Lời toà soạn: Chưa đầy 2 tháng nữa, cử tri Mỹ sẽ quyết định bầu ai trở thành Tổng thống tiếp theo. Mọi con mắt đang hướng về Mỹ trong thời điểm đầy căng thẳng trước bầu cử. Với cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris, VietNamNet xin giới thiệu với độc giả “cẩm nang” 5 bài viết để hiểu về những diễn biến chính trị tại Mỹ hướng tới cuộc bầu cử này. |
Từ vụ ám sát hụt ông Trump đến quyết định rút lui khỏi cuộc đua của Tổng thống Joe Biden, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 đã trở thành một sự kiện không giống bất kỳ cuộc bầu cử nào khác trong lịch sử nước Mỹ.
Cho đến tháng 7 này, chúng ta đã tưởng chừng rằng đây sẽ là một màn tái đấu đầy căng thẳng của cuộc bầu cử năm 2020 giữa Joe Biden và Donald Trump. Đây sẽ là lần đầu sau hơn 50 năm một ứng cử viên Cộng hoà tái tranh cử sau khi đã thua trong cuộc bầu cử trước đó - lần trước là năm 1968, khi Richard Nixon, người đã thua vào năm 1960, tái cử và giành chiến thắng. Không chỉ vậy, lần cuối cùng cử tri Mỹ bỏ phiếu cho hai ứng cử viên giống cuộc bầu cử trước đó là vào năm 1956, khi Tổng thống Cộng hoà Dwight Eisenhower và ứng cử viên Dân chủ Adlai Stevenson đối đầu lần thứ hai trong bốn năm.
Tuy nhiên, chỉ một vài tháng sau khi Trump giành được tấm vé tranh cử của Đảng Cộng hoà, mọi sự việc lại trở nên bất thường hơn nữa.
Ngày 13/7, ông Trump bị ám sát hụt tại một cuộc vận động tranh cử tại Pennsylvania. Mặc dù chỉ bị thương nhẹ, diễn biến này đã là một cú sốc lớn trong chính trường Mỹ. Đây là vụ ám sát đầu tiên tại Mỹ nhắm vào một tổng thống hay ứng cử viên tổng thống kể từ khi Ronald Reagan bị ám sát hụt vào năm 1981. Lần cuối cùng một ứng cử viên Tổng thống bị ám sát là vào năm 1968, khi Robert F. Kennedy, em trai của cựu Tổng thống John F. Kennedy – cũng bị ám sát vào năm 1963 –tại khách sạn Ambassador, Los Angeles.
Sự kiện này đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng bạo lực chính trị gia tăng tại Mỹ, và cũng tạo nên một làn sóng ủng hộ mạnh mẽ từ các cử tri trung thành với Trump và Đảng Cộng hoà, những người đã coi ông là nạn nhân của một âm mưu chính trị.
Chỉ một tuần sau vụ ông Trump bị ám sát hụt, Tổng thống Joe Biden đã gây sốc khi tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua vào ngày 21/7. Ông Biden viện dẫn lý do sức khoẻ và tuổi tác ngăn chặn ông dẫn dắt nước Mỹ thêm bốn năm nữa, và để cử Phó Tổng thống Kamala Harris làm ứng viên của Đảng Dân chủ. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1968, một Tổng thống đương nhiệm đủ điều kiện tái cử lại rút lui khỏi cuộc đua và bị thay thế trên lá phiếu ngay sau đó. Diễn biến này đã tạo ra một khoảng trống lớn và gây hỗn loạn nội bộ trong Đảng Dân chủ, buộc bà Harris phải nhanh chóng xây dựng chiến dịch tranh cử trong thời gian ngắn ngủi trước cuộc tổng tuyển cử.
Quyết định rút lui của Tổng thống Biden đã là kết quả của một loạt sự cố và sai sót khi ông xuất hiện trước công chúng trong suốt năm 2024, từ việc nói nhầm tên các lãnh đạo thế giới đến màn trình diễn tệ hại của ông trong cuộc tranh luận Tổng thống đầu tiên với Donald Trump vào cuối tháng 6. Những sai sót này đã làm gia tăng áp lực nội bộ từ Đảng Dân chủ, khiến nhiều thành viên đầy ảnh hưởng; trong đó có hơn 20 nghị sĩ; công khai kêu gọi ông Biden rút khỏi cuộc đua.
Ngoài hai sự kiện lớn này, cuộc bầu cử Mỹ năm nay còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác. Kinh tế Mỹ đang đối mặt với nhiều khó khăn, từ lạm phát cao đến sự bất ổn trong thị trường lao động. Các cuộc biểu tình và bạo loạn liên quan đến các vấn đề như phân biệt chủng tộc và bạo lực súng đạn tiếp tục diễn ra trên khắp nước Mỹ, trở thành những điểm nhấn trong chiến dịch tranh cử của bà Harris và ông Trump.
Cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa hai cực của thế giới, phương Tây do Mỹ dẫn dắt và phương Đông do Trung Quốc và Nga cũng là một yếu tố tương đối quan trọng trong cuộc bầu cử này. Tuy nhiên, đối với hầu hết người dân Mỹ, họ sẽ chỉ quan tâm đến liệu vị Tổng thống tiếp theo có khả năng quản lý cuộc cạnh tranh cường quốc này để tạo công ăn việc làm cho người dân, giữ giá tiêu dùng ở mức thấp, hay liệu những đồng thuế của họ đang không bị uổng phí trong các cuộc chiến tranh xa quê nhà hay không.
