Ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, công nghiệp công nghệ cao là 1 trong 3 trụ cột chính được quan tâm tập trung phát triển, với mục tiêu đến năm 2030 sẽ đóng góp 10% tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố, tầm nhìn đến năm 2045 “Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á”.
Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội lần thứ 22 Đảng bộ thành phố đã xác định 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là: “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số”.
Theo ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, công cuộc triển khai chuyển đổi số tại Đà Nẵng không chỉ góp phần cho chuyển đổi số của quốc gia, mà còn là một trong những giải pháp chính để xây dựng, phát triển TP. Đà Nẵng theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa 12) và Nghị quyết Đại hội lần thứ 22 Đảng bộ thành phố.
Đầu xuân Ất Tỵ, VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Chí Cường về những bí kíp và lộ trình triển khai ở cả 3 trụ cột (chính phủ số, xã hội số và kinh tế số) của TP. Đà Nẵng.
Được Bộ TT&TT ghi nhận có nhiều cách làm hay
- Một trong những nhiệm vụ trọng tâm do Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện trong năm 2023, có việc tổ chức triển khai mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình tại Đà Nẵng để chia sẻ cho các địa phương khác. Thành phố sẵn sàng triển khai nhiệm vụ nói trên theo yêu cầu của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, thưa ông?
Kế hoạch hành động chuyển đổi số quốc gia năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số đã tin tưởng, giao TP. Đà Nẵng tổ chức triển khai mô hình “TP chuyển đổi số điển hình”; theo đó, TP sẽ thực hiện chuyển đổi số tổng thể, toàn diện trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số ở tất cả các quận, huyện, phường, xã.
TP. Đà Nẵng đã tổng kết kết quả triển khai nhiệm vụ, báo cáo kết quả triển khai mô hình TP chuyển đổi số điển hình, thực hiện chuyển đổi số tổng thể và toàn diện trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số và 12 nhóm mô hình chuyển đổi số ở tất cả các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã trên địa bàn năm 2023…
Tiêu biểu nhất trong các mô hình này là cung cấp thủ tục hành chính trên môi trường điện tử hay cung cấp DVCTT toàn trình. Theo báo cáo Bộ TT&TT - Cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về chuyển đổi số, Hệ thống EMC của Bộ TT&TT đo lường đến tháng 7/2024, tỷ lệ DVCTT toàn trình của TP. Đà Nẵng cao nhất cả nước với 95% (trung bình tỉnh thành là 55%); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình là 65% (trung bình tỉnh thành là 17%).
Có thể nói, TP. Đà Nẵng đã sẵn sàng và triển khai chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh bước đầu đạt được nhiều hiệu quả và được các tổ chức, cộng đồng trong nước và quốc tế công nhận thông qua các giải thưởng danh giá trong lĩnh vực chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh, cụ thể:
Năm thứ 14 liên tiếp dẫn đầu xếp hạng chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT trong nhóm các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương (2009-2023).
Năm thứ 5 liên tiếp đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam của Hội truyền thông số Việt Nam (2020-2024).
Năm thứ 3 liên tiếp được Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam trao chứng nhận Cơ quan nhà nước tiêu biểu thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị và Chương trình chuyển đổi số Quốc gia (2022-2024).
Đặc biệt, ngày 3/12/2024, Ban tổ chức TP thông minh đã trao giải: TP thông minh (duy nhất Việt Nam) năm 2024 (đây là lần thứ 5 liên tiếp TP đạt giải này trong 5 năm tổ chức đánh giá) và 2 giải chuyên đề liên quan: Quản lý, điều hành thông minh và môi trường xanh, sạch.
Chuyển đổi số cũng là động lực trong phát triển, góp phần đạt mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị trong nước và khu vực ASEAN và tầm nhìn “TP. Đà Nẵng là đô thị sinh thái, hiện đại, đáng sống”.
- Với những kết quả ghi dấu ấn trong những năm qua, mô hình chuyển đổi số của TP đã định hình trong đề án Chuyển đổi số trên địa bàn TP. Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cụ thể thế nào thưa ông?
