- Đại đội cấp 1! Các thành phần vào cấp 1 xong, khẩn trương báo cáo!

- Thông tin báo cáo lên trên, Đại đội 21 vào cấp 1 xong, người và vũ khí, khí tài đảm bảo sẵn sàng chiến đấu tốt!

Những khẩu lệnh rõ ràng, dứt khoát của thầy và học viên lớp D6, Khóa 67, Chuyên ngành Pháo phòng không 2, Khoa Pháo phòng không, Tên lửa tầm thấp (Học viện Phòng không - Không quân) vang lên trong phòng học mô phỏng môn xạ kích- công tác chiến đấu.

Phòng học mô phỏng môn xạ kích - công tác chiến đấu, được sử dụng trong giảng dạy tại Học viện Phòng không - Không quân là kết quả của việc ứng dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy lý thuyết.

Tại phòng mô phỏng, học viên ở vị trí từ Đại đội trưởng đến Trung đoàn trưởng, chịu trách nhiệm chỉ huy bắn. Các mục tiêu giả định của địch có thể là máy bay trinh sát, UAV hoặc các loại tên lửa... Khi những mục tiêu này xuất hiện, học viên phải tính toán thời gian, thực hiện khẩu lệnh để tiêu diệt mục tiêu.

Trung tá Vũ Ngọc Thơ, giảng viên Khoa Pháo phòng không, Tên lửa tầm thấp trong giờ giảng dạy

Với sự hỗ trợ của những trang thiết bị hiện đại, hình ảnh, âm thanh, sa bàn… các học viên được trải nghiệm những tình huống chỉ huy tác chiến hoàn toàn giống với thực tế.

Sau khi học viên xử trí xong các tình huống bắn giả định, máy tính sẽ đưa ra điểm đánh giá dựa trên số mục tiêu mà học viên bắn trúng.

Học viên lớp D6, Khóa 67, Chuyên ngành Pháo phòng không 2 theo dõi giảng viên hướng dẫn

Buồng mô phỏng được sử dụng nhiều trang thiết bị hiện đại

Trung tá Vũ Ngọc Thơ, giảng viên khoa Pháo phòng không, Tên lửa tầm thấp cho biết, phòng học mô phỏng có đầy đủ các tình huống chiến đấu trong thực tế.

“Các tình huống được cụ thể hóa từ bài giảng của giảng viên môn xạ kích thành hình ảnh, âm thanh thanh… để đưa vào hệ thống mô phỏng. Qua màn ảnh, học viên được học tập, tương tác, chuyển lý thuyết, công thức thành hành động thực tế”, Trung tá Vũ Ngọc Thơ nói.

Vị giảng viên lấy ví dụ tại bài giảng quy tắc bắn, học viên sẽ được trang bị kiến thức định nghĩa: Thế nào là mục tiêu? Mục tiêu sẽ đánh phá như thế nào? Tuy nhiên, khi vào phòng học mô phỏng thì sẽ không còn là lý thuyết mà phải nhận định, xử lý tình huống và tiêu diệt địch.

Các học viên sẽ vào vị trí từ Đại đội trưởng đến Trung đoàn trưởng để xử lý tình huống

Học viên - Trung sĩ Nguyễn Văn Định - học viên lớp D6, Khóa 67, Chuyên ngành Pháo phòng không 2, Khoa Pháo phòng không, Tên lửa tầm thấp cho biết, qua buổi học, học viên được cụ thể hóa lý thuyết vào thực tế.

“Qua nắm vững lý thuyết lại được luyện trong môi trường mô phỏng, tôi rèn luyện được tâm lý vững vàng và bình tĩnh trong mọi tình huống”, Trung sĩ Nguyễn Văn Định nói.

Sau những giờ học lý thuyết trên giảng đường, học viên của Học viện Phòng không - Không quân được thực hành trên các vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại nhất của Quân chủng Phòng không - Không quân qua các đợt huấn luyện, diễn tập bắn đạn thật.

Cuộc diễn tập "DT-24" nhằm củng cố kiến thức, nâng cao trình độ vận dụng nguyên tắc lý luận vào thực tiễn tổ chức chuẩn bị và thực hành chỉ huy đơn vị thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu; giúp học viên nắm được phương pháp tổ chức diễn tập, làm cơ sở chỉ huy, chỉ đạo đơn vị chuẩn bị và thực hành diễn tập sau khi ra trường. Đồng thời, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức chỉ đạo, điều hành diễn tập của Ban Chỉ đạo, cơ quan Ban Chỉ đạo, trình độ đạo diễn của đội ngũ cán bộ, giảng viên.

Cuộc diễn tập “CQ- 24” nhằm huấn luyện tổng hợp cho các thành viên trên các vai tập của 2 khung sư đoàn và 6 khung tập trung đoàn Phòng không - Không quân về thực hành chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, làm công tác chuẩn bị chiến đấu, thực hành chiến đấu.

Trên cơ sở đó đánh giá kết quả huấn luyện chiến đấu của cán bộ, giảng viên và học viên đào tạo cán bộ cấp chiến thuật, chiến dịch Phòng không - Không quân, sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội tốt nghiệp ra trường năm 2024. Đồng thời, đây cũng là dịp để bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm trong tổ chức đạo diễn và bảo đảm diễn tập.

Thiếu tướng, TS. Hà Xuân Trường, Giám đốc Học viện Phòng Không - Không quân

Thiếu tướng, TS. Hà Xuân Trường, Giám đốc Học viện Phòng Không - Không quân cho biết, diễn tập là hình thức huấn luyện cao nhất, sát với thực tế chiến đấu nhất. Đồng thời, đây cũng là nội dung đào tạo chính thức trong các khoa, vì vậy hàng năm Học viện tổ chức diễn tập cho học viên năm cuối chuẩn bị ra trường.

“Những năm vừa qua, hoạt động diễn tập của Học viện có nhiều đổi mới mang tính đột phá, kể cả về quy mô, hình thức và phương pháp tiến hành để sát với thực tế hơn. Nếu như những năm trước, chúng tôi tổ chức 5 cuộc diễn tập nhỏ cho các đối tượng học viên thì 3 năm trở lại đây, Học viện tổ chức 2 cuộc diễn tập lớn. Đó là diễn tập cho đối tượng cán bộ đào tạo cấp Trung đoàn, Sư đoàn và đối tượng học viên Phòng không - Không quân cấp phân đội”, Thiếu tướng Hà Xuân Trường thông tin.

Cũng theo vị Giám đốc Học viện Phòng không - Không quân, 3 năm gần đây, các cuộc diễn tập của Học viện có hoạt động thực binh, cơ động, bắn đạn thật tại Trường bắn Quốc gia TB 1.

“Nét đột phá của 2 cuộc diễn tập bắn đạn thật năm nay mà Học viện tổ chức đều là 2 cấp. Trong đó, học viên ở cấp dưới thực hiện đúng theo mục tiêu đào tạo, còn cấp trên là do cán bộ khung, giảng viên và các đơn vị của Học viện thực hiện bao gồm của Ban Giám đốc, thủ trưởng các cơ quan, các khoa để thực hiện các khung của chỉ huy cấp trên. Kết quả các cuộc diễn tập này rất tốt”, Thiếu tướng Hà Xuân Trường nói.