abc debate 17 gty gmh 240910_1726017761702_hpMain_16x9.avif
Cuộc tranh luận Tổng thống đầu tiên, và khả năng cao là duy nhất giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đã diễn ra tại Philadelphia, Pennsylvania vào tối 10/9 giờ Mỹ. Ảnh: ABC

Trong khi Hà Nội đang mưa xối xả sau cơn bão Yagi, thì cả thế giới đang dõi một trong những sự kiện quan trọng nhất trên chính trường Mỹ: màn tranh luận giữa cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris trên kênh truyền hình ABC (tối 10/9 giờ Mỹ).

Có thể nói ngay từ đầu – đây là một cuộc tranh luận rất thú vị, đầy sức sống, căng thẳng, và nhiều năng lượng hơn so với cuộc tranh luận Tổng thống trước, diễn ra hồi tháng 6 giữa ông Trump và Tổng thống Biden – người đã rút lui khỏi cuộc đua vào cuối tháng 7 sau những lo ngại về sự minh mẫn và tuổi tác của ông. Lựa chọn thay thế của Đảng Dân chủ là Phó Tổng thống Kamala Harris, người đã kề vai sát cánh ông Biden trong suốt 3 năm qua tại Nhà Trắng.

Tuy nhiên, trong thời gian này, bà Harris không may đã có tiếng là một người “vô hình”, dường như không bao giờ xuất hiện trong tin tức, trước công chúng, và có vẻ như ông Biden không giao bà Harris quá nhiều công việc. Nơi duy nhất công chúng Mỹ thường xuyên thấy bà Harris trong hai năm đầu của nhiệm kỳ ông Biden, là khi bà là người bỏ phiếu quyết định trong Thượng viện (Phó Tổng thống cũng kiêm chức Chủ tịch Thượng viện), do khi đó cả Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ có số ghế ngang nhau.

Kể từ khi trở thành ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ cách đây 53 ngày, bà Harris cũng vẫn chưa tổ chức một cuộc họp báo nào, mới chỉ thực hiện một cuộc phỏng vấn với CNN – và bị chỉ trích nặng nề từ nhiều người xem, cả những người không ủng hộ ông Trump, khi cảm thấy rằng nó đã được dàn dựng để đề cao bà Harris. Trong khi đó, ông Trump đã thực hiện 34 cuộc phỏng vấn khác nhau, lại vừa có một buổi họp báo vào tối mùng 6/9. Chính vì vậy, không đáng ngạc nhiên khi một vài nhà quan sát nghĩ rằng bà Harris thiếu tự tin, sợ đối đầu với ông Trump, hay gặp phải vấn đề cá nhân gì đó khiến cho bà không có khả năng phát biểu trước công chúng.

Screenshot 2024 09 11 at 22.43.14.png
Bà Harris đã dành ra phần lớn thời gian cho phép trong cuộc tranh luận để tấn công ông Trump. Ảnh: ABC

Cuộc tổng tấn công của bà Harris

Màn trình diễn của bà Harris tại cuộc tranh luận dường như đã gạt bỏ những lo ngại này. Bà bước lên sân khấu và bắt đầu tranh luận với một cách tự tin, năng động, và sẵn sàng đối đầu với ông Trump. Cử chỉ và động tác của bà Harris cho thấy bà đã luyện tập rất kỹ và trong nhiều tình huống, đưa ra các lập luận dựa trên những kịch bản soạn sẵn, và đã khá thành công trong điều này. Ngay từ giây phút đầu, bà Harris đã tấn công ông Trump, dường như cố gắng chọc tức ông với những cáo buộc mạnh mẽ về những hành động của ông khi còn là Tổng thống, khiến ông Trump liên tục ở thế phải tự bảo vệ. 

Không chỉ vậy, bà Harris còn tấn công vào cá tính ông Trump. Bà cười nhạo Trump với một bộ mặt coi thường lúc ông phát biểu, một cử chỉ dường như cố gắng truyền tải thông điệp cho cử tri rằng bất kỳ điều gì ông Trump nói là ngớ ngẩn. Bà chế nhạo các cuộc vận động tranh cử của ông Trump, đặt ra câu hỏi là liệu số người ủng hộ tham dự có thực sự nhiều như ông Trump nói, hay liệu họ có thực sự trung thành với ông hay không. Bà nói rằng ông Trump thực sự không quan tâm đến những người ủng hộ ông, rằng mọi hành động của ông là vì lợi ích của chính mình.

Bà Harris tiếp tục cuộc tấn công khi nói rằng các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới coi ông là “sự ô nhục”, đặt ông Trump vào tình thế khó khăn khi phải bảo vệ chính mình, viện dẫn sự ủng hộ từ Thủ tướng Hungary Viktor Orban - một trong những nhà lãnh đạo gây tranh cãi nhất phương Tây. Bà Kamala Harris thậm chí còn tấn công những thành tích của ông Trump như một trùm kinh doanh trước khi bước chân vào chính trị, nói rằng toàn bộ tài sản của ông được xây dựng dựa trên những thành công mà cha ông đã đạt được trước đó.

