Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng xác định mục tiêu đưa nước ta trở thành một quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu đó, một trong những động lực tiên quyết được Đại hội xác định là phải khơi dậy được khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. 

Đại hội Đảng lần thứ 13 cũng đã khẳng định động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là: khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực...

Chúng ta phải làm gì để đánh thức, khơi dậy và phát huy hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc trong thời kỳ mới? 

Xung quanh những vấn đề này, Báo VietnamNet tổ chức tọa đàm “Khát vọng quốc gia phát triển vào năm 2045” với 2 khách mời: 

-         Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

-         Tiến sĩ Hoàng Huệ Anh, Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Mời độc giả theo dõi video buổi Tọa đàm:

Vai trò của khát vọng với sự phát triển mỗi quốc gia

Nhà báo Diệu Thúy: Thưa các khách mời, trong quá trình tiến đến thịnh vượng của mỗi quốc gia không thể thiếu động lực là khát vọng phát triển. Vậy khát vọng là gì và nó có vai trò ra sao với sự phát triển của mỗi quốc gia?

TS Nguyễn Văn Đáng: Đối với một cá nhân, một cộng đồng hay một quốc gia dân tộc, quá trình phát triển đều không thể thiếu yếu tố gọi là khát vọng. Khát vọng có thể hiểu một cách đơn giản đó là những nhu cầu, mong đợi, lợi ích của cá nhân hay một tập thể, cộng đồng nào đó và những điều tốt đẹp, tích cực mà họ muốn đạt được. 

Thí dụ chúng ta hay nói về khát vọng thịnh vượng hay là khát vọng độc lập, tự do. Đấy là những giá trị mang tính phổ quát mà mọi thành viên trong cộng đồng có thể hướng đến, và khát khao muốn đạt được. Khát vọng đó mang tính tinh thần, có khả năng tập hợp lực lượng, kết nối được mọi cá nhân lại với nhau để hướng đến hiện thực hóa, trên thực tế là để đem lại sự thụ hưởng cho từng thành viên trong cộng đồng cụ thể nào đó. 

Với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hay Trung Quốc, tính trong giai đoạn phát triển từ khoảng giữa thế kỷ 19 cho đến nay, chúng ta thấy yếu tố khát vọng luôn giữ vai trò nổi bật. Ví dụ nước Nhật từ khoảng nửa sau thế kỉ 19, trước mối đe dọa từ các nước phương Tây thì họ đã có khát vọng hùng cường. Họ phải thích ứng và làm sao đó để tránh được họa xâm thực của chủ nghĩa thực dân phương Tây. 

Và chính từ đó khiến các nhà tư tưởng của Nhật Bản đã đề ra các tư tưởng, tạo sự tác động và khuyến khích, truyền cảm hứng cho mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội để họ có thể thay đổi và thích ứng, đưa đất nước thực hiện cải cách để tiến lên con đường hùng cường, để có thể cạnh tranh được với các nước phương Tây và tránh được họa thực dân xâm lược. 

Hay là các nước nhỏ như Singapore khoảng từ những năm 1960. Thời kỳ đó các nhà lãnh đạo Singapore điển hình nhất là ông Lý Quang Diệu có khát vọng đưa đảo quốc này trở thành quốc gia hạng nhất, công dân Singapore trở thành công dân của quốc gia phát triển nhất. Sau hơn 30 năm Singapore đã hiện thực hóa được khát vọng này. 

Gần đây hơn nữa thì là Trung Quốc. Từ cuối những năm 1970 đến những năm 1980 họ có khát vọng đưa Trung Quốc trở lại vị trí là trung tâm trong trật tự thế giới và có thể sánh vai, cạnh tranh sòng phẳng với các nước nhất là phương Tây và Mỹ. Sau khoảng hơn 40 năm tiến hành đổi mới đến nay Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới với những sức mạnh trên nhiều phương diện chứ không chỉ là sự giàu có về kinh tế. 

Tóm lại trên bình diện thế giới, sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào không thể thiếu yếu tố khát vọng. Khát vọng về bản chất nó là sự phản ánh các giá trị mà mọi thành viên trong một cộng đồng đều hướng đến, đều khát khao đều mong muốn đạt được. Thế nên nó có tác động động truyền cảm hứng, kích thích và kết nối con người để tạo ra sức mạnh tập thể hiện thực hóa khát vọng. 

Từ trái qua phải: Nhà báo Diệu Thúy, TS Nguyễn Văn Đáng, TS Hoàng Huệ Anh

TS Hoàng Huệ Anh: Tôi xin bổ sung thêm một số nội dung liên quan đến khát vọng quốc gia với trường hợp Trung Quốc. Trung Quốc hiện tại, từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền đã đưa ra định nghĩa “giấc mộng Trung Hoa” và kiên trì với định hướng đưa nước này trở lại vị trí từng có trong lịch sử. “Giấc mộng Trung Hoa” lấy động lực rất rõ là từ cảm hứng lịch sử, từ sự tự hào về nền văn minh Trung Hoa mà họ đã từng có trong lịch sử. 

Tôi nhớ có nhà nghiên cứu từng nói, nếu như 30 năm trước mà tiên đoán Trung Quốc chỉ trong vòng nửa thế kỷ có thể trở thành quốc gia đứng đầu thế giới thì bạn sẽ bị coi như kẻ điên khùng. Nhưng nếu quay lại với năm 1420 khi đó mà bạn dự đoán rằng trong vòng 500 năm nữa nước Anh sẽ có thu nhập trung bình gấp 9 lần Trung Quốc thì bạn sẽ bị coi như kẻ mất trí. 

Qua nhận định đó chúng ta thấy rằng Trung Quốc đã từng là nền văn minh rất thịnh vượng và chưa từng bị đứt đoạn. Và niềm khát khao của người Trung Quốc là khôi phục lại vị thế, ánh hào quang họ từng có trong lịch sử. Đây chính là nội hàm quan trọng nhất của khái niệm “giấc mộng Trung Hoa”. Và vì thế nó đã thôi thúc niềm tự hào cũng như là động lực mạnh mẽ của người Trung Quốc, để hơn 1 tỷ người dân đều có một mục tiêu thống nhất là khôi phục lại hào quang từng có trong lịch sử. Nó tạo nên khát vọng lớn lao và mục đích chung cùng sức truyền cảm hứng, lôi cuốn rất mạnh mẽ đối với Trung Quốc hiện tại.

Giá trị của hệ tư tưởng truyền cảm hứng 

Lịch sử cho thấy việc khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng phát triển ở mỗi quốc gia không thể thiếu đi sự dẫn dắt của các tư tưởng truyền cảm hứng. TS Nguyễn Văn Đáng nghĩ như thế nào về vấn đề này?

TS Nguyễn Văn Đáng: Chúng ta nói về khát vọng với tư cách là những nhu cầu, lợi ích, mong muốn mà người dân của một quốc gia nào đó muốn hướng đến và đạt được. Khát vọng cụ thể ấy là một tập hợp các hệ giá trị mang tính tư tưởng truyền cảm hứng. 

Ví dụ nước Nhật nửa sau thế kỉ 19. Lúc đó trước cái họa xâm thực của chủ nghĩa thực dân phương Tây, họ đương nhiên có khát vọng cải cách. Cải cách đất nước để chấn hưng trước nguy cơ tụt hậu so với sự phát triển của thế giới phương Tây. Muốn quan hệ hợp tác bình đẳng được với phương Tây thì họ phải chấn hưng đất nước. 

Đây là căn nguyên dẫn đến những tư tưởng để cải cách Nhật Bản và chúng ta đã chứng kiến lịch sử quốc gia này với cuộc cải cách chính trị đem đến sự đột phá, đưa Nhật Bản trở thành một đất nước hùng cường. 

Hay là Singapore những năm 60 với áp lực từ các nước lân bang. Singapore có thể tồn tại và có được vị trí, vai trò trong khu vực cũng trên thế giới thì họ buộc phải vươn lên với khát vọng xây dựng đất nước trở thành một đảo quốc thịnh vượng. Khát vọng đó rất rõ và để có thể tồn tại, độc lập trước các sức ép từ bên ngoài, tạo dựng lòng tin với người dân thì rõ ràng lực lượng lãnh đạo phải truyền cảm hứng về sự phát triển cho cộng đồng người dân. 

Chúng ta thấy trong lịch sử các nước từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hay Trung Quốc thì rõ ràng sự đi lên của họ không thể thiếu yếu tố khát vọng. Khát vọng chính là phản ánh một tập hợp những giá trị mang tính tư tưởng, có khả năng truyền cảm hứng, thu hút được sự ủng hộ của mọi lực lượng xã hội. Và từ tập hợp lực lượng đấy sẽ huy động được mọi nguồn lực trong xã hội để cùng nhau trong một nỗ lực tập thể là hiện thực hóa khát vọng cụ thể nào đó. 

Ví dụ Nhật Bản thì là khát vọng cải cách để chấn hưng đất nước. Hay là Singapore là khát vọng độc lập và hùng cường. Trung Quốc là khát vọng trở lại cho vũ đài thế giới để có thể cạnh tranh sòng phẳng và bình đẳng với các nước lớn trên thế giới…

Tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của tư tưởng. Chúng ta muốn hướng đến một quốc gia hùng cường thì trước hết phải có một hệ tư tưởng dẫn dắt đến sự hùng cường đó, tôi tạm gọi là tư tưởng hùng cường để truyền cảm hứng để mọi người, mọi tầng lớp, giai cấp, mọi lực lượng trong xã hội cùng chung hướng nhìn. 

Giá trị tư tưởng ấy như một ngọn cờ mà mọi người cùng hướng về, truyền cảm hứng cho họ, tập hợp được sự ủng hộ, kết nối được sức mạnh của từng cá nhân, từng giai cấp, tầng lớp, huy động được mọi nguồn lực trong xã hội và từ đó sẽ cùng nhau hiện thực hóa. 

Có thể nói con đường thịnh vượng và phát triển của một quốc gia không thể thiếu yếu tố tư tưởng hùng cường và khát vọng hùng cường.

TS Hoàng Huệ Anh

TS Hoàng Huệ Anh: Nhiều người hỏi tôi vì sao Trung Quốc có thể phát triển một cách thần kỳ như vậy trong vòng 40 năm qua? Tôi đã chia sẻ một nguyên nhân vô cùng quan trọng, đấy là họ có sự dẫn đường của lý thuyết, dẫn đường của một hệ tư tưởng. Ban đầu, khi chủ nghĩa Mác-Lênin du nhập ở Trung Quốc thì tư tưởng của chủ nghĩa Mác luôn mang ý nghĩa là dẫn đường và định hướng cho sự phát triển Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, chúng ta còn thấy rất nhiều tư tưởng khác như tư tưởng Mao Trạch Đông, tư tưởng lý luận Đặng Tiểu Bình và hiện nay là tư tưởng Tập Cận Bình với tên gọi đầy đủ là tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới. 

Trở lại với tư tưởng của Mao Trạch Đông, ông xác định rất rõ mâu thuẫn thời đại là giai cấp và khi đó tư tưởng định hình, định hướng cho xu hướng của xã hội là tập trung vào quá trình đấu tranh giai cấp. 

Nhưng đến thời đại lý luận Đặng Tiểu Bình ra đời thì tập trung vào việc giải quyết mâu thuẫn giữa cái gọi là nhu cầu vật chất ngày càng cao của người dân với sức sản xuất lạc hậu. Trung Quốc phải giải quyết các vấn đề căn bản là phát triển kinh tế. Tức là họ sẽ đưa ra một số khái niệm dẫn dắt quá trình phát triển kinh tế như mèo trắng mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột hoặc “để một bộ phận người giàu lên trước”…

Chính những nền tảng lý thuyết đó tạo cơ sở để Trung Quốc có thể phát triển kinh tế, mở ra cuộc cải cách và mở cửa. 

Hiện nay, Chủ tịch Tập Cận Bình xác định Trung Quốc bước vào thời đại mới. Và mâu thuẫn chủ yếu mà Trung Quốc phải giải quyết bây giờ là mâu thuẫn giữa nhu cầu sống tốt đẹp của người dân với sự phát triển không cân bằng, không đầy đủ. Nói một cách ngắn gọn có nghĩa là sự bất hợp lý trong phân phối. 

Vì vậy tư tưởng của ông Tập Cận Bình là phải giải quyết vấn đề này cũng như hàng loạt thách thức khác phát sinh sau 40 năm qua. Với tư tưởng của ông Tập Cận Bình người ta thấy nội hàm phong phú hơn và đa dạng, rộng lớn hơn chứ không chỉ tập trung vào vấn đề kinh tế như là lý luận Đặng Tiểu Bình. 

Tôi cũng muốn nhấn mạnh đến một nội dung mà Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa mới kết thúc. Đó là tư tưởng Tập Cận Bình thể hiện một thành quả mới nhất của quá trình Trung Quốc hóa Chủ nghĩa Mác và thời đại hóa Chủ nghĩa Mác, nó phù hợp với tình hình Trung Quốc, phát sinh từ bối cảnh Trung Quốc và giải quyết những vấn đề thời đại mà Trung Quốc hiện đang gặp phải. 

Một lần nữa chúng tôi muốn nhấn mạnh về sự dẫn dắt và định hình cũng như giá trị của hệ tư tưởng truyền cảm hứng đối với quá trình phát triển của quốc gia. 

TS Nguyễn Văn Đáng: Trong trường hợp Trung Quốc, ta thấy rất rõ là đầu thế kỷ 20 thời Mao Trạch Đông thì tư tưởng nổi bật nhất là đấu tranh giai cấp và tư tưởng giành độc lập dân tộc. Bởi vì thời kỳ đó Trung Quốc bị thống trị bởi ngoại xâm, ngoại bang, nên khát vọng về độc lập dân tộc của họ rất rõ. Sau đó là giành được độc lập rồi từ những năm 1949 đến những năm 1980 Trung Quốc trải qua nhiều biến động. 

Đến cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, khát vọng của người dân Trung Quốc khi đó dưới sự lãnh đạo của ông Đặng Tiểu Bình là trở thành một quốc gia thịnh vượng. Và họ đã tiến hành đổi mới và đưa Trung Quốc vươn vai trỗi dậy và trở thành quyền lực kinh tế lớn trên thế giới. 

Đến những năm đầu thế kỷ 21 họ lại có khát vọng mới. Đó là Trung Quốc không chỉ là trở thành quốc gia thịnh vượng mà cần đóng vai trò lớn hơn nữa trên cái bàn cờ chính trị thế giới, muốn giữ vai trò chủ chốt nhiều hơn nữa trong việc giải quyết vấn đề mang tính toàn cầu. Khát vọng này gắn với khái niệm gọi là giấc mơ Trung Hoa.

