Thông báo vừa được đưa ra ngày 5/5, hơn ba năm sau khi cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc tuyên bố mức cảnh báo cao nhất về virus tàn khốc SARS-CoV-2. Dịch Covid-19 đã gây ra tình trạng phong tỏa, làm đảo lộn nền kinh tế, khiến hàng triệu người tử vong trên toàn thế giới.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Hôm qua, Ủy ban Khẩn cấp đã họp lần thứ 15 và đề nghị tôi tuyên bố chấm dứt tình trạng y tế khẩn cấp của Covid-19. Tôi thống nhất với lời khuyên đó. Với hy vọng lớn lao, tôi tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu”.
Theo Aljazeera, WHO thông tin, dù đã qua giai đoạn khẩn cấp nhưng đại dịch bắt đầu từ năm 2020 vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Trong thời gian gần đây, Đông Nam Á và Trung Đông đã ghi nhận số ca mắc tăng đột biến. WHO nói, hàng nghìn người vẫn chết vì Covid-19 mỗi tuần.
Ông Tedros cho biết, ông sẽ không ngần ngại triệu tập các chuyên gia để đánh giá lại tình hình nếu virus gây bệnh Covid-19 “khiến thế giới của chúng ta gặp nguy hiểm”.
Người đứng đầu WHO nói, đại dịch đã có xu hướng giảm trong hơn một năm qua, hầu hết các quốc gia đã trở lại cuộc sống như trước khi Covid-19 xuất hiện. Tuy nhiên, dịch bệnh đã tác động xấu tới các doanh nghiệp và khiến hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói.
Ông Tedros cho rằng có khả năng ít nhất 20 triệu ca tử vong do Covid-19, cao hơn nhiều so với con số 7 triệu được báo cáo chính thức. Ông nói: “Covid-19 đã thay đổi thế giới của chúng ta” đồng thời cảnh báo rằng nguy cơ xuất hiện các biến thể mới vẫn còn.
WHO tuyên bố Covid-19 là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vào vào ngày 30/1/2020. Hơn 3 năm sau, khoảng 764 triệu trường hợp mắc bệnh trên toàn cầu và khoảng 5 tỷ người đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin. Mức cảnh báo cao nhất của WHO giúp tập trung sự chú ý của quốc tế vào mối đe dọa sức khỏe và thúc đẩy sự hợp tác về vắc xin, phương pháp điều trị.