Hai năm trước, lần đầu tiên những ngôi trường tại huyện miền núi của các tỉnh Gia Lai, Kon Tum tiến hành lễ khai giảng năm học mới bằng hình thức trực tuyến. 

Cách đó hơn 1.000km, giữa Thủ đô, giáo viên và học sinh cũng bắt đầu bằng tiếng trống khai trường qua sóng truyền hình và màn hình máy tính.

Ở thời điểm đó, có lẽ chưa ai từng nghĩ đây sẽ là khởi đầu cho những biến chuyển đột phá trong học tập và giảng dạy. Nhưng công nghệ thực sự đã góp phần thay đổi diện mạo của ngành giáo dục một cách ngoạn mục.

Một năm sau lễ khai giảng “chưa từng có trong lịch sử”, nhiều người ví von ngành giáo dục như được “lột xác ngoạn mục”. Giáo viên không còn cảm thấy lúng túng, lo sợ với công nghệ như những ngày đầu áp dụng. Thay vào đó, các thầy cô tự tin, chủ động đưa công nghệ vào bài giảng để tạo ra những tiết học sinh động, được tích hợp rất nhiều tính năng phong phú.

“Đại dịch Covid-19 đã trở thành động lực cho giáo dục chuyển đổi số. Việc dạy học trực tuyến cũng gợi mở cho chúng tôi những ý tưởng lớn hơn rằng tại sao không phát triển dạy kết nối từ trường này sang trường khác, rồi dạy xuyên quốc gia. Nhờ đó, kể cả học sinh ở những vùng quê xa xôi, kinh tế hạn hẹp cũng được mở rộng tầm nhìn ra quốc tế, có bạn bè khắp nơi trên thế giới”, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định Cao Xuân Hùng trăn trở.

Không lâu sau đó, chủ trương dạy học kết nối, xóa nhòa khoảng cách địa lý bắt đầu được phát động trên toàn tỉnh Nam Định.

Từ một lớp học nằm xa trung tâm của huyện Giao Thủy, nhờ công nghệ, những học trò mới chỉ lớp 4, lớp 5 có thể chia sẻ, thảo luận đầy tự tin với những người bạn đang ngồi cách mình nửa vòng Trái đất.

Để có được những tiết học xuyên biên giới như thế, cô giáo Phạm Thị Hà, giáo viên Tiếng Anh của Trường Tiểu học Giao Thiện, từng nhiều lần chật vật tìm câu trả lời cho thách thức: “Làm thế nào để kết nối với những thầy cô ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau?”.

Vừa học vừa làm, cô Hà tự mày mò tìm hiểu, học hỏi những thầy cô có kinh nghiệm về mô hình lớp học xuyên biên giới. Khi đã tìm được những người sẵn lòng hợp tác, cô Hà tiếp tục liên hệ với từng tài khoản để thảo luận về chủ đề, các hoạt động diễn ra trong tiết học, phân công công việc mỗi bên, bố trí thời gian học phù hợp...

Dù còn nhiều thách thức như sự khác biệt về múi giờ, đường truyền mạng không ổn định, thiếu thốn các trang thiết bị học tập, chất giọng Tiếng Anh khác nhau… những lớp học toàn cầu vẫn diễn ra.

Học sinh Trường Tiểu học Giao Thiện đã được kết nối với bạn bè ở nhiều quốc gia trên thế giới như Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ... cùng nhau trao đổi về các chủ đề như trang phục, ẩm thực, cảnh đẹp quê hương hay một số nội dung bài học trong sách giáo khoa. 

Cảm nhận rõ sự hào hứng, cả trước và sau những buổi học này, cô Hà còn vui mừng hơn khi thấy học sinh của mình tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp, có niềm yêu thích hơn với môn học Tiếng Anh, thậm chí hiểu biết hơn về nền văn hóa của các nước bạn.

Khi được áp dụng công nghệ, những bài giảng của cô Hà đã vượt ra ngoài trang sách, đem đến những lợi ích không tưởng trong quá trình chinh phục kiến thức của học sinh. 

Nhưng sự hứng khởi ấy không chỉ diễn ra bột phát ở một vài địa phương nhỏ lẻ mà đã lôi cuốn thầy cô ở rất nhiều miền quê. Trên một số nhóm Facebook như Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam, Cộng đồng giáo viên sáng tạo Microsoft toàn cầu, không ít thầy cô bày tỏ mong muốn cũng có thể tổ chức những tiết học kết nối toàn cầu như thế.