Nghĩa là, tư tưởng luôn luôn gắn với sự phát triển của một quốc gia, sự phát triển quốc gia không thể thiếu tư tưởng dẫn dắt. Tư tưởng ấy muốn truyền cảm hứng, có thể dẫn dắt được cả một dân tộc thì phải luôn luôn được bồi đắp, bổ sung để gắn với đặc điểm của thời đại cũng như nhu cầu mới, khát vọng mới của người dân ở từng thời kỳ khác nhau.

TS Nguyễn Văn Đáng

Hiện thực hóa khát vọng quốc gia phát triển

Và theo thời kỳ lịch sử, chúng ta đã có những khát vọng gì, thưa TS Nguyễn Văn Đáng?

TS Nguyễn Văn Đáng: Đất nước chúng ta có một lịch sử lâu dài và rõ ràng sự phát triển đến ngày nay không thể không nói đến vai trò của những khát vọng. Khát vọng lớn nhất của cha ông ta chính là khát vọng quốc gia độc lập, thể hiện qua quyết tâm xây dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc trước những mối đe dọa đến từ bên ngoài. 

Tính đến hết thế kỷ 19, khát vọng lớn nhất của người dân Việt Nam là trở thành quốc gia độc lập. Sang đến thế kỷ 20, vẫn là khát vọng độc lập. Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước và ngọn cờ Bác nêu cao chính là giành lại độc lập cho dân tộc và tự do cho nhân dân. 

Sau năm 1945 thì chúng ta có khát vọng thống nhất đất nước và sau năm 1986 là khát vọng đổi mới để đưa đất nước ra khỏi khó khăn thời kỳ hậu chiến. Đến Đại hội 13 của Đảng vừa rồi là khát vọng đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển thu nhập cao vào năm 2045. Tôi nghĩ rằng khó có ai không đồng ý với khát vọng ấy vì đó là khát vọng mang tính tập thể. 

TS Hoàng Huệ Anh: Khát vọng khác với mơ mộng viển vông ở chỗ nó phải đưa ra được những mục tiêu và lộ trình cụ thể, đồng thời tạo động lực để kiên trì hiện thực hóa được những mục tiêu khát vọng đặt ra. Giống như một cá nhân phải hiểu mình muốn gì, thì một quốc gia cũng sẽ phải xác định được chúng ta đang cần gì. Khát vọng chính là tấm bản đồ, hay chiếc la bàn định hướng mục tiêu và đảm bảo cho mục tiêu có thể hiện thực hóa. 

Tôi muốn nói đến nấc thang của khát vọng. Ví dụ khát vọng của con người chẳng hạn, đầu tiên là sinh tồn rồi tới tự do, có tự do lại muốn no ấm rồi phát triển và quyền được tôn trọng. Với quốc gia cũng như vậy, chúng ta cũng phải đi từ độc lập tự do, sau khi giành được độc lập tự do thì tới khao khát thống nhất đất nước, rồi tiếp đến là mong muốn no ấm, phát triển thịnh vượng, muốn hùng mạnh và lan tỏa ảnh hưởng…

Tôi muốn lưu ý là từ Đại hội 13 của Đảng, lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội, chúng ta đưa ra yêu cầu phải khơi dậy khát vọng Việt Nam - tức là khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. 

Chúng ta đã có tiêu ngữ: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ghi dưới Quốc hiệu Việt Nam từ năm 1945 đến nay vẫn không thay đổi. Khi chúng ta đạt được khát vọng hạnh phúc, thì theo tôi đó không chỉ là sự đảm bảo về mặt phát triển và hùng mạnh, nó còn là trạng thái cân bằng, hài hòa. Nên đây là khát vọng tôi cho rằng rất có ý nghĩa truyền cảm hứng đối với cả dân tộc Việt Nam.

TS Nguyễn Văn Đáng: Khát vọng phản ánh hệ giá trị mà chúng ta hướng đến. Đại hội 13 của Đảng đã đưa ra mục tiêu, tầm nhìn theo tôi rất truyền cảm hứng tích cực. Chúng ta có thể gói gọn vào mục tiêu đến 2045 trở thành quốc gia phát triển thu nhập cao. 

Để được công nhận là quốc gia phát triển thì thu nhập bình quân đầu người từ 12.000 - 15.000 USD/ năm, chỉ số phát triển con người HDI phải vượt mức hơn 0,7 hiện nay. Tuy nhiên chỉ như thế cũng chưa hẳn được công nhận là quốc gia phát triển. Một quốc gia phát triển phải giải quyết được những vấn đề mang tính cấu trúc xã hội, chẳng hạn giảm bất bình đẳng. 

Cho nên trở lại tầm nhìn, hệ tư tưởng được đề ra tại Đại hội 13. Đó là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đầu tiên là thịnh vượng về kinh tế. Thứ hai là đất nước phải mạnh không chỉ có kinh tế, mà còn cả quốc phòng, khoa học kỹ thuật… Thứ ba là dân chủ, tức là xây dựng được hệ thống quản trị quốc gia mà mọi quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, nhân dân làm chủ. 

