Lời toà soạn:

Trường Sa, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng ví như "những mảnh đất xa xôi, chập chờn trên sóng gió Biển Đông", mãi là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, giữa mênh mông trùng khơi ấy, mỗi người con đất Việt đều mang trong mình một sứ mệnh cao cả: Gìn giữ từng tấc đất, từng con sóng của quê hương.

Có chàng trai đôi mươi, tuổi đời còn xanh, rời xa phố thị phồn hoa để ra đảo Đá Đông A, hiến dâng tuổi trẻ cho biển đảo quê hương. Có những người chỉ huy tận tâm, ngày đêm ấp ủ khát vọng biến Trường Sa thành một ốc đảo xanh tươi giữa đại dương bao la. Có những bác sĩ quân y tài năng, tận tụy chăm sóc sức khỏe cho quân và dân trên đảo. Và có cả những người thuyền trưởng gan dạ, kiên cường bảo vệ chủ quyền biển đảo, sẵn sàng xả thân cứu giúp ngư dân trong cơn hoạn nạn.

Chính họ, những con người bình dị mà phi thường ấy, đã góp phần thắp lên ngọn lửa yêu thương, sưởi ấm những mảnh đất xa xôi, gắn kết Trường Sa với đất mẹ, để ngư dân yên tâm bám biển, để Tổ quốc mãi mãi vững vàng nơi đầu sóng.

VietNamNet trân trọng giới thiệu loạt bài "Trường Sa vững vàng nơi biển cả", như một lời tri ân sâu sắc đến những con người bình dị mà cao cả, đã sống và cống hiến hết mình vì Tổ quốc.

Tại ngôi chùa của đảo Sinh Tồn có bia đá khắc tên 64 anh hùng hy sinh ngày 14/3/1988 để bảo vệ đảo Gạc Ma. Trong những liệt sĩ ấy, có nhiều người là cán bộ, chiến sĩ công binh làm nhiệm vụ xây dựng đảo. Tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng nhưng các anh đã kiên cường bám trụ trước đạn pháo của quân xâm lược.

Những công trình trên các đảo của quần đảo Trường Sa ngày nay ghi dấu ý chí, sức lực, những giọt mồ hôi, thậm chí cả máu của nhiều lớp thế hệ lính công binh chuyển từng bao xi măng, viên gạch, đá... để xây dựng các công trình.

Đứng lặng hồi lâu nheo nheo đôi mắt ngắm âu tàu ở đảo Song Tử Tây, cả một thời trai trẻ mang màu áo bộ đội công binh hiện về với Trung tá Lưu Ngọc Đức (Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân). Năm 2008, đơn vị của anh (Tiểu đoàn 881, Trung đoàn Công binh 131- nay là Lữ đoàn Công binh 131) đã xây dựng công trình này giúp bà con ngư dân tránh trú bão, sửa chữa tàu thuyền bị hư hỏng khi vươn khơi bám biển.

Tự ví cuộc đời mình như những con tàu đam mê sóng biển, xong công trình này, người lính công binh lại tới những đảo khác để tiếp tục sứ mệnh của người “kê cao thềm Tổ quốc”. Giờ đã chuyển sang bộ phận công tác mới, nhưng trong lần ra thăm Trường Sa cùng đoàn chúng tôi, đến từng đảo, anh đều lặng lẽ tới thăm công trình nơi mình và bao đồng đội đã "mồ hôi bạc vai áo/da sạm đen nắng trời" góp sức dựng xây.

"Tàu chở vật liệu không vào sát được, phải đậu cách xa mép đảo. Anh em phải chạy xuồng chuyển tải ra và vác từng khối cát, từng bao xi măng vào bờ. Máy móc chỉ hỗ trợ phần nào, cơ bản dùng sức người cả. Trong quãng đời binh nghiệp của mình, thời đi xây Trường Sa nhiều kỷ niệm nhất, gian khổ nhưng cũng đẹp và tự hào vô cùng", Trung tá Lưu Ngọc Đức nhớ lại.

Trung tá Đức vui mừng khi bất ngờ gặp lại người đồng đội “lính công binh” năm xưa trên đảo Đá Tây -  Thiếu tá Đinh Đức Mạnh (Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải quân). Khuôn mặt dạn dày nắng gió, 15 năm kể từ khi tốt nghiệp trường Sĩ quan Công binh tới nay, Thiếu tá Đinh Đức Mạnh cùng đồng đội đi xây dựng không biết bao nhiêu công trình trên cả đảo chìm, đảo nổi ở Trường Sa.

Khi còn là chàng lính nghĩa vụ ở đơn vị công binh, đã nếm trải đủ những khó khăn vất vả nhưng khi xuất ngũ, anh lại khăn gói từ quê nhà Nam Định vào Bình Dương tiếp tục thi vào trường Sĩ quan Công binh.

Từ đó, anh chính thức bước chân vào đời “bộ đội công binh”, cùng đồng đội làm bạn với nắng gió công trường ở những địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Lực lượng công binh luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ. Công binh hải quân lại thêm nhiều khó khăn bởi đặc thù xây dựng là ở đảo xa, trong thời tiết xấu, biển động, sóng lớn. Từ việc chuyển tải vật liệu phải lựa theo con nước, tới việc kê những bãi đá lên cao hơn mặt nước biển làm chỗ chứa sỏi đá, xi măng sao cho tránh nhiễm mặn.

“Chuyển tải phải lựa con nước. Khi nước lên thì từ 4h, toàn đội đã báo thức để ăn sáng rồi 4h30 ra tàu. Tới 1-2h chiều hết con nước, anh em bộ đội mới ăn cơm nghỉ ngơi. Sau đó, anh em làm những việc khi con nước cạn”, Thiếu tá Mạnh chia sẻ.

Có những công trình, công binh phải dầm mình nhiều giờ mỗi ngày phá dỡ khối bê tông cũ để dọn sạch mặt biển, chuẩn bị mặt bằng. Đôi tay trần quai búa lên chiếc chòong (thanh thép dài dạng hình trụ) để ghè phá khối bê tông. Tới khi choòng mòn cụt, họ cắt cả xà beng thay thế. 

Bộ đội phải tận dụng thời gian tối đa để làm việc bởi từng viên sỏi, bao xi măng đều phải vận chuyển hàng nghìn hải lý. Thời gian thi công càng nhanh chóng thì vật liệu càng giảm sự hao mòn.

Thời gian làm công binh, Trung tá Đức xa nhà biền biệt. "Lần ấy, khi tôi đi con còn bế ngửa trên tay. Công tác xa nhà triền miên, khi hoàn thành công trình được về phép ít ngày, tôi hối hả bắt xe, lòng ngập tràn nỗi nhớ nhà, nhớ vợ, nhớ con thơ. Về đến nhà, đang ngập ngừng trước cửa, con trai - giờ đã lon ton biết chạy ngước đôi mắt tròn xoe nhìn tôi, líu lo chào “chú bộ đội”".

Những tình cảm nhớ thương vợ con cũng được Thiếu tá Mạnh gói ghém trong lòng.

Khi sắp hết ngày phép, anh và 2 công chúa nhỏ thường chơi trò hẹn ước. Hẹn khi bố trở về đưa con đi ăn kem, đưa con đi nhà sách, ghé vào khu vui chơi... Thi thoảng nhớ con, người công binh mang khuôn mặt sương gió cười tủm tỉm một mình, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để sớm được về đoàn tụ.

“Trong nhà phải có một người có uy. Mình ít khi về với con nên đóng vai “ông bụt”, còn “vai ác” là mẹ bọn trẻ”, Thiếu tá Mạnh cười hiền lành.

Vất vả và nhớ thương vợ con tới vậy, nhưng hỏi có khi nào hối hận vì chọn là công binh hay không, anh lắc đầu: “Khi bạn vượt lên đỉnh núi, bạn sẽ được hưởng thành quả của người chiến thắng. Niềm vui của công binh là những công trình hoàn thành. Chúng tôi biết, những giọt mồ hôi đổ xuống có ý nghĩa. Ý thức về chủ quyền trong mỗi người lính không hề lơi lỏng dù chỉ là mỗi giây, mỗi phút”.

Còn chàng lính tuổi 20, trung sĩ  Ngô Thái Vũ, Phó Phân đội trưởng súng máy phòng không 12,7 ly đang thực hiện nghĩa vụ tại đảo Đá Đông A khi viết thư tình nguyện “sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Trường Sa” cũng hiểu thấu trái tim mình đang khát khao điều gì.

Cả gia đình đều sinh sống ở TP Thủ Đức, TPHCM nên khi biết con trai út tình nguyện đi thực hiện nghĩa vụ ở biển đảo, người mẹ ôm lấy con đầy lo lắng. “Em động viên mẹ em rằng, mẹ hãy cho con hoàn thành nghĩa vụ của một thanh niên với đất nước. Đây cũng là một thử thách của bản thân, khi mình dám đương đầu với khó khăn, mình sẽ dần tự lập trong cuộc sống”, Vũ chia sẻ.

Đảo Đá Đông A, nơi chiến sĩ Vũ công tác là điểm quan trọng trong phòng thủ đảo, như lá chắn vòng ngoài bảo vệ sườn phía Đông của các tỉnh Nam Trung bộ.

Trên hòn đảo chìm này, lực lượng công binh hải quân đã xây dựng nhà lâu bền để cán bộ, chiến sĩ ăn ở, sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ. Thủy triều lên, đảo chìm là những khối nhà bê tông kiên cố giữa biển nước mênh mông. Thủy triều rút, xung quanh đảo hiện ra những bãi đá, san hô.

Tới nay, chiến sĩ Vũ đã tới đảo làm nhiệm vụ được hơn 3 tháng. “Mặt trời khuất bóng, xung quanh đảo chỉ còn một màu của bóng đêm. Nó là một thế giới khác biệt hoàn toàn với nơi em sinh ra và lớn lên. Em nhớ nhà, nhớ cuộc sống phố thị, nhớ chiếc điện thoại hàng ngày vẫn lướt Facebook, TikTok... Dẫu là thế, nhưng ở đây em được rất nhiều. Em đã xé chiếc kén bọc để trưởng thành hơn mình của ngày hôm qua. Em được cảm nhận thứ tình cảm mà không gì mua được, đó là tình đồng chí, đồng đội.

Hàng ngày, từ 5h, em dậy tập thể dục và ăn sáng. 7h vào huấn luyện. Trưa nghỉ ngơi. Buổi chiều tiếp tục huấn luyện, đến khoảng 4h30 thì nghỉ và tham gia thể thao, trồng rau, nấu cơm cùng các anh.

Mới đầu em nấu cơm sống, nhưng giờ đây em tự tin khi trở lại thành phố sẽ nấu cho mẹ một bữa cơm thật ngon”, chiến sĩ Vũ chia sẻ.

Hướng mắt nhìn những người lính 19, 20 tuổi đang ca hát với đoàn văn công của tỉnh Khánh Hoà, đại úy Nguyễn Duy Khánh, trực Chỉ huy ở đảo Đá Đông cho hay: “Các em còn trẻ, mới xa gia đình nên công tác huấn luyện được thực hiện theo từng cấp từ dễ tới khó dần.

Sau giờ rèn luyện, chúng tôi chia sẻ chuyện buồn chuyện vui... Hoàn cảnh của ai ra sao, anh em đều hiểu và chia sẻ. Nhà Vũ rất khó khăn. Bố làm bảo vệ. Ngày trước mẹ làm công nhân nhưng giờ đã nghỉ mất sức. Em ấy có dự định, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ đi học nghề để giúp đỡ bố mẹ”.

Như người anh cả trong nhà, đại úy Khánh đặt yêu cầu an toàn cho các chiến sĩ trên đảo lên hàng đầu. Buổi tối, vào những ngày sóng to, biển động, ai ở nhà nào ở nguyên đó, tuyệt đối không đi qua cầu nối giữa 2 nhà.

Nơi đảo chìm giữa biển khơi, niềm vui giản đơn của người lính là những tháng ngày sau Tết Nguyên đán đến tháng 5. “Khi ấy, biển cả như dịu dàng hơn, sóng yên gió lặng, tàu thuyền nhộn nhịp ra khơi đánh bắt. Thi thoảng, có những chiếc tàu đánh cá ghé vào đảo, mang theo hơi thở ấm áp của đất liền, xua tan đi phần nào nỗi nhớ nhà da diết trong lòng những người lính đảo chúng tôi", đại úy Khánh bộc bạch.

Trực tiếp ra thăm Trường Sa, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai xúc động khi chứng kiến sự nỗ lực vượt lên khó khăn của cán bộ chiến sĩ, để vững tay súng, bảo vệ Tổ quốc.

“Những người lính ở Trường Sa phải đối mặt với nhiều thách thức và nguy hiểm hàng ngày để bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Họ phải sống xa gia đình, bạn bè, đối mặt với biển cả dữ dội và sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống khẩn cấp nào có thể xảy ra. Sự hy sinh của họ, không chỉ là lòng can đảm trong việc chiến đấu với các thách thức ngoại vi mà còn là sự hy sinh trong việc xây dựng và duy trì môi trường sống trên đảo, đảm bảo an ninh và an toàn cho tất cả”, ông Vũ Thanh Mai chia sẻ.

Cũng theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, những hình ảnh về cán bộ, đảng viên, chiến sĩ nơi biên giới hải đảo, đặc biệt là tại Trường Sa, luôn là nguồn cảm hứng to lớn cho thế hệ trẻ. Họ sẽ học tập được tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, ý chí kiên cường, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc”.

Thiết kế: Trần Hằng