Cởi mở tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở sâu bên trong con ngõ phường Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân, Hà Nội), ở tuổi gần 70 tuổi, bà vẫn nhanh nhẹn, ánh mắt trong, nụ cười thân thiện, giọng nói sang sảng.

Những dòng chảy ký ức về một thời “trị thủy” làm nên tên tuổi của bà gắn với đại công trình thủy điện Hòa Bình khiến những người trẻ ngày nay vừa khâm phục, vừa được truyền ngọn lửa sống, cống hiến cho sự phát triển của đất nước. 

Ngay sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, Đảng và Nhà nước đã khẳng định: Muốn xây dựng XHCN thì “điện khí hóa” phải đi trước một bước. Từ những năm 1958 - 1963, Chính phủ đã giao Bộ Thủy lợi cử cán bộ nghiên cứu địa chất trên toàn bộ lưu vực sông Đà và Hòa Bình đã được lựa chọn là điểm đặt chân của công trình thủy điện trên dòng sông hùng vĩ. 

Từ cuối năm 1979, theo nguyện vọng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước đã tin tưởng, giao cho đoàn viên, thanh niên là lực lượng chủ công tham gia xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Năm 1982, theo đề nghị của Trung ương Đoàn, Hội đồng Bộ trưởng quyết định công nhận công trường xây dựng Thủy điện Hòa Bình là Công trường Thanh niên Cộng sản.

Hưởng ứng lời kêu gọi, hàng vạn thanh niên từ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Hưng, Thái Bình, Nghệ An… đã tình nguyện lên công trình thủy điện Hòa Bình nhận nhiệm vụ. 

Trên công trường quy mô lớn nhất Đông Nam Á thời điểm đó, mọi người không quản khó khăn, gian khổ, hăng say lao động tới ba ca, bốn kíp “vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”. 

Môi trường làm việc trên công trường cực kỳ khắc nghiệt, một chút sơ sẩy, một chút lơ là có thể gây nên hậu quả khôn lường, ấy thế mà cũng tại nơi đây, nhiều cán bộ đã được thử thách, rèn luyện, trưởng thành trong gian khó, trong đó có nhân chứng sống Lê Thị Ngừng.

Bà Lê Thị Ngừng sinh ra và lớn lên ở vùng quê ngoại thành Thanh Oai, thời đó ngoài phong trào ba sẵn sàng kêu gọi nhập ngũ cứu nước thì phong trào kêu gọi thanh niên cùng góp sức xây dựng các công trình cũng rất được hưởng ứng, ai nấy đều hồ hởi xung phong.

Cách đây 45 năm, nghe tiếng gọi của Đoàn thanh niên, nam nữ khắp làng trên xóm dưới quê bà làm đơn để được đi tham gia công trình thủy điện Hòa Bình. Và may mắn sau một thời gian bà Ngừng được tuyển. 

Ngày đầu đặt chân đến mảnh đất Hòa Bình, nữ thanh niên Lê Thị Ngừng choáng ngợp trước cảnh tượng chưa bao giờ được chứng kiến của đại công trình thủy điện, nào xe, nào người, ai vào việc nấy, tất cả làm việc hăng say trên công trường rộng lớn.

Trong 2 năm bà Ngừng được bố trí học sửa chữa ô tô, xe máy, học xong nhưng khi đó chỉ toàn máy mới không có gì để sửa, thế là quay ra làm đủ việc từ bốc gạch, thợ xây, đào rãnh thoát nước... 

Suốt một thời gian dài, trên có chủ trương “cái gì nam giới làm được nữ giới cũng làm được”, thế là bà cùng gần 20 chị em khác được tuyển đi học lái máy xúc EKG do Liên Xô tài trợ. Lần đầu tiếp xúc với máy múc, những cô gái nông thôn như bà Ngừng hốt hoảng vì cái máy “to như cái nhà”, muốn vận hành được thì phải có một loại cáp điện 6 KV to bằng bắp tay người lớn, cái gầu xúc của máy có thể múc được đến 5 khối, tiếng gầm rú ing tai nhức óc khiến người đứng gần cũng khó chịu. 

Chỉ vào bức ảnh đen trắng mà ở đó bóng dáng con người trở nên “tí hon” dưới chiếc máy xúc khổng lồ, bà Ngừng kể, “lúc bây giờ, đây là một trong những thiết bị xây dựng công trình tiên tiến nhất của nước ta”.

Lần đầu ngồi lên cabin, chưa làm gì cả, chỉ ngồi không nghe tiếng động cơ chạy, mà cả “hội nhóm chị em” về ốm hết. Ngay với thanh niên Lê Thị Ngừng, dù chưa từng say tàu xe, chóng mặt, nhưng sau buổi làm quen về cũng ủ rũ, mệt mỏi. “Các anh ở trên và mấy anh lái máy đó lắc đầu chắc mẩm mới buổi đầu tiên như vậy thì khó có ai có thể trụ lại được”, bà Ngừng nhớ lại.