Thời gian đầu, nhiều giáo viên chia sẻ còn lúng túng với vô vàn những điều không biết, nhưng khi buộc phải làm mới mình và chịu khó mày mò, “hóa ra, mọi thứ đều hoàn toàn có thể”.

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin như dùng Skype kết nối với người bản ngữ, những tiết học của cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Minh Đạm (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã được “làm mới”, mang đến cho học trò cơ hội tiếp cận trải nghiệm làm một công dân toàn cầu.

Công tác tại một ngôi trường vùng nông thôn, cô Thúy từng “bất lực” khi đã áp dụng rất nhiều phương pháp dạy học tích cực nhưng vẫn không khắc phục được khả năng nghe và nói của học sinh. 

Trong quá trình tìm tòi thay đổi với khát khao “không muốn học sinh thua thiệt nhiều so với những địa phương khác”, cô Thúy biết được cách kết nối Skype với học sinh và giáo viên các nước cùng dạy tiếng Anh. 

Vì thế, nữ giáo viên bắt đầu tìm cách mời các chuyên gia, giáo viên đến từ khắp nơi trên thế giới tham gia nói chuyện với học sinh của mình. Việc mở rộng không gian lớp học thông qua ứng dụng công nghệ thông tin đã dần cải thiện tính rụt rè, truyền niềm cảm hứng và tinh thần hăng say học tập cho những học trò miền quê.

Ở đầu kia của đất nước, nhờ công nghệ, những học sinh Trường Liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội cũng hào hứng với tiết học Địa lí khi được giao lưu văn hóa cùng với những giáo viên Đông Âu.

Lớp học không biên giới này đã cho học sinh trải nghiệm một chuyến du lịch qua nhiều vùng miền đất nước như Nga, Ukraine bằng lời kể của các thầy cô giáo bản xứ. Trong tiết học, những học trò cũng được đóng vai là “đại sứ văn hóa tí hon” thuyết trình đầy công phu về vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam. Điều này đã khiến vị giáo viên người Nga bất ngờ, ấn tượng.

Việc học sinh và giáo viên thường xuyên áp dụng công nghệ để thực hiện các dự án thay cho việc học “chay”, giờ đây không phải hiếm. Giáo viên cũng sử dụng đa dạng các ứng dụng công nghệ để khảo sát trực tuyến, giao bài tập về nhà… Trong khi đó, phụ huynh cũng có thể truy cập online để theo dõi thông tin lớp học của con em mình.

“Công nghệ thực sự đã hỗ trợ giải quyết nhiều “bài toán đau đầu” của ngành giáo dục”, một lãnh đạo ngành nhận định.

Trong năm học 2022 – 2023, toàn huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang có 18 trường tiểu học. Theo quy định của chương trình Giáo dục phổ thông mới, đến lớp 3, học sinh bắt buộc phải được học 4 tiết tiếng Anh/tuần. Với số lượng hơn 2.600 học sinh lớp 3, tất cả các trường ở huyện Mèo Vạc cần khoảng 10.640 tiết tiếng Anh/năm học. Trong khi đó, cả huyện chỉ có duy nhất 1 giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học. 

Ông Bùi Văn Thư, Trưởng phòng GD-ĐT huyện, xem đây là vấn đề bức thiết mà ngành giáo dục địa phương đang phải đối mặt. “Các huyện khác dù có thể cũng khó khăn nhưng còn có khoảng vài thầy cô”, vị trưởng phòng nói.

Trong bối cảnh thiếu hụt giáo viên, từ đầu năm học, huyện Mèo Vạc đã phải xây dựng phương án dạy học kết hợp giữa trực tuyến với trực tiếp để làm giải pháp tạm thời.

Trong cái khó, từ Hà Nội, hơn 20 giáo viên trẻ của Trường Marie Curie đã tình nguyện dạy trực tuyến cho học sinh khối lớp 3 tại đây. Mỗi lớp sẽ có 4 tiết/tuần, trong đó 3 tiết dạy trực tuyến qua lớp học ảo trên nền tảng Zoom từ điểm cầu Hