Lời tòa soạn:

Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do tài xế nhà xe Thành Bưởi gây ra vào rạng sáng 30/9 tại Đồng Nai làm 5 người chết, 4 người bị thương khiến Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vào cuộc kiểm tra việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Kết quả cho thấy nhiều vi phạm xảy ra trước đây tiếp tục được lặp lại.

Ở phạm vi rộng hơn, tiếc rằng không chỉ hãng xe Thành Bưởi có những vi phạm tương tự.

Đây cũng là dịp Nghị định 10 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đang được sửa đổi.

Xuất phát từ những vấn đề trên, Báo VietNamNet tổ chức Bàn tròn “Vụ Thành Bưởi và việc sửa đổi Nghị định 10” nhằm góp phần tạo cơ sở pháp lý, cách thức quản lý mới để lập lại trật tự an toàn giao thông cũng như tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp vận tải.

Tham gia chương trình bàn tròn có các khách mời:  

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT)

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

Ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội

Ông Trần Doãn Toàn, Phó giám đốc Kinh doanh nhà xe Văn Minh

 

Nhà báo Phạm Huyền: Những sai phạm của nhà xe Thành Bưởi nói riêng và hoạt động vận tải nói chung xét đến cùng bắt nguồn từ hai nguyên nhân: thể chế và việc thực thi (công tác quản lý). Về thể chế, trực tiếp nhất là Nghị định 10, với tư cách là đại diện Cục Đường bộ Việt Nam, ông Hoàng Anh có thể chỉ ra những hạn chế nổi bật nhất khiến Nghị định 10 chưa đủ sức cũng như độ bao phủ quản lý hoạt động vận tải trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Hoàng Anh: Nghị định 10 trong quá trình thực thi có mấy vấn đề bất cập.

Thứ nhất, thực tế khó xác định được xe hợp đồng trá hình, phải dùng công nghệ để xác định được hành trình của xe hợp đồng đó. Vì trong nghị định quy định trong một tháng mỗi xe không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến có điểm đầu, điểm cuối trùng lặp. Vấn đề này phải sử dụng công nghệ mới xác định được, tuy nhiên nội dung này đang vướng.

Thứ hai, hiện nay, Nghị định 10 chưa quy định về thời gian để thu hồi, cấp đổi phù hiệu, biển hiệu bị xử lý. Tình trạng 'nay thu phù hiệu, mai cấp lại' dẫn đến hiệu lực của quyết định thu hồi không nhiều giá trị.

Nhà báo Phạm Huyền: Sau câu chuyện của nhà xe Thành Bưởi, rất nhiều ý kiến cho rằng việc buông lỏng quản lý là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng bát nháo của xe dù bến cóc, xe hợp đồng trá hình thời gian qua. Dưới góc độ cơ quan quản lý tại địa phương, ông Tuyển thấy thế nào về nhận định này?

Ông Nguyễn Tuyển: Nếu nói buông lỏng quản lý thì không đúng. Ví dụ như trong 10 tháng đầu năm, lực lượng thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã xử lý trên 4.000 trường hợp xe khách, số tiền phạt là 9,1 tỷ đồng, tạm giữ 33 phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn 501 trường hợp. Trong đó xe hợp đồng chiếm khoảng 40- 50%.

Hàng tháng, căn cứ trên cơ sở dữ liệu giám sát hành trình của Cục Đường bộ, chúng tôi cũng xử lý hàng trăm trường hợp.

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng có những nơi chưa thực sự triệt để. Nguyên nhân do cơ chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng với chính quyền địa phương và trách nhiệm chính quyền địa phương để hình thành những điểm, những bãi đỗ xe tự phát.

Ông Nguyễn Hoàng Anh: Thật ra không hề có chuyện buông lỏng vì hầu như 63 Sở Giao thông vận tải, các sở, ngành cũng đều thanh tra, kiểm tra, đều xử lý vi phạm thông qua dữ liệu thiết bị giám sát hành trình.

Thứ hai, tại các địa phương, khối lượng công việc lớn (đăng kiểm, đào tạo, sát hạch lái xe…) trong khi biên chế còn hạn chế, dẫn đến thực trạng tại các phòng vận tải ở các Sở GTVT luôn trong tình trạng quá tải.

Nhà báo Phạm Huyền: Các đại diện từ các cơ quan quản lý như Sở Giao thông vận tải cũng như Cục Đường bộ đều khẳng định rằng là họ không buông lỏng quản lý. Vậy thì ý kiến của ông Quyền như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Tôi thấy các cơ quan quản lý Nhà nước đã có rất nhiều cố gắng. Nhưng qua theo dõi chúng tôi thấy có những quy định rất hữu hiệu nhưng không được tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn.

Ví dụ như quy định xe hợp đồng phải truyền dữ liệu hợp đồng vận tải, danh sách hành khách về cơ quan quản lý trước khi xe vận hành. Nhưng hiện nay, nội dung này chưa được thực hiện một cách đầy đủ.

Theo nguyên tắc của vận tải khách theo hợp đồng thì xe chỉ được đón và trả khách tại vị trí đã ghi trong hợp đồng vận tải. Thế nhưng xe hợp đồng trá hình hiện nay “nhặt” khách ở rất nhiều vị trí.

Tôi cho là đây là một ranh giới và dấu hiệu quan trọng nhất để chúng ta phân biệt đâu là xe hợp đồng và đâu là xe kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định.

Nhà báo Phạm Huyền: Hiện Nghị định số 10 đang được sửa đổi, theo các vị khách mời, những điểm quan trọng nhất cần được thay đổi ngay là gì, theo hướng nào để việc quản lý hoạt động vận tải hành khách đi vào nền nếp?

Ông Nguyễn Hoàng Anh: Dự thảo sửa đổi Nghị định 10, sẽ được sửa đổi theo hướng xử lý vi phạm xe hợp đồng thông qua thiết bị giám sát hành trình và tăng nặng hình thức xử lý đối với phương tiện bị vi phạm lần thứ 2 trở lên.

Cụ thể, quy định xe kinh doanh vận tải hợp đồng sẽ không được đón, trả khách từ 3 ngày liên tiếp trở lên hoặc là 10 ngày trở lên trong một tháng tại trụ sở chính, văn phòng đại diện hoặc tại một điểm cố định khác. Đây mới là dự thảo nghị định này, còn phải lấy ý kiến của rất nhiều các tổ chức, cá nhân.

Thứ hai, đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng trước khi thực hiện vận chuyển khách phải cung cấp lại hợp đồng vận chuyển thông qua hòm thư điện tử của Sở Giao thông vận tải.

Thứ ba, chúng tôi sẽ quy định lại thời gian thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với các phương tiện vi phạm, đặc biệt là đối với những phương tiện vi phạm lần thứ hai, thứ ba trở lên.

Đặc biệt, trong thời gian tới chúng tôi sẽ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ.

Đến thời điểm này, Bộ GTVT đã phê duyệt đề án “Ứng dụng thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ”, trong đó có xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung trong lĩnh vực quản lý vận tải sau đó sẽ chia sẻ cho các cơ quan chức năng như công an, thuế, hải quan và các Sở GTVT phục vụ cho công tác quản lý.

Ngoài ra, Cục cũng sẽ xây dựng hệ thống phần mềm tự động xử lý, phát hiện những phương tiện vi phạm trên đường, từ đó có thể là chia sẻ thẳng đến cho các cơ quan chức năng làm căn cứ xử lý.

Ông Trần Doãn Toàn: Theo tôi cần phải quy định thêm trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với cấp cơ sở phường, xã để chấn chỉnh hoạt động xe khách, xe hợp đồng trá hình.

Ông Nguyễn Văn Quyền: Ngoài các ý kiến trên tôi đề xuất một số các giải pháp sau:

Thứ nhất, hiện nay lực lượng công chức được biên chế ở phòng vận tải rất ít. Họ không có đủ quỹ thời gian để kiểm soát các hoạt động vận tải theo quy định của pháp luật.

Do đó, tôi đề xuất cơ quan soạn thảo thực hiện sửa đổi Nghị định 10 phải bổ sung chức năng và phương thức hoạt động của lực lượng thanh tra giao thông.

Chúng ta nên chuyển phương thức hoạt động chính của thanh tra giao thông trên đường sang phương thức hoạt động trên hệ thống quản lý bằng các phần mềm, bằng cơ sở dữ liệu.

Chúng ta nên bố trí một cơ cấu lực lượng thanh tra giao thông thường xuyên rà soát phương tiện hoạt động trên hệ thống, bằng cơ sở dữ liệu.

Thứ hai, chúng ta phải liên thông dữ liệu giữa ngành giao thông với ngành thuế để kiểm soát.

Chúng ta phải nghiên cứu một cơ chế khuyến khích những doanh nghiệp làm tốt và hạn chế dần những doanh nghiệp vi phạm.

Thứ ba, trong nghị định sửa đổi lần này đối với quy định cấp phù hiệu nên phân theo nhóm. Doanh nghiệp chấp hành tốt thời gian cấp phù hiệu 5-7 năm; còn những đơn vị chấp hành ở mức độ trung bình giảm thời gian cấp phù hiệu còn 2-3 năm; những đơn vị vi phạm nhiều thì chỉ cấp phù hiệu trong 6 tháng.

Thứ tư, cần tính đến biện pháp tính phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo chỉ số an toàn của doanh nghiệp. Đây là biện pháp đã được một số nước áp dụng. Cụ thể, những đơn vị có chỉ số an toàn cao thì mức phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe giảm xuống. Những đơn vị nào vi phạm nhiều, tai nạn lắm thì mức phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới tăng lên.

Một giải pháp khác nữa các cơ quan quản lý nên cân nhắc đó là định kỳ 6 tháng, 1 năm công bố top 100 doanh nghiệp phục vụ tốt, an toàn giao thông cao; 100 doanh nghiệp có chỉ số an toàn giao thông, chất lượng phục vụ kém… Cứ định kỳ công bố như thế và chính cơ chế thị trường sẽ loại trừ những đơn vị làm bừa, làm ẩu.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin hỏi thêm ông Quyền, trong các đề xuất mà ông vừa đề cập có cách thức nào chúng ta có thể áp dụng được ngay để tạo thuận lợi chính cho hoạt động của doanh nghiệp vận tải cũng như là cơ quan quản lý?.

Ông Nguyễn Văn Quyền: Như tôi nói là phương hướng chúng ta là phải đổi mới trung tâm tích hợp dữ liệu theo 3 hướng. Một là phải nâng cấp phần cứng cho nó đủ mạnh. Hai là nâng cấp phần mềm cho đủ độ thông minh. Thứ ba là phải có quy chế quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Toàn, ông Tuyển các ông đề xuất như thế nào?

Ông Trần Doãn Toàn: Chúng tôi có 2 đề xuất. Thứ nhất là về việc xây dựng hợp đồng điện tử. Thứ hai là có thể triển khai thêm lệnh vận chuyển điện tử đối với xe, hợp đồng.

Ông Nguyễn Tuyển: Tôi cho rằng quy định cần tăng trách nhiệm đối với các đơn vị kinh doanh vận tải. Bây giờ thủ tục hành chính rất thông thoáng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. Nhưng vụ việc vừa qua cho thấy, vi phạm này cứ tái đi, tái lại thì phải xem lại những chế tài của chúng ta đủ mạnh, đủ sức răn đe chưa?

Do đó, với những trường hợp này chúng ta phải thu hồi có thời hạn hoặc phải có những biện pháp mạnh hơn, chẳng hạn không cho tăng phương tiện.

Ngoài ra, phải nâng cấp phần mềm đủ thông minh. Và phải có cơ chế phối hợp để khai thác dữ liệu sao cho hiệu quả nhất, tránh trường hợp có nguồn tài nguyên rồi nhưng lại khai thác không hiệu quả, sẽ sinh ra lãng phí.

Video: Huy Phúc

Thiết kế: Phạm Luyến