Ổn định tâm lý trước kỳ thi

Theo cô Thanh Xuân, ổn định tâm lý trước kỳ thi là yếu tố quan trọng quyết định đến thành công của quá trình ôn thi vào lớp 10. Ở giai đoạn cuối cùng này, học sinh cần bình tĩnh ôn tập, không hoang mang, quá lo sợ hay hồi hộp. Tuy vậy, cũng cần tránh thái độ chủ quan dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Sắp xếp thời gian biểu hợp lý

Việc sắp xếp thời gian, thời lượng ôn thi 3 môn Toán – Văn – Tiếng Anh hợp lý cũng rất quan trọng. Tiêu chí đặt ra vẫn là ôn đều 3 môn và dành nhiều thời gian hơn với môn bản thân thấy còn yếu hơn.

Với riêng môn Văn, học sinh cần lên kế hoạch chốt kiến thức cơ bản về các tác phẩm theo ngày, theo tuần đảm bảo ôn hết, ôn đúng, ôn đủ.

Hệ thống hóa kiến thức

Thời gian cuối nên ôn lại môn Văn theo hình thức hệ thống hóa kiến thức dưới dạng những sơ đồ tư duy (ví dụ: sơ đồ tư duy phân tích tâm trạng nhân vật ông Hai trong tác phẩm “Làng” của Kim Lân), bảng biểu (ví dụ: tình cảm của ông Sáu dành cho bé Thu và tình cảm của bé Thu dành cho ông Sáu), từ chìa khóa nhằm mục đích nhớ nhanh, khắc ghi sâu kiến thức, tránh tình trạng rơi mất ý.

Chú trọng đến những vấn đề xã hội có tính chất thời sự

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của Sở GD-ĐT Hà Nội những năm gần đây luôn giữ ổn định cấu trúc 2 phần, với phần nghị luận xã hội chiếm quỹ điểm tương đối lớn. Đây cũng là phần kiểm tra kiến thức thực tế và kĩ năng làm bài của học sinh.

Sự đổi mới trong nội dung đề thi ở dạng này yêu cầu học sinh cần có những trải nghiệm và hiểu biết thực tế cuộc sống. Một số vấn đề xã hội có tính chất thời sự hiện nay như: chat GPT, bạo lực học đường, ý chí nghị lực vượt qua cám dỗ…

Cô Trần Thị Thanh Xuân (giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: NVCC

Chú ý những lỗi sai thường mắc phải

Học sinh cần ghi lại những lỗi sai mình thường mắc phải (như lỗi diễn đạt, lỗi viết câu chủ đề, xác định sai biện pháp tu từ...) để ghi nhớ và rèn theo việc làm đề.

Lỗi đầu tiên học sinh hay mắc là không nắm chắc kiến thức, hay để rơi ý khi trả lời. Giải pháp cần khắc phục: ôn kĩ kiến thức cơ bản.

Lỗi diễn đạt khi viết đoạn văn: chưa viết đúng câu chủ đề, viết câu thiếu chủ ngữ, không làm được các yêu cầu Tiếng Việt trong đoạn văn (câu mở rộng thành phần, khởi ngữ, câu chứa thành phần biệt lập, phép lặp…). Giải pháp khắc phục: ôn lại kiến thức phần Tiếng Việt, làm bài tập bổ trợ, luyện viết đoạn văn thường xuyên.

Lỗi xác định phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ sai.

Lỗi viết đoạn văn nghị luận xã hội thiếu dẫn chứng, phần bàn luận sơ sài. Giải pháp khắc phục: chuẩn bị một vài tấm gương tiêu biểu, dẫn chứng tiêu biểu; luyện viết nghị luận xã hội theo đề.

Nắm chắc những kỹ năng làm, trình bày bài

Cần chú ý lời khuyên của các thầy cô giáo ôn thi trực tiếp, tránh được những lỗi sai và tiếp nhận những bí kíp hay để làm bài và đạt điểm cao.

Cần nắm chắc những kĩ năng làm bài: đọc kĩ đề; trả lời đúng – đủ; thông tin rõ ràng, rành mạch; trước khi viết đoạn văn cần lập dàn ý ra nháp, định hình vị trí viết câu chứa các yêu cầu Tiếng Việt; viết đoạn văn phải có liên kết câu chặt chẽ và những từ ngữ liên kết đánh dấu luận cứ; trình bày khoa học, sạch đẹp…

Cô Trần Thị Thanh Xuân cùng các học trò. Ảnh: NVCC

Chia thời gian cụ thể cho bài làm

Thiếu giờ hay thừa giờ là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng và kết quả bài làm. Biết cách chia thời gian hợp lý cho từng câu hỏi của đề thi giúp thí sinh có tâm lý chủ động, bình tĩnh và làm bài tốt nhất.

Cô Xuân cho hay, ví dụ bài thi trong vòng 120 phút, tương ứng với 10 điểm; có thể chia ra 1 điểm tương ứng với 12 phút thực hiện. Từ đó, đặt mục tiêu câu viết đoạn văn nghị luận văn học (3,5 điểm) sẽ cần làm trong 42 phút.

Câu viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) sẽ cần làm trong khoảng 25 phút. Việc căn thời gian làm bài với những câu còn lại cũng tương ứng với số điểm nhất định.

Khi tính được cụ thể thời gian làm bài của từng câu, các học sinh nên ghi ra nháp để theo dõi làm đúng thời gian và có sự tập trung tối đa nhất.

Chuẩn bị sức khỏe tốt

Cô Xuân cho rằng, sức khỏe chính là “chìa khóa” trên hành trình ôn thi, làm bài. Việc ăn, ngủ, nghỉ một cách khoa học sẽ giúp học sinh có đầu óc minh mẫn, sáng suốt để ôn thi và làm bài tốt nhất.

Vì thế giai đoạn này, các em cần được tăng cường sức khỏe bằng nhiều hình thức: ăn uống đầy đủ, tăng cường các thuốc bổ sung vitamin. Đồng thời cũng cần tránh căng thẳng, áp lực bằng những hình thức giải trí lành mạnh hoặc những môn thể thao.

>>> Xem lịch thi vào lớp 10 năm 2023 chi tiết từng môn mới nhất<<<