KINH DOANH THỜI TRANG KIỂU 'OFFLINE' ĐANG THOI THÓP

Thời kỳ thương mại điện tử, mua sắm online bùng nổ, nhiều cửa hàng kinh doanh thời trang kiểu truyền thống phải đối mặt với giá cả cạnh tranh gay gắt. Giá thuê mặt bằng cả chục triệu mỗi tháng, trong khi lượng khách vãng lai giảm sút... đang trở thành bài toán khó cho các tiểu thương.

10h sáng chủ nhật, chị Như Ngọc bế thêm cậu con trai ra cửa hàng bán quần áo của mình để gói đơn cho khách. Đây là một trong những cuối tuần hiếm hoi người phụ nữ này đi làm. Nghe chừng khó hiểu vì đóng cửa cuối tuần khách cũng không hay biết. Đã 2-3 năm trở lại đây, lượng người tới mua hàng trực tiếp giảm sút, mô hình kinh doanh của chị chuyển sang online là chủ yếu. Một phần vì có con nhỏ nên chị sẽ đóng cửa ở nhà vào mỗi cuối tuần. Thỉnh thoảng nhiều đơn dồn lại nữ tiểu thương mới ra cửa hàng làm công việc gói ghém.

Sau rất nhiều lần chuyển mặt bằng, đây đã là nơi thứ 6 chị Ngọc thay đổi cửa hàng. Từ kinh doanh mô hình nhỏ đến ra ngoài phố lớn, phần kinh phí chi trả cho mặt bằng từ 10 triệu đồng/tháng nằm ngoài mặt đường Khương Thượng (quận Đống Đa) được chị cho rút lại chỉ thuê loại cửa hàng có giá 4 triệu đồng/tháng nằm sâu trong ngõ nhỏ.

Thời điểm thay đổi vị trí cửa hàng đã khoảng 3 năm. Chị Ngọc kể lại, khi dịch Covid-19 diễn ra, tình hình kinh tế khó khăn và khách hàng hạn chế ra ngoài, thương mại điện tử bắt đầu lên ngôi. "Trước kia shop quần áo của tôi nằm ngay cạnh các trường đại học, khách vãng lai, khách mua hàng trực tiếp đông đúc. Khi ấy cửa hàng luôn có 2 nhân viên túc trực làm việc. Lượng đơn hàng bán online chỉ chiếm 15%. Giờ thì khác, nhân viên đã nghỉ hết, khách cũng chuyển qua mua hàng online là chính nên cửa hàng chỉ còn mình tôi làm việc", chị nói.

Chị Ngọc cũng cho biết thêm, 80% doanh thu hiện tại đến từ việc bán online. Tuy nhiên, để đẩy sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, chị phải chịu phí 12% cho mỗi loại. Việc miễn phí vận chuyển, áp dụng mã khuyến mại giúp khách hàng được lợi vì mua online sẽ rẻ hơn so với trực tiếp mua ở cửa hàng. Trong khi đó, các shop quần áo nếu mẫu mã trùng nhau sẽ phải cạnh tranh từng nghìn đồng. "Sau khi xem sản phẩm qua điện thoại, một số khách hàng vẫn cẩn thận đến tiệm để thử đồ. Nhưng họ sẽ mặc cả để mua với giá giống trên sàn thương mại sau khi áp giá. Tôi đành phải chấp nhận", chị phân trần.

Khách mua trực tiếp ít, khách vãng lai dường như không còn. Công việc một ngày của chị bắt đầu từ 10h sáng đến 16h30 chiều, chủ yếu là tới gói ghém, gửi hàng, trực fanpage. Với tình hình kinh doanh như hiện tại, chị Ngọc tính đến chừng cuối năm sẽ trả lại mặt bằng rồi dọn toàn bộ hàng hóa về nhà. "Dù sao đơn hàng online là chính, tôi sẽ không phải di chuyển gần 20km mỗi ngày để đến nơi làm việc, cũng đỡ một khoản chi phí cho mặt bằng", chị nói.

Phố thời trang sale quanh năm vẫn vắng lặng

Sáng cuối tuần, các phố chuyên kinh doanh thời trang ở Hà Nội như Chùa Bộc, Đặng Văn Ngữ, Cầu Giấy... đều trong cảnh vắng vẻ. Dù không phải dịp lễ, tết, những biển quảng cáo giảm sâu, đồng giá vẫn được treo nhan nhản.

Ghi nhận, lượng khách ra vào mỗi cửa hàng từ sáng tới chiều lác đác, thậm chí không có. Tầng một vắng khách, tầng hai của nhiều cửa hàng trên thực tế cũng tắt đèn.

Những con phố kể trên đều là nơi kinh doanh thời trang bán lẻ bậc nhất Hà Nội khi quanh các trục đường chính của quận trung tâm và các trường đại học. Thời kỳ hoàng kim, nơi này nhộn nhịp người ra vào mua sắm, bất kể ngày nào trong tuần. Giá thuê mặt bằng của những con phố này luôn ở mức ngất ngưởng. Một chủ cửa hàng thời trang trên phố Chùa Bộc chia sẻ, anh thuê mặt bằng có diện tích sử dụng 90m2, mặt tiền 9m với giá 145 triệu đồng/tháng.

Còn với phố Cầu Giấy, qua lời giới thiệu của các môi giới bất động sản, dù đã được giảm giá do tình hình kinh tế khó khăn, các mặt bằng được trả lại vẫn rất nhiều nên tùy nhu cầu khách tha hồ lựa chọn, từ 30 đến hơn 100 triệu đồng, tùy vị trí và diện tích sử dụng.

Những ngày cuối tuần hiện nay, nhân viên trực các tiệm thời trang khá nhàn việc khi lượng khách đến mua ít ỏi. Để duy trì doanh số bán hàng, các shop thời trang đều sử dụng sàn thương mại hoặc hoạt động tư vấn khách hàng, chạy quảng cáo mạnh mẽ qua các nền tảng. Nhân viên một cửa hàng bán giày dép cho biết, khách hàng có thể kiểm tra size của sản phẩm qua web hoặc yêu cầu shop chụp cho xem bằng điện thoại thực tế. Thậm chí cửa hàng cho phép đổi hàng trong 24 giờ nếu nhận hàng không ưng ý hoặc lên chân không vừa. Những ưu ái trên giúp người mua luôn yên tâm trong việc đặt hàng từ xa.

Nhân ngày cuối tuần, Thúy Hiền cùng bạn đi cà phê và dạo phố mua sắm. Hiền cho biết, vì tiện đi chơi nên mới đến các cửa hàng xem quần áo, còn thông thường cô đặt mua online là chính. "Nhu cầu mua sắm của mình khá cao, tháng nào nhận lương cũng sẽ mua vài món đồ. Việc đặt mua qua mạng giá rẻ hơn, được giao tận nhà. Chỉ có bất cập là xem hình mẫu mặc đẹp chưa chắc đã phù hợp với mình nên có những món đồ nhận về tay lại cất ngay vào tủ không dùng đến", nữ khách hàng này nói. Tuy nhiên, vì thuận tiện và được áp dụng nhiều mã khuyến mại nên cô vẫn chọn hình thức mua sắm từ xa.

Hiền còn chia sẻ thêm một vài tips khi mua hàng online. Cô tìm xem các video về sản phẩm hoặc đọc feedback, ảnh mặc lên dáng từ những khách hàng đã mua trước rồi mới cân nhắc lựa chọn.

Trung tâm thương mại yên ắng, nhiều thương hiệu trả mặt bằng

Những trung tâm thương mại (TTTM) nằm ngay mặt phố lớn thuộc quận trung tâm cũng trong cảnh đìu hiu tương tự. Thời trang luôn là mặt hàng được xếp ở các tầng trung tâm trong tòa nhà, thường từ tầng 1 đến tầng 3 để thu hút khách mua sắm. Phía trên là các hàng ăn, khu vui chơi cho các gia đình, cặp đôi. 

