LTS: Chỉ hơn chục ngày sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em".

Trong lúc toàn Đảng, toàn dân toàn quân ta ra sức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong đó có nội dung “trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045" - thời điểm tròn 100 năm nước ta độc lập- mỗi chúng ta lại càng thấy sâu sắc thêm mong muốn, tầm nhìn của Người. 

Nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022) báo VietNamNet tổ chức bàn tròn “Khát vọng sánh vai cường quốc năm châu”.

Khách mời tham dự chương trình là ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Chương trình được đăng tải theo 2 phần. Mời quý độc giả theo dõi phần 1 tại video sau:

Nội dung chi tiết chương trình phần 1:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Lê Doãn Hợp, đầu tiên ông có thể lý giải vì sao mà chỉ mới giành được độc lập được ít ngày, bối cảnh đất nước khi đó còn vô vàn khó khăn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ đến việc “sánh vai với các cường quốc năm châu”?

Ông Lê Doãn Hợp: Phải nói rằng, khát vọng của Bác là khát vọng giành độc lập tự do cho đất nước. Khi đã giành được khát vọng độc lập, Bác nghĩ ngay tới khát vọng đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu. Tôi nghĩ, đó là tư duy vừa dân tộc, vừa thời đại, vừa là hiện tại, vừa là tương lai. Đó chính là tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khát vọng của Bác là đại diện khát vọng của cả dân tộc. Bác nói một câu mà ai cũng nhớ, giành độc lập, đất nước độc lập, nhân dân tự do mà vẫn đói nghèo thì độc lập tự do đó không có ý nghĩa gì hết. Khát vọng sánh vai với các cường quốc năm châu chính là đưa dân tộc Việt Nam trở nên giàu mạnh.

Nếu cho tôi nói một cách ngắn nhất về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, tôi xin dùng 4 chữ yêu nước, thương dân. Yêu nước là phải làm cho nước mạnh, thương dân là phải làm cho dân giàu. Nước mạnh, dân giàu có thể coi là khát vọng cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi chưa giành chính quyền. Còn khi đã giành được chính quyền, khát vọng đó đòi hỏi cao hơn và được tổ chức thực hiện quyết liệt hơn.

Nhà báo Phạm Huyền: Khát vọng đó của Người chắc không đơn thuần chỉ là mong mỏi, khích lệ mà còn dựa trên những cơ sở và tương quan khu vực và thế giới thời điểm đó. Theo đánh giá của ông thì những cơ sở và tương quan đó là gì?

Ông Lê Doãn Hợp: Tôi nghĩ khát vọng của Bác có thể bắt nguồn từ 4 nền tảng, 4 cơ sở.

Trước hết, Bác tin vào con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam. Một dân tộc đi qua 4.000 năm lịch sử, vượt qua biết bao nhiêu chông gai, thử thách, khó khăn trong chống thiên tai, trong chống giặc ngoại mà vẫn vươn lên làm chủ đất nước, giành độc lập dân tộc. Một dân tộc có những con người phá xiềng xích, quật khởi đứng dậy giành lấy chính quyền, một dân tộc dám đánh Pháp- một cường quốc có đội quân nhà nghề, bằng tất cả những vũ khí thô sơ...và giành thắng lợi. 

Bác tin vào một dân tộc như thế hoàn toàn có thể làm được việc sánh vai các cường năm châu.

Thứ hai, tôi nghĩ rằng Bác tin vào tiềm năng của đất nước, đó là đất đai, tài nguyên... Nước ta có cả trung du, miền núi, đồng bằng, cả rừng, cả biển, có tất cả những lợi thế của thiên nhiên 4 mùa xanh tươi. Đó là tiềm năng để chúng ta làm giàu.

Nếu so với Singapore, Đài Loan, Israel…, tiềm năng của Việt Nam quá tốt, tại sao mình không làm được? Bác đi khắp thế giới, nên chắc chắn, Bác có phép so sánh đó.

Thứ ba, tôi nghĩ có lẽ, Bác tin vào sức mạnh 4.000 năm của dân tộc Việt Nam. Đi qua các giai đoạn lịch sử, Bác là người rất am hiểu lịch sử Việt Nam. Cho nên Bác tin vào lịch sử dân tộc bao giờ cũng là nền tảng để đi lên, phát triển.

Thứ tư, tôi nghĩ Bác là người đi khắp bốn biển năm châu, Bác tìm được các bài học của các nước trên thế giới. Tất cả những nước giàu mạnh thì trước đó, họ đều có khát vọng lớn.

