Mỹ sẽ rút toàn bộ quân đội khỏi Afghanistan vào ngày 11/9/2021, đúng dịp kỷ niệm 20 năm Mỹ xâm lược nước này để đáp trả cuộc tấn công khủng bố vào Trung tâm thương mại New York và Lầu Năm Góc ngày 11/9/2001.

Trước đó, cựu Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố Mỹ sẽ rút quân vào ngày 1/5/ 2021, nhưng ông đã không thể thực hiện được vì không tái đắc cử. 

Chính quyền dân sự Mỹ muốn từ bỏ cuộc chiến tại Afghanistan, chuyển các nguồn lực đó sang châu Á - Thái Bình Dương để đối trọng với Trung Quốc ở khu vực này. 

Các nhà lãnh đạo quân sự dưới thời Tổng thống Barack Obama, Donald Trump và Joe Biden đều kiến nghị không tiến hành bất kỳ cuộc rút quân nào, nhưng lời khuyên của họ đã bị bác bỏ. Việc rút quân lúc này chỉ còn tính bằng ngày. 

Vậy bên nào thuyết phục hơn trong vấn đề Afghanistan: dân sự hay quân sự? Dù quyết định cuối cùng nghiêng về bên nào thì Trung Đông cũng sẽ mãi mãi thay đổi.

 

 

 

Chính quyền Tổng thống Biden lập luận rằng sau 20 năm chiếm đóng và chiến đấu, người Mỹ đã quá mệt mỏi với việc tài trợ cho cuộc chiến bất tận ở Afghanistan. Khoảng 2.300 lính Mỹ đã thiệt mạng trong cuộc chiến này. 

Nước Mỹ đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Afghanistan đã có một chính phủ đang nắm quyền, quân đội hiện có 300.000 quân sĩ bao gồm cả không quân, và không có lính Mỹ nào thiệt mạng trong 18 tháng qua. 

Mỹ luôn có thể tái triển khai quân sự tại Afghanistan nếu chính phủ và quân đội nước này không kiểm soát được Taliban. Và Mỹ sẽ thiết lập giám sát điện tử để thu thập thông tin tình báo trong khu vực không có quân đội chiếm đóng. 

Chi phí duy trì quân đội Mỹ tại Afghanistan rất cao, và Mỹ cần khoản ngân sách này cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cuộc chiến Afghanistan đã ngốn của nước Mỹ 800 tỷ USD. 

Mỹ tin rằng phiến quân Taliban, từng nắm quyền kiểm soát Afghanistan từ năm 1996 đến 2001, có thể sẽ bị tác động của các khoản viện trợ nước ngoài hào phóng và sự công nhận của quốc tế.

 

Dưới đây là những dữ liệu cần quan tâm:

Với số liệu về sự hiện diện quân sự của Mỹ ở các khu vực Trung Đông, châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương, việc rút 3.500 lính Mỹ khỏi Afghanistan không có tác động gì đến bất kỳ khu vực nào khác, ngoại trừ chính Afghanistan.

 

 

Chính quyền Mỹ không áp đặt bất kỳ điều kiện nào đối với Taliban trong việc rút quân khỏi Afghanistan. Về cơ bản, Mỹ sẽ đơn phương rút lui. Không một điều khoản nào được đưa ra để ngăn chặn các hoạt động khủng bố của Taliban, thành lập một chính phủ liên minh, hoặc yêu cầu ngừng áp bức tôn giáo đối với người dân nước này. 

Nhiều thập kỷ qua, Afghanistan đã chứng kiến các cuộc chiến liên miên của Taliban với các lực lượng quân sự nước ngoài, bao gồm Nga (1979-1989) và bây giờ là Mỹ (2001-2021), trước đó là Anh và nhiều nước khác. Taliban vẫn tồn tại trong khi các đối thủ đều bị đánh bại. 

Không có lý do gì để tin rằng Taliban sẽ không tiếp quản Afghanistan và áp đặt niềm tin tôn giáo của mình lên người dân. Taliban chưa bao giờ ngừng tấn công khủng bố vào người dân nước này. 

Sự sụp đổ sẽ là tất yếu - trước hết là chính phủ Afghanistan đã được bầu hợp lệ, tiếp đó là các lực lượng quân đội và cảnh sát hiện đang cố gắng gìn giữ hòa bình cho đất nước. 

Tất cả những thắng lợi thu được từ cuộc đấu tranh gian khổ để bảo đảm quyền được học tập, quyền được làm việc và quyền bình đẳng của phụ nữ Afghanistan sẽ tan thành mây khói.

 

 

Sau khi rút quân, Mỹ sẽ không thể tái chiếm Afghanistan nếu mọi việc diễn ra không như mong muốn. Afghanistan là một quốc gia không giáp biển, bao quanh đều là các đối thủ của Mỹ, đặc biệt là Pakistan và Iran. Mỹ sẽ không có cách nào để tấn công Afghanistan mà không phải đi qua các quốc gia đầy hiềm khích với mình, và cũng không có đường tiếp cận từ biển. 

Cùng với việc rút quân đội, Mỹ sẽ rút luôn toàn bộ các lực lượng tình báo: CIA và các nhà thầu dân sự. Thiết bị bay không người lái và vệ tinh không thể thay thế cho nguồn lực con người tại hiện trường.

Mỹ sẽ từ bỏ khả năng giám sát tình báo to lớn đang có, không chỉ ở Afghanistan, mà còn ở Iran và Pakistan. Mỹ là nước cung cấp thông tin tình báo cho quân đội Afghanistan. Khả năng tình báo tự thân của Afghanistan là rất hạn chế. 

