Nhằm chi viện cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở đường vận chuyển chiến lược trên Biển Đông cùng với con đường vận tải dọc Trường Sơn.

Ngày 23/10/1961, Đoàn 759 – “Đoàn tàu không số” ra đời, đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân, Quân chủng Hải quân.  

Nếu đường Hồ Chí Minh vượt dãy núi Trường Sơn khó khăn, ác liệt bao nhiêu thì hải trình mà “Đoàn tàu không số” được ví như đường Hồ Chí Minh trên biển đi qua còn hiểm nguy, gian khổ gấp nhiều lần.

Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Đỗ Thanh Thuân (xóm 2 Vĩnh Hiệp, Hải Thanh, Hải Hậu, Nam Định), người chiến sĩ báo vụ viên của “Đoàn tàu không số” năm xưa cho biết: “Đó là những tháng năm gian khó nhưng không thể nào quên”.

Đã ngoài 80 tuổi nhưng ông Thuân vẫn minh mẫn lắm. Ông kể vanh vách về những tháng ngày lênh đênh trên những con tàu không số vượt trùng khơi, vượt những hiểm nguy của địch để đưa vũ khí, lương thực chi viện cho miền Nam.

Nhập ngũ tháng 4/1963, sau một thời gian huấn luyện, trải qua nhiều vị trí trong hải quân, năm 1966 ông Thuân trở thành báo vụ viên (trực tổng đài) tại một tiểu đội của Lữ đoàn 125.

“Sau đó, tôi được tuyển chọn tham gia “Đoàn tàu không số”. Tự hào lắm vì tàu thường có 18 đến 20 thủy thủ, tất cả đều là đảng viên. Trong đó có 3 cán bộ còn lại đều là những chiến sĩ trẻ. Một nửa trong đoàn là người miền Bắc, số còn lại từ các tỉnh miền Nam”, ông Thuân hào hứng kể lại.  

Khác với các chiến sĩ không quân, lục quân “tìm địch mà đánh”, nhiệm vụ của người chiến sĩ hải quân trên tàu không số ngày ấy là tìm cách tránh địch để bảo vệ hàng hóa.

Vì phải giữ bí mật, tuyệt đối không để địch phát hiện ra tuyến vận tải đặc biệt này, mỗi tàu đều được cài sẵn những khối lớn thuốc nổ ở mũi, thân và đuôi tàu với các loại kíp nổ tức thì được khởi động bằng tay và bằng điện. Các thủy thủ đoàn đều được đơn vị tổ chức “lễ truy điệu sống” trước khi khởi hành, phòng khi bị địch phát hiện, các chiến sĩ trên tàu sẽ tự kích nổ tàu để giữ bí mật.

Ông Thuân kể, thời đó, ai cũng sẵn sàng lên đường mà không hề nghĩ đến cái chết, tất cả đều chung một ý chí chống Mỹ, cứu nước, giải phóng dân tộc. Nhằm đối phó với quân đội Mỹ vẫn tuần tiễu trên vùng biển nước ta, những con tàu không số phải chọn thời tiết  xấu nhất để khởi hành.

“Chúng tôi giả dạng là tàu đánh cá, súng đạn được để ở dưới, trên phủ ngư cụ. Từ cột mốc số 0 (Đồ Sơn, Hải Phòng) đoàn tàu xuất phát và ra khơi cùng giờ với tàu cá. Sau đó, đi dọc theo hải phận quốc tế sát Philipines, Malaysia rồi mới vòng vào Cà Mau. Ra biển gió lớn, có những ngày không thể nấu ăn được, anh em chỉ ăn lương khô và uống nước”, ông Thuân nhớ lại.

Mỗi chuyến tàu nếu thuận lợi sẽ mất khoảng 1 tuần nhưng khi gặp sự cố thì có thể kéo dài 15 - 20 ngày.

“Khi tàu đến cửa sông, những túi hàng được bọc kín nilon từ trước sẽ được thủy thủ đoàn thả xuống, đánh dấu, chờ đêm hôm sau đơn vị khác ra vận chuyển vào đất liền.

Mọi việc phải diễn ra rất khẩn trương, khoảng 50 - 70 tấn hàng trên mỗi tàu phải được thả hết xuống sông trước 3h sáng.

Thế nhưng không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ. Có những chuyến tàu gặp đúng thời điểm địch tuần tiễu ác liệt ngoài cửa biển. Những con tàu không số lại phải chui vào sâu, neo đậu dưới những rừng đước, rừng tràm chờ địch rút quân mới ra.

Những chuyến đi như thế kéo dài hơn. Thậm chí có những chuyến tàu của đồng đội đã chìm lại vĩnh viễn giữa biển khơi”, ông Thuân ngậm ngùi.

Ông Thuân nhớ về tàu 235 do thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy mà ông được đồng hành. Năm 1968, để kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam, 4 con tàu 165, 56, 43 và 235 được điều động xuất phát. 

Tàu 235 bị địch theo dõi khi đang chuyển hướng vào bờ. Dù đã luồn qua đội hình phục kích của địch và nhanh chóng thả các bao hàng xuống biển nhưng tàu 235 vẫn bị địch phát hiện gần bờ. Khoảng 2h20 ngày 1/3/1968, 7 tàu chiến địch hình thành thế bao vây, thi nhau bắn vào tàu 235.

“Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh bị thương ở đầu nhưng vẫn bình tĩnh chỉ huy chiến đấu, anh hô lớn ‘Chúng ta sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng trên con tàu này’”, ông Thuân nhớ lại.

Ông Thuân kể tiếp, thời điểm đó không thể phá vòng vây dày đặc của địch, ta buộc phải hủy tàu. Để hỗ trợ cho anh em lên trước rút khỏi khu vực, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ đã kiên cường chiến đấu. Tàu có 20 người, 14 người hy sinh trong đó có thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh, 6 người còn lại đều bị thương.

Sau 4 năm gắn bó với “Đoàn tàu không số”, cùng tham gia 3 chuyến tàu vượt trùng khơi trở về, ông Thuân được cử đi học sĩ quan. Với ông Thuân đó là quãng thời gian ông cùng các đồng đội học được nhiều về sự mưu trí, lòng quả cảm, quyết tử cho đường Hồ Chí Minh trên biển. Những ngày tháng ấy sẽ mãi là hồi ức không thể nào quên của người cựu chiến binh.