con đã phải ra đồng kiểm tra ao. Để giữ cho cá không bị xát, nước được rút còn ngập gối, khi đó họ cầm tấm lưới lội xuống lớp bùn sâu ngang bắp đùi rồi vây bắt.

Thời điểm thích hợp nhất để thu bắt cá là từ 7-12h, bởi chúng cần được nghỉ trước khi chuyển vào bể. Các hộ gia đình cứ thế tất bật giúp nhau kéo lưới từ ao này qua ao khác.

Đánh bắt lên, cá được chuyển sang ao bên cạnh có quây lưới để không bị ngạt bùn.

Sau đó, cá được chuyển vào bể xi măng và phân loại theo kích thước để tiện cho thương lái thu mua, đóng gói.

Năm nay do thời tiết rét mướt cộng thêm mưa nhiều, sản lượng cá ở Thuỷ Trầm giảm so với năm trước. Ngoài ra nhiều ao còn có nhiều loài cá dữ, cá lớn, cá săn sắt lọt vào ăn cá chép con hoặc ăn hết thức ăn. Ước tính các hộ nông dân bị thiệt hại 30%.

Trong thời gian đó, bể được sục oxy và thay nước liên tục. Cá cũng không được cho ăn để đề phòng bị vỡ bụng khi vận chuyển.

Gia đình ông Nguyễn Xuân Học năm nay thu được gần 2 tấn cá chép đỏ. Giá bán tại bờ hiện tại là 100.000 đồng/kg, giá bán cho khách đến lấy buôn là 120.000 đồng/kg, tuỳ theo nhu cầu, sắp tới giá sẽ còn thay đổi. 

Không chỉ áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi cá, anh Hưng - con trai ông Nguyễn Xuân Học còn ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng thị trường tiêu thụ. 

Cá được phân phối đi các tỉnh lân cận như Tuyên Quang, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Yên Bái và nhiều địa phương khác trên cả nước. 

Để đảm bảo vận chuyển xa, xe tải được trang bị các bể chứa nhỏ và hệ thống sục oxy.

Ngay trong ngày 19 tháng Chạp, gia đình anh Hưng đã xuất 1 tấn cá cho khách ở thành phố Việt Trì (Phú Thọ).

Đến ngày 20 tháng Chạp, thương lái lại tấp nập tới Thủy Trầm để thu mua cá chép đỏ.

Làng Thủy Trầm, đang có hơn 240 hộ nuôi cá chép đỏ trên diện tích khoảng 25ha đất, cung cấp ra thị trường trên dưới 50 tấn cá mỗi năm.