cam hoa thuoc duoc duoi cong 11.jpg

Chị Hà Lê (tên thật là Lê Lam Hà) nổi danh trên mạng xã hội với những bình hoa tươi đẹp rực rỡ, cuốn hút mọi ánh nhìn. Chuẩn bị tới tết Giáp Thìn, chị đã chia sẻ kinh nghiệm chọn và cắm đơn giản loại hoa thược dược vừa đẹp vừa sang.

Cách chọn và tỉa hoa trước khi cắm

Hoa thược dược có cành lá mọng nước. Để chơi được lâu ngày, bạn nên chọn mua hoa tươi mới chớm nở, cánh hoa đều và không bị dập nát. Cành hoa thược dược phải có đủ bông hoa chính (kích thước bông to nhất), thường có 1 bông và nụ, lá già, lá non. Cuống hoa cứng, dài; không bị thâm, gãy dập và có mùi hôi.

Khi mới mang hoa về, tuốt bỏ gần hết phần lá, tỉa bớt cành nụ để dinh dưỡng tập trung nuôi hoa nở bông to hơn. Mặt khác, tỉa bớt lá để khi cắm vào bình, hoa thanh thoát hơn, không bị rối và héo lá. Khi cắm, nếu để lá ngập trong nước sẽ rất nhanh bị hỏng.

Nếu thấy hoa có dấu hiệu bị héo do vận chuyển, cắm bó hoa vào xô nước đầy khoảng 30 - 45 phút để hoa hồi phục. Lưu ý, chỉ cắm ngập nước phần cuống hoa, không để bông hoa tiếp xúc với nước. 

z5042825285272 f579de6bf059559d3bf1028b28d0c980.jpg
Hoa thược dược cắm trực tiếp trong nước sẽ không bền bằng cắm xốp

Nếu cắm hoa vào nước, nên chọn chiếc bình cổ rộng một chút và ước lượng cắm vừa số hoa mình có. Thân thược dược to và có phần thô không uốn được như các loại hoa khác, nếu chọn bình cổ nhỏ khi cắm bị chật, dễ bị dập thân và khó tạo được dáng tỏa xoè.

Khi cắm, nên cho nước dưỡng hoa (các cửa hàng hoa thường bán sẵn), hoặc đơn giản chỉ cần cho chút đường và vài giọt nước rửa bát vào bình trước khi cắm sẽ giúp hoa tươi lâu. Bạn cũng lưu ý không nên cắm quá nhiều nước, thường chỉ để cuống hoa ngập từ 5 - 7cm trong nước. Chú ý hàng ngày thay nước cho bình hoa. Mỗi lần thay nước nên cắt bớt phần gốc đã bị úng nước và rửa sạch nhớt bám ở cuống hoa.

Nếu cắm hoa theo phương pháp gác cành sẽ phải đổ đầy bình nước, tuổi thọ bình hoa sẽ không cao bằng cắm thẳng và ít nước. Hoa thược dược sẽ bền lâu nhất khi bạn cắm xốp. Nếu chọn được hoa tươi và dưỡng kỹ, cắm xốp hoa có thể bền tới 7 - 8 ngày.

cam hoa thuoc duoc duoi cong 3.jpg
Chị Hà Lê chia sẻ cách cắm bình hoa thược dược cam đổi màu hình đuôi công rất đơn giản và sang trọng

Cách cắm bình hoa thược dược hình đuôi công vừa đẹp vừa sang

Hoa thược dược có nhiều màu sắc và màu nào cũng đẹp rực rỡ. Năm nay, loại thược dược cam đổi màu giống mới đang khiến nhiều chị em phát sốt. Chị Hà Lê chọn cách cắm bằng xốp để giữ được độ tươi lâu cho bình hoa thược dược màu mới lạ. 

Sau khi tỉa sơ, chị Hà mang xốp ngâm nước. Theo kinh nghiệm của chị, không nên vội vàng nhấn chìm miếng xốp rồi lấy ra cắm. Vì làm vậy miếng xốp chỉ hút được nước ở phía ngoài mà không ngấm vào trong lõi. Hãy thả tự do miếng xốp vào trong xô, chậu, sau vài phút miếng xốp sẽ ngậm no nước.

cam hoa thuoc duoc duoi cong 5.jpg

Tiếp đó, chị đặt miếng xốp no nước vào bình cắm hoa hình con công. Theo chị Hà, hoa thược dược không quá nặng nên không cần cố định miếng xốp. Bạn cần lưu ý đặt mặt có chữ của miếng xốp hướng lên trên để hoa hút nước thật tốt. "Hàng ngày các bạn nhớ cấp nước đầy vào bát thuỷ tinh nhé", chị Hà Lê dặn dò.

Chọn 3 cành hoa cắm tạo thành 3 góc của một tam giác cân, tùy số lượng hoa mà chọn chiều cao bình hợp lý. Chị Hà cho biết, cành hoa cắm cao nhất chị thường để chiều dài khoảng 35cm. Cành hoa cong về bên nào thì chị đặt hướng về bên đó, cắm cân đều 2 bên, mặt bông hoa hướng về 1 phía.

Khi đã tạo được khung, lần lượt cắm các cành hoa thành hình vòng cung, dần dần từ phương thẳng đứng rồi xiên về phía trước để tạo độ dày cho bình hoa. Cắm một số bông hoa ngắn xuống dưới sát đầu công, vừa để tạo độ sâu cho bình hoa vừa che xốp. 

Vậy là chị Hà Lê đã nhanh chóng hoàn thành bình hoa đón Tết gồm 45 cành hoa thược dược màu cam, phối thêm cành lá ngâu màu xanh mát mắt.

"Tới ngày thứ 3, lớp cánh lõi của những bông hoa màu cam đã dần đổi sang màu vàng. Chú chim công biến hình rực rỡ kỳ diệu. Ngày đông giá rét miền Bắc mà ngắm chú chim công này thì bớt lạnh luôn. Tết Nguyên đán mà có bình hoa này đón xuân thì thật là tuyệt vời", chị Hà Lê nói. 

Ảnh: NVCC