Tuy nhiên đó là chuyện của nhiều năm trước. Giờ đây cuộc sống của người Đan Lai đang đổi thay nhờ các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người và các chính sách khác nhằm hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nói chung.

Đặc biệt, ngày 19/12/2006 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 280/2006/QĐ- TTg phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An” (gọi tắt là Đề án 280).

Theo đó, tộc người Đan Lai sẽ được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu phục vụ phát triển cộng đồng; hỗ trợ xây dựng nhà ở, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi; hỗ trợ khai hoang cải tạo đất sản xuất, giống, vật tư sản xuất; hỗ trợ về giáo dục, văn hóa, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tộc người Đan Lai.

Đề án như một cuộc "giải cứu" thực sự, khi đặt mục tiêu 146 gia đình người Đan Lai ở hai bản Búng và Cò Phạt được di dời ra khỏi rừng sâu. Ngoài ra, 30 hộ ở lại bản Cò Phạt được đầu tư hạ tầng điện, đường, trường, trạm… để làm điểm du lịch sinh thái.

Cùng với 20 hộ dân di dời trước đó, năm 2007, 42 hộ dân ở bản Khe Búng và Cò Phạt được tái định cư tại bản Thạch Sơn (xã Thạch Ngàn, Con Cuông). Năm 2017, 35 hộ người Đan Lai tiếp theo rời rừng sâu, ra quần tụ tại bản Bá Hạ (xã Thạch Ngàn).

Nhờ đó, cuộc sống của người Đan Lai ở các bản tái định cư đã dần ổn định. Nhiều mô hình kinh tế mới hình thành, trẻ con được đến trường. Những hủ tục lạc hậu như hôn nhân cận huyết, tảo hôn gần như được xóa bỏ. Nhiều người Đan Lai không chỉ đi ra khỏi rừng mà đã trở thành những công nhân, hội nhập với cuộc sống văn hóa mới.

Tại các điểm tái định cư, đồng bào Đan Lai được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố, khang trang, cấp đất sản xuất, con giống, phân bón, vật nuôi, nông cụ sản xuất. Sau khi các hộ dân ổn định cuộc sống nơi ở mới, Đảng ủy, chính quyền xã đã giao các đoàn thể phân công trách nhiệm, hướng dẫn cụ thể từng gia đình phương thức làm lúa nước, biết cách trồng trọt và chăn nuôi. Các cấp, ngành đã tổ chức nhiều lớp khuyến nông, khuyến lâm, kĩ thuật sản xuất chăn nuôi, đào tạo nghề tại các bản tái định cư để người dân được tham gia.

Từ cuộc sống hái lượm, sản xuất tự nhiên, người Đan Lai đã nắm được kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò, lợn nuôi. Người dân các điểm tái định cư và hộ còn ở vùng lõi Pù Mát đã biết sản xuất lúa nước tăng từ 1,5 - 3 tấn/ha. Nhiều hộ dân Đan Lai đã mua sắm máy cày đa chức năng để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tiếng máy làm đất rền vang giữa đại ngàn.Từ khai thác lâm sản theo tự nhiên, hiện nay đồng bào đã biết trồng rừng nguyên liệu, nhận khoán bảo vệ rừng, phát triển kinh tế vườn như trồng rau, cây ăn quả, cây lấy gỗ…

Tại các bản tái định cư, gần 20 người Đan Lai đã đi xuất khẩu lao động, khoảng 30 người đi làm công nhân ở các công ty ngoại tỉnh, nhiều hộ ở nhà biết đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Theo tiếu chí nghèo đa chiều, nhiều tiêu chí được cải thiện do các bản đã có điện, đường, nước sinh hoạt, sóng điện thoại, học sinh được đi học…

Lan Anh, Vũ Lụa, Thanh Sơn, Thục Anh, Lan Anh