TP. Đà Nẵng đã triển khai xây dựng Chính quyền điện tử từ năm 2010, chính thức triển khai TP thông minh từ năm 2019. Đề án xây dựng TPTM giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 đặt trọng tâm triển khai trên 3 trụ cột Hạ tầng - Dữ liệu - Thông minh. Đến nay, sau 5 năm triển khai bước đầu TP đã hình thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật số, CSDL, hệ thống, nền tảng để làm cơ sở triển khai cung cấp các ứng dụng, dịch vụ thông minh cho người dân.
Triển khai Đề án Chuyển đổi số là thực hiện phát triển Chính quyền số - bước tiếp theo của Chính quyền điện tử; là phát triển Kinh tế số - 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị và 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 22;
Mục tiêu lớn của chuyển đổi số TP là: đến năm 2030 “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN” và “Phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông trở thành ngành kinh tế chủ đạo với tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm gấp 2-2,5 lần tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố”; đặc biệt là mục tiêu đến năm 2030 “kinh tế số chiếm khoảng 35-40% GRDP”.
Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương (khóa 13) đã thống nhất một số nội dung trọng tâm, đột phá chiến lược đưa vào Văn kiện Đại hội 14, trong đó khởi xướng và thực hiện cách mạng chuyển đổi số.
Để chủ động tiếp cận, triển khai cụ thể hóa quan điểm, định hướng quan trọng của Bộ Chính trị nêu trên, cũng như quan điểm bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về cách mạng chuyển đổi số; đồng thời phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ và mục tiêu về chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh trong 5 năm đến; vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất xây dựng và triển khai “Đề án Chuyển đổi số góp phần thúc đẩy, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030, định hướng 2035”.
Trong đó chú trọng: Xây dựng nền quản trị thông minh, quản lý đô thị dựa trên dữ liệu; Số hóa các tư liệu lịch sử Đảng bộ thành phố, tư liệu lịch sử, văn hóa và ứng dụng công nghệ số để phục vụ lưu trữ, mô phỏng, trình diễn; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tối ưu hóa quy trình tất cả thủ tục hành chính và các thủ tục sự nghiệp để cung cấp dưới hình thức DVCTT toàn trình trên môi trường số; Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, tích hợp sâu rộng công nghệ số trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, thúc đẩy tự động hóa, phát triển công nghệ số và dữ liệu số trở thành các yếu tố sản xuất mới; chú trọng các lĩnh vực mũi nhọn mới như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ tài chính (Fintech); Phát triển nguồn nhân lực công nghệ số, người dân có kỹ năng số, song song với triển khai ứng dụng công nghệ AI rộng rãi để phát triển lực lượng sản xuất tại TP.
Phát triển mạnh mẽ kinh tế số
- Hiện nay, kinh tế số đóng góp như thế nào trong Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của thành phố? Dự báo kinh tế số của thành phố phát triển thế nào trong những năm tới, thưa ông?
Theo ước tính của Bộ TT&TT, Kinh tế số Đà Nẵng năm 2023 chiếm tỷ trọng 20,69% GRDP thành phố, vượt chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 là 20%.
Thành phố hiện có khoảng 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1000 dân, tổng nhân lực CNTT thành phố tính đến cuối năm 2023 khoảng 53.000 người, chiếm 8,5% trong tổng lực lượng lao động toàn TP (trung bình toàn quốc là 3,7%). Trong đó có 22.000 lao động trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số, chiếm 45% trong tổng số lao động CNTT (toàn quốc khoảng 15%); lương bình quân đạt 18 triệu đồng/người/tháng.
Nhiều DN công nghệ số làm chủ công nghệ, giải pháp và có sản phẩm cung cấp toàn quốc và ngoài nước; được đánh giá cao như: Giải pháp tự động hóa ứng dụng công nghệ RPA đạt Giải thưởng Sao Khuê 2022. Nền tảng chuyển đổi số ngành dệt may của Công ty Retex là 1 trong 5 sản phẩm đạt Giải thưởng Viet Solutions 2022.
4 sản phẩm được trao Giải thưởng Sản phẩm Make in Viet Nam năm 2022 gồm: Giải pháp Green Data của Công ty CP CNTT Toàn cầu Xanh; Giải pháp ERP của Công ty CP Phần mềm quản lý Doanh nghiệp, Sản phẩm công tơ điện tử và Trạm sạc nhanh cho ô tô điện Tổng công ty Điện lực miền Trung. Sản phẩm Sàn thương mại điện tử Selly của Công ty TNHH Selly đạt Giải thưởng Sao Khuê năm 2023 cho hạng mục dành cho các sản phẩm, giải pháp khởi nghiệp số...
