GS.TSKH, Nhà giáo nhân dân Hoàng Xuân Sính thường được biết tới với tên gọi “nữ giáo sư Toán học đầu tiên của Việt Nam”. Bà cũng là người đầu tiên ra nước ngoài bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về Toán học. Thế nhưng, ít ai biết bà còn "liều mình" tới gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và sáng lập ra trường đại học tư thục đầu tiên vào năm 1988. 

Câu chuyện “mở trường” của bà lúc bấy giờ dù khó khăn nhưng đã đóng vai trò mở đường cho các đại học tư thục ra đời và phát triển, hoàn thiện hơn hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

GS.TS Hoàng Xuân Sính xác định con đường theo đuổi Toán học khi vừa mới tốt nghiệp bằng tú tài 1 ở Trường cấp 3 Chu Văn An. Năm 1951, được người cậu ruột đón sang theo học tại Trường ĐH Toulouse ở Pháp, bà chọn lấy bằng tú tài 2 về chuyên ngành Toán học. 

Điều này, theo bà, một phần là do sự định hướng từ gia đình.

“Cha tôi luôn chủ trương rằng yêu nước là phải làm việc gì thật cụ thể. Vì vậy, muốn xây dựng đất nước, học giỏi các môn khoa học tự nhiên là điều cần thiết. Mặt khác, lựa chọn môn Toán bởi lúc bấy giờ tôi thấy đây là môn ‘dễ học’ nhất. Do đó, tôi học Toán rất tự nhiên”.

Sau khi tốt nghiệp và thi đỗ thạc sĩ Toán học tại Pháp, giữa lúc con đường làm khoa học đang rộng mở, bà quyết định theo tiếng gọi “trí thức về nước cống hiến cho đất nước”.

“Đi nước ngoài là để học lấy kiến thức. Cần phải trở về xây dựng đất nước, bằng bất cứ giá nào. Mà quả thực, lúc đó, bầu không khí xã hội khiến cho người ta có lòng yêu nước đến kỳ lạ”, bà nhớ lại quyết định của mình.

Vì thế, chỉ sau 3 tháng nhận bằng thạc sĩ, bà trở về quê hương với hành lý mang theo là hai chiếc vali đựng đầy sách.

Từ Pháp trở về, ưu ái duy nhất bà nhận được so với đồng nghiệp trong nước là được lựa chọn đơn vị công tác, gồm Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Tổng hợp và ĐH Bách khoa.

“Thú thực, tôi chọn ĐH Sư phạm vì ở Pháp, trường sư phạm thường lớn nhất và được kính trọng”.

Nghĩ vậy, bà xin Vụ trưởng Vụ Tổ chức cho vào công tác tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Nhưng thực tế không giống như bà nghĩ. Trường ĐH Sư phạm khi ấy vẫn là nhà tranh vách đất; điện dù có nhưng cũng chỉ le lói, không đủ để phục vụ cho việc giảng dạy và học tập.

“Lúc đó, trong trường chỉ có thầy Nguyễn Cảnh Toàn đỗ phó tiến sĩ và tôi là thạc sĩ. Còn lại các giảng viên, người có trình độ đại học 4 năm, người 3 năm, người 2 năm.

Một tuần, chúng tôi dạy 30 giờ. Gần như ngày nào giảng viên cũng phải ở trong trường. Dù vậy, không có ai kêu ca, vì chúng tôi luôn suy nghĩ, mình đang xây dựng đất nước”.

Là trưởng bộ môn, GS Sính khi ấy lên danh sách trình độ chuyên môn của từng giảng viên, đồng thời đóng vai trò theo dõi, dìu dắt và bổ túc, giúp họ phát triển năng lực.

Trong khi thúc đẩy mọi người học, bà cũng phải mày mò tự học. 

Làm tiến sĩ trong giai đoạn chiến tranh, bom đạn, nhà trường không có chế độ nghỉ cho cán bộ làm tiến sĩ. Vì thế, vừa đi sơ tán, bà vừa dạy học và viết luận án.

Khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ là không có người xem luận án ở trong nước. Nhưng may mắn, luận án của bà được GS người Pháp, Alexander Grothendieck - người được mệnh danh là “thiên tài Toán học của thế kỷ XX”, từng nhận giải Fields năm 1966 - hướng dẫn.

Luận án của bà được viết tay bằng tiếng Pháp, dưới sự hướng dẫn từ xa của thầy. Sau đó, bà gửi ra nước ngoài ghi danh và đăng ký bảo vệ.

Tháng 7/1975, luận án tiến sĩ Toán của nữ giảng viên người Việt với nhan đề “Các Gr-phạm trù” được bảo vệ thành công tại Đại học Paris 7, với hội đồng chấm gồm những nhà Toán học nổi tiếng như GS Henri Cartan, GS Alexandre Grothendieck…

Bà cũng là người đầu tiên từ trong nước ra nước ngoài bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về Toán học.

Một lần nữa bà lại quyết định trở về nước, góp sức vào sự phát triển nền giáo dục nước nhà. GS Sính tiếp tục dốc sức đào tạo tiến sĩ với mong muốn có thể xây dựng một hệ thống Toán học ở trình độ cao, hoàn chỉnh, ngay trong nước và giúp những người nghiên cứu về Toán không phải ra nước ngoài bảo vệ luận án của mình.

Cuối những năm 1980, Việt Nam vừa mới bước ra khỏi thời kỳ bao cấp, đời sống của giảng viên vô cùng khó khăn. Ngoài dạy học, nhiều thầy cô giáo vẫn phải đi bán lạc rang, làm bánh rán, chè đỗ đen… rồi đạp xe “đổ” cho các quán dọc từ Trường ĐH Sư phạm cho tới Bạch Mai, Văn Điển.

“Để bươn chải mưu sinh, tôi nhớ có những người bị dầu bắn lên bỏng hết ngực. Vào buổi tối, giáo viên bán thêm chè đỗ đen cho sinh viên trong trường. Thầy cô chỉ dám để ánh đèn nhập nhèm cho sinh viên không nhìn rõ mặt mình. Đi dạy khi vẫn phải lo toan bán hàng kiếm sống, giáo viên không thể toàn tâm dồn sức cho việc giảng dạy”, GS Sính nhớ lại.

Một ngày nọ, GS Bùi Trọng Liễu - khi ấy đang giảng dạy tại Đại học Paris 5, gửi thư cho 5 nhà khoa học danh tiếng trong nước gồm GS Hoàng Xuân Sính, GS Hoàng Tụy, GS Phan Đình Diệu, GS Nguyễn Đình Chí và GS Bùi Trong Lựu.

Trong thư, GS Liễu ngỏ ý các nhà khoa học cùng nhau lập nên một trường đại học tư thục để khắc phục những nhược điểm của trường đại học công lập lúc bấy giờ.

Mong muốn của ông một phần nhằm giúp đời sống của cán bộ giáo viên bớt khổ, có thể sống nhờ lương mà không bị ảnh hưởng bởi cơm áo gạo tiền, từ đó cống hiến toàn bộ tâm huyết cho giáo dục.

“Chúng tôi đã họp bàn về chuyện này rất nhiều lần. Muốn thành lập trường thì phải xin phép. Nhưng giữa thời buổi bấy giờ, muốn xin thành lập một trường đại học tư thục là điều không tưởng, bởi nhắc đến chữ “tư” có thể bị từ chối ngay”, GS Sính nhớ lại.

Sau một thời gian dài họp bàn mà vẫn chưa có kết quả, GS Sính bèn nghĩ: “Người ta (ông Bùi Trọng Liễu - PV) ở nước ngoài còn nghĩ đến đất nước. Mình ở trong nước chẳng lẽ lại trả lời rằng: “Chịu, không làm được” à?”. Thế là GS Sính đánh liều viết thư gửi lên Bộ Đại học, cùng với chữ ký của 5 nhà khoa học khác. Tuy nhiên, Bộ Đại học không trả lời.

Không chịu từ bỏ, GS Sính một mình tới gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. 

“Tôi không hiểu lúc đó làm sao tôi liều thế! Tôi nói với Tổng Bí thư, chỉ xin mở trường, không xin tiền Nhà nước. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đồng ý. Sau đó, Ban Khoa giáo Trung ương (bây giờ là Ban Tuyên giáo), rồi Bộ Đại học đều mời tôi lên nói chuyện”.

Năm 1988, Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long - trường đại học tư thục đầu tiên ở Việt Nam - ra đời. Đây cũng là một mô hình thí điểm đầu tiên của trường đại học ngoài công lập, với chương trình được xây dựng hoàn toàn tự do, không nằm trong khung của Bộ GD-ĐT. 

Về học phí, GS Sính nhẩm tính thời đó, mỗi người dân không đi làm nhà nước sẽ được 10 cân gạo; cán bộ nhà nước được 13 cân gạo; sinh viên được 15 cân gạo; bộ đội được 18 cân gạo. 