Điểm đặc biệt trong các hệ giá trị mà chúng ta đang hướng đến đó chính là công bằng xã hội. Tức là chúng ta hướng đến cân bằng và hài hòa, hướng đến một xã hội phát triển mang tính bao trùm, mọi giai cấp mọi tầng lớp hay mỗi cá nhân đều có thể tham gia vào tiến trình phát triển, đóng góp vào tiến trình phát triển và cùng thụ hưởng quá trình phát triển. 

Tôi tin rằng khó có ai lại không đồng tình với những khát vọng rất chính đáng như vậy. 

Khi chúng ta đã rõ đường hướng phát triển thì cần những yếu tố nào để có thể hiện thực hóa được khát vọng quốc gia phát triển vào năm 2045?

TS Nguyễn Văn Đáng: Chúng ta cần có hệ tư tưởng mang tính dẫn dắt. Đảng đã kiên trì và nhất quán nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa Mác-Lênin hướng đến một xã hội đề cao sự công bằng. Tư tưởng Hồ Chí Minh là tinh thần độc lập dân tộc và tự do cho nhân dân. Đến Đại hội 13, chúng ta bổ sung thêm những giá trị như: Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Chúng ta đã có một tầm nhìn lãnh đạo, có hệ giá trị mang tính dẫn dắt truyền cảm hứng. Thách thức là phải làm sao hiện đại hóa được hệ thống quản trị quốc gia. Bối cảnh hiện nay thế giới trở nên phẳng hơn, phụ thuộc nhau hơn và phức tạp hơn thì những tư duy quản lý truyền thống trước đây có thể không còn phù hợp.

Chúng ta phải làm sao hiện đại hóa được hệ thống quản trị quốc gia và tập hợp được sự ủng hộ của mọi lực lượng xã hội, từ đó huy động mọi nguồn lực xã hội để chung tay hiện thực hóa tầm nhìn 2045.

Tiếp đến là chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý. Làm thế nào để xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ năng lực phù hợp với bối cảnh hiện nay, đủ năng lực tầm vóc trong hơn 20 năm nữa có thể hiện thực hóa mục tiêu 2045. 

TS Hoàng Huệ Anh: Tôi muốn bổ sung thêm 2 nhân tố có thể thúc đẩy sự phát triển quốc gia để hiện thực hóa khát vọng đề ra. Trước hết là con người. Tôi nhớ một học giả nổi tiếng nói về các căn tính quốc gia và hiểu đơn giản là tính cách của con người quốc gia ấy. 

Tính cách con người Việt Nam tiêu biểu là cần cù, chịu khó, dũng cảm, kiên cường và tất cả những đặc tính đó đều đóng góp giá trị rất lớn vào quá trình hiện thực hóa khát vọng quốc gia mà chúng ta đề ra. 

Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng. Chúng ta nhiều người trẻ, với nhiều ước mơ khát vọng và chấp nhận sự thay đổi để thực hiện ước mơ, khát vọng đó. Nguồn lực con người là yếu tố mang tính chất quyết định cho quá trình phát triển thịnh vượng của các quốc gia.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh đến yếu tố động lực quốc tế trong quá trình hiện thực hóa khát vọng. Chúng ta có thể tận dụng các “chuyến tàu nhanh” của những nước phát triển để phát huy ưu thế của nước phát triển sau và tận dụng cơ hội có được từ quá trình toàn cầu hóa… Nhưng hiện nay để thực hiện khát vọng phát triển, hùng cường và hạnh phúc, chúng ta cần cho đi nhiều hơn. Chúng ta có thể hỗ trợ các quốc gia khác hoặc đưa sự sáng tạo của mình vào các cơ chế khu vực và toàn cầu. chúng ta cũng có thể thể hiện tầm nhìn trong cơ chế quản trị toàn cầu bằng việc đề cao luật pháp quốc tế và bảo vệ sự ổn định của hệ thống quốc tế. 

Khi chúng ta đã xác định được mục tiêu và khát vọng, phải thể chế hóa thành các các điều lệ trong văn bản và quy định và hiện thực hóa bằng nhiều phương thức. 

Trọng dụng người tài

Các vị khách mời vừa nói đến yếu tố con người đặc biệt là người tài sẽ giữ vai trò quyết định trong quá trình hiện thực hóa khát vọng quốc gia. Theo TS Nguyễn Văn Đáng thế nào là người tài và làm thế nào để có thể thu hút được người tài đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước?

TS Nguyễn Văn Đáng: Sự phát triển của bất kỳ một đơn vị nào hay là trên quy mô quốc gia dân tộc không thể thiếu vai trò của những người có năng lực. Định nghĩa thế nào là người tài thì có nhiều tranh cãi. Có quan điểm nhấn mạnh yếu tố đầu vào tức là phẩm chất ban đầu như quá trình đào tạo, quá trình phấn đấu; có người lại đề cao khía cạnh đầu ra tức là kết quả công việc như thế nào...

Theo tôi định nghĩa phù hợp nhất là phải trung hòa được cả hai cách tiếp cận. Tôi cho rằng, người tài là người có thể thực hiện tốt nhất vai trò mình, nghĩa là chúng ta phải gắn người tài với các vai trò khác nhau.

Hiểu một cách ngắn gọn nhất thì người tài là người có thể giúp cho đơn vị, tổ chức thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình tốt nhất và đáp ứng kỳ vọng ở phía mình. 

Nhìn ra các nước xung quanh sẽ nhận thấy vai trò người tài trong sự phát triển hùng cường. Ví dụ Nhật Bản là lực lượng lãnh đạo hành chính mà gốc gác là tầng lớp Samurai. Hay Singapore với việc xây dựng bộ máy chính quyền liêm chính, trong sạch, hiệu quả, hiệu lực. Một trong số các yếu tố dẫn đến sự thành công của Singapore chính là họ đã áp dụng hệ thống thể chế trọng dụng người tài vào khu vực công. 

Mô hình bên Hàn Quốc cũng được ghi nhận có các yếu tố của thể chế trọng người tài khi họ thu hút, xây dựng được cán bộ chính quyền chất lượng, từ đó chung tay với tầng lớp doanh nhân và các lực lượng xã hội khác để hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo…

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thu hút được người tài? Tôi cho rằng nó phụ thuộc vào hệ thống chính sách của Nhà nước. Bên cạnh quan điểm chủ trương và chính sách thì quan trọng nhất là phải xây dựng được hệ thống thể chế trọng dụng người tài. Có thể hiểu cách đơn giản, nó là một tập các quy trình bao gồm phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt, thăng tiến… dựa trên cạnh tranh năng lực.

TS Hoàng Huệ Anh: Tôi muốn đề cập đến một yếu tố cụ thể là để thu hút được người tài thì đầu tiên phải tin vào họ, trao quyền cho họ, để họ cống hiến. Trong thế giới ngày càng phẳng hơn, khi biên giới quốc gia mờ đi, rất nhiều công việc mang tính toàn cầu xuất hiện, thì cũng kéo theo hệ lụy là chảy máu chất xám ngay trong lãnh thổ của chúng ta. 

Tôi lấy thí dụ, những năm gần đây Trung Quốc có những chính sách đãi ngộ rất tốt kể cả cho người nước ngoài có năng lực để làm việc và cống hiến tại  nước này. Tôi biết có những chyên gia người Mỹ từng giảng dạy ở trường đại học Trung Quốc suốt 30 năm.

Hai khách mời tham gia chương trình hôm nay đều là những người trẻ, có cơ hội học tập giảng dạy, làm việc ở những nước phát triển nhưng cả hai đã trở về nước, giảng dạy, nghiên cứu… Hai vị nghĩ như thế nào về sự cống hiến và mong muốn được cống hiến cho đất nước? 

TS Nguyễn Văn Đáng: Điểm chung của các du học sinh là đều mong muốn quay trở lại đất nước sau khi học xong, để làm việc và đền đáp những cơ hội và nguồn lực mà đất nước đã dành cho. Khát vọng cống hiến luôn thường trực trong họ, nhưng làm thế nào để phát huy và hỗ trợ những người như thế còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố mà chúng ta hay nói là thu hút người tài.

Ta nói đến chế độ đãi ngộ, đúng nhưng chưa đủ. Cùng với đó phải là môi trường làm việc tôn trọng, tin tưởng người có năng lực, đề cao sự sáng tạo, giúp phát triển những ý tưởng mới để những nỗ lực khát khao cống hiến được chuyển hóa thành hành động cụ thể. Các hình thức tôn vinh, ghi nhận cũng phải kịp thời, giúp cho cá nhân có được niềm tự hào thì từ đó họ sẽ gắn bó. 

Khi trở về đất nước, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều cơ hội để cống hiến tức là làm được cái gì đó đóng góp cho cộng đồng chứ không phải chỉ đơn giản kiếm sống. 

TS Hoàng Huệ Anh: Tôi có 17 năm học tập, sinh sống, giảng dạy và làm việc tại Trung Quốc và vẫn quyết định trở về Việt Nam. Ước mơ về sự cống hiến cho đất nước đã thôi thúc tôi. 

Hơn nữa vào năm 2015 khi tôi quyết định trở về Việt Nam thì đất nước đã phát triển rất sôi động, độ mở cao và mang đến cho chúng tôi - những người được đào tạo ở nước ngoài cảm giác có thể phát huy được năng lực và khả năng của mình. Môi trường làm việc cũng rất cởi mở, thúc đẩy tính sáng tạo và điều đó vừa là động lực vừa là sự hứa hẹn cho những thành công mà chúng tôi có thể đạt được trong tương lai.

Đại bộ phận những người đi du học như chúng tôi vẫn mong muốn được quay trở về cống hiến cho Tổ quốc, cho quê hương, để đền đáp những gì mà chúng tôi đã trao gửi và tin tưởng. Tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định trở về Việt Nam cống hiến.

TS Nguyễn Văn Đáng nghĩ sao về chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước ta hiện nay trong vấn đề thu hút người tài, trọng dụng người tài?

TS Nguyễn Văn Đáng: Chủ trương của Đảng luôn nhất quán trong việc tìm mọi cách để thu hút người tài. Nhiều địa phương cũng đã ban hành các chính sách cụ thể để thu hút người tài đặc biệt là trong đó nhấn mạnh đến chế độ đãi ngộ với những ưu đãi về tài chính vật chất nổi bật. 

