PV: Xin ông giới thiệu qua quá trình hình thành và phát triển của công ty. Hiện nay, công ty đang sản xuất, cung cấp những sản phẩm gì và cho các doanh nghiệp FDI nào?

Đại tá Phạm Văn Riệp: Công ty Cao su 175 trực thuộc Tổng Cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng. Đây là một doanh nghiệp Quốc phòng An ninh, trụ sở tại xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Là một trong những doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm về cao su kỹ thuật, trong những năm gần đây, những sản phẩm chính của chúng tôi bao gồm băng tải cao su chịu mài mòn, chống cháy, chịu nhiệt, hóa chất; băng tải gầu;.. với chất lượng cao. 

Các sản phẩm trên đều được sản xuất trên dây chuyền tiên tiến, hiện đại, và được quản lý theo hệ thống quản lý ISO 9001 2015, hay là hệ thống IETF 16949. 

Chúng tôi cung cấp các sản phẩm về bao tải và ống cao su cho ngành khai khoáng, khoáng than, khoáng sản, các nhà máy thủy điện, nhiệt điện, và khai khoáng hầm lò là chính. Ống cũng như vậy, phục vụ cho ngành khai thác, dân sinh. 

Nhóm thứ hai là sản phẩm cao su kỹ thuật (phụ tùng), chúng tôi cũng cung cấp cho những ngành dân sinh và đặc biệt là cung cấp cho các công ty xe máy, ô tô như Honda và Toyota.

PV: Ông có thể chia sẻ thêm một chút về việc sản xuất linh kiện phụ tùng cao su có những điều kiện và tiêu chuẩn, đặc thù gì để quyết định việc mình bán được đơn hàng cho các doanh nghiệp đầu chuỗi? 

Đại tá Phạm Văn Riệp: Về câu chuyện sản xuất của công ty, đặc biệt là phụ tùng cao su kỹ thuật cao phải tách ra làm hai phần. Thứ nhất, chúng tôi cũng là một doanh nghiệp, vì vậy cũng phải tuân thủ chặt chẽ theo luật doanh nghiệp. Thứ hai, doanh nghiệp của chúng tôi đặc thù sản xuất cao su, mà cao su cũng là một ngành nghề hẹp chứ không phải rộng. Vì vậy, cũng có thuận lợi và khó khăn.

Về thuận lợi, vì là ngành hẹp nên các đối thủ cạnh tranh cũng không nhiều trong nước. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có sự cạnh tranh chủ yếu từ nước ngoài. Bên cạnh đó, việc thu hút nhân lực về ngành nghề này cũng có những khó khăn, ngay kể cả trong các trường. Ví dụ, chúng tôi là đơn vị quân đội, trong các trường quân đội không có đào tạo ngành nghề về cao su, polyme. Vì vậy, tuyển chọn nhân lực ngành này cũng là một khó khăn.

Thêm vào đó, đơn vị cũng đã được thành lập từ lâu nên các trang thiết bị, máy móc công nghệ cũng có những cái đã cũ, lạc hậu và xuống cấp. Điều này ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm.

PV: Xin ông nói thêm về lĩnh vực sản phẩm cao su kỹ thuật cao, các tiêu chuẩn ISO cần đạt được mới vào được hệ thống? Cần chuẩn bị những gì mới có thể đạt được? Bên Nhật Bản yêu cầu gì? Các doanh nghiệp mình thường thiếu cái gì và phải bổ sung điều gì để có thể đáp ứng được? 

Đại tá Phạm Văn Riệp: Chúng tôi trải qua nhiều năm, cũng đã mày mò, nghiên cứu, tiếp cận. Gần đây, chúng tôi phát hiện ra thực tế nếu muốn bước chân vào lĩnh vực cung cấp sản phẩm cho các công ty FDI, thì phải thấy rằng hệ thống tiêu chuẩn ISO 16949 cho ô tô xe máy là hệ thống quản lý tiên tiến hiện đại. Tuy nhiên, chúng tôi chưa đạt được chứng chỉ đó. 

Để đạt được chứng chỉ, cần phải xây dựng lại hệ thống trong đơn vị vững từ con người, trang thiết bị, cơ sở vật chất đầy đủ và qua hơn 70 bộ quy trình thực hiện tất cả các hoạt động trong đơn vị từ ra vào cổng cho đến nhập vật tư, khai thác thế nào, quản lý nhân sự ra sao, nhân sự cấp cao thế nào, cấp thấp thế nào. 

