- Đến mãi bây giờ khi tôi gặp ông, vẫn không thể nào tin được con người bằng xương bằng thịt ngồi trước mặt mình đã làm nên huyền thoại trên chuyến tàu đầu tiên của đoàn tàu không số xuyên biển Đông chi viện cho chiến trường miền Nam cách đây 50 năm.


Ký ức chuyến tàu đầu tiên

Trên chuyến tàu không số đầu tiên mở đường Hồ Chí Minh trên biển vào Nam ngày ấy chỉ có 6 người, bây giờ chỉ còn mỗi mình ông với bao hồi ức về những ngày tháng hào hùng khi nhớ lại.

Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng khi nhắc lại chuyến đi đầu tiên mở đường trên biển đưa vũ khi vào nam cách đây hơn 50 năm, cụ Huỳnh Ba, người con của vùng đất Duy Xuyên, Quảng Nam, hiện trú tại tổ 40, P. Hòa Hiệp Nam quận Liên Chiểu-Đà Nẵng, là một trong 6 thuyền viên đầu tiên trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển chở vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường Khu 5 vẫn nhớ như in. 

Vợ chồng ông Huỳnh Ba bên nhau trong tuổi già.


Trong ký ức tuổi tác người già, nhiều chuyện của cuộc đời lắm chông gai đắng cay ông có thể quên. Nhưng chuyện mở đường trên biển đưa vũ khí vào miền nam thì ông không thể nào quên được.

Ông là nhân chứng sống duy nhất của chuyến tàu đầu tiên mở đường trên biển: “Tui tham gia cách mạng năm 20 tuổi, hồi đó tui là chiến sĩ Tiểu đoàn 248 Liên khu 5 trong kháng chiến chống Pháp. Sau Hiệp định Genève, tui được tổ chức phân công ở lại hoạt động tại Quảng Nam-Đà Nẵng, đến tháng 9-1959 thì được điều ra Bắc nhận nhiệm vụ mới...” ông Ba kể.

Nhiệm vụ mới mà ông và hơn 100 đồng chí khác từ miền Nam tập kết ra bắc đảm nhận vô cùng đặc biệt, yêu cầu phải bí mật, dù có chết cũng chấp nhận. Đó là tiểu đoàn với phiên hiệu: 603. Mà tên gọi công khai là "Tập đoàn đánh cá sông Gianh", đóng quân ở Bố Trạch, Quảng Bình.

Những ngày đó ông đã hoá thân thành những ngư dân và cùng đơn vị khẩn trương đóng thuyền đánh cá hai đáy và tìm mua các ngư lưới cụ để thực hiện nhiệm vụ tuyệt mật: Mở đường trên biển đưa vũ khí tiếp viện cho chiến trường miền nam.

Để thực hiện nhiệm vụ, từ đầu tháng 5-1959, Ban chỉ huy Tiểu đoàn đã cử một bộ phận thông tin, do đồng chí Nguyễn Nam phụ trách, theo đường bộ vào Khu 5 xây dựng hệ thống thông tin liên lạc.

Đến tháng 10-1959, đồng chí Nam từ đèo Hải Vân báo ra cho biết, đã xác định bến đổ đầu tiên trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển là bến Hố Chuối, dưới chân đèo Hải Vân.

Nhiều đội thuyền cùng háo hức xin đi chuyến đầu tiên, nhưng cuối cùng lãnh đạo tiểu đoàn quyết định chọn 6 người quê Quảng Nam thực hiện chuyến đi đầu tiên này vì thông thuộc địa hình.

“Trong chuyến đi đầu tiên đó tui được phân công làm chính trị viên, ông Nguyễn Bất (quê Duy Xuyên) làm thuyền trưởng, Trần Mức (quê ở Quảng Ngãi) thuyền phó; Nguyễn Sanh (Tam Kỳ), Huỳnh Sơn (Thăng Bình) và Nguyễn Ngữ (Duy Xuyên) là thuyền viên. Dưới hình thức là thành viên của “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”, và tui được giao làm chủ tàu....” Ông Ba nhớ lại.
Ông Huỳnh Ba và Trung tướng Nguyễn Chơn (Ảnh tư liệu).

Tối 27-1-1960, tức đêm 30 Tết Canh Tý, chuyến tàu đầu tiên trên đường Hồ Chí Minh trên biển lặng lẽ rời cửa sông Gianh nhằm hướng nam thẳng tiến mang theo 5 tấn vũ khí cùng thuốc men chi viện cho chiến trường Khu V.

