icon icon

LTS: Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt mục tiêu rõ, đến năm 2045- khi tròn 100 năm thành lập- Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, phồn vinh, hạnh phúc. Đó cũng chính là thực hiện tâm nguyện, khát vọng cháy bỏng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi khai sinh ra nước Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022) báo VietNamNet tổ chức bàn tròn “Khát vọng sánh vai cường quốc năm châu”.

Khách mời tham dự chương trình là ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Chương trình được đăng tải theo 2 phần. Ở phần 1, nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đã phân tích sâu về tư tưởng và tầm nhìn của Bác Hồ,  nhận định về cơ hội vàng cho Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với thông điệp:  Sánh vai với các cường quốc là khát vọng của cả dân tộc.

Mời quý độc giả theo dõi tiếp phần 2 tại video sau:

Nội dung chi tiết phần 2: 

Nhà báo Phạm Huyền: Không ít ý kiến cho rằng phất lên ngọn cờ đủ cao, mục tiêu đủ lớn sẽ tạo ra sự đoàn kết mạnh mẽ và niềm tin cũng như không gian mới cho sự phát triển mạnh mẽ, cá nhân ông có suy nghĩ như vậy?

Ông Lê Doãn Hợp: Tôi nghĩ, muốn tập hợp được cả dân tộc, trước hết hãy định hướng đúng và tạo thành khát vọng. Bởi vì, chỗ đang đứng rất quan trọng nhưng không quan trọng bằng hướng đang đi. Đi về đâu, đi bằng cái gì, đi bằng con đường nào? Bây giờ, chúng ta vừa định hướng, vừa xác định hướng đi rồi.

Để trở thành hiện thực được, tôi còn có mong muốn nữa là, Đảng và Nhà nước hoạch định các chặng đường đi, phân lộ các chặng đi để đi đến mục tiêu đó. Mình xác định 5 năm một chặng đường, mỗi năm là 1 bước đi thì cần xác định rõ các bước đi đó.

Khát vọng của Đảng cầm quyền là cực kỳ quan trọng nhưng phải biến khát vọng đó thành khát vọng của tất cả các cán bộ đứng đầu, từ bộ ngành tới các địa phương, biến thành khát vọng của doanh nhân và doanh nghiệp, biến thành khát vọng của các hộ gia đình, thì mới thành hiện thực được.

Nên nhớ rằng, ba trục phát triển bền vững của một đất nước là kinh tế- văn hoá- môi trường. Kinh tế là mục tiêu trung tâm, nhưng phải đặt trên nền tảng là văn hoá. Làm thế nào để kinh tế phát triển nhưng văn hoá là tiến bộ.

Chúng ta vừa rồi cũng đã có Hội nghị tổng kết về văn hoá là Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

 Tôi nghĩ, trong văn hoá, chúng ta cần dồn sức làm tốt ba trụ cột: Một là văn hoá gia đình là nền tảng xã hội; hai là văn hoá doanh nghiệp làm nền tảng kinh tế; ba là văn hoá công sở và đạo đức công vụ là nền tảng chính trị. Nếu chúng ta lo được tốt 3 trụ cột này thì dứt khoát, kinh tế sẽ phát triển bền vững. Nếu chúng ta phát triển kinh tế nhanh mà làm ảnh hưởng đến văn hoá, môi trường thì hai thứ này sẽ phá vỡ trở lại.

Cái quan trọng phải biết khát vọng phát triển quốc gia là khát vọng của toàn dân. Chúng ta nói tới kinh tế là phải nói tới kinh tế nhân dân. Bởi vì, gia đình là đơn vị kinh tế cơ sở, đơn vị văn hoá cơ sở, đơn vị an ninh cơ sở. Mọi cái tốt đẹp của xã hội, của loài người đều bắt đầu từ gia đình, mọi điều không yên, không vui của xã hội thì cũng bắt nguồn từ gia đình. Vì thế, phải lo ba trụ cột này thì kinh tế mới phát triển bền vững. Cần đặt mục tiêu kinh tế phát triển bền vững là đi liền với văn hoá, môi trường.

