Kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2022) và 111 năm ngày Bác Hồ vượt trùng khơi tìm đường cứu nước (5/6/1911- 5/6/2022), Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp củng Nhà xuất bản Văn học và Liên Việt Books tổ chức họp báo công bố 2 công trình đặc biệt ra mắt công chúng vào dịp này. Đó là vở kịch hát Nợ nước non và cuốn sách cùng tên nằm trong bộ tiểu thuyết gồm 3 tập Nước non vạn dặm của tác giả Nguyễn Thế Kỷ.
Vở kịch hát Nợ nước non là sự kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu cải lương và một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác như dân ca ví, giặm Xứ Nghệ; ca Huế; bài Chòi khu 5 và dân ca Nam Bộ do NSND Triệu Trung Kiên làm đạo diễn, chuyển thể kịch hát: Hoàng Song Việt; âm nhạc: NSND Trọng Đài.
Theo NSND Triệu Trung Kiên, vở diễn sẽ khắc họa xúc động, sâu sắc hình tượng Nguyễn Sinh Cung (bé Anh Đức sắm vai), Nguyễn Tất Thành (nghệ sĩ Minh Hải), cùng với hình tượng mẹ Hoàng Thị Loan (nghệ sĩ Như Quỳnh), Cha Nguyễn Sinh Sắc (NSƯT Mạnh Hùng)… trong không gian văn hóa các vùng miền từ Bắc chí Nam, đặc biệt là sự thay đổi, trưởng thành về nhận thức, lòng yêu nước, chí căm thù quân xâm lược, nung nấu quyết tâm tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.
"Nhiều cảnh diễn xúc động, lôi cuốn như: Đêm trăng bên dòng Lam của chàng trai Nguyễn Sinh Sắc với cô gái Hoàng Thị Loan; Cảnh cha mẹ và ông bà ngoại đón bé Nguyễn Sinh Cung chào đời giữa mùa sen tháng 5 thơm ngát; Cảnh gia đình Nguyễn Sinh Cung ở kinh thành Huế, mẹ Hoàng Thị Loan tảo tần, khó nhọc đã từ giã cõi đời khi chồng là ông Nguyễn Sinh Sắc và con trai Nguyễn Sinh Khiêm đi xa, chỉ còn bé Cung và em Nhuận mới vài tháng tuổi", NSND Triệu Trung Kiên tiết lộ.
Tiểu thuyết Nợ nước non là tập 1 nằm trong bộ tiểu thuyết 3 tập Nước non vạn dặm do NXB Văn Học và Liên Việt Books phối hợp xuất bản. Nội dung chính của tiểu thuyết có những phần gần với nội dung vở diễn sân khấu cùng tên, cũng có những nội dung khác và mới, thể hiện bằng thi pháp và lợi thế của tiểu thuyết.
Chia sẻ tại buổi họp báo, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: "Để viết tiểu thuyết về một nhân vật lịch sử, một con người như Hồ Chí Minh quả là một thách thức quá lớn. Trước đó chỉ có nhà văn Sơn Tùng đã viết Búp sen xanh về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nay là Nguyễn Thế Kỷ. Ngay chính tình yêu quá lớn của những người Việt Nam nói chung và tác giả nói riêng dành cho vĩ nhân Hồ Chí Minh lại chính là thách thức khó khăn nhất. Bởi người viết sẽ mang cảm giác sợ hãi khi chạm vào sự thiêng liêng ấy. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã vượt qua được chặng đường đầu tiên một cách xuất sắc".
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tin rằng, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ có đủ các yếu tố quan trọng và cần thiết để viết nên bộ tiểu thuyết này như: sự nghiên cứu kỹ lưỡng về cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh; không kỳ bí hoá hay thần thánh hoá một vĩ nhân lịch sử khi viết về thời niên thiếu của vĩ nhân đó.
Tình Lê