"Tôi hay nói với người nông dân rằng nông nghiệp xanh là xu thế không thể đảo ngược được. Mình đi ngược với xu hướng của thế giới sẽ không bán được hàng".

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh về việc chuyển đổi sang nền nông nghiệp xanh, giảm phát thải trong cuộc trò chuyện với VietNamNet. Ông cho rằng, mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng không thay đổi sẽ càng khó khăn hơn. Còn chậm thay đổi thì cái giá của sự thay đổi sẽ ngày càng cao hơn.

Thời gian gần đây, không chỉ nhắc tới tư duy kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp đa giá trị, Bộ trưởng còn nhiều lần đề cập đến nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn và giảm phát thải khí nhà kính?

‘Xanh’ đang là xu thế chung trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Vậy nông nghiệp không xanh thì sẽ ra sao?

Dân số ngày càng đông, đất đai lại không thể sinh sôi nảy nở. Trước đây, bằng mọi giá chúng ta tạo ra sản lượng nhiều nhất để phục vụ nhu cầu của con người. Khi nhắm tới sản lượng vô tình tác động vào môi trường, tài nguyên đất, lạm dụng nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật… Hậu quả, môi trường đất, nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Với nông nghiệp xanh, thế giới hướng tới phục hồi lại hệ sinh thái tự nhiên. Mục tiêu, không chỉ cung cấp đủ lương thực thực phẩm cho con người mà còn để lại cho con cháu đời sau có thể canh tác tiếp trên những mảnh đất màu mỡ đó.

Chuyển đổi sang nền nông nghiệp xanh, tức chúng ta quay trở lại những gì cha ông đã làm nhưng với cách tiếp cận mới.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khốc liệt, nông nghiệp xanh hay nói rộng hơn là kinh tế xanh đòi hỏi cả thế giới đều phải thay đổi về nhận thức. Bởi, sản xuất theo phương thức cũ vô hình chung nền nông nghiệp tạo ra khí carbon, tác động hiệu ứng nhà kính gây ra biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu tác động ngược lại nền nông nghiệp. 

Hiệu ứng hai chiều này chỉ có nền nông nghiệp xanh mới hóa giải được. Vì, nông nghiệp xanh hướng đến những gì thân thiện nhất với môi trường, không gây tác động tới tài nguyên thiên nhiên, không gây ra hiệu ứng nhà kính.

Hiện có nhiều người phát kiến ra những mô hình nông nghiệp xanh. Người nông dân đã và đang thích ứng được với những mô hình nông nghiệp để thuận tự nhiên, bảo vệ môi trường, giảm phát thải.

Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Chúng ta cũng bắt đầu thu được tiền từ tín chỉ carbon… Bộ trưởng có thể đánh giá kết quả đã đạt được trong năm vừa qua khi nông nghiệp bắt đầu chuyển đổi theo hướng xanh?

Trước khi nói đến Đề án 1 triệu ha lúa, chúng ta hãy nói về những mô hình nhỏ hơn nhưng vẫn “xanh”.

Ví như mô hình lúa - tôm ở Cà Mau. Bà con ngày xưa chỉ trồng lúa, giờ biết kết hợp nuôi tôm ngay dưới chân ruộng lúa. Đây là canh tác thuận với môi trường, giảm chi phí phân bón, nước, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học - những thứ gây tác động tới môi trường, hiệu ứng nhà kính.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao hướng tới hướng tới ngành gạo xanh – sống lành (Ảnh: Hoàng Hà)

Hay như ở Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình đang phát triển lúa - rươi. Mô hình này là nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh dựa vào ngành hàng này để phát triển ngành khác hướng tới không lạm dụng phân, thuốc. Vì nuôi rươi không thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Điều này cũng chứng minh hạt gạo ở vùng lúa - tôm, lúa - cá, lúa - rươi góp phần giảm lượng phát thải khí nhà kính.

Mô hình nông nghiệp tuần hoàn ở Tây Nguyên cũng vậy. Từ nông trại cà phê, cây ăn quả, thay vì đốt phụ phẩm dẫn đến phát tán hiệu ứng khí nhà kính, bà con đem tái chế, băm nhỏ tạo thành phân sinh học bón cho cây trồng.

Những mô hình này mặc dù nhỏ nhưng chúng ta nhận định, đó chính là mô hình tương lai của nền nông nghiệp xanh cần phải được nhân rộng, tạo sự lan tỏa. Đồng thời, chứng minh cho người nông dân thấy trên cùng một đơn vị diện tích, làm nông nghiệp xanh không khó, không đắt đỏ, thậm chí nếu kiên trì sẽ giảm được chi phí sản xuất, không ảnh hưởng tới sức khỏe, không gây ra hiệu ứng khí nhà kính, giảm phát thải…

Lúa gạo là ngành hàng sản xuất tốn nhiều nước, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Quá lạm dụng sẽ ảnh hưởng tới môi trường, tạo ra hiệu ứng khí nhà kính, tăng chi phí sản xuất, giảm chất lượng hạt gạo…

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao hướng tới hướng tới ngành gạo xanh – sống lành. Qua đây bà con thấy được cách làm lúa phù hợp tri thức bản địa, nhưng đưa yếu tố khoa học vào để chuẩn hóa từ giống, canh tác, giảm phân vô cơ, tăng phân hữu cơ, tưới tiêu tiết kiệm… sẽ không chỉ thu được gạo chất lượng cao mà còn tạo ra cánh đồng lớn bán tín chỉ carbon.