Chúng tôi hiện nay đã qua bước giám sát và đang chờ để được đánh giá lần cuối. Khi được cấp chứng chỉ đó, mình mới chính thức là nhà cung cấp sản phẩm cho các công ty nói trên. Nội dung này chúng tôi đã phải thực hiện cả năm nay mới được đánh giá.

Thực ra việc áp dụng các quy chế quản lý mới cũng không thể nói không tốn kém chi phí, bởi nhân công cũng là chi phí, thời gian cũng là chi phí. Nhưng đó chưa phải cái lớn nhất. Bởi cái lớn nhất phải thay đổi được cái tư duy từ lãnh đạo chỉ huy đến cán bộ cấp trung và đến người lao động. 

Họ phải hiểu được là làm cái này vì cái gì, làm cái này để đạt được cái gì, và mục đích là cho ai. Cuối cùng vẫn là vì người lao động. Vấn đề là làm sao cho họ hiểu được.

Chúng tôi có một cái thuận lợi trong quá trình thực hiện quá trình xây dựng hệ thống IETF là chúng tôi đã thực hiện chương trình Kaizen 5s cải tiến liên tục cách đây mấy năm. Đây là điểm tốt trong môi trường lao động, của người lao động. 

Vì vậy, khi áp dụng cái hệ thống quản lý 16949, có một thuận lợi chính là bước đầu anh em đã hiểu vấn đề. Việc bây giờ phải thống nhất tổ chức thực hiện.

PV: Sau một quá trình hình thành và phát triển, được biết công ty cũng đã trở thành nhà cung cấp cho nhiều doanh nghiệp đầu chuỗi trong ngành công nghiệp nói chung. Vậy, từ thực tiễn của công ty, ông nhận thấy có bài học kinh nghiệm nào để chia sẻ với cộng đồng?

Đại tá Phạm Văn Riệp: Qua thực tiễn xây dựng và phát triển, cũng như kết quả sản xuất kinh doanh của công ty, đặc biệt là trong những năm gần đây, chúng tôi thấy rằng để đáp ứng được chuỗi cung cấp cho các công ty lớn, trước hết mình phải liên tục đổi mới, cải tiến công nghệ sản xuất thông qua chương trình Kaizen, ở đây có những gì, có những cái gen lớn, những gen trọng tâm của đơn vị.

Thứ hai, phải chú trọng đầu tư phát triển khoa học công nghệ, thực hiện các đề tài nghiên cứu để sớm bám vào các chương trình phát triển của đơn vị và xây dựng được một chuỗi sản phẩm mới để đáp ứng được với thị trường.

Thứ ba, phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Ví dụ như chương trình IS9O01 2015, chương trình quản lý IETF 14969, và các chương trình ISO về môi trường, an toàn lao động. Thông qua cái đó để áp dụng vào chương trình sản xuất, cải tiến, hợp lý hóa, tăng năng suất và tăng chất lượng sản phẩm. Nhờ những chuỗi sản phẩm như vậy, chất lượng sản phẩm được nâng lên, hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả. Như vậy mới đáp ứng được các chuỗi cung cấp, và nhà cung cấp lớn.

 
PV: công ty có mong muốn, đề xuất hay kiến nghị nào để phục vụ cho lĩnh vực của mình để hoạt động tốt hơn?

Đại tá Phạm Văn Riệp: Với một doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi, tôi thấy rằng Chính phủ cũng cần có một cơ chế làm sao phù hợp cho các doanh nghiệp nhỏ để có thể tiếp cận vốn cho đầu tư, mua sắm, cải tiến trang thiết bị công nghệ, đáp ứng được với nhu cầu sản xuất hiện tại, cân bằng được với trình độ tiên tiến của khu vực và trên thế giới. Đồng thời để sản xuất ra những linh kiện cung cấp cho ngành công nghiệp hỗ trợ cao của Việt Nam mà hiện nay chúng tôi thấy mình vẫn đang còn thiếu. 

Thứ hai, nếu được chúng ta cũng nên hạn chế nhập khẩu những sản phẩm mà trong nước đã và đang sản xuất được. Ví dụ, chúng tôi đã có những sản phẩm cao su kỹ thuật đã đáp ứng được so với trong nước. Vì vậy, nếu có được một cơ chế chính sách can thiệp vào việc nhập khẩu đó, thì chúng tôi có thể tăng sức cạnh tranh, và khuyến khích sản xuất trong nước hơn. Từ đó cũng tạo ra công ăn việc làm cho người lao động của các doanh nghiệp.

Thu  Ngân  (Thực hiện)