Thầy Thủy cho rằng, đến thời điểm này, học sinh đã học xong chương trình, là giai đoạn tổng ôn tập do đó các em nên ôn theo chuyên đề, gắn với từng dạng câu hỏi của đề thi. Các dạng câu hỏi nào chưa hiểu, các em cần chủ động hỏi thầy cô, bạn bè để bổ sung kiến thức.

“Các em nên làm các đề kiểm tra, đề thi các năm trước, có biểu điểm chi tiết, đầu tiên hãy tự chấm bài mình, sau đó so sánh với đáp án, biểu điểm. Các em cũng có thể chấm chéo bài lẫn nhau, từ đó, sẽ phát hiện ra các lỗi bị mất điểm thường mắc để rút kinh nghiệm”, thầy Thủy nói.

Dang Van Thuy.jpg
Thầy Đặng Văn Thủy, giáo viên trường THCS và THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), hướng dẫn ôn tập cho học sinh.

Theo thầy Thủy, qua kết quả các bài khảo sát chất lượng, học sinh sẽ biết được lực học của mình thuộc nhóm nào để từ đó có kế hoạch ôn tập phù hợp: Nếu học lực giỏi, thường xuyên điểm kiểm tra ổn định quanh 9 điểm, các em tập trung luyện tập các câu hỏi vận dụng cao.

Nếu học lực trung bình hoặc yếu hơn, các em tập trung rèn cách trình bày bài, chú ý sửa các lỗi hay mất điểm đã được thầy cô nhắc nhở để lấy chắc điểm ở các câu nhận biết và thông hiểu, không nên sa đà luyện tập các câu vận dụng cao...

Thầy Thủy cho rằng, để đạt điểm tốt trong kỳ thi vào lớp 10, học sinh trước hết cần "không để mất điểm" các câu hỏi nhận biết và thông hiểu, sau đó mới cố gắng làm các câu vận dụng cao.

Những lỗi dễ mất điểm ở bài thi môn Toán

Thầy Thủy cũng lưu ý các học sinh về những dạng bài, nhóm kiến thức của môn Toán hay bị mất điểm và một số lỗi thường mắc:

- Bài rút gọn: Học sinh không chú ý đến điều kiện xác định khi thay giá trị của biến số vào biểu thức, khi giải phương trình, bất phương trình, đặc biệt các điều kiện mới xuất hiện; điều kiện biểu thức trong căn không âm.

- Bài giải toán bằng cách lập phương trình: Thí sinh thường thiếu đơn vị, điều kiện của ẩn số, thiếu các bước lập luận mà làm tắt và có ngay phương trình dẫn đến mất điểm các bước trung gian.

- Bài hình học không gian: Các em không chú ý đến yêu cầu làm tròn của đề bài, không chú ý đến dấu xấp xỉ. 

- Bài hệ phương trình: Các em thường thiếu hoặc sai điều kiện của ẩn số.

- Bài hàm số, phương trình bậc hai: Chưa chú ý sự khác nhau giữa hai nghiệmhai nghiệm phân biệt; chưa chú ý các điều kiện mới xuất hiện, điều kiện để mẫu khác 0.

- Bài hình học: Đọc không kỹ đề dẫn đến sai sót như cho tam giác ABC có AB<AC nhưng không chú ý đến điều kiện AB<AC; Cho cát tuyến thay đổi lại mặc định ở vị trí mình đã vẽ hình dẫn đến sai; Câu có hai ý nhỏ chỉ làm một ý, trong khi ý còn lại có thể dễ, chỉ từ kết quả ý đầu để suy ra…

Thầy Thủy cũng chia sẻ những kinh nghiệm làm bài thi môn Toán để đạt điểm số tối ưu. Các sĩ tử không nên làm lần lượt các câu trong đề mà ưu tiên làm các câu dễ và quen thuộc trước. Sau đó, các em mới làm các câu khó hơn ở mức độ vận dụng và vận dụng cao.

Cũng theo thầy Thủy, làm đến đâu cũng chú ý sửa các lỗi bản thân hay mắc phải, đã được chỉ ra trong quá trình ôn tập và qua các bài kiểm tra khảo sát.

"Sau khi làm hết các câu dễ, quen thuộc, các em cần kiểm tra lại tổng thể một lần nữa, khi chắc chắn rồi mới chuyển sang các câu khó hơn. Khi gặp câu hỏi khó, lạ, học sinh cần bình tĩnh đọc kỹ đề, liên hệ với những gì đã được học để tìm điểm chung, điểm tương tự từ đó tìm ra hướng giải.

Các em cần chú ý 'nhặt điểm' bởi đáp án chia nhỏ đến 0,25 điểm nên cần cố gắng làm để lấy từng mốc 0,25; chứ không nhất định phải làm được trọn vẹn câu đó mới viết vào bài thi", thầy Thủy khuyên. 

infoe.jpg

>>>Tra cứu điểm thi lớp 10 nhanh trên VietNamNet<<<