Với kết quả triển khai kinh tế số tích cực như hiện nay; tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó xác định: “Hoàn thành cơ bản chuyển đổi số, hình thành thành phố thông minh”; “Phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông trở thành ngành kinh tế chủ đạo với tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm gấp 2-2,5 lần tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố”; đặc biệt là mục tiêu đến năm 2030 “kinh tế số chiếm khoảng 35-40% GRDP”,… TP xác định vi mạch bán dẫn là động lực tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ. Đà Nẵng đã triển khai xây dựng Đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của TP. Đà Nẵng”.
Trong năm 2024, TP tăng tốc trên hành trình tiến vào hệ sinh thái vi mạch, bán dẫn với việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC); thực hiện nhiều chương trình làm việc với Ngân hàng thế giới (WB), các tập đoàn hàng đầu thế giới về vi mạch bán dẫn (Tập đoàn Synopsys International Limited, Tập đoàn Intel, Qualcomm, công ty ARM, công ty thiết kế vi mạch Ampere…) và triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư tại nước ngoài để tận dụng được các cơ hội lớn trong phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh hiện nay được lãnh đạo TP xác định là nhiệm vụ vừa cấp bách, chiến lược, lâu dài…
Hiện nay, TP. Đà Nẵng đang gấp rút hoàn thành các công việc, thủ tục để đưa tòa nhà ICT1 vào hoạt động từ tháng 1/2025, sau đó tiếp tục triển khai lắp đặt trang, thiết bị cho 2 tòa nhà ICT và ICT 2 để đưa vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.
Với những nỗ lực và định hướng phát triển rõ ràng, kinh tế số TP. Đà Nẵng hứa hẹn sẽ tiếp tục bứt phá, góp phần vào thành công của Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Xây dựng TP là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống
- Điều ông trăn trở chưa làm được trong năm 2024 là gì? Ông có thể cho biết sự quyết tâm của hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp đồng lòng đưa TP phát triển trong năm 2025 và các năm tiếp theo như kỳ vọng?
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong triển khai chuyển đổi số gắn với xây dựng TP thông minh, hướng tới xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống, trong năm 2024, TP vẫn còn những tồn tại hạn chế như: Hạ tầng CNTT TP đầu tư từ những năm 2010 đến nay chưa đáp ứng nhu cầu khi người sử dụng tăng lên, phát sinh dữ liệu nhiều và xu hướng tích hợp của các công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Bigdata),…
Một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nhất là các cơ sở dữ liệu liên quan đến đất đai, quản lý đô thị ít phát sinh dữ liệu, chất lượng chưa đầy đủ, thiếu tính nhất quán, chưa được chuẩn hóa, tính khả dụng thấp; Chất lượng, số lượng nguồn nhân lực để phục vụ cho chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh chưa đảm bảo đáp ứng cho công tác tham mưu và triển khai, nhất là nhân lực trên lĩnh vực an toàn an ninh thông tin, trí tuệ nhân tạo...
Trong năm 2025, TP tập trung nguồn lực để triển khai hiệu quả và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra về chuyển đổi số gắn với xây dựng TP thông minh, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng TP và chào mừng Đại hội lần thứ 23 Đảng bộ TP, nhiệm kỳ 2025 -2030.
Cụ thể: Tập trung nguồn lực Xây dựng Đề án Chuyển đổi số góp phần thúc đẩy, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội TP giai đoạn 2026-2030, định hướng đến năm 2035 (trên cơ sở tích hợp Đề án chuyển đổi số và Đề án xây dựng thành phố thông minh).
Tiếp tục triển khai xây dựng Trung tâm tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm ENSURE) phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, phòng tránh thiên tai theo hướng thông minh; xây dựng các nền tảng số và các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin phục vụ quản lý đô thị thông minh.
Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố, tập trung đầu tư cho hạ tầng tính toán, lưu trữ, mô phỏng cho lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Triển khai mạng 5G bảo đảm vùng phủ sóng phục vụ các Khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao; xây dựng mô hình 5G Private cho sản xuất thông minh (Smart Factory).
Kiều Oanh (thực hiện)