Bao báp là loài cây họ gạo có sức sống mãnh liệt. Chúng có thể sinh trưởng và phát triển ngay cả khi bị đốn ngã. Tựa như cây bao báp trong điều kiện khó khăn, 2023 là năm Viettel Global đối diện với tình hình bất ổn ở nhiều quốc gia mà tập đoàn này đầu tư.

Tại Burundi, Lào, Tanzania, tỷ giá đồng nội tệ đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Với Campuchia, Mozambique, Burundi, xuất hiện nhiều chính sách mới, gây bất lợi cho các doanh nghiệp viễn thông. Đặc biệt, bất ổn chính trị khiến Haiti và Myanmar trở thành 2 thị trường khó đoán nhất.  

Vượt qua các khó khăn, thách thức, “cây bao báp” Viettel Global đã nhanh chóng thích ứng với điều kiện khắc nghiệt tại nhiều thị trường để biến khó khăn thành cơ hội.

Bất chấp tình hình an ninh bất ổn leo thang, suy thoái kinh tế, 2023 là năm thắng lợi của Viettel Global và các công ty thị trường khi toàn khối viễn thông nước ngoài hoàn thành xuất sắc tất cả các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh. 

Đây là năm thứ 2 năm liên tiếp, dòng tiền về từ các thị trường Viettel Global đạt xấp xỉ 400 triệu USD, tương đương 10.000 tỷ đồng, nâng mức hoàn vốn Viettel lên đến 76,5%, bám sát mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn vốn đầu tư nước ngoài.

Doanh thu dịch vụ của khối viễn thông nước ngoài tăng 615 triệu USD, cao nhất từ trước tới nay. Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ đạt 20,6%, gấp 5 lần so với tăng trưởng trung bình của thế giới. Lợi nhuận trước thuế của khối viễn thông nước ngoài năm 2023 ước đạt 220 triệu USD, cao nhất từ trước tới nay. 

Kết quả này là nhờ những nỗ lực thúc đẩy và linh hoạt trong điều hành kinh doanh, tìm các giải pháp cơ cấu lại các khoản nợ, đảm bảo nguồn vốn của Viettel Global và công ty thị trường. 

Đặc biệt là những cố gắng của Movitel (Viettel Mozambique), Mytel (Viettel Myanmar), Metfone (Viettel Campuchia) trong việc chuyển tiền về Việt Nam, bất chấp những khó khăn về bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế, tỷ giá cao, khan hiếm ngoại tệ và rào cản pháp lý của chính phủ các nước. 

Theo Tổng giám đốc Viettel Global – Phùng Văn Cường, năm 2023 là một năm khó khăn với thế giới nói chung và các thị trường Viettel ở nước ngoài nói riêng.

“Chúng tôi biết sau lưng Viettlel còn có Nhà nước, Chính phủ và Tập đoàn”, Tổng giám đốc Viettel Global nói. 

Tại buổi gặp mặt thân mật nhân dịp chào xuân Giáp Thìn 2024 với các cán bộ lãnh đạo Viettel đang thực hiện nhiệm vụ đặc biệt ở các thị trường, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng và đánh giá rất cao thành công của Viettel Global cùng các công ty thị trường.  

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Tổng giám đốc của các công ty ở nước ngoài giống như những chiến binh”.  

“Khi đi ra nước ngoài những ngày đầu, chân ướt chân ráo, không biết tiếng địa phương, rồi cả văn hóa, luật pháp cũng không biết. Đa số các thị trường mình đều là người vào sau. Nhiều quốc gia luật pháp ở đó chưa được như mình. Trộm cắp, bị tấn công, có cả những nước đảo chính, thay đổi chính quyền thường xuyên, chính sách vì thế cũng thay đổi. Nếu không phải chiến binh thì không dám đương đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định. 

Tuy nhiên, khó khăn rồi cũng qua đi, có 10 thị trường thì đến 6 thị trường Viettel đứng thứ nhất, 1 thị trường tiệm cận vị trí số 1. 

Viettel có lẽ cũng là doanh nghiệp viễn thông duy nhất đến từ nhóm nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, cạnh tranh với những nhà mạng hàng đầu, có tên tuổi, tới từ các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Anh, Singapore, Ấn Độ, Nam Phi,...

Ngành TT&TT, Bộ TT&TT tự hào về sự kiên định, kiên cường của các “chiến binh” Viettel chinh phục thế giới. Đây là câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam đi ra nước ngoài. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, một quốc gia muốn trở thành nước phát triển thì các doanh nghiệp của quốc gia đó phải đi ra nước ngoài, bởi thị trường trong nước không đủ lớn. Việc đầu tư ra nước ngoài không chỉ vì mục đích kinh tế mà còn giúp Việt Nam thắt chặt các mối quan hệ. 

Ngành viễn thông đang có sự thay đổi căn bản. Viễn thông ngày xưa là thông tin liên lạc, là câu chuyện alo, nhắn tin, truy cập Internet. Giờ đây viễn thông đã trở thành hạ tầng của nền kinh tế số. Do vậy, nghề chính của Viettel không phải là nghề “trèo cột”, bán data nữa mà phải là nghề sáng tạo ra các dịch vụ, ứng dụng 3G, 4G, 5G. 

Căn dặn các “chiến binh” Viettel, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các nhà mạng Viettel tại nước ngoài cần dành từ 0,1 đến 0,5% doanh thu cho hoạt động R&D (nghiên cứu, phát triển).

Bộ trưởng cũng yêu cầu các công ty thị trường của Viettel ở nước ngoài hãy sáng tạo ra các dịch vụ mới để cung cấp cho người dân địa phương, đặc biệt là các dịch vụ thiết yếu như thanh toán số, hỗ trợ y tế, đào tạo từ xa. Đây chính là cách để người dân sở tại gắn bó với Viettel và giúp tạo ra các thuê bao mới ngoài thuê bao viễn thông truyền thống.