Chuyến tàu đầu tiên và người duy nhất còn sống

Chuyến đi đầu tiên trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển mà ông Ba là người chịu trách nhiệm có thể được xem là chuyến đi sinh tử.

Ông Ba nhớ lại: Đêm đầu tiên sóng yên, tàu đi đúng hướng. Nhưng đến ngày hôm sau, biển động dữ dội, tàu công suất nhỏ nên bị sóng đánh tơi bời, cứ thế trôi dạt về phía nam và làm gãy mất tay lái. Tay lái phụ được thay, nhưng đến đêm thứ 3 sóng biển quật tơi bời và tay lái duy nhất cuối cùng cũng bị gãy. Tàu mất phương hướng cứ thế trôi dạt trên biển.

Đến gần sáng ngày 30-1-1960 (tức mồng 3 Tết Canh Tý), anh em trên tàu phát hiện tàu đang trôi vào 1 hòn đảo. Quan sát mới phát hiện đó là đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và trên đảo có nhiều lính chế độ cũ đồn trú đi lại.
Ông Huỳnh Ba tại cuộc gặp mặt cựu chiến binh đoàn tàu không số tại Đà Nẵng vừa qua.

Không thể đưa tàu ra lại hải phận quốc tế, cả tàu họp khẩn cấp và quyết định thả hàng xuống biển và thống nhất lời khai khi bị địch bắt giữ.

Đúng như nhận định, sau khi thả hàng xong, lính đồn trú trên đảo lập tức phát hiện tàu nên tổ chức vây bắt đưa lên đảo. “Lúc bị bắt bọn địch trên đảo đánh đập anh em tụi tui tàn nhẫn. Nhưng tất cả đều khai nhận là ngư dân làm giã cào, ra biển gặp sóng to gió lớn, thuyền bị gãy lái, trôi dạt vào đây...”.

Không khai thác được gì thêm, bọn địch đưa cả 6 thuyền viên về đất liền giam cầm tại Quảng Ngãi, sau đó đày ra Côn đảo. Mãi đến năm 1974 mới được trả tự do.

“Ra tù, tui về Đà Nẵng, lại bị địch bắt giam lại ở lao xá Hội An và tiếp tục bị chúng hành hạ, tra khảo hơn một tháng trời. ..” Ông Ba nhớ lại.

“Trong chuyến tàu đầu tiên có 6 anh em, bây giờ chỉ còn mỗi mình tui, anh em lần lượt ra đi hết rồi...” Ông Ba kể trong nước mắt nhớ thương đồng đội.

Trong chuyến đi sinh tử đầu tiên ấy dẫu không thành công, toàn bộ 5 tấn vũ khí cùng thuốc men nằm sâu dưới vùng biển Lý Sơn.

Cùng thời điểm chuyến tàu không số đầu tiên khởi hành, Tỉnh ủy Quảng Nam nhận được mật báo: chờ đón hàng ở Hồ Chuối, chân đèo Hải Vân.

Tỉnh uỷ Quảng Nam cử ông Nguyễn Chơn, phụ trách quân sự tỉnh đi đón tàu. Ông Chơn nhớ lại: Khi nhận được mật báo, ông cùng lực lượng cắt rừng về Hố Chuối dưới chân đèo Hải Vân đón hàng.

Cả đoàn ông nằm ở Hồ Chuối chờ 2 đêm liền vẫn không thấy tín hiệu, chờ một tuần cũng không thấy, một tháng vẫn bặt tăm, đành quay về. Ông đâu hay rằng các chiến sĩ trên tàu đều đã bị giặc bắt.

Hơn nữa thế kỷ trôi qua, nhớ lại chuyến tàu đầu tiên mà ông Ba đảm nhận với bao hồi ức của một người lính cảm tử trên chuyến tàu không số đầu tiên. Những gì được mất đối với lão kình ngư Huỳnh Ba vẫn bình dị giữa đời thường, như ngôi nhà ông vẫn đang tồn tại mà đồng đội xây tặng giữa gió, cát và sóng biển rì rầm ngày đêm như mời gọi ông hãy một lần trở lại với biển để nhớ về những tháng ngày hào hùng làm nên con đường huyền thoại trên biển Đông...

  • Vũ Trung