Không khuất phục, ai cũng cố gắng nhưng sau một tháng cả đội rơi rụng hết chỉ còn cô gái Lê Thị Ngừng và Lê Thị Hiên. Cũng chỉ trong vòng một tháng làm quen, từ 62kg, nữ thanh niên Lê Thị Ngừng sút mất 10kg.

“Chị Hiên từng được sang Liên Xô học nên máy móc do họ viện trợ cho mình chị làm quen rất nhanh, từ các số chữ đến các thao tác. Tôi thì thiệt thòi hơn vì kém về ngoại ngữ, nên mọi hy vọng đổ dồn về chị Hiên. Tuy nhiên cũng vì áp lực từ máy với tiếng ồn khiến chị Hiên cũng không trụ được, lúc này chỉ còn lại mình tôi”, bà Ngừng nhớ lại những ngày đầu khó khăn khi nhận lái.

Được đồng nghiệp và cấp trên động viên, bà Ngừng cố gắng trụ lại, dù không biết ngoại ngữ nhưng ngồi phía sau lái chính, bà quan sát tỉ mỉ từng động tác, thao tác, nút bấm của máy. 36 động cơ lớn nhỏ cộng với tiếng ồn khiến việc “nhập môn” lái máy xúc của bà gặp vô cùng khó khăn, thế là bà nghĩ ra cách, đó là tự phiên ra ký hiệu riêng để nhớ, sau đó về ghi ra giấy, mỗi ngày cố gắng học một ít.  

“Người tôi thì nhỏ, mà khoang máy thì rộng, các cần gạt, nút bấm thì cách xa nhau, nên tôi cũng phải ‘đảo điên’ cả chân và tay theo để vận hành”, bà cười khi kể về những ngày tháng lịch sử đó. 

Trong một tháng bà Ngừng lái được máy. Bà dần quen với nhịp độ công việc và trở thành một trong những lái chính của đội lái khoảng 500 người. Và điều khác biệt trong đội lái, đó chính là chỉ có mình bà là nữ.

Giữa một “rừng” đàn ông lái máy xúc tự nhiên lọt thỏm một cái gái nhỏ con ngồi lái cùng khiến ai cũng ngạc nhiên. Từ mấy cô nuôi đến mấy anh đào bới và cả mấy anh trong tổ lái đều trầm trồ. Có dịp nguyên Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên cùng các chuyên gia Liên Xô đến thăm công trường đã bày tỏ sự ngạc nhiên như vậy.

Bà nhớ như in lời vị chuyên gia Liên Xô I-va-nô-chích khen “Lái giỏi quá, học ở đâu mà lái giỏi thế?”, bà Ngừng thật thà đáp: “Cháu không học lớp nào, mới học thực tế thôi ạ”. Sau đó, vị chuyên gia này nhận xét với trình độ này ở Liên Xô thì đã là thợ bậc 4/7 chứ không phải 2/7 như hiện tại. 

Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên sau đó có chỉ đạo cho bà đi thi, trong cuộc thi nâng ngạch, quả đúng là bà đạt trình độ 4/7. 

10 năm hăng hái vừa học vừa làm công nhân máy xúc, mặc dù chỉ cách quê chưa đầy 60km, nhưng bà Ngừng không được đón cái Tết nào ở nhà. Niềm vui được cống hiến sức trẻ cho đất nước khiến thanh niên Lê Thị Ngừng quên đi mệt mỏi, coi công trường như nhà, coi các anh cùng tổ lái như người thân trong gia đình. 

Bà nhớ những lần tham gia văn nghệ, vì cả đội chỉ có mình bà là nữ nên được tiến cử, nhưng vốn dĩ chỉ quen lao động chân tay, khi lên sân khấu bà chỉ hát bè trong tốp ca. Rồi bà nhớ những trận bóng chuyền cùng anh chị em, ngồi ngắm dòng sông Đà hùng vĩ, bà tự hào về tuổi thanh xuân có những kỷ niệm đẹp.

Kể về lần tại nạn nghề nghiệp “thập tử nhất sinh”, bà không khỏi rùng mình khi nhớ lại: Hôm đó đúng ca làm gồm một kíp 5 người, cả thợ điện và người kéo cáp phải 2 người mới chuyển được cáp đi, bà chỉ là lái phụ, theo kế hoạch làm từ 18h tối đến 12h đêm. “Tự nhiên đến gần đêm trời chuyển mưa rất nhanh, xung quanh là núi cao, dưới là hố sâu, cơn mưa ào dội xuống như thác đổ, cả đội lo lắng nếu máy xúc bị úng nước sẽ chập gây hỏng hóc, anh em liền dừng chạy quyết định đưa máy lên. Chưa hết khó khăn thì sét đánh đúng cột điện làm mất điện không thể chạy máy lên được. Nước dâng lên nhanh chóng, chả mấy chốc đã ngập giữa thân mấy anh em”, bà Ngừng nhớ lại.

Không biết làm thế nào, ai đấy đều lo lắng, bằng mọi giá phải có điện cho máy chạy lên, may mắn đã đến với sự đồng lòng của cả tổ và sự giúp đỡ của thợ điện, chiếc máy xúc được “cứu” lên an toàn.

Sau trận đó bà bị ngấm nước, sáng hôm sau ốm “liệt toàn thân”, cứ nghĩ là sắp chết. Lúc đó bà Ngừng còn dặn dò đồng nghiệp nếu chẳng may có mệnh hệ gì thì nhờ báo sớm cho người nhà lên. Nhưng sau một tháng bà dần hồi phục, tập đi lại được, lại đi lái máy bình thường, đến giờ nghĩ lại bà vẫn không biết lúc đó mình bị bệnh gì.

Thời điểm ngày 8/5/1984, trên công trường công trình lịch sử, bà vinh dự được đứng trong đội ngũ của Đảng, như được tiếp thêm sức mạnh, một năm sau bà được xếp bậc 5/7. Bà được cử trong đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam sang dự Festival 12 tại Moscow (Liên Xô) năm 1985. Ghi nhận những nỗ lực của bà, Hội đồng Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho bà Ngừng cũng vào năm 1985. Đầu năm 1986, bà Lê Thị Ngừng được Ban Chấp hành cuộc hành quân theo chân Bác chứng nhận đạt danh hiệu “Dũng sĩ ngăn sông Đà đợt 2”. Trong nhiều năm liền bà được bầu là Chiến sĩ thi đua, vinh dự về thủ đô dự dự Đại hội Đảng toàn quốc năm 1986.

Trong cuộc trò chuyện, chồng bà - ông Lê Viết Phụng luôn ngồi bên cạnh lắng nghe, đôi khi chỉ mỉm cười. Nhiều người khi tiếp xúc có lẽ sẽ bất ngờ vì tính cách có vẻ trái ngược nhau của hai ông bà, nhưng họ là mảnh ghép bổ sung cho nhau. Với giọng nói sang sảng, bà Ngừng vui vẻ khi kể về chồng: “Chuyện vợ chồng tôi thì hay lắm, đến giờ thanh niên cũng khó mà học tập được. Cũng có người hỏi thì tôi mới nói vui là do tôi lái máy xúc nên ‘múc’ được anh ấy về ở cùng”.

Cơ duyên đến với ông bà từ lúc họ chưa gặp mặt nhau, ông Phụng từng làm giảng viên trường ĐH GTVT cũng nghiên cứu về máy xếp dỡ tương tự như máy EKG (loại máy bà Ngừng lái). Tìm hiểu biết được cô gái bé nhỏ Lê Thị Ngừng lại “khuất phục” được cỗ máy hiện đại này, ông thầm cảm phục. Sau tình cờ hai nhà lại gần nhau, thậm chí hai người chị ruột của ông bà cũng quen biết nhau đều là cán bộ huyện Thanh Oai, duyên số đều thuận thế là ông bà đặt vấn đề tìm hiểu rồi cưới vào cuối năm 1986. 

“Ngay cả khi biết nhà tôi là Anh hùng lao động, nhưng trong thâm tâm tôi thì Ngừng là người phụ nữ đảm đang, tề gia nội trợ, công việc đâu đấy”, ông Phụng bày tỏ.

Bà Ngừng có thai nên phải dừng việc lái máy xúc, được tổ chức luân chuyển làm việc hành chính ở phòng tổ chức lao động tiền lương, sau khi sinh con gái đầu, hai ông bà được luân chuyển về Hà Nội. Tưởng đã hết duyên với thủy điện, khi sinh con được 4 tháng, không biết ai cho địa chỉ mà đoàn phóng viên Cuba vì ngưỡng mộ đến tìm tận nhà muốn được quay hình bà Ngừng lái máy. 

Từ chối mãi không được thế là cả hai mẹ con được xe của đoàn phóng viên đưa tận lên công trình thủy điện để quay phim. “Tôi còn rất nhiều thư từ bạn bè quốc tế gửi về chúc mừng, hỏi thăm. Sau này tôi còn đưa cho anh Vũ Mão xem (ông từng giữ chức Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn) thì được anh khuyên giữ lại làm kỷ niệm. Nhưng tiếc quá mấy năm trước do mưa, bão thư bị ẩm mốc không còn nguyên vẹn”, bà Ngừng kể.

Dành trọn tuổi thanh xuân cống hiến, từ một cô gái thôn quê trở thành nữ Anh hùng Lao động, bà Lê Thị Ngừng là một tấm gương tiêu biểu trước thời kỳ đổi mới.

Trong căn nhà nhỏ, bên mâm cơm chiều, vợ chồng ông Phụng bà Ngừng cùng nhau săn sóc tận tình lẫn nhau, dù đã lớn tuổi nhưng ông bà vẫn như hình với bóng, luôn có mặt, đồng hành với nhau trong mọi hoạt động. Dẫu thời gian có trôi đi, vẫn biết không ai cưỡng lại được quy luật của tạo hóa nhưng trong sâu thẳm trái tim ông bà, hạnh phúc là một điều gì đó thiêng liêng và giản dị lắm.

Trần Thường - Thiết kế: Hồng Anh