“Như nhà tôi, được 13 cân gạo thì chỉ ăn hết 8, còn thừa phiếu 5 cân, có thể đem đi đổi để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt khác. Trong gia đình, cứ 2 người thì mỗi tháng thừa 10 cân gạo, bán đi là đủ để đóng học phí cho con em mình”.

Vì thế, GS Sính đong đếm và quyết định lấy học phí tương đương với 10 cân gạo. 

Thế nhưng, số tiền này cũng chỉ đủ để trả tiền thuê cơ sở, gồm 1 lớp học, 1/2 căn phòng được ngăn ra để tiếp sinh viên và tiền thuê cán bộ trực văn phòng.

Không có tiền trả người làm vệ sinh, GS Sính dậy từ 6 giờ, làm công việc của lao công, vừa xách nước, vừa quét lớp.

Dù chật vật vì kinh phí hạn hẹp, GS Sính vẫn đi gặp từng giáo sư và quy tụ những người giỏi về trường. 

“Lúc đó, không có tiền trả lương, tôi trả các giáo sư 5 USD/giờ, là mức khá cao. Nói thật, thời điểm ấy, các giáo sư cũng rất khó khăn nên khi tôi ngỏ lời, các thầy cô đều đồng ý ngay”.

Toàn bộ tiền lương chi trả cho giảng viên đều phải dựa vào nguồn quyên góp từ các giáo sư Việt kiều ở Pháp, do GS Bùi Trọng Liễu gửi về. 

Thời gian đầu, mọi thứ vẫn ổn nhờ nguồn tiền quyên góp. Nhưng sau 3 năm, những giáo sư, nhà trí thức ở Pháp không còn quyên góp được nữa. Vì thế, trường mất đi một nguồn viện trợ lớn.

“Giai đoạn đó vô cùng khó khăn, nhưng tôi nghĩ, nếu trường đóng cửa thì sinh viên sẽ đi về đâu. Tôi cần phải có trách nhiệm với sinh viên của mình”, GS Sính nhớ lại. 

Trong bước đường cùng, bà đứng lên dồn mọi nguồn tài chính của mình cho trường. Đích thân bà sang Pháp tìm nguồn quyên góp mới để có thể duy trì hoạt động.

Năm 1994, khi tiến hành tổng kết mô hình thí điểm trường đại học dân lập, ngôi trường do GS Sính cùng cộng sự thành lập được Bộ Giáo dục đánh giá đạt về mặt học thuật nhưng về tài chính, mô hình không thể đứng vững nếu chỉ trông vào tiền quyên góp để trả lương cho giảng viên. 

Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ Giáo dục, các vấn đề về tài chính có thể dần tháo gỡ. Đây cũng chính là tiền đề “mở đường” cho các trường dân lập, tư thục sau đó ra đời.

Giờ đây, ở độ tuổi 90, GS Hoàng Xuân Sính vẫn giữ thói quen dậy sớm đọc báo tiếng Việt, tiếng Pháp để nắm bắt xu hướng đào tạo trong nước và thế giới. Hiện, bà vẫn làm công tác nghiên cứu và là Chủ tịch HĐQT của Trường ĐH Thăng Long.

Trước câu hỏi: “Nhiều người cho rằng, đầu tư vào giáo dục là siêu lợi nhuận”, GS Sính trầm ngâm: “Làm giáo dục chân chính không thể siêu lợi nhuận mà luôn thậm chi”.

“Ở các nước tiên tiến, dù là trường công hay tư, ngân sách nhà nước đổ vào luôn chiếm trên 50%. Ngoài ra, trường vẫn phải sống nhờ vào các nguồn vốn xã hội, nguồn tài trợ doanh nghiệp… rồi mới đến đóng góp của sinh viên.

Tất nhiên, cũng có những trường sống bằng cách lấy rất nhiều sinh viên với điểm đầu vào chỉ từ 14 điểm. Tuyển sinh ồ ạt và dồn nhiều sinh viên trong một lớp; thầy cô cũng không phải giảng viên cao cấp... Làm giáo dục như vậy có lời thật, nhưng sinh viên ra trường sẽ thất nghiệp nhiều vì thiếu kỹ năng, từ đó gây ra lãng phí xã hội.

Cho nên, làm giáo dục mà chỉ tính toán đến lợi nhuận thì không ổn, mô hình trường đại học ấy cũng rất khó thành công”, GS Hoàng Xuân Sính nói.

Bài: Thúy Nga

Thiết kế: Minh Hòa