- Chị rất yêu thích sách, vậy ai là người góp phần hình thành nên đam mê này?

Tôi rất may mắn khi có người mẹ ở bên hỗ trợ, định hướng việc đọc sách từ nhỏ. Mẹ luôn khuyến khích hai chị em đọc nhiều, không ngừng tìm hiểu và thử thách bản thân.

Từ hồi tiểu học, dịp hè nào, mẹ cũng đưa tôi và em trai lên Thư viện Hà Nội đọc sách. Mỗi sớm tinh mơ khi trời chưa kịp nắng, 3 mẹ con lại rong ruổi trên chiếc xe đạp, dừng trước hàng bánh bao, sữa đậu nành ở cửa thư viện để ăn sáng và đợi tới giờ mở cửa. Mẹ ngồi tại phòng đọc người lớn, còn tôi và em trai ở bên khu dành cho trẻ nhỏ và cứ thế nghiến ngấu hết cuốn nọ đến cuốn kia. Có hôm, mấy mẹ con mải mê đọc quá, trưa chỉ ăn nhẹ tại thư viện rồi quay lại với trang sách dang dở.

Có lẽ nhờ thói quen đọc từ bé đó mà đến cấp 2 tôi bắt đầu biết tự tìm những đầu sách hay cho bản thân và gắn bó với các tác phẩm kinh điển. Lên cấp 3, tôi cùng bạn bè xây dựng lên một cộng đồng đọc lớn trên Internet. Và vẫn giữ được thói quen đọc để nâng cao kiến thức cho đến tận sau này khi đi học, đi làm bận rộn.

- Thường xuyên qua thư viện đọc sách như vậy, mọi người có ấn tượng gì với chị khi đó?

Tôi gắn bó với Thư viện Hà Nội đến mức trở thành một “thủ thư nhí” ở đây, quá quen mặt nên các cô nhân viên nhờ trông hộ khu sách thiếu nhi lúc có việc bận. Tôi làm rất tốt vai trò này, vừa đọc vừa hỗ trợ các bạn lấy sách, ghi sổ, kiểm tra. Thậm chí, tôi còn là thành viên Đội tuyên truyền viên Măng non của Thư viện Hà Nội đi thi thành phố.

- Chị thấy việc đọc đã đem lại những giá trị gì cho mình?

Khởi điểm chỉ là những cuốn truyện chữ, truyện tranh phù hợp với lứa tuổi nhưng nhờ vậy mà tôi thấy thế giới của mình rộng lớn hơn rất nhiều. Qua trang sách, tôi được tìm hiểu, khám phá văn hoá và con người của những địa danh chưa bao giờ đặt chân đến, từ Mông Cổ cho tới châu Phi xa xôi. Tôi được đọc về những con người kiên cường và quá trình họ dựng xây nên thành tựu hay chống chọi với sóng gió cuộc đời. Tôi cũng biết nhiều hơn về thân phận, ước mơ của các nhân vật rất khác nhau để thấu cảm với những con người thực gặp trong đời sống hàng ngày.

Và đương nhiên, thói quen đọc cũng giúp tôi nghiên cứu những cuốn sách bổ sung kiến thức, tài liệu chuyên ngành để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Chưa kể, sách còn hỗ trợ mình rất nhiều trong thời gian làm mẹ bỉm sữa.

- Sách giúp ích chị như nào trong việc trang bị kiến thức khi mang bầu và nuôi con?

Không phải một người quá đảm đang, khéo léo, cũng ít tin vào kinh nghiệm truyền miệng nên tôi tìm đến sách khoa học về trẻ sơ sinh. Nhờ các cuốn sách từ những bác sĩ, tổ chức nghiên cứu đáng tin cậy, tôi hiểu hơn về nhu cầu của em bé, cũng như không bị hoang mang kiểu '5 người 10 ý' trước các câu hỏi liên quan đến vấn đề sức khoẻ cơ bản của con.

Tôi cũng lựa chọn được phương pháp nuôi con sao cho phù hợp với điều kiện công việc của bản thân và gia đình, ví dụ như ăn ngủ theo giờ, không bị thức đêm, duy trì sữa mẹ dài lâu… Và học cách ứng xử linh hoạt với diễn biến tâm lý của trẻ nhỏ khi bé lo sợ sự xa cách, khủng hoảng tuổi lên 2 lên 3…

- Ngoài kiến thức truyền miệng, rất nhiều người tiếp nhận thông tin chăm sóc sức khỏe, nuôi con nhỏ qua mạng xã hội, quan điểm của chị về vấn đề này?

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội nhan nhản những người tự xưng là chuyên gia về sức khỏe, trẻ em và giáo dục, nhưng thực tế kiến thức của họ là cóp nhặt mỗi nơi một ít, chắp vá từ nhiều nguồn, phát ngôn bạt mạng nhằm thu hút sự chú ý, tận dụng thời cơ bán khoá học hay thực phẩm chức năng trục lợi. Đáng tiếc là các “chuyên gia tự phong” này lại hoạt ngôn, biết cách làm video hấp dẫn, chọn thông tin gây sốc, giật gân nên tiếp cận được nhiều đối tượng hơn những người có kiến thức chuyên môn thật sự, phát ngôn cẩn trọng và chừng mực. Nếu chúng ta, những người tiếp nhận thông tin không tự trang bị nền tảng cơ bản sẽ rất khó phân biệt đúng sai, phải trái.

Kiến thức cơ bản với tôi bắt nguồn từ những cuốn sách được nghiên cứu kỹ lưỡng, hệ thống đầy đủ của những chuyên gia uy tín, những nhà xuất bản đáng tin cậy chịu trách nhiệm cho thông tin mà họ đưa ra.

- Vừa làm mẹ vừa đảm đương rất nhiều việc, chị có còn thời gian dành cho những cuốn sách theo sở thích cá nhân?

Thực ra việc dành thời gian đọc sách không khó như mọi người vẫn nghĩ. Nếu thử truy cập vào mục “thời gian sử dụng ứng dụng” được tổng kết hàng tuần trên điện thoại, bạn sẽ thấy một ngày mình dành bao nhiêu tiếng cho công việc và những hoạt động không phải thiết yếu như lướt Facebook, Tiktok... Chỉ cần tiết kiệm được một nửa thời gian dành cho những việc lãng phí thì đã đọc được vài chục trang sách rồi. 

Ngày trước khi smartphone chưa phát triển, tôi thường cầm theo một cuốn sách đến cơ quan, trường học... Còn bây giờ có nhiều phần mềm đọc sách ngay trên điện thoại rất tiện lợi. Lúc rảnh hay cần thư giãn vì công việc quá căng thẳng, tôi sẽ đọc vài trang sách. Nhà cách xa nơi làm, quãng đường di chuyển hàng ngày mất từ 40 phút đến 1 tiếng nên tôi tận dụng thời gian đó nghe sách nói. Vừa không bị sốt ruột với tình hình giao thông giờ cao điểm lại nắm được nội dung yêu thích.

Khi ở nhà, những lúc rèn con ngủ xong, tôi mới cầm sách đọc nhưng nếu không tiện bật đèn thì sẽ tải sách vào điện thoại để xem luôn.

- Chị khuyến khích con đọc bằng cách nào?

Theo quan sát của tôi, con trai hào hứng với sách dù đọc chưa thạo. Mỗi khi có thời gian ở cạnh, bé yêu cầu mẹ đọc truyện cho nghe rồi ê a tập đánh vần một số chữ đơn giản…

Tôi tạo hứng thú cho con bằng cách chọn những cuốn sách có hình thức hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi, không chỉ là truyện cổ tích đâu mà là đề tài thiết thực, gần gũi như: Vì sao phải rửa tay trước khi ăn? Vì sao ban đêm phải đi ngủ? hay Chúng ta cùng làm bánh... 

Tôi không tiếc tiền mua sách, ví dụ những cuốn được đầu tư kỳ công, bắt mắt như sách pop-up (dựng hình) để trẻ lật giở có giá đến mấy trăm nghìn. Nhưng nếu so với việc mua món đồ chơi trị giá 500.000-1.000.000 thì với tôi, đầu tư vào sách giá trị hơn rất nhiều.

Điều quan trọng là cần đồng hành cùng con để việc đọc sách trở nên sinh động hơn. Bởi ngày nay, sách phải cạnh tranh tivi, YouTube... chứa đầy hình ảnh, màu sắc, âm thanh hấp dẫn. Những cuốn sách lặng lẽ nằm đó sẽ thất thế nếu như cha mẹ không tham gia đọc cùng con.

- Nếu sau này con mải đọc truyện tranh hay những chủ đề lan man không quá bổ ích như chị định hướng thì sao?

Tôi nghĩ rằng để duy trì thói quen đọc thì phải tập luyện dần, chứ không phải lập tức đọc hết cuốn sách nghìn trang. Bản thân tôi cũng có khoảng thời gian ngập chìm trong truyện tranh Nhật Bản nhưng không thấy tác hại gì mấy ngoài việc bị bố xé mất mấy quyển vì đọc trong giờ làm bài tập (cười).

Vậy nên, tôi không đặt mục tiêu con phải đọc sách như "chạy KPI", chỉ cần có niềm yêu thích rồi dần rèn luyện thói quen tốt. Sau đó, mình sẽ đồng hành cùng con, đọc cùng con, tìm ra chủ đề hấp dẫn mà bổ ích cho quá trình rèn luyện và trưởng thành của bé.

Tương lai còn xa nên tôi không dám nói trước, chỉ hy vọng rằng mình có thể trở thành một người bạn sách của con để chia sẻ và trao đổi những tác phẩm thú vị.

Tác giả: Anh Nguyễn
Ảnh: NVCC
Thiết kế: Hằng Trần