Theo Sở Y tế TP.HCM, trường học cần phải báo cho y tế địa phương ngay khi phát hiện ca bệnh truyền nhiễm hoặc tăng bất thường số lượng người nghỉ học, nghỉ làm.
Ngày 20/4, Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Lao động Thương binh - Xã hội về việc tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong trường học.
Danh sách 16 bệnh truyền nhiễm quản lý trong trường học bao gồm: sởi, tay chân miệng, rubella, ho gà, bạch hầu, quai bị, thủy đậu, cúm (A, B), sốt xuất huyết, viêm họng nhiễm siêu vi, tả, não mô cầu, viêm não virus, viêm phổi virus nặng, bệnh nặng không rõ nguyên nhân và Covid-19.
Sở Y tế đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động Thương binh - Xã hội chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai một số nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, tổ chức giám sát, phát hiện, báo cáo ca nghi ngờ hoặc mắc bệnh truyền nhiễm. Khi người học (trẻ, học sinh, học viên) nghỉ học cần tìm hiểu lý do để phát hiện kịp thời các ca nghi ngờ, ca mắc bệnh truyền nhiễm trong trường học.
Thông báo ngay cho trạm y tế khi có một trong các trường hợp sau: Phát hiện ca mắc hoặc nghi mắc một trong các bệnh truyền nhiễm; Ghi nhận nhiều người học, giáo viên, nhân viên cùng có vấn đề sức khỏe trong cùng một thời gian; Tăng bất thường số lượng người học, giáo viên, nhân viên nghỉ học, nghỉ làm so với các ngày trước.
Khi có ca nghi ngờ hoặc ca mắc bệnh truyền nhiễm, nhà trường cần thông báo và phối hợp ngay với trạm y tế đề tổ chức điều tra dịch tễ, xử lý ca bệnh, ngăn ngừa bệnh lây lan...
Thứ hai, đẩy mạnh công tác truyền thông phòng bệnh trong trường học. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho toàn thể người học, giáo viên, công nhân viên về đặc điểm bệnh, cách nhận biết các dấu hiệu bệnh truyền nhiễm; cách xử lý, chăm sóc và theo dõi sức khỏe cho khi mắc bệnh.
Thực hiện 3 sạch “ăn sạch, ở sạch, bàn tay sạch", đảm bảo các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng bệnh. Phát hiện và xử lý vật chứa có nguy cơ phát sinh lăng quăng tại nơi ở, làm việc và học tập. Đẩy mạnh truyền thông đến phụ huynh về lợi ích của việc tiêm vắc xin.
Thực hiện nghiêm túc yêu cầu “không để học sinh mắc bệnh truyền nhiễm đến trường". Đề nghị phụ huynh không cho trẻ đi học khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, đưa đi khám ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ và thông báo ngay cho nhà trường khi có chẩn đoán của cơ sở y tế.
Thứ ba, đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong trường học. Khuyến khích và duy trì hoạt động rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng, thực hiện vệ sinh ăn uống.
Thực hiện vệ sinh, khử khuẩn các khu vực trong trường học, đặc biệt các bề mặt học sinh thường tiếp xúc bằng hóa chất làm sạch, khử khuẩn. Tổ chức tổng vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, vật chứa có nguy cơ phát sinh lăng quăng hằng tuần hoặc khi cần thiết.
Thứ 4, tăng cường tự kiểm tra, giám sát việc tổ chức phòng, chống dịch bệnh.
Thời gian cách ly khi mắc bệnh truyền nhiễm
Theo phụ lục 1 của văn bản này, người mắc các bệnh truyền nhiễm trong trường học có thời gian cách ly khác nhau.
Cụ thể, người mắc bệnh não mô cầu, viêm não virus, viêm phổi virus nặng, bệnh nặng không rõ nguyên nhân sẽ cách ly đến khi khỏi bệnh, bệnh tay chân miệng cách ly đến khi nốt mụn nước lành hẳn, bệnh sởi cách ly đến 5 ngày sau khi phát ban, bệnh rubella cách ly đến 7 ngày sau phát ban.
Bệnh ho gà cách ly 14 ngày sau khởi phát; bệnh bạch hầu cách ly đến khi có xét nghiệm âm tính 2 lần, bệnh quai bị cách ly 9 ngày sau sưng hạch, bệnh cúm và sốt xuất huyết cách ly 7 ngày sau khởi phát, bệnh tả cách ly đến khi xét nghiệm âm tính 3 lần, Covid-19 cách ly đến khi xét nghiệm âm tính.
Trường học có 1 ca mắc Covid-19 cần phải báo ngay cho y tế địa phương.
Công văn hỏa tốc của UBND TP Hà Nội về phòng chống dịch Covid-19 được ban hành vào cuối giờ chiều 18/4 yêu cầu thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trong tuần này, hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế sẽ họp rà soát, cập nhật lại hướng dẫn điều trị Covid-19 phù hợp với tình hình hiện nay. Một số thuốc trong phác đồ sẽ điều chỉnh do có kết quả nghiên cứu mới.