Tuy nhiên phải khách quan thừa nhận rằng, hiện nay các chính sách thu hút và trọng dụng người tài vẫn chưa đạt được mục tiêu như mong đợi về số lượng người tài tham gia vào khu vực công để góp phần vào phát triển đất nước. 

Chúng ta cần tìm hiểu yếu tố nào khiến người tài chưa thực sự hứng thú với khu vực công để từ đó tìm cách gỡ bỏ các rào cản. Như tôi đã trao đổi thì bên cạnh chế độ đãi ngộ về mặt tài chính, vật chất thì điểm quan trọng nhất để người ta thực sự quan tâm và hướng đến làm việc cho khu vực công đó là hệ thống thể chế trọng người tài. 

Thách thức trên con đường hiện thực hóa khát vọng

Theo TS Hoàng Huệ Anh chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức lớn nào trên con đường hiện thực hóa khát vọng quốc gia phát triển vào năm 2045.

TS Hoàng Huệ Anh: Tôi nghĩ trước mắt Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số thách thức, chẳng hạn thách thức về bẫy thu nhập trung bình. Tiếp theo là thách thức về đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ. Chúng ta phải phát triển, tăng cường trình độ KHCN cũng như năng lực đổi mới sáng tạo của đất nước thì mới có thể thực hiện được những mục tiêu khát vọng đề ra cho đến năm 2045 và xa hơn nữa.

TS Nguyễn Văn Đáng: Để đạt được mục tiêu quốc gia hùng cường chúng ta cần hệ tư tưởng có khả năng dẫn dắt và tôi gọi là tư tưởng hùng cường. Những điều này đặt ra thách thức cho chúng ta, đó là trên cơ sở nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh chúng ta đã bổ sung, tuy nhiên chúng ta cần tiếp tục với tiến trình hiện đại hóa các hệ tư tưởng mang tính nền tảng và dẫn dắt của đất nước trong những thập kỷ tiếp theo để làm sao hệ tư tưởng ấy phù hợp với bối cảnh của những thập niên đầu thế kỷ 21.

Yếu tố thứ hai là thách thức hiện đại hóa nền quản trị quốc gia. Làm thế nào để hệ thống đó phát huy được mọi nguồn lực của mỗi chủ thể trong xã hội. Làm thế nào có được hệ thống quản trị quốc gia kết hợp được cả sức mạnh của hệ thống chính quyền Nhà nước, kết hợp sức mạnh của nền kinh tế thị trường hiện đại đồng thời kết hợp được sức mạnh của tính chất tự nguyện và giúp đỡ lẫn nhau từ các chủ thể ở bên ngoài cộng đồng. Nghĩa là thách thức phải nhanh chóng hiện đại hóa các hệ thống quản trị làm sao hướng đến hiệu quả, hiệu suất, hiệu lực.

Còn về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thì thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Văn Đáng: Điều được TƯ Đảng thảo luận rất nhiều trong các kỳ Đại hội gần đây là phải liên tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ mới. Trong bối cảnh mới rõ ràng là cần phải hiện đại hóa và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Đảng phải trở thành một chủ thể có thể tập hợp được mọi lực lượng. 

Đảng cộng sản Việt Nam đã tập hợp được mọi lực lượng trong tiến trình giành độc lập dân tộc. Bây giờ làm thế nào trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, các lợi ích trở nên đa dạng hơn và các quan điểm trước nhiều vấn đề thách thức mới nổi cũng đa dạng, thì Đảng cũng cần phải có sự vượt lên chính mình để có thể thích ứng. Câu chuyện không hề đơn giản. 

Ngay Đại hội 13, TƯ chủ trương tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội. Đó là hướng đến xây dựng một hệ thống là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ. Nhưng nên chăng trong bối cảnh mới, sự thịnh vượng của quốc gia không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp. Chúng ta có thể bổ sung thêm đó là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Người dân làm chủ và Doanh nhân làm giàu chẳng hạn. Như thế thì có thể đấy chính là sự thừa nhận, ghi nhận các chủ thể, lực lượng xã hội khác nhau trong việc đóng góp vào tiến trình phát triển đất nước.

Lấy hạnh phúc con người làm đích đến

Trong quá trình phát triển, Đảng đã quyết định chọn con đường đi lên CNXH với nền tảng tư tưởng là Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, như vậy đâu là yếu tố truyền cảm hứng cho hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa?

TS Nguyễn Văn Đáng: Hệ tư tưởng XHCN hình thành từ thế kỷ 19 và Đảng ta đã lựa chọn con đường đi lên CNXH. Tôi cho rằng đây là lựa chọn thu hút và truyền cảm ứng với rất nhiều lực lượng trong xã hội. Nó thể hiện qua việc Đảng đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, nhờ đó đã tập hợp được người dân để giành lại độc lập cho dân tộc cũng như thống nhất đất nước.