Đáng chú ý là đến phút cuối, bà Harris đã biến một trong những khoảnh khắc thất bại điển hình nhất của chính quyền Biden-Harris: quá trình Mỹ rút quân khỏi Afghanistan; thành một cuộc tấn công nhắm vào ông Trump. Bà nói rằng ông Trump đã “đàm phán một trong những thoả thuận yếu đuối nhất” với Taliban, và xúc phạm sự thiêng liêng của đất Mỹ khi mời các nhà lãnh đạo của tổ chức này đến Trại David, một đặc quyền Tổng thống Mỹ chỉ dành cho các đoàn ngoại giao quan trọng nhất.

3fca1c15244df978ea04ae8f51b2c51e.avif
Mặc dù ông Trump đã có một vài lời "phản đòn" lợi hại, phần lớn thời gian ông bị mắc kẹt trong thế phòng thủ chống lại bà Harris. Ảnh: ABC

Ông Trump phòng thủ

Trong khi đó, ông Trump liên tục bị mắc kẹt trong thế phòng thủ, phải bảo vệ tính chính danh của mình và không có đủ thời gian để đáp trả toàn bộ cuộc tấn công của bà Harris. Ông nói rằng chính vì những lời lẽ đầy hận thù của các đối thủ Đảng Dân chủ như bà Harris mà ông đã “bị bắn vào đầu”, ám chỉ đến vụ ám sát hụt hồi đầu tháng 7.

Ông Trump liên tục nỗ lực chuyển chủ đề quay về vấn đề nhập cư, một điểm yếu mạnh mẽ của bà Harris, nhưng khá lúng túng, như có thể thấy khi ông nhắc đến cáo buộc người nhập cư tại Springfield, Ohio, đang bắt trộm và ăn thịt chó mèo của người dân tại đây - khiến cho hai người điều hành tranh luận, David Muir và Linsey Davis phải can thiệp và nói tin này chưa được kiểm chứng. Khi ông nói rằng cuộc khủng hoảng nhập cư dưới chính quyền Biden-Harris đã dẫn đến tỷ lệ tội phạm gia tăng, ông một lần nữa bị Muir và Davis can thiệp và kiểm chứng, viễn dẫn rằng một báo cáo của FBI cho thấy trên thực chất, tỷ lệ này đã giảm trong năm 2024.

Tuy nhiên, ông Trump cũng đã có một vài “đường” tấn công hiệu quả bà Harris. Ví dụ khi ông đặt câu hỏi cho cử tri rằng, nếu bà Harris thực sự muốn làm gì để giúp ích nước Mỹ, tại sao bà không làm vậy trong hơn ba năm qua với cương vị Phó Tổng thống. Ông nói rằng Tổng thống Biden giao cho bà Harris một công việc duy nhất là quản lý chính sách biên giới với Mexico, nơi bà đã thất bại hoàn toàn khi cho phép làn sóng nhập cư trái phép “lớn nhất trong lịch sử” Mỹ. Ông cũng đúng– dưới thời Trump, số người vượt biên trái phép vào Mỹ năm 2019 là 850,000, trong khi con số này tăng vọt lên 2,2 triệu người dưới thời chính quyền Biden-Harris trong năm 2021.

Screenshot 2024 09 11 at 22.48.24.png
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi dành cho các vấn đề quốc tế, cả hai ứng viên Tổng thống đều đã nhắm vào Trung Quốc. Ảnh: Channel News Asia

Ít đề cập tới châu Á

Như thường lệ trong các cuộc tranh luận Tổng thống, các vấn đề chính trị nội địa đóng vai trò hàng đầu, hai người điều hành tranh luận chỉ hỏi hai ứng cử viên về các vấn đề như - sức sống của nền kinh tế Mỹ, giá cả tiêu dùng, quyền sinh sản và phá thai, hay ứng cử viên nào có chính sách công nghiệp và tạo việc làm hiệu quả hơn. 

Hai chủ đề duy nhất của chính trị quốc tế là xung đột Nga-Ukraine và Israel-Hamas – đây cũng chính là điểm mà ông Trump đưa ra được những lập luận mạnh mẽ và hiệu quả. 

Cách tiếp cận của chính quyền Biden-Harris trong việc kết thúc hai xung đột này có thể được nói là đã thất bại, khi tình hình xung đột kéo dài tại Ukraine trầm trọng đến mức ông Trump cáo buộc rằng, nếu bà Harris trở thành Tổng thống thì Thế chiến thứ 3 sẽ xảy ra. Ông Trump khẳng định rằng nếu mình quay trở lại Nhà Trắng, cuộc xung đột này sẽ chấm dứt ngay lập tức. Đối với giao tranh Israel-Hamas, ông cố gắng khơi dậy tình cảm mạnh mẽ của nước Mỹ dành cho Israel bằng cách nói rằng “nếu bà Harris làm Tổng thống, Israel sẽ không còn tồn tại nữa trong hai năm tới”.

Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý trong cuộc tranh luận này là cả hai ứng cử viên đã không nhắc đến châu Á, chu dù chính quyền Biden-Harris đang cố gắng “xoay trục” sang châu Á để tập trung vào cuộc cạnh tranh cường quốc giữa Mỹ và Trung Quốc. 

Lần duy nhất châu Á được nhắc đến là khi cả hai ứng cử viên lại tấn công nhau về việc ai sẽ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Bà Harris nói rằng ông Trump đã “bán đứng” lợi ích của nước Mỹ khi cho phép Trung Quốc tiếp cận những chip bán dẫn tiên tiến nhất, ám chỉ rằng những nỗ lực hiện nay của chính quyền Biden-Harris để hạn chế quyền tiếp cận chip của Trung Quốc là do những thất bại của ông Trump. Trong khi đó, ông Trump nói rằng các mức thuế quan ông áp dụng đối với Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại mà bắt đầu vào năm 2018 rất hiệu quả, đến mức chính quyền Biden-Harris giữ nguyên phần lớn của các mức thuế này.

154580393a.jpg
Nhìn lại cuộc tranh luận Tổng thống Mỹ năm 2012 giữa Barack Obama và Mitt Romney, đôi người khó có thể tưởng tượng các cuộc tranh luận đã từng "ôn hoà" như nào. Ảnh: WNYC

Khi các cuộc tranh luận đang đi lệch hướng?

Có vẻ bà Harris đã đạt được một chiến thắng mà ít người mong đợi trước cuộc tranh luận, tuy nhiên, ông Trump đưa ra một lập luận rất đáng thuyết phục – là bà Harris đã có 3 năm trong Nhà Trắng, nhưng  vẫn chưa có thành tích gì đủ lớn lao để thuyết phục rằng bà xứng đáng làm Tổng thống Mỹ tiếp theo.

Trong khi đó, khi nhìn lại những thành tích của ông Trump  khi là Tổng thống thứ 45 của Mỹ, ông đã đạt được khá nhiều, đem lại nhiều thay đổi mang tính cải cách cho xã hội và nền kinh tế Mỹ. Trong một nước Mỹ chia rẽ, những thay đổi này sẽ được nhìn nhận là tiêu cực hay tích cực dựa trên quan điểm chính trị của từng cử tri – nhưng sự thật là ông Trump đã đạt được nhiều thành quả hơn bà Harris. Đây cũng là một điểm mà Elon Musk đã chia sẻ lên trang mạng xã hội X (Twitter).

Một xu hướng đáng tiếc dễ nhận thấy là, trong những cuộc tranh luận Tổng thống gần đây, không còn tập trung vào việc chia sẻ chia sẻ tầm nhìn và các chính sách của từng ứng cử viên nữa. Thay vì đó, các cuộc tranh luận đã trở thành đấu trường cho những lời lẽ công kích cá nhân, hạ bệ, và xúc phạm lẫn nhau. Trái ngược với những cuộc tranh luận trước đây, như giữa Barack Obama và Mitt Romney vào năm 2012, khi các ứng cử viên tranh luận một cách lịch sự và chú trọng đến các chính sách đối nội, đối ngoại, màn trình diễn của ông Trump và bà Harris cho thấy cuộc tranh luận Tổng thống đã đánh mất trọng tâm vào những nội dung thực sự có ý nghĩa. Những cuộc đối thoại về các vấn đề quốc gia, vĩ mô nay đã bị thay thế bởi những màn khẩu chiến nhằm chia rẽ xã hội Mỹ hơn nữa, làm mất đi mục đích chính của một cuộc tranh luận đáng ra phải thể hiện những phẩm chất của nền dân chủ Mỹ. 

Có lẽ một bài học có thể rút ra được từ cuộc tranh luận Tổng thống này, là nước Mỹ đã trở nên quá chia rẽ, khiến bất kỳ lời công kích nào từ bà Harris nhắm vào ông Trump, hoặc ngược lại, khó có thể thay đổi quan điểm của cử tri. Những người ủng hộ mạnh mẽ cả hai phe dường như đã kiên định với lựa chọn của mình, và khó có điều gì trong cuộc tranh luận có thể làm thay đổi.

Thay vào đó, mục tiêu chính của các ứng cử viên là thuyết phục nhóm cử tri trung dung, chiếm từ 20% đến 30% dân số Mỹ. Đây là những người chưa hoàn toàn nghiêng về bên nào, và họ sẽ là yếu tố quyết định trong kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. 

Tuy nhiên, điều trớ trêu là cử tri sẽ khó có cơ hội đánh giá khách quan về năng lực của mỗi ứng viên, khi họ chỉ tập trung vào công kích lẫn nhau. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về tương lai của các cuộc tranh luận Tổng thống Mỹ, liệu  đây có còn là một nơi hiệu quả để thảo luận nghiêm túc về chính sách hay không.