Theo Thời báo Hoàn Cầu, 4 vắc xin mới gồm 3 loại được nghiên cứu dựa trên cơ chế tái tổ hợp protein và một loại dạng xịt. Cả 4 vắc xin này đều được phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Tính tới nay, đã có 12 loại vắc xin phòng Covid-19 được lưu hành ở Trung Quốc bao gồm 5 loại bất hoạt; 4 loại theo cơ chế tái tổ hợp protein; 1 loại vắc xin vector, tức vắc xin được sản xuất bằng cách sử dụng một loại virus đã được biến đổi (vector) để vận chuyển mã di truyền cho kháng nguyên; 1 loại vắc xin dạng hít và 1 loại dạng xịt.
Ngoài ra, Thời báo Hoàn Cầu dẫn một nguồn tin thân cận vấn đề nói rằng Trung Quốc đang lên kế hoạch tiêm mũi vắc xin phòng Covid-19 thứ tư đối với một số nhóm dân cụ thể.
Một số cuộc khảo sát đã được thực hiện với nhóm đối tượng y bác sĩ làm việc tại thủ đô Bắc Kinh và thành phố Quảng Châu những ngày gần đây, về việc liệu những người này có tự nguyện tiêm mũi vắc xin thứ tư hay không.
Kế hoạch tiêm mũi thứ tư cho người dân sẽ tập trung vào nhóm người trên 60 tuổi, bởi người dân thuộc nhóm tuổi này là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi Covid-19.
Số liệu thống kê từ Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc tính đến ngày 28/11 cho thấy, có khoảng 90% dân số nước này đã được nhận đủ liều vắc xin. Tỷ lệ nhận đủ liều vắc xin ở nhóm người trên 60 tuổi và trên 80 tuổi ở ‘quốc gia tỷ dân’ lần lượt đạt 86% và 66%.
Theo hãng tin Reuters, ngay sau khi chính quyền nới lỏng cũng như dỡ bỏ một số lệnh hạn chế phòng dịch, người dân Trung Quốc đã thể hiện sự vui mừng. “Đã tới lúc cuộc sống của chúng tôi quay trở lại bình thường, và đưa Trung Quốc quay trở lại với thế giới”, một người sử dụng Weibo viết.
Giới chuyên gia kinh tế cũng đồng loạt đưa ra những nhận định tích cực về việc Trung Quốc thay đổi cách phòng dịch. “Việc thay đổi chính sách là một bước tiến lớn. Tôi dự đoán Trung Quốc sẽ mở cửa hoàn toàn muộn nhất vào giữa năm 2023”, ông Zhang Zhiwei, chuyên gia kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho hay.
Ở một diễn biến khác, NHC hôm nay (7/12) dẫn lời ông Vương Quý Cường, người đứng đầu khoa truyền nhiễm thuộc Bệnh viện số Một Đại học Bắc Kinh, nhận định rằng những bệnh nhân mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng nên tự theo dõi và điều trị tại nhà, “để dành nguồn lực y tế cho các trường hợp nặng hơn hoặc những người thuộc nhóm có nguy cơ cao”.
“Nếu người mắc Covid-19 bị ho và sốt, họ có thể sử dụng các loại thuốc hạ sốt hoặc thuốc giảm đau. Họ cũng có thể dùng một số bài thuốc Đông y hoặc thuốc kháng virus theo chỉ định của các bác sĩ”, ông Vương cho hay.
“Điều quan trọng là người bệnh cần cảnh giác với tác dụng phụ hoặc phản ứng bất lợi từ các loại thuốc, tránh dùng cùng lúc nhiều loại dược phẩm. Người bệnh không cần quá lo lắng ngay cả khi các triệu chứng xuất hiện. Họ chỉ cần điều trị bình thường như khi bị cảm lạnh. Tất nhiên, họ cần theo dõi sát sao các triệu chứng và đến cơ sở y tế nếu sức khỏe chuyển biến xấu, nhất là những ai có bệnh nền”, ông Vương nhấn mạnh.