Con đường chúng ta đang đi thể hiện qua những phát biểu nhất quán của các nhà lãnh đạo. Đặc biệt gần đây Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xuất bản cuốn sách về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Đây là sự công bố chính thức với mọi người dân. 

Tổng Bí thư đã chỉ ra những đặc điểm thế nào là CNXH và làm thế nào để chúng ta tiến lên CNXH. Chúng ta hướng đến một xã hội phát triển vì con người chứ không phải tìm kiếm tốc độ tăng trưởng hay của cải vật chất nói riêng. Đây là giá trị phổ quát của nhân loại và tôi tin là chẳng có người Việt Nam nào lại không đồng tình. 

Chúng ta hướng đến giá trị dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bên cạnh đó với truyền thống Á Đông chúng ta đề cao đoàn kết xã hội, tôn trọng các lợi ích cá nhân nhưng phải đặt trong các mối quan hệ với tập thể. 

Tôi cho rằng những giá trị này phù hợp với truyền thống và chắc chắn có khả năng truyền cảm hứng đến rất nhiều lực lượng trong xã hội. Đấy chính là điểm làm nên sức hấp dẫn của định hướng XHCN được đổi mới và hiện đại hóa.

Con đường XHCN sẽ là lựa chọn nhất quán của đất nước để hướng đến một xã hội tốt đẹp cho mọi người, lấy con người và hạnh phúc của con người, lấy sự hài lòng với cuộc sống của con người là đích đến. 

Trong cuốn sách của Tổng Bí thư cũng như trong các văn kiện Đại hội Đảng gần đây đã khẳng định rõ ràng hơn con đường đi lên CNXH. Chúng ta kiên định với nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng chúng ta đã hiện đại hóa, bổ sung, cập nhật để định hình rõ hơn về mô hình XHCN chúng ta hướng đến, và con đường, quá trình chúng ta hướng đến như thế nào.

TS Hoàng Huệ Anh: Một hệ tư tưởng truyền cảm hứng mà chúng ta hướng đến phải đề cao vai trò của việc lấy dân làm gốc. Tức là lấy người dân làm trung tâm, đặt lợi ích của người dân lên đầu và tạo đường tới sự hài hòa thống nhất trong xã hội. 

Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm một yếu tố, khi xây dựng hệ tư tưởng dẫn dắt thì hệ tư tưởng ấy phải có tính đặc sắc, nghĩa là nó phải mang cái hồn của truyền thống dân tộc và xu hướng của thời đại.

Chẳng hạn trong các hệ tư tưởng mà chúng ta xây dựng để làm định hướng phát triển đất nước, chúng ta phải thể hiện được nét đặc trưng của văn hóa của truyền thống dân tộc ví dụ như chủ nghĩa anh hùng, chủ nghĩa yêu nước... Đồng thời trong hệ tư tưởng ấy cũng phải thể hiện được những tư tưởng quản trị truyền thống đặc sắc, độc đáo của dân tộc, đúc kết được những kết bài học kinh nghiệm đã được truyền từ đời này sang đời khác trong lịch sử dựng và giữ nước, thể hiện được những giá trị cốt lõi của dân tộc.

Hệ tư tưởng ấy cũng cần giải quyết được các vấn đề của thời đại như phát triển bền vững và phát triển hài hòa, cân bằng. Đồng thời phải truyền tải được khát vọng dân tộc. 

Lịch sử nhân loại đã chứng minh, một quốc gia hùng mạnh không phụ thuộc vào diện tích lớn hay nhỏ, sức mạnh của mỗi quốc gia cũng không phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên của nước đó nhiều hay ít. Và sự vĩ đại của dân tộc cũng không phụ thuộc vào quy mô dân số. 

Do đó chúng ta có những lý do để tin tưởng rằng, với khát vọng mạnh mẽ của dân tộc, với những bước đi đúng đắn, chúng ta hoàn toàn có thể hóa rồng vào năm 2045, tiếp tục phát triển hùng cường và đi xa hơn nữa.

TS Nguyễn Văn Đáng: Tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của tư tưởng hướng đến một quốc gia hùng cường. Khi chúng ta có một hệ tư tưởng vừa giữ vững, đảm bảo nguyên tắc nền tảng nhưng cũng được bồi đắp thêm những yếu tố hiện đại, mang màu sắc hiện đại gắn với nhu cầu và nguyện vọng của quốc gia với tư cách một cộng đồng hướng về phía trước thì khi đó, hệ tư tưởng với vai trò dẫn dắt, truyền cảm ứng sẽ tự khắc giúp chúng ta tạo ra được chuyển động ở các yếu tố tiếp theo. Ví dụ như là hệ thống quản trị quốc gia, vai trò của từng cá nhân hay tổ chức hay doanh nghiệp hoặc chính quyền. 

Thưa quý vị độc giả, buổi tọa đàm hôm nay đến đây là kết thúc. Xin cảm ơn các khách mời đã dành thời gian chia sẻ và xin hẹn gặp lại quý vị độc giả, quý vị khách mời trong các chương trình khác.

Thu Huyền, Thu Hằng, Bạt Tuấn, Duy Tuấn, Hoàng Hiệp, Minh Khuê và nhóm PV