Mỹ sẽ mất đi căn cứ không quân ở Afghanistan - đây là căn cứ hỗ trợ cả quân đội Afghanistan và quân đội Mỹ, cùng lực lượng CIA trong khu vực. 

Như vậy là Mỹ đã tắt đèn, sập cửa trước mắt Afghanistan.

 

Với sự sụp đổ của chính phủ và quân đội Afghanistan sau khi Mỹ rút lực lượng quân sự  khỏi nước này, lực lượng chiến binh thánh chiến người Ảrập dòng Sunni, Nhà nước Hồi giáo ở Syria, ISIS và Al Qaeda sẽ tràn vào nước này. Các lực lượng phiến quân thánh chiến không chỉ muốn chiếm Afghanistan vì lợi ích riêng mà họ còn muốn biến Afghanistan thành căn cứ để đối đầu với Iran và Pakistan - những kẻ thù truyền kiếp của họ. 

Hãy nhớ lại rằng, chính Taliban đã tạo điều kiện cho Osama Bin Laden sử dụng lãnh thổ của mình để thực hiện vụ tấn công khủng bố vào Trung tâm thương mại thế giới New York, khiến 3.000 người thiệt mạng. Chúng ta có mọi lý do để tin rằng Afghanistan sẽ một lần nữa trở thành bệ phóng cho chủ nghĩa khủng bố trong khu vực, phương Tây và Mỹ. 

Những người chỉ trích quyết định rút quân cảnh báo rằng thành công của những kẻ khủng bố ISIS và Al Qaeda chính là kết quả của việc rút quân đội Mỹ không đúng thời điểm, không khôn ngoan, từ đó dẫn đến sự chiếm đóng của phiến quân thánh chiến ở nhiều khu vực tại Iraq và Syria. Việc đó có thể sẽ lặp lại ở Afghanistan. 

Cũng giống như việc các cuộc nội chiến ở Syria và Iraq đã khiến hàng triệu người tị nạn buộc phải chạy sang châu Âu để thoát khỏi khủng bố, sự sụp đổ của Afghanistan cũng sẽ tạo ra một làn sóng tị nạn khác.

 

Ấn Độ chịu tác động nhiều bởi những gì đang diễn ra ở Afghanistan. Với 200 triệu dân là người Hồi giáo, nếu Afghanistan thất thủ, nhiều khả năng Ấn Độ sẽ là mục tiêu tiếp theo của các lực lượng thánh chiến tại “một Afghanistan mới” sau khi Mỹ rút quân. Những kẻ này đã luôn rắp tâm phát động phong trào nổi dậy ở các tiểu bang Jammu và Kashmir. 

Trung Quốc có một phần nhỏ biên giới giáp ranh với Afghanistan. Chính quyền Bắc Kinh đang xem xét mở rộng dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” xuyên quốc gia. Ước tính Afghanistan đang sở hữu khoảng 1 nghìn tỷ USD tài nguyên khoáng sản chưa được khai thác. Sự rút lui của Mỹ khỏi nước này có thể sẽ kìm hãm các kế hoạch tương lai của Trung Quốc đối với khu vực. 

Hàng triệu người Pashtun có nguồn gốc từ Afghanistan đang sinh sống tại Pakistan. Nếu Taliban, cũng là người Pashtun, giành lại được quyền kiểm soát Afghanistan thì Pakistan sẽ có thể rơi vào bất ổn.

 

Theo các nhà phê bình, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan hoàn toàn không mang mục đích tiết kiệm ngân sách hay bổ sung quân đội tại châu Á - Thái Bình Dương. Thậm chí sẽ còn vô lý hơn nữa nếu Mỹ tuyên bố đã chiến thắng tại Afghanistan và rút quân. Điều đó chẳng khác gì một thông điệp kích thích các phong trào khủng bố, chưa kể đến các lực lượng Taliban, ISIS và Al Qaeda tại nước này. 

Nếu Afghanistan sụp đổ, bất ổn ở Trung Đông sẽ đe dọa đến nguồn cung dầu lửa toàn cầu, dẫn đến khủng hoảng kinh tế ở nhiều quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ. Điều này cộng với đại dịch Covid còn đang tiếp diễn sẽ là một thảm cảnh đối với thế giới. 

Có lẽ, tốt hơn là không nên nhìn nhận Afghanistan dưới góc độ của một cuộc chiến kéo dài 20 năm, mà là một việc phải làm để tránh những hậu quả thậm chí còn thảm khốc hơn. Sự hiện diện của quân đội Mỹ vẫn đang tiếp tục ở châu Âu và Hàn Quốc sau 70 năm. 

Cuộc chiến ở Afghanistan không phải là cuộc chiến giữ đất, kiểm soát khai khoáng hay bảo vệ nguồn dầu mỏ. Đó là cuộc chiến của các hệ tư tưởng giữa một bên là Taliban, ISIS và Al Qaeda và bên kia là phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Những rủi ro tiềm ẩn lớn hơn rất nhiều so với những gì chúng ta đang thấy. 

Tiến sỹ Terry F. Buss - Chuyển ngữ: Đào Thúy

Thiết kế: Nguyễn Huệ

Mỹ và kế hoạch xoay trục từ Trung Đông sang châu Á: Tiến lui đều khó

Mỹ và kế hoạch xoay trục từ Trung Đông sang châu Á: Tiến lui đều khó

Ông Biden đang lật ngược các chính sách của ông Trump và theo đuổi cách tiếp cận Obama 2.0: Tái củng cố quyền lực cho Iran, ngừng ủng hộ Israel và các quốc gia liên minh đứng đầu là Ảrập Xê-út.