Chất bán dẫn, hay còn gọi là “chip”, là một thành phần thiết yếu cho tăng trưởng kinh tế, an ninh quốc gia, và đổi mới công nghệ của các quốc gia. Nhỏ hơn kích thước của một con tem bưu chính, mỏng hơn một sợi tóc người và được làm từ gần 40 tỷ linh kiện - một con số tiếp tục tăng lên - tác động của chất bán dẫn đối với sự phát triển thế giới đang trong quá trình để vượt xa cả Cách mạng Công nghiệp. Từ những chiếc điện thoại trong tay chúng ta đến tất cả những máy tính chúng ta sử dụng hàng ngày, các phương tiện đi lại như máy bay và ô tô, cho đến các vũ khí đang được sử dụng trên chiến trường tại Ukraine hay Trung Đông - chất bán dẫn là một công nghệ không thể thiếu trong các thiết bị điện tử hiện đại. 

 Chất bán dẫn có thể được coi là mấu chốt của thương mại toàn cầu trong thế kỷ 21, không khác gì dầu mỏ trong thế kỷ 20. Mặc dù vậy, sự phổ biến của những con chip này trong các thiết bị chúng ta sử dụng hàng ngày chỉ là bề nổi của tảng băng trôi về tầm quan trọng của chúng. Các hệ sinh thái kỹ thuật số rộng lớn – từ những nền tảng thương mại điện tử tới các cơ sở hạ tầng thiết yếu như lưới điện – phục vụ như nền móng của nền kinh tế ngày nay, đều dựa vào khả năng tính toán của những con chip nhỏ bé này. Sự phát triển của các công nghệ như Internet vạn vật (Internet of Things, IOT), trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối 5G, và các phương tiện tự vận hành đã tiếp tục đẩy chất bán dẫn lên vị trí hàng đầu trong nhu cầu kinh tế toàn cầu. Những tuyệt tác công nghệ này không chỉ hứa hẹn nâng cao trải nghiệm của người dùng, mà còn nắm giữ chìa khoá để giải quyết một số thách thức cấp bách nhất của thế giới – từ biến đổi khí hậu đến chăm sóc sức khỏe hay quy hoạch đô thị.

Do vậy, nhu cầu về chất bán dẫn tiếp tục bùng nổ, được thúc đẩy bởi mong muốn từ tất cả quốc gia để có những thiết bị thông minh hơn, các hệ thống kết nối tiên tiến hơn, và xây dựng nên một nền kinh tế kỹ thuật số kiên cường hơn. Cùng lúc đó, với tầm quan trọng của chất bán dẫn thì quyền thống trị ngành công nghệ này cũng đã trở thành một điểm nóng trong bối cảnh địa chính trị ngày nay. Cuộc đua chip toàn cầu không chỉ đơn thuần là về ai chiếm được thị phần lớn nhất hay có những đổi mới táo bạo nhất - mà nó ngày càng gắn bó với an ninh quốc gia, sức mạnh kinh tế, và quyền lực chính trị. Các quốc gia ngày càng nhận ra rằng việc kiểm soát chuỗi cung ứng chất bán dẫn - ngay từ giai đoạn khai thác nguyên liệu thô đến thiết kế và sản xuất chip - mang lại cả lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu lẫn lợi thế chiến lược trong quan hệ quốc tế.

Nguồn dữ liệu: Statista; https://www.statista.com/statistics/277404/global-semiconductor-sales-by-month/

Nhận thức này đã dẫn đến căng thẳng leo thang và sự khởi đầu của một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa những cường quốc bán dẫn. Ví dụ, một trong những điểm mấu chốt của cuộc chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung, hay căng thẳng giữa hai eo biển Đài Loan - là tầm quan trọng chiến lược của công nghệ chip. Các biện pháp trừng phạt, hạn chế thương mại, và các chính sách ngoại giao nhằm tiếp cận và sản xuất chip đã trở thành những tiêu đề thường xuyên trong tin tức quốc tế, phản ánh sự bất ổn của một thế giới ngày càng phụ thuộc vào một ngành công nghệ được kiểm soát bởi chỉ một vài công ty và quốc gia thống trị.

Các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam, không chỉ là khán giả trong cuộc đua này. Nhận thấy tiềm năng biến đổi của các ngành công nghiệp sản xuất hay sử dụng chất bán dẫn, các quốc gia từ Đông Nam Á đến Trung Đông đang tích cực đầu tư vào giáo dục, cơ sở hạ tầng, và quan hệ đối tác trong ngành chip. Mục tiêu của những quốc gia này thường bao gồm hai phần - (1) trở thành những bánh răng quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, và (2) khai thác sức mạnh biến đổi của công nghệ kỹ thuật số để phát triển kinh tế quốc gia. Trong bối cảnh này, những thay đổi gần đây trong chuỗi cung ứng để đa dạng hoá cơ sở sản xuất sang những quốc gia như Việt Nam không chỉ là những quyết định kinh tế - mà cũng nằm trong chiến lược địa chính trị của các bên liên quan. 

Có lẽ đáng chú ý nhất là tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nơi trọng tâm của ngành công nghiệp bán dẫn dường như đang chuyển hướng, dẫn đến việc các quốc gia thứ ba phải triển khai chính sách nhằm đảm bảo cân bằng kinh tế. Về một mặt, họ đang thúc đẩy hợp tác, quan hệ đối tác thương mại, và thu hút đầu tư quốc tế để khai thác tiềm năng rộng lớn của ngành bán dẫn. Mặt khác, các nhà hoạch định chính sách cũng đang phải điều hướng đất nước qua một môi trường địa chính trị phức tạp, đảm bảo không bị vướng vào các cuộc tranh giành quyền lực giữa những cường quốc công nghệ dẫn đầu.

Cùng lúc đó, xu hướng phát triển trong thế kỷ 21 cho thấy sự thay đổi mục tiêu theo hướng sản xuất chip bền vững và có trách nhiệm với môi trường hơn – được thúc đẩy bởi nhu cầu khắp thế giới cho công nghệ xanh hơn. Đây không chỉ đơn thuần là để đáp ứng những áp lực thị trường đang phải đối mặt hiện nay, mà còn là bước đi chủ động của ngành chip khi nhận thức được vai trò của mình trong việc định hình một tương lai bền vững. Do vậy, làn sóng đổi mới chất bán dẫn tiếp theo có thể sẽ được thúc đẩy bởi việc đảm bảo sản xuất bền vững hay sử dụng tài nguyên và năng lượng hiệu quả hơn, không kém gì khả năng tiếp tục phát triển sức mạnh tính toán thô của những con chip này.

(còn tiếp) 

Bài: Phạm Vũ Thiều Quang

Thiết kế: Luyến Phạm