Con người quý nhất là sức khoẻ, thiên nhiên quý nhất là màu xanh, quốc gia quý nhất là văn hoá. Cho nên, trong phát triển kinh tế, Đảng đã xác định là phải phát triển đồng bộ. Nghị quyết Đại hội Đảng lần XIII đã nói rất rõ, chúng ta phải phát triển kinh tế bền vững, vừa phải đi nhanh, hài hoà các yếu tố môi trường- văn hoá.

Ngày xưa, cha ông có nói một câu, đến một ngôi nhà chưa giàu mà sạch, người ta vẫn kính nể; đến một ngôi nhà giàu mà luộm thuộm, bẩn, người ta vẫn xem thường; còn đến một ngôi nhà vừa giàu, vừa sạch, vừa sang thì đó chính là kinh tế bền vững. Chúng ta đi lên từ nền tảng như thế thì mới vững chắc.

Chúng ta cần nhận thức đồng bộ và làm cho đồng bộ, làm gì cũng cần trọng tâm, trọng điểm, không thể lan man. Khi làm trọng tâm, trọng điểm thì phải xác định rõ bước đi và nội dung từng bước đi để đi đến mục tiêu khát vọng Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao, có công nghiệp hiện đại vào năm 2045. 

Chúng ta còn 23 năm nữa. Nhưng tôi nghĩ, dứt khoát chúng ta phải làm được như Singapore, như Israel. Ngày xưa, họ không có Cách mạng công nghiệp 4.0 mà còn làm được. Chúng ta có Cách mạng công nghiệp 4.0 là điều kiện khách quan thuận lợi thì chúng ta phải có niềm tin để làm. Những quyết sách vừa qua của Đảng là rất hợp lòng dân rồi, giờ tập trung tổ chức thực hiện.

Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ tại bàn tròn trực tuyến: "Khát vọng sánh vai với các cường quốc năm châu" nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022)

Nhà báo Phạm Huyền: Thực tế cho thấy bối cảnh đất nước ta lúc thời điểm thập kỷ 40 thế kỷ trước đủ chín muồi để cách mạng tháng Tám thành công. 

Nay, bối cảnh cách mạng đã đủ, đó là chúng ta đứng trước bẫy thu nhập trung bình, là nếu chậm chân trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư thì nguy cơ tụt hậu là hiển hiện. Vì thế cần phải tạo ra tình trạng “chiến tranh trong thời bình” thì người Việt sẽ làm nên nhiều điều kỳ diệu, ông nhìn nhận thế nào về câu chuyện này?

Ông Lê Doãn Hợp: Trước hết, phải nói thẳng rằng, chúng ta đang tụt hậu. Chúng ta hãy tìm xem nguyên nhân tại sao? 

Tôi thấy có rất nhiều nguyên nhân nhưng trong đó, có một nguyên nhân khiến tôi nung nấu suy nghĩ nhiều nhất: Đã đến lúc, Việt Nam chúng ta phải có một tư duy mới, đó là hãy dũng cảm so mình với thế giới! Xem mình là ai? Mình đang đứng ở đâu? Và mình phải làm gì?

Ta có một tư duy truyền thống rất tốt nhưng kéo dài lại không ổn: đó là so mình với chính mình, thấy nhích lên một chút là vui. So mình ngày hôm nay với ngày hôm qua, thấy khá lên một chút là sướng. Nhưng so với sự vận động của loài người thì chúng ta đang tụt hậu. Đó là điều tôi lo lắng nhất.

Trong hoàn cảnh còn bao nhiêu khó khăn như thế, Bác đã khởi xướng khát vọng đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu. Bây giờ, chúng ta thuận lợi hơn nhiều. Tình hình quan hệ đối ngoại quốc tế chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay, thế và lực của ta đã tốt hơn, nhận thức của nhân dân tốt hơn, dân trí của chúng ta đã cao hơn và đặc biệt, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là động lực thúc đẩy. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 làm cho chúng ta không thể ngồi một chỗ được, chúng ta buộc phải vận động. Đây là điểm chúng ta phải thay đổi tư duy, (không dám so sánh với thế giới).

Chúng ta có rất nhiều ngành ngang tầm quốc tế. Ví dụ, trong ngành thông tin và truyền thông mà tôi từng quản lý, viễn thông của Việt Nam là ngang tầm quốc tế, từ giá thành, hạ tầng, tính phổ cập là ngang tầm quốc tế. Công nghệ thông tin của chúng ta ở top đầu của thế giới. Hay như hàng không dân dụng của chúng ta được thế giới đánh giá có 3 nhất: chuyên nghiệp nhất, an toàn nhất, đội hình vừa chuyên nghiệp vừa đẹp nhất. Ít nhất, tôi nhìn thấy Việt Nam có 3 ngành ngang tầm quốc tế. Tại sao các ngành khác lại không?

Tôi có cảm giác, ngành nào không cạnh tranh toàn diện thì ngành đó không bứt phá lên được. Vấn đề đặt ra là phải biết so sánh mình với thế giới và biết cạnh tranh toàn diện, mới phát triển bứt phá được. 

Nông nghiệp có nhiều mảng sáng như nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao với rất nhiều sản phẩm xuất khẩu ra thế giới. Những thành tựu của chúng ta chủ yếu do công nhân và nông dân tạo ra. Dưới tác động của Đảng, những thành phần kinh tế này gắn kết với nhau quyết liệt hơn. 

Tôi cho rằng, có 2 thành phần duy nhất tạo ra của cải cho đất nước này là hộ gia đình và doanh nghiệp. Hộ gia đình tạo ra nguyên liệu cho công nghiệp, tạo ra lương thực, thực phẩm.  Công nghiệp tạo ra hàng hoá và nguồn thu. Chúng ta dồn sức phát triển 2 thành phần kinh tế này, phát triển lên tầm quốc gia thì dứt khoát chúng ta sẽ làm được. Đó chính là kinh tế Nhà nước cộng với kinh tế nhân dân. Kinh tế Nhà nước thúc đẩy kinh tế nhân dân và kinh tế nhân dân tạo ra cạnh tranh với kinh tế Nhà nước để 2 thành phần này phát triển tốt hơn. 

Tôi nghĩ rằng, thái độ của chúng ta với kinh tế hộ gia đình phải rõ hơn, quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn. 

Có thể nói, chúng ta là công nhân viên chức, thang lương, bảng lương là Nhà nước lo nhưng tiền lương là doanh nghiệp lo. Phải biết ai nuôi mình để mình có thái độ đúng mức và có trách nhiệm. Chúng ta muốn nâng lương thì phải lo nguồn thu mà muốn lo nguồn thu thì phải lo cho doanh nghiệp. 

Đảng và Nhà nước lo cho doanh nghiệp, cho hộ gia đình chính là phát triển bền vững để đạt mục tiêu sánh vai với các cường quốc năm châu.

Chúng ta phải đổi mới cơ chế với ít nhất 3 thay đổi: Chúng ta phải chuyển từ cơ chế dễ quản lý sang cơ chế dễ làm giàu. Vì nguyên tắc là muốn dễ quản lý thì sẽ là bóp nghẹt sản xuất, bóp nghẹt cuộc sống, như thế lại khó làm giàu. Các bộ ngành thiên về quản lý dễ thì khó làm giàu. Chúng ta cần đưa ra nguyên tắc là dễ quản lý nhưng cũng dễ làm giàu. Đó là cái sửa thứ nhất.

Sửa thứ hai là sửa từ cơ chế quản lý sang cơ chế phục vụ. Ngày xưa, ta nói quản lý doanh nghiệp, quản lý lao động, quản lý dân cư thì bây giờ phải là, phục vụ doanh nghiệp, phục vụ dân cư. Thái độ sẽ khác: quản lý là quyền lực, phục vụ là trách nhiệm. Khi đó, xã hội sẽ cởi mở hơn và phát triển tốt hơn. 

Sửa thứ ba là hãy học các nước tiên tiến, cái gì Nhà nước cấm, dân muốn làm thì phải xin. Còn cái gì Nhà nước không cấm thì không phải xin. Phải mở toang cửa cho dân và doanh nghiệp lựa chọn, quyết định đầu tư vào sản xuất, nảy sinh doanh thu thì nộp thuế cho Nhà nước, làm sai thì phải sửa theo Luật. Xã hội bùng dậy, sản xuất kinh doanh thuận lợi thì khi đó, khát vọng làm giàu mới thực hiện được. 

Trong tất cả những việc phải làm thì làm giàu là khó nhất. Chúng ta phải động viên, khích lệ, tổng kết, rút kinh nghiệm để người dân tự tin hơn, làm giàu tốt hơn và giúp đất nước phát triển hơn. Đó là cơ hội vàng của Thế kỷ XXI này, đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Thế giới cũng rất tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam. Chúng ta phải coi đây là bước phấn đấu quan trọng, vừa là huy động nội lực, vừa là thu hút ngoại lực.

Ở đâu cũng thế thôi, khơi trong, hút ngoài, đoàn kết, tiến công, tăng tốc thì mới phát triển nhanh được. Hay nói cách khác, phải khơi dậy nội lực gắn với thu hút ngoại lực, trong đó, ngoại lực là chất xám, trí tuệ, tài năng, kinh nghiệm, vốn để chúng ta mới đi lên. 

Chúng ta phải biết khai thác tất cả các lợi thế của Việt Nam mà trước đây, chưa khai thác hết. VD, Việt kiều là một lợi thế. Chúng ta có 5 triệu kiều bào ở nước ngoài, cần được huy động tốt hơn. Nghị quyết Đại hội Đảng đã nói, Việt kiều là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Chúng ta phải tôn trọng thành phần kinh tế tư nhân đang làm cho đất nước thay đổi từng ngày, ở đó có rất nhiều người tài giỏi. Chúng ta phải đào tạo họ trở thành những người lãnh đạo kinh tế cho đất nước. Doanh nghiệp là nơi đào luyện cán bộ làm kinh tế tốt nhất cho đất nước. Chúng ta cần tận dụng những tiềm năng đó. Tôi tin là chúng ta có rất nhiều lợi thế để phát triển. 

Những vấn đề đó đã được đặt lên bàn cân ở Đại hội XIII rồi, chỉ còn lại là nhận thức và hành động. 

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đã có Nghị quyết rồi thì không bàn cãi nữa mà phải làm. Trong quá trình làm, nảy sinh cái gì thì điều chỉnh cái đó. Chỉ có làm thì mới ra sản phẩm, ra bài học, ra kinh nghiệm và ra chính bản thân mình. Bất luận mọi việc khó, muốn thành công thì phải nhảy vào để toé ra mọi thứ, ra bài học, ra kinh nghiệm, ra sản phẩm, ra cách làm. Điều quan trọng nhất là ra con người cụ thể, ra chính bản thân mình, từ đó, mình có kinh nghiệm mà làm. 

Nếu cứ ngồi và nói lý thuyết thì không bao giờ vào chuẩn. Cứ nhảy vào cuộc, sẽ có thực tiễn và từ thực tiễn đó, ta giải quyết mọi việc khó. Từng gia đình, từng doanh nghiệp, từng con người và cả đất nước sẽ thay đổi.

Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ tại bàn tròn trực tuyến: "Khát vọng sánh vai với các cường quốc năm châu" nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022)

Nhà báo Phạm Huyền: Nếu có lý tưởng, có niềm tin sẽ giúp mỗi con người cũng như mỗi dân tộc chịu đựng được gian khổ  trong một thời gian dài, vượt được những khó khăn tưởng như không thể vượt qua, theo ông cần phải làm gì để lý tưởng đưa Việt Nam trở nên hùng cường, thịnh vượng, sánh vai cường quốc năm châu thấm đẫm trong mỗi con dân đất Việt?

Ông Lê Doãn Hợp: Nói điều này, tôi lại nhớ đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Xét về tương quan lực lượng, chúng ta thua họ rất xa. Mỹ là nước giàu nhất thế giới, Việt Nam là top nước nghèo nhất thế giới, mà ta vẫn thắng Mỹ. Trong chiến tranh, không có sự may rủi, được thắng là rõ ràng. Đó là chiến thắng của ý chí, khát vọng, hoài bão, trí tuệ. 

Chúng tôi đi lính, nghe các lãnh đạo nói và qua thực tiễn thấy rằng, chúng ta hoàn toàn có thể thắng Mỹ. Ta phải có niềm tin ngay từ đầu thì mới thắng được!

Mỹ mạnh nhất cái gì? Mỹ yếu nhất là cái gì? Con đường khoét sâu cái yếu của Mỹ là con đường nào, con đường hạn chế cái mạnh của Mỹ là con đường nào? Chúng ta đều phải tính toán. Khi có niềm tin thì mình huy động được lực lượng, khi có niềm tin thì mình hợp lực được và hợp lực được mới có sức mạnh. 

Đảng đã xác định hướng đi rồi, giờ chúng ta cần tạo niềm tin. Từ niềm tin đó, khơi dậy cháy bỏng trong từng người dân, hộ gia đình, từng doanh nghiệp, từ đó đất nước đi lên vững chắc. 

Trong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, dân tộc đứng trước bao nhiêu khó khăn nhưng khi có niềm tin rồi thì dứt khoát khắc phục được và tiến lên. Chính vì thế, chúng ta đã làm được những việc mà thế giới không tưởng tượng được. 

Tổng thống Jonhson đã viết trong nhật ký: Vì lý do danh dự của nước Mỹ, chúng ta không nói là chúng ta đã thua ở Việt Nam, thì chúng ta cũng phải nói rằng, chúng ta đã không thắng ở Việt Nam. Cuộc chiến tranh nam Việt Nam sản sinh ra những bài ca rung động lòng người, cũng sản sinh những anh hùng dân tộc và cũng làm tăng thêm cả những mối bất hoà trong lòng nước Mỹ. Tổng thống Jonhson đã thừa nhận như thế. Họ bất hoà thì họ thua, còn ta đoàn kết thì ta thắng. 

Vì thế, khi có mục tiêu rõ rồi, chúng ta lại đoàn kết nữa, lại hợp lực nữa thì chúng ta tạo ra sức mạnh không thể đo đếm được. 

Trong kinh tế cũng vậy. Khi tôi làm chủ tịch Nghệ An, đưa ra một cơ chế đúng, ví dụ như cơ chế làm giao thông nông thôn, một cơ chế kinh tế sát với dân cư từng vùng kinh tế thì đạt kết quả không tưởng tượng được. Mỗi năm trước đây, chỉ làm được được vài trăm km, nhưng khi phát động cơ chế hợp lòng dân, mỗi năm làm được hàng nghìn km. 

Chúng ta xác định được mục tiêu, đưa ra cơ chế hợp lực, thu hút được trí tuệ, nhân tài thì ta có thể đạt được kết quả tốt. Ta cần có niềm tin như thế.

Nhà báo Phạm Huyền: Người ta nói rằng nếu chỉ làm cho bản thân thì hay lo sợ, còn nếu làm vì cái chung, vì đất nước thì không ai sợ sệt điều gì. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người phê phán, đấu tranh mạnh mẽ với chủ nghĩa cá nhân. Nếu soi chiếu vào hiện tại cũng như tương lai gần, ông thấy điều gì cần được xới lên giữa cái chung và cái riêng để muôn người vì một Việt Nam cường thịnh?