Ví dụ như, năm 1929, Tổng bí thư Stalin (Liên Xô cũ) đã nói một câu rằng, so với các nước tiên tiến trên thế giới, Liên bang Xô viết đã lạc hậu từ 50-100 năm. Chúng ta phải vượt qua chặng đường đó trong vòng 10 năm. Một là chúng ta phải làm được việc đó để tồn tại và phát triển, hai là chúng ta chịu nghiền nát. Đó chính là khát vọng.

Thực tế, 10 năm sau, Liên Xô đã làm xong công nghiệp hoá nước Nga, sẵn sàng đương đầu và chiến thắng cuộc chiến khốc liệt nhất trong lịch sử loài người, đó là Chiến tranh Thế giới thứ 2 do Hitler phát động. Đó chính là khát vọng. Chắc chắn, những bài học đó, câu chuyện đó, Bác nắm rất rõ bởi Bác đang lãnh đạo đất nước, đang tìm con đường cứu nước.

Một ví dụ khác là, khi ông Lý Quang Diệu lên làm Thủ tướng Singapore, ông nói rất nhiều câu thể hiện khát vọng của người đứng đầu và tất nhiên, khát vọng người đứng đầu biến thành khát vọng của người dân, của dân tộc.

Ông ấy nói rằng, nếu chúng ta không biết làm giàu thì trí tuệ của con người cũng chỉ là trí nhớ mà thôi…

Ông ấy cũng nói rằng, tôi sẽ xây dựng đội ngũ công chức Singapore thành niềm kiêu hãnh của Singapore. Tôi nghĩ, tất cả những điều đó đều đã thành hiện thực. Vì thế, 60 năm kể từ khi ông Lý Quang Diệu cầm quyền, ông đã dẫn dắt đất nước Singapore có GDP tăng gần 200 lần, từ mức thu nhập trung bình từ 427 USD/người/năm lên 77.000 USD/người/năm.

Những bài học kiểu như thế, tôi nghĩ Bác đã được tiếp cận ngay từ đầu.

Gần chúng ta là Trung Quốc, về phát triển đất nước, chúng ta cần học họ. 40 năm kể từ khi ông Đặng Tiểu Bình cầm quyền đến khi họ kỷ niệm 70 năm Cộng hoà nhân dân Trung Hoa năm 2019, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng 47 lần, từ 190 USD/người/năm lên 9.000 USD/người/năm. Tổng GDP đất nước Trung Quốc tăng 70 lần, từ 200 tỷ USD lên 14.000 tỷ USD, đứng thứ 2 thế giới. Đặc biệt, dự trữ quốc gia của Trung Quốc tăng hơn 1.000 lần, từ 3.800 USD lên 4.000 tỷ USD. Đó là khát vọng của Đảng cầm quyền.

Tôi nghĩ, tầm nhìn của Bác là tầm nhìn thế giới. Và bốn cơ sở đó để Bác có một câu nói bất hủ vào thời điểm mới giành chính quyền chỉ sau chục ngày. Đến bây giờ, khát vọng đó vẫn luôn nung nấu, thôi thúc mỗi chúng ta. Chúng ta nói học theo tấm gương và đạo đức Hồ Chí Minh thì đây chính là một nội dung cần phải học tập.

Bác đã nói một câu rất triết lý và tôi nghĩ mãi mãi đúng: giàu thì mạnh, giàu thì dễ chủ động, giàu thì sang, nghèo thì hèn, nghèo thì yếu, nghèo thì dễ lệ thuộc. Chính vì thế, Bác đưa ra khát vọng này và Bác là người đại diện cho dân tộc khi nói lên khát vọng đó.

Hôm nay, chúng ta ôn lại, quán triệt lại, thấm nhuần lại tư tưởng của Bác để làm những điều của Bác dặn, mong là chúng ta đừng làm quá chậm.

Nhà báo Phạm Huyền: Với quyết tâm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định các mục tiêu cụ thể đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Theo ông, việc xác định một mốc rất cao như vậy để phấn đấu có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển của nước ta?

Ông Lê Doãn Hợp: Đại hội XIII đưa ra khát vọng này là chín muồi. Ngoài những thuận lợi mà thế giới đem lại và dân tộc mình đã có, ta có thuận lợi là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là cuộc cách mạng phát triển thần tốc, kỳ diệu, ngoạn mục ngoài sức tưởng tượng của con người.