Buổi trưa và chiều chủ nhật, ngày 14/4, một TTTM nằm trên phố Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) vắng vẻ. Khách hàng tập trung đông ở các tầng có dịch vụ ăn uống, vui chơi. Không phải dịp lễ, Tết, hiếm có hình ảnh các thương hiệu ở đây treo biển sale hàng. Thương hiệu thời trang cao cấp vốn không phải mặt hàng dễ bắt khách, những gian hàng ở đây thường chỉ nhộn nhịp vào các dịp giảm giá lớn. Mặt khác, với những mẫu mã ít khi lỗi thời, khách hàng thường có nhu cầu chờ sale nên những ngày thường lại càng vắng người lui đến.

Tại một TTTM nằm trên trục đường Nguyễn Chí Thanh, tầng 1, 2, 3 được dùng cho các thương hiệu thời trang bày bán sản phẩm. Thực tế ghi nhận, hàng loạt gian hàng ở đây quây kín, khóa trái, niêm phong. Trước cửa các gian hàng đã trả lại có dán giấy thu hồi từ thời điểm tháng 11/2023. Một nhân viên còn làm việc tại đây chia sẻ những cửa hàng quây kín này hoặc trả lại mặt bằng hoặc đang đóng cửa sửa chữa làm lại lay-out khiến khung cảnh ở đây vắng vẻ. Đối với những cửa hàng chấm dứt hợp đồng thuê, trước khi rời đi đều áp dụng giảm giá sâu để đẩy sản phẩm.

Khu vực nhộn nhịp nhất của TTTM này là siêu thị dưới tầng hầm và khu vực vui chơi giải trí, văn phòng từ tầng 4 trở lên.

Chợ truyền thống tuy lạc hậu nhưng dễ 'cầm hơi'

Một chiều cuối tuần tại chợ Hôm (quận Hoàn Kiếm), khách hàng vẫn ra vào đều đặn dù không mấy sôi động. Bà Nguyễn Thị Nga - tiểu thương kinh doanh vải tại khu chợ này, cho biết, tình hình buôn bán tại chợ những năm gần đây cũng giảm sút mạnh, đặc biệt khi thương mại điện tử bùng nổ. "Giờ mặt hàng nào cũng dễ tìm mua trên điện thoại, từ thực phẩm, hàng điện tử, quần áo... Tiểu thương trong chợ Hôm chủ yếu người lớn tuổi, ít tiếp cận với buôn bán online nên chấp nhận việc buôn bán không còn sôi động", bà Nga tâm sự. Bà nhận xét, ảnh hưởng lớn nhất là các sạp quần áo tại chợ, khi mẫu mã không còn mới và giá cả khó cạnh tranh. 

Về mặt hàng vải vóc thì có tính ổn định hơn khi từ xưa tới nay chủ yếu bán cho khách quen hoặc khách hàng thường có tâm lý tới tận nơi để sờ chất liệu, màu sắc. Sức mua giảm chủ yếu do kinh tế thị trường đi xuống nói chung khiến người dân chuyển sang hướng tiết kiệm. Còn xét về tính lâu dài, bà Nga không lo ngại bởi nhu cầu may mặc sẽ phục hồi và hiện xu hướng thời trang thiết kế ngày một phát triển.

Chi phí cố định bà Nga phải trả cho ki-ot ở chợ của mình hết khoảng 2 triệu đồng/tháng bao gồm: giá thuê, thuế, điện nước... Bà khẳng định: "Kinh doanh trong chợ truyền thống sức mua có thể giảm nhưng cũng không lo bị tiền mặt bằng đè bẹp. Lối kinh doanh cũ có thể lạc hậu nhưng nhìn chung tôi thấy vẫn dễ cầm hơi".

Thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh dù ở giai đoạn đầu. Khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 cho thấy, có tới 65% thuộc 7.000 doanh nghiệp của hiệp hội triển khai hoạt động kinh doanh trên các trang mạng xã hội mang lại hiệu quả cao. Ngay cả trong những năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức hai con số, vào khoảng 15% cho mỗi năm. 

Đứng trước thời kỳ việc mua sắm chuyển qua những cú kích chuột dễ dàng, các thương hiệu thời trang bán lẻ đối mặt với bài toán khó khăn về việc nắm bắt xu hướng, nhanh chóng chuyển mình để theo kịp thị trường và không bị mối lo mặt bằng đè bẹp.