Thông tin trên được chia sẻ trong Hội nghị khoa học thường niên 2023 của Bệnh viện Chợ Rẫy diễn ra sáng 18/4 ở TP.HCM. Tại phiên chuyên đề, điều dưỡng Trần Thị Thúy, Khoa Bệnh nhiệt đới, cho hay đến nay Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu nào về chi phí điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Điều dưỡng Thúy và đồng nghiệp đã thực hiện nghiên cứu hồi cứu về nội dung trên đối với các bệnh nhân Covid-19 là người lớn tại cơ sở này. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10/2021 (giai đoạn dịch bệnh căng thẳng nhất tại TP.HCM), Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 1.576 người bệnh Covid-19.

Nhóm nghiên cứu đã chọn 139 bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng, nguy kịch và 212 bệnh nhân mức độ trung bình. Tuổi trung bình của nhóm nặng và nguy kịch là 68 tuổi, trong khi nhóm còn lại là 58 tuổi. Số lượng F0 có bệnh nền đái tháo đường và tăng huyết áp chiếm 1/3 tổng số nhập viện.

Bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thời điểm năm 2021. Ảnh: GL.

Kết quả phân tích cho thấy tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch cao gấp 5 lần so với bệnh nhân thuộc nhóm trung bình. Chi phí trung bình để điều trị cho người bệnh Covid-19 là 55 triệu đồng/người. Tuy nhiên, con số này ở người bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch là 140 triệu đồng/người.

Điều dưỡng Thúy cho hay tiền thuốc chiếm tỷ lệ cao nhất với 2/3 tổng chi phí, chủ yếu là thuốc kháng sinh và kháng nấm. Ngoài ra, còn có chi phí cận lâm sàng, thủ thuật, vật tư y tế, dinh dưỡng, dịch vụ khác.

Nhóm nghiên cứu nhận định chi phí điều trị người bệnh Covid-19 nặng tương đương bệnh nhân nằm tại Khoa Hồi sức tích cực.  

“Dựa trên cơ sở này, chúng tôi ước tính, chi phí điều trị cho 43.000 bệnh nhân Covid-19 tử vong trên cả nước là hơn 6.000 tỷ đồng. Dù chi phí điều trị rất cao nhưng tỷ lệ tử vong cũng cao, đặt ra vấn đề phải tìm phương án nhằm giảm mức độ chuyển nặng của người bệnh Covid-19. Cụ thể, chúng cần nâng cao nhận thức của người dân, tiêm vắc xin Covid-19 cho đối tượng có nguy cơ cao, biến chứng nặng. Người có bệnh nền cần có ý thức điều trị bệnh nền ổn định”, đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ. 

TP.HCM muốn mở lại Chiến dịch bảo vệ người nguy cơ trước Covid-19

Sáng 18/4, Sở Y tế TP.HCM cho biết mặc dù số ca mắc Covid-19 bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ nhưng hầu hết tập trung ở người cao tuổi.

Bên cạnh đó, miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19 đang bắt đầu có xu hướng giảm. Tháng 9/2022, tỷ lệ người dân TP.HCM có miễn dịch với SARS-CoV-2 là 98,7%, nay giảm còn 96,7%.

Cùng với sự xuất hiện của biến thể phụ XBB.1.5, Sở Y tế TP.HCM cho rằng, việc xem xét kích hoạt trở lại “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ” cần được đặt ra. 

Đây là chiến dịch tập trung xét nghiệm, tầm soát và tiêm vắc xin Covid-19 cho người trên 65 tuổi và người có bệnh nền, những người có nguy cơ chuyển nặng và tử vong nếu mắc Covid-19.