Thế giới đã đi qua 4 cuộc cách mạng: Cuộc cách mạng thứ nhất là cách mạng công nghiệp hơi nước, trọn vẹn 150 năm từ Thế kỷ XVIII đến giữa Thế kỷ XIX. Thứ hai là cuộc cách mạng điện năng, từ giữa Thế kỷ XIX đến giữa Thế kỷ XX, kéo dài 100 năm.  Thứ ba,  cuộc cách mạng điện tử từ giữa Thế kỷ XX đến đầu Thế kỷ XXI, kéo dài 50 năm và giờ chúng ta đang tiến vào cuộc cách mạng lần thứ tư.

Tôi nhận thức là, cuộc cách mạng này có 3 cái khác so với 3 cuộc cách mạng trước. Nếu ở 3 cuộc cách mạng trước, khi đã phát triển đến đỉnh cao rồi, loài người mới đặt tên. Còn ở cuộc cách mạng này vừa nhen nhóm, đã có tên gọi rồi. Điều đó cho thấy tính rõ nét, bức thiết đến mức loài người đã đặt tên ngay.

Năm 2011, các nhà khoa học Đức bắt đầu nói đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhưng đến năm 2016, tại Thuỵ Sĩ, một hội thảo quốc tế diễn ra đã đặt rõ tên là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mà ta gọi tắt là Cách mạng công nghiệp 4.0.

Với tên gọi đó, cả loài người coi đây là cơ hội vàng để thay đổi và phát triển.

Cái khác thứ hai là, ở 3 cuộc cách mạng trước, phát sinh nảy nở ở một quốc gia văn minh và từ đó, lan toả ra toàn thế giới. Tốc độ ngày càng nhanh. Nhưng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ra đời tạo ra cơ hội bình đẳng cho toàn thế giới. Điều kiện như nhau, thuận lợi như nhau, cơ hội như nhau.

Vừa rồi, tôi về trao quà Tết cho cho hai xã khó khăn nhất, ở vùng cao nhất của Nghệ An, tôi mở iPhone ra thì thấy mình như ở Hà Nội, như đang ngồi ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Xét về mặt thông tin, cả thế giới cơ hội như nhau. Thông tin vừa cải tạo chúng ta, vừa tôn vinh chúng ta. Học bằng cách đọc, học bằng cách hỏi, học bằng cách đi. Thời bây giờ, chỉ qua một chiếc iPhone là ta có hết. Thế nên, tôi thấy Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chính là cơ hội vàng cho chúng ta. Đại hội XIII đặt ra vấn đề này là chín muối.

Tôi cũng nghĩ, chúng ta cần biết chớp cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này để thúc đẩy từ quản lý đến phát triển. Bây giờ, thời đại toàn cầu hoá có 5 thứ quan trọng nhất: 1. Công dân toàn cầu; 2. Nhân lực toàn cầu; 3. Thị trường toàn cầu; 4. Ngôn ngữ toàn cầu; 5. Doanh nghiệp toàn cầu. Với 5 điểm này, chúng ta chớp cơ hội thực hiện Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chúng ta mới bứt phá được, đi lên được.

Khi tôi làm Bộ trưởng (Bộ Thông tin và truyền thông), tôi đã nói rất nhiều về một điểm thuận lợi của dân tộc ta. Đó là đất nước có cơ cấu dân số vàng, là thế hệ trẻ chiếm tỷ lệ rất cao, lại rất đam mê công nghệ. Thế hệ trẻ bao giờ cũng có khát vọng, muốn chứng minh mình và bao giờ cũng có quỹ thời gian làm tất cả những gì mình muốn. Cơ hội vàng cho chúng ta là vừa có thuận lợi của quốc tế, vừa có sự thuận lợi của một dân tộc có cơ cấu dân số vàng.

Phải nói thêm rằng, khi chúng ta thực hiện Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là chúng ta làm giàu cho đất nước trên bình diện thế giới. Chỉ có Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mới cho phép làm được điều đó.

Chúng ta tận dụng được lao động chất lượng cao của thế giới vào sự phát triển của Việt Nam, để chúng ta vừa học tập, vừa thay đổi mình. Tiếp cận như thế chính là tư duy của thời đại. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi, phải biết dựa vào sức mình nhưng phải dựa vào tiềm năng của thời đại.

Ở cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cái quý nhất là sự quản lý minh bạch, rõ ràng từ con người đến tài chính, đất đai, tài nguyên. Chính như thế, chúng ta mới đánh giá con người tốt nhất, đánh hiệu quả công việc tốt nhất. Khi đó, chúng ta mới kích động phát triển lành mạnh nhất. Đó là cơ hội vàng của Đại hội XIII.