Các vấn đề pháp lý của cựu Tổng thống Trump
Năm 2023 và 2024 cũng chứng kiến một loạt các vấn đề pháp lý mà cựu Tổng thống Trump phải đối mặt. Ông đã bị truy tố trong bốn vụ án riêng biệt, bao gồm việc làm giả hồ sơ kinh doanh liên quan đến vụ thanh toán tiền “bịt miệng” trong chiến dịch tranh cử năm 2016, việc giữ trái phép các tài liệu mật quốc phòng, và những nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử năm 2020. Vụ án đầu tiên trong số này đã khiến ông Trump bị kết 34 tội danh vào tháng 5/2024, tất cả liên quan đến việc ông bị cáo buộc đã che dấu khoản thanh toán nhằm bịt miệng một ngôi sao khiêu dâm - trở thành cựu Tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết tội.
Mặc dù vậy, vụ án tại tiểu bang dao động Georgia có lẽ đáng chú ý nhất, nơi kết quả bầu cử sát nút năm 2020 đã khiến Trump liên tục gây áp lực đối với các quan chức bầu cử nhằm đảo ngược kết quả, khiến ông bị buộc tội cố gắng thay đổi kết quả bầu cử. Bên công tố cáo buộc rằng Trump đã tìm cách lan truyền những điều sai sự thật về việc xảy là gian lận tràn lan trong quá trình bỏ phiếu, và khi những nỗ lực sử dụng hệ thống pháp luật để lật ngược kết quả bầu cử không thành công, ông đã cố gắng cản trở việc chứng nhận kết quả đó vào ngày 6/1/2021.
Ban đầu, có kỳ vọng rằng phiên toà xét xử vụ án Georgia có thể bắt đầu vào tháng 8 năm nay, nhưng nhóm luật sư của Trump đã đưa ra các lập luận để trì hoãn thành công, viện dẫn nhiều lý do như là xung đột với các phiên toà khác đang diễn ra cùng thời điểm, và tác động tiềm tàng đến chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông. Toà án đã đồng ý thụ lý đơn kháng cáo liên quan đến những lý do chậm trễ này, với các tranh luận bằng miệng dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 10/2024 và mất vài tháng, về cơ bản là hoãn phiên toà cho đến ít nhất là đầu năm 2025.
Ngoài ra, hồi đầu tháng 7, Toà án Tối cao Mỹ đã phán quyết rằng các Tổng thống được miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với các hành vicông vụ, một động thái dự kiến sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ ông Trump bị kết án trong các vụ liên quan đến việc ông bị cáo buộc gây áp lực để đảo ngược kết quả bầu cử năm 2020.
Bất chấp những vấn đề pháp lý này, cựu Tổng thống Trump vẫn tiếp tục vận động tranh cử, và thậm chí còn nhận được sự ủng hộ lớn hơn từ cử tri.
Ngay từ đầu, ông Trump đã khắc hoạ việc truy tố là không công bằng và mang động cơ chính trị do Biden và Đảng Dân chủ thúc đẩy, khiến cho nhiều người ủng hộ Trump coi ông là nạn nhân của một “cuộc săn phù thuỷ”. Đây chính là thuật ngữ Trump đã liên tục dùng trong nhiệm kỳ đầu tiên để cáo buộc rằng các “thế lực” tại Washington đang nhắm vào ông, do ông là một người ngoài không nằm trong giới tinh hoa chính trị Mỹ. Chính vì vậy, thông điệp của Trump đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cử tri, như có thể thấy qua cách Trump đã sử dụng chính những vụ án này để gây quỹ cho chiến dịch tranh cử, thu về hàng triệu USD từ việc bán các sản phẩm có in hình ông sau khi bị bắt giữ.
Đón chờ kết quả
Với việc Tổng thống Biden rút khỏi cuộc đua, những nỗ lực tranh cử của Đảng Dân chủ giờ đang tạp trung vào Phó Tổng thống Kamala Harris. Bà sẽ phải đối mặt với một cựu Tổng thống Donald Trump được ủng hộ đang có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cử tri toàn quốc, nhấn mạnh vào thông điệp kinh tế rằng người Mỹ “từng sống tốt hơn’ dưới thời ông, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát và chi phí sinh hoạt gia tăng dưới thời chính quyền Biden-Harris. Tuy nhiên, những vấn đề pháp lý của Trump đang gây ra không ít lo ngại đối với những cử tri chưa sẵn sàng để bỏ phiếu cho một người có nguy cơ bị kết án. Cử tri Mỹ đang bị chia rẽ rõ rệt, và cuộc bầu cử sắp tới đây sẽ là một thử thách lớn đối với sự ổn định của nền chính trị Mỹ.
************
Đón chờ những phần tiếp theo để hiểu thêm về chiến dịch tranh cử của bà Harris và ông Trump, và tình trạng chia rẽ trầm trọng trong xã hội Mỹ hiện nay.