Khoảng 3 tuần nữa, kì thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội sẽ diễn ra. Trong số các môn thi bắt buộc, môn Ngữ văn được xem là môn thi thách thức nhất đối với học sinh trong quá trình ôn thi. 

Chia sẻ với VietNamNet, cô giáo Lương Thu Thủy - giáo viên dạy Văn trường THCS Trưng Vương (Hà Nội), đã đưa ra một số lưu ý với các sĩ tử tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay.

Cô Lương Thu Thủy - giáo viên trường THCS Trưng Vương, tham gia dạy trực tuyến trên truyền hình.

Cô Thu Thủy cho rằng, đối với việc ôn Ngữ Văn 9 thi vào lớp 10, đề thi sẽ tập trung vào các văn bản đã học có trong chương trình lớp 9. Chính vì vậy, trong quá trình ôn thi Văn vào lớp 10, học sinh cần liệt kê, phân loại và tóm gọn tác phẩm theo một hệ thống để dễ nhớ và tránh sót bài. 

Về phần văn bản của chương trình Ngữ Văn lớp 9, học sinh cần ôn luyện trọng tâm bao gồm khoảng hơn 20 tác phẩm thuộc các thể loại: Văn bản nhật dụng, văn bản trữ tình và văn bản tự sự. Các em cũng nên chú trọng đến các tác phẩm thơ khi ôn tập văn 9 thi vào lớp 10 vì số lượng văn bản này chiếm tỉ lệ cao trong chương trình.

Với dạng bài câu hỏi nhỏ chiếm khoảng 4, 5 điểm trong đề thi thí sinh cần ghi nhớ các thông tin của tác phẩm.

Với dạng bài này, học sinh cần ghi nhớ những thông tin xoay quanh văn bản: Tác giả, hoàn cảnh sáng tác, phương thức biểu đạt, thể loại, ý nghĩa nhan đề; liên hệ tác phẩm (cùng chủ đề/cùng thời kì sáng tác/cùng thể loại…)

Với văn bản truyện: có thể hỏi thêm về các yếu tố đặc trưng của truyện như tình huống truyện, ngôi kể, người kể chuyện, hình thức ngôn ngữ nhân vật…

Cô Thu Thủy (áo đỏ) cùng các học trò của mình.

Với các văn bản thơ: đề bài có thể hỏi thêm một số yếu tố như mạch cảm xúc, chỉ ra và nêu tác dụng của các biện pháp tu từ trong việc biểu đạt nội dung của câu thơ/đoạn thơ…

Cô Thu Thủy cũng gợi ý một cách ghi nhớ nhanh chóng, lâu dài đó là hãy biến mỗi văn bản trở thành một sơ đồ tư duy để học tập một cách trực quan, logic.

Với đoạn văn Nghị luận xã hội (chiếm 2 điểm trong bài thi) cô Thủy khuyên các em thường xuyên theo dõi, cập nhật tin tức mỗi ngày bằng cách đọc báo giấy, báo điện tử từ những trang web uy tín hay trên các trang mạng xã hội; nắm bắt sự kiện nào đang “hot” . Điều này sẽ giúp các em tăng khả năng đưa vào dẫn chứng vào đoạn văn nghị luận sao cho thật hợp lý, có tính thuyết phục. 

Phần nghị luận trong đề thi Ngữ văn vào 10 thường là phần khó đối với học sinh vì đây là phần không thể “học tủ” do kiến thức yêu cầu vận dụng rất nhiều từ thực tế. 

Các em cần nắm cách làm, phương pháp chung để triển khai. Khi viết đoạn văn nghị luận xã hội (khoảng 2/3 trang giây thi), các em hãy lưu ý đoạn văn của các em phải trả lời được 4 câu hỏi: Vấn đề là gì? Vấn đề đó được biểu hiện như thế nào? Tác động của vấn đề đó với đời sống (tích cực hay tiêu cực)? Vấn đề được liên hệ với thực tế như thế nào?. Một đoạn văn nghị luận sẽ được đánh giá cao khi nêu được luận điểm rõ ràng, các bước chứng minh hay giải thích cho vấn đề phù hợp với thực tế

Với đoạn văn Nghị luận văn học (chiếm 3,5 điểm trong đề thi vào 10) bí quyết dành điểm cao trong phần này là đọc và gạch chân các từ khóa trong câu hỏi trước khi bắt tay viết đoạn. Có thể hiểu là cần xây dựng “bản thiết kế” (càng chi tiết càng tốt) trước khi các em bắt tay vào “xây nhà”. Bằng cách này, các em sẽ biết các luận điểm cần được triển khai ra sao; đâu là trọng tâm của bài, tránh bị lạc đề. Như vậy, phân tích đề là thao tác mấu chốt để định hướng đúng cho các em.

Cô Thuy Thủy cũng lưu ý các sĩ tử đừng quên trả lời 4 câu hỏi này khi phân tích đề:

+ Đoạn văn viết khoảng bao nhiêu câu?

+ Đoạn văn cần triển khai theo lối lập nào ? (Diễn dịch/ quy nạp/ Tổng phân hợp).

+ Đoạn văn viết về nội dung gì? (phân tích vẻ đẹp nhân vật/ phân tích đặc sắc của một đoạn thơ/ khổ thơ…).

+ Đoạn văn tích hợp các kiến thức tiếng việt nào? (các em nhớ dùng thì phải gạch chân ở trên đoạn văn và chú thích kiến thức đó ở cuối đoạn văn thì mới có điểm trọn vẹn).

Đối với văn bản thơ, các em cần nhớ tuyệt đối không được diễn xuôi thơ mà cần khai thác từ những tín hiệu nghệ thuật (các biện pháp tu từ, các từ khóa, cách ngắt nhịp, cách gieo vần, các dấu câu đặc biệt, các kiểu câu…). Đặc biệt trong phần này, các em cần bám sát vào đoạn thơ đã cho, tránh lan man vào những nội dung khác gây lạc đề. Khi phân tích thơ, đừng quên trích dẫn thơ minh họa nhé.

Còn đối với văn bản truyện, để bài văn đủ ý, các em cần để ý những yếu tố như: Cốt truyện (sự kiện chính, diễn biến của các sự kiện theo trình tự); Ngôi kể (ý nghĩa của việc sử dụng ngôi kể với tác phẩm); Nhân vật (về hoàn cảnh, về tính cách, vai trò trong tác phẩm); Chủ đề của tác phẩm (ý nghĩa của chủ đề tác phẩm, các chi tiết nghệ thuật cài cắm và ý nghĩa của chúng đối với tác phẩm). 

Khi phân tích, các em nhớ trích dẫn chứng minh họa từ tác phẩm dưới dạng dẫn chứng trực tiếp hoặc gián tiếp.

Đừng quên nhận xét về nghệ thuật của truyện (ngôn ngữ nhân vật, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, thành công của tác phẩm trong việc lựa chọn ngôi kể/ người kể chuyện/ điểm nhìn trần thuật…).

Cô Thu Thủy cũng cho rằng hiện tại thời gian đang là giai đoạn nước rút nên thí sinh hãy có chế độ nghỉ ngơi phủ hợp, kết hợp với việc ôn tập tổng hợp kiến thức và việc luyện đề của những năm học trước hoặc đề khảo sát của các trường để tăng kĩ năng xử lí đề của mình.

>>> Quý phụ huynh và học sinh xem lịch thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2023 chính thức<<<