Ông Lê Doãn Hợp: Chủ nghĩa cá nhân gần như là bản năng của con người. Thế nhưng, tại sao các nước lại tạo ra được sức mạnh vĩ đại được? Tôi gặp ông bộ trưởng Israel, ông ấy nói hai câu: Việt Nam và Israel đều là hai nước đi sau, nếu như đặt mục tiêu tiến cùng thời đại thì mãi mãi chúng ta đi sau. 

Israel là mục tiêu tiến vượt thời đại, đó là hoài bão và sự thực, họ đã vượt thời đại. Một đất nước giành độc lập năm 1948, chỉ có sa mạc, mỗi năm chỉ có 21 ngày mưa, có nơi phải dùng nước biển lọc làm nước ngọt dùng cho nông nghiệp, vậy mà Israel trở thành nước giàu, nông nghiệp đứng top đầu thế giới. Còn mình, đất nước có đủ 4 mùa mà lại không đủ ăn. Vấn đề là tự duy, sự quyết tâm. 

Câu thứ hai ông ý nói, tôi rất thích. Ông ấy nói rằng, Việt Nam luôn luôn đặt ra mục tiêu năm sau cao hơn năm trước. Với chúng tôi như thế là không đủ, đương nhiên, năm sau cao hơn năm trước nhưng điều chúng tôi đòi hỏi là năm sau phải khác biệt năm trước. Tư duy của thế giới là như thế, mới có sự phát triển tăng tốc như thế. 

Thể chế của Nhà nước ta là phải quan tâm ngăn chặn chủ nghĩa cá nhân, biến sức mạnh từng con người thành hợp lực. Ví dụ, bạn có một xe đạp mới mua rất đẹp, bạn đạp ra công viên, tập thể dục và dựng xe ở một gốc cây gần nhất, tự dặn mình là phải chú ý không để mất cắp, nhưng sự thực, vẫn có thể chiếc xe bị mất cắp. Nhưng nếu bạn có thêm một cái khoá, khoá xe vào gốc cây thì bạn không cần chú ý, chiếc xe không bị mất cắp. Cái khoá chính là cơ chế quản lý, là cơ chế ngăn chặn chủ nghĩa cá nhân. Khi đã ngăn chặn chủ nghĩa cá nhân, sức mạnh hợp lực cao hơn nhiều. 

Tôi có thể ví dụ thêm: Một cái ao tù đẻ ra con cá màu đen, chúng ta quyết tâm bắt hết cá màu đen, thả cá màu trắng vào thay thế. Ba tháng sau, con nào chịu đựng được cũng sẽ đen, con nào không chịu được sẽ chết. Vấn đề không phải là thay cá mà là khử khuẩn, lọc nước. Cá màu đen thì nước trong cũng sẽ khiến cá sáng dần ra. Đó là thể chế, chúng ta phải sửa. 

Chúng ta vừa phải sửa thể chế, vừa phải tăng cường quản lý, để lợi ích nhóm và chủ nghĩa cá nhân không trỗi dậy, làm cho hợp lực cao hơn thì hành động tốt hơn. 

Đảng cầm quyền đưa ra Nghị quyết thì chính đó là mục tiêu hợp lực. Vừa rồi, tôi được nhiều địa phương mời đi nói chuyện, trong đó có một chủ đề là Dấu ấn Đại hội Đảng VI. Tôi không bao giờ quên hào khí của Đại hội VI, đã giải quyết được tất cả khát vọng của dân và có được một đất nước bừng sáng như hôm nay. Giờ, chúng ta nói về khát vọng của Đại hội XIII. Với khát vọng Đại hội XIII và dấu ấn Đại hội VI, chúng ta vươn lên. Khi chúng ta vươn lên thì chúng ta hợp lực tốt hơn. Khi đó, chủ nghĩa cá nhân giảm đi, chủ nghĩa tập thể sẽ cao hơn. Vì thế, chúng ta cần có niềm tin. 