Khi Đại hội Đảng đặt ra mục tiêu như thế, là có cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và tất nhiên, đó là khát vọng lớn.

Nhà báo Phạm Huyền: Trong dòng chảy liên tục, ông nhìn nhận thế nào về mong ước cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên và mục tiêu được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định?

Ông Lê Doãn Hợp: Tôi nghĩ là, cái vĩ đại nhất của Bác là biết tôn trọng con người dựa vào sức mạnh con người, sức mạnh toàn dân. Trong đó, phải nói rằng, Bác rất chú ý thế hệ trẻ. Chúng ta đã nói nhiều lần, thế hệ trẻ là tương lai của đất nước. Thế hệ trẻ hôm nay là thế giới ngày mai.

Trong thực tiễn, người ta cũng nói, thế hệ trẻ là quá khứ của thế hệ già mà thế hệ già là tương lai của thế hệ trẻ. Một dân tộc mà biết lo cho 2 đầu, một đầu là tiềm năng của đất nước, một đầu là chính sách xã hội thì làm cho đất nước đó phát triển lành mạnh. Vì thế, Bác Hồ rất quan tâm đến thế hệ trẻ.

Tôi cũng tiếp xúc nhiều với thế hệ trẻ, thấy rất tự hào về thế hệ trẻ của Việt Nam. Bây giờ, chúng ta đánh giá thế hệ trẻ khác ngày xưa. Ngày xưa, mỗi ngày tôi chỉ tiếp cận được 5-10 thông tin có ích, bây giờ, thế hệ trẻ mỗi ngày có thể tiếp cận hàng trăm thông tin có ích. Tốc độ tích luỹ kinh nghiệm, kiến thức để sống và làm việc tốt nhanh hơn nhiều.

Cho nên, đánh giá thế hệ trẻ là phải đặt trong môi trường nào chứ không phải qua tuổi tác. Có những người 30 tuổi, kiến thức của họ dày dặn bằng những người 50-60 tuổi ngày xưa. Thời Bác, Bác đã nghĩ như thế thì thời nay, càng phải khác nữa.

Có thể nói, chúng ta lo sợ thế hệ trẻ Việt Nam đứng ngoài chính trị, nhưng tôi đi nhiều thì thấy, thế hệ trẻ Việt Nam rất chính trị. Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tới 70% người đến viếng là thế hệ trẻ. Họ không hề đứng ngoài chính trị. Họ có một khát vọng, một mong muốn phấn đấu trở thành những người có cống hiến nhiều cho đất nước như thế. Tôi cho rằng, ta có lợi thế rất tốt khi có một thế hệ trẻ như thế.

Chính vì vậy, Bác quan tâm đến thế hệ trẻ từ thời đó và càng ngày, chúng ta càng thấy sáng ra, phải dựa vào thế hệ trẻ để phát triển.

Thế hệ trẻ có lợi thế về về tuổi trẻ, sức khoẻ, độ minh mẫn, nhanh nhẹn; quỹ thời gian còn nhiều, dũng cảm dám làm, nếu lỡ sai thì còn có thời gian để sửa và khát vọng chứng minh mình rất lớn. Muốn chứng minh mình thì phải hành động.

Tham dự một diễn đàn ở Đại học Y Hà Nội, các bạn sinh viên có hỏi tôi, bộ trưởng là người đi trước, bộ trưởng có lợi khuyên gì? Tôi khuyên rằng, thế hệ trẻ cần có 3 có, 1 chịu thì sẽ thành thành công. Ba có là có sức khoẻ, có trí tuệ, có khát vọng và 1 chịu là chịu hành động. Như thế, dứt khoát sẽ thành công.

Trên thực tế, thế hệ trẻ chúng ta có rất nhiều thành công.

Những gì Bác đã nói, đã làm là hoàn toàn đúng đắn. Chúng ta hãy dựa vào nền tảng đó, tiếp tục hun đúc, nhận thức và hành động thì tôi nghĩ, Việt Nam sẽ thay đổi rất nhanh. Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, đó là thời đại của toàn dân, thế hệ trẻ là lực lượng xung kích.

(Đón xem tiếp Phần 2: Chỗ đứng không quan trọng bằng hướng đi)

VietNamNet

Các bài viết chia sẻ góc nhìn xin gửi về email của chương trình: gocnhinthang@vietnamnet.vn