Nói một cách dễ hiểu, có những ngành không thể giảm phát thải, họ phải đi mua quote của những ngành có thể giảm phát thải để bù trừ. Đây là lợi thế của nền nông nghiệp Việt Nam.

Bộ trưởng có thể thông tin rõ hơn về vấn đề này?

Nông nghiệp Việt Nam có rừng hấp thụ carbon. Tức chúng ta giữ được rừng nghĩa là bán được tín chỉ carbon. Bộ NN-PTNT vừa qua có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đã ký các văn bản chuyển giao thành công 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới. Số tiền thu về đạt gần 1.250 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản góp phần giảm phát thải khí carbon theo cam kết, có quy trình đo đếm rõ ràng, người khác sẽ phải chi trả tiền theo phần giảm đó cho mình. Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng ta phải có một quy trình chuẩn mực. 

Ở khía cạnh chưa thu được tiền từ tín chỉ carbon, hạt gạo Việt nói riêng hay nông sản Việt nói chung cũng đã định vị được trên thị trường quốc tế là hàng sạch, xanh, trồng theo quy trình được tổ chức quốc tế công nhận.

Tại thị trường châu Âu, các sản phẩm được phân loại để dán nhãn xanh. Nếu không đi theo quy trình xanh, sản phẩm sẽ có giá bán khác.

Trong chuyến đi châu Âu vừa qua, tôi nói với các doanh nghiệp rằng giờ đây người tiêu dùng không mua sản phẩm mà mua cách tạo ra sản phẩm, thậm chí mua luôn văn hoá sản xuất và văn hoá của người kinh doanh. Tức, người tiêu dùng, ngoài việc đòi hỏi chất lượng cao còn yêu cầu cách tạo ra sản phẩm đó phải có trách nhiệm với môi trường và xã hội hay không.

Quy định IUU của châu Âu đối với hải sản cho thấy, họ không chỉ mua con cá mà còn xem con cá đó đánh bắt có đúng quy trình hay không. Dự luật EUDR, cấm nhập khẩu nông sản sản xuất trên đất có nguồn gốc phá rừng hoặc suy thoái rừng, áp dụng từ tháng 12/2024 của EU cũng vậy. 

Gạo hay các sản phẩm khác rồi cũng sẽ như thế.

Chúng ta đang chuyển đổi dần sang nền nông nghiệp phát thải thấp. Thời gian tới Bộ NN-PTNT có định hướng và giải pháp nào để đẩy mạnh nông nghiệp xanh?

Phải đi từ nhận thức của xã hội, của cơ quan quản lý. Ngày xưa chỉ đi cân đong đo đếm thông qua sản lượng. Bây giờ sản lượng phải gắn chỉ tiêu gì để thích ứng với xu hướng tiêu dùng trên thị trường. Bộ NN-PTNT đang xây dựng bộ tiêu chí mới.

Ví như, trong xuất khẩu gạo sẽ đưa ra chỉ tiêu bao nhiêu phần trăm là gạo xanh. Đây là thang đo để nâng dần lên từ ngành hàng lúa gạo ra ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Tất cả phải theo một bộ tiêu chí.

Ngành nông nghiệp phải làm và phải tập huấn cho khuyến nông, đi đến từng thửa ruộng bờ ao hướng dẫn bà con nông dân.

Thứ nữa, phải đưa vào giáo trình của các trường đào tạo về nông nghiệp. Giao các viện nghiên cứu đề tài phải gắn với nông nghiệp xanh, thích ứng biến đổi khí hậu.

Tôi hay nói với người nông dân, nông nghiệp xanh là xu thế không đảo ngược được. Bởi nền kinh tế xanh phân ra làm nông nghiệp xanh, giáo dục xanh, tín dụng xanh, tiêu dùng xanh… Cả thế giới đều đi theo hướng đó, mình đi ngược lại thì sẽ không bán được hàng.

Thay đổi một nhận thức, thay đổi một thói quen, tập quán không phải dễ dàng. Với bà con nông dân, mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi sẽ càng khó khăn hơn. Nếu chậm thay đổi thì cái giá của sự thay đổi đó sẽ ngày càng cao hơn.

Cả hệ thống từ cơ quan trung ương tới địa phương phải vào cuộc. Chúng ta phải tạo ra cao trào, hiệu ứng để bà con hiểu chuyển đổi sang nông nghiệp xanh không phải là nhà nước, bộ ngành làm khó ai, mà để bắt nhịp xu hướng trên thế giới.

Thay đổi hay là chết? Thay đổi hay cứ để hàng hóa bán trôi nổi, giá cả bấp bênh. Song, thay đổi phải có quá trình, chúng ta lấy mô hình làm tốt từ đó nhân rộng ra.

Gieo trồng mầm xanh, tạo nên mùa vàng bội thu. Xây dựng một nền sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với con người và môi trường, góp phần tích cực vào ổn định an ninh lương thực thế giới luôn là mục tiêu chiến lược, là sự cam kết của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trò chuyện!