Trong cuộc sống, bao giờ cũng có 2 mặt, mình làm tốt mặt này thì mặt kia sẽ hạn chế chứ không triệt tiêu. Đất nước có bao nhiêu bài học về tập hợp lực lượng, từ những bài học trong chiến tranh cho thấy, cả một dân tộc cùng một hướng đi thì tạo ra một xung lực rất mạnh cho cả dân tộc.

Trong chiến tranh đánh thắng Pháp, Mỹ, nhiều người nói về lòng dũng cảm, nhưng thực ra, đó là thông minh, là trí tuệ. Nhờ thông minh, trí tuệ trong đánh giặc, chúng ta giành được độc lập tự do. Nhưng chúng ta lại không thông minh trong làm kinh tế, mà kinh tế thì khó khăn làm sao bằng trong chiến tranh được?

Do vậy, phải hợp lực và coi đó là cơ hội để đất nước thay đổi. Nếu không thay đổi, vị thế đất nước sẽ rất khó. Tiếng nói của thế giới là tiếng nói của GDP bình quân trên đầu nước. Nếu GDP phát triển nhanh, kinh tế của ta giàu lên thì thế và lực của đất nước chúng ta sẽ khác. Đó chính là làm cho tiềm lực kinh tế, quốc phòng và kể cả danh dự của đất nước chúng ta cũng sẽ khác đi. Như thế, chúng ta mới đáp ứng khát vọng của những người đã khuất, khát vọng của những người đang sống, của nhân dân hiện nay. 

Cần phải chống chủ nghĩa cá nhân, tạo ra sức mạnh hợp lực tập thể để đưa đất nước phát triển tốt hơn.

BTV Phạm Huyền và khách mời- ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ tại bàn tròn trực tuyến: "Khát vọng sánh vai với các cường quốc năm châu" nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022)

Nhà báo Phạm Huyền: Dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông có thể nói thêm điều gì về mong muốn sánh vai cường quốc năm châu của NGƯỜI cũng như hành trình đi tới của dân tộc Việt Nam?

Ông Lê Doãn Hợp: Nếu như là con người canh tân thì phải nhắc tới Phan Bội Châu, nếu như con người cải cách thì tôi nhắc tới ông Nguyễn Trường Tộ, còn nói tới con người đổi mới, tôi phải nhắc tới Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi coi đó là 3 nhà cải cách, canh tân, đổi mới nổi tiếng của đất nước. Trở về những con người đổi mới, canh tân, cải cách đó chính là để hướng tới tương lai. 

Chính ta học tư tưởng của Bác là phải ôn lại. Đổi mới cũng chính là trở lại cái cũ đã rất đúng đắn mà chúng ta lãng quên. Tôi nghĩ ngay lúc này, chúng ta cố gắng khái quát ở mức ngắn nhất tư tưởng của Bác để nhớ mà làm. Lâu nay, chúng ta vẫn làm tốt nhưng tôi vẫn cảm thấy đang bị loãng. 

Như tôi nói ở phần đầu, tôi nói khái quát ngắn gọn nhất, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là yêu nước, thương dân. Tất cả những người yêu nước bao giờ cũng thương dân. Bác thành lập chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà lâm thời, 96% dân mù chữ, Bác vẫn tôn trọng dân. Bác nói, dân vì nghèo mà không được học nhưng dân Việt Nam rất thông minh và rất trách nhiệm. 

Điều vĩ đại của Bác là mời hàng chục chuyên gia, các nhà trí thức tiêu biểu của Việt Nam đang ở Paris (Pháp) về xây dựng đất nước. Ngày xưa, chúng ta nặng nề thành phần lắm cứ phải là công- nông. Những người học giỏi, học Đại học và trên Đại học ở Pháp về đều là ở thành phần giai cấp trên. 

Nhưng tiêu chuẩn của Bác là: Đức, tài, yêu nước. Tất cả những nhà tri thức đó, tuy là thành phần giai cấp trên nhưng về với Bác Hồ, suốt cả cuộc đời là cống hiến cho công- nông như Tạ Quang Bửu, Nguyễn Xiển. 

Lúc này, nghĩ đến Bác, nên làm 3 việc: Một là thấm nhuần tư tưởng, đạo đức của Bác ở tầm gọn nhất, ngắn nhất để nhớ mà làm. Hai là học Bác ở việc chọn nhân tài. Thời Bác Hồ, chọn nhân tài không sai. Chọn nhân tài là quan trọng nhất. Nếu chọn cán bộ không đúng là rất nguy hiểm. Ba là học Bác ở chỗ, bên cạnh những định hướng chiến lược, Bác tìm mọi cách để tập hợp nhân tài, tập hợp nhân dân để làm. Tôi cảm thấy cái tài của Bác là cái tài nhìn xa trông rộng, tập hợp nhân tài. 

Đó là hai thứ rất quan trọng. Năm 1945, trong lúc Bác ốm nặng, ông Võ Nguyên Giáp đến thăm Bác, Bác nói: Dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn thì cũng quyết tâm giành độc lập trong năm nay. Đó là tầm nhìn. Sang năm 1946, cuộc chiến sẽ khác. 

Sang năm 1967, Bác đã yếu lắm rồi. Khi đó, Bác vẫn nói với đồng chí Vũ Kỳ, đưa Bác đến thăm Bộ Tư lệnh phòng không không quân. Đồng chí Vũ Kỳ nói với tôi, thấy Bác yếu quá nên chưa xếp lịch cho Bác. Khi Bác hỏi, đồng chí Vũ Kỳ nói, con đang chờ Bác khoẻ lên một tí. Nhưng Bác nói, từ nay trở đi, Bác yếu dần đi chứ làm sao khoẻ được. Chú sắp lịch cho Bác đến. 

Khi sắp lịch cho Bác, khi nghe Bác nói và năm 1972, Mỹ đánh B52 vào Hà Nội thì mới thấy tầm nhìn của Bác. Bác nói: Mỹ có chịu thua Việt Nam thì cũng sẽ thua trên bầu trời Hà Nội. Thực tế, chiến thắng B52 trên không của chúng ta là thắng lợi từ tầm nhìn của Bác. 

Chúng ta học Bác cần học ba thứ đó. Đến ngày sinh của Bác, mỗi năm, chúng ta cần lọc lại những cái cơ bản nhất trong tư tưởng của Bác, phù hợp với thời điểm này để học và làm. Chúng ta càng quý Bác bao nhiêu, càng học Bác bao nhiêu, càng thấm nhuần tư tưởng của Bác bao nhiêu thì chắc chắn, chúng ta tập hợp lực lượng tốt bấy nhiêu và giành thắng lợi vẻ vang bấy nhiêu. 

Người ta bảo, một đất nước có 1 lãnh tụ vĩ đại như thế là một tài sản vô giá mà phải nâng niu, tôn trọng, học tập phát huy. Học Bác là phải vượt trước, đi trước, biết lo xa thì đỡ buồn gần. Đảng của chúng ta là Đảng cách mạng và khoa học, phải có tầm nhìn. Tầm nhìn xa giúp cho chúng ta đi nhanh hơn, thuận lợi hơn và phát triển bền vững. 

Xin cảm ơn nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp về những chia sẻ sâu sắc! 

Mời quý vị đón xem chương trình bàn tròn trực tuyến tiếp theo vào tháng 6

Xem lại Phần 1: Sánh vai với các cường quốc năm châu là khát vọng của cả dân tộc

VietNamNet

Các bài viết chia sẻ góc nhìn về bàn tròn trực tuyến xin gửi về email của chương trình: gocnhinthang@vietnamnet.vn

Phạm Huyền

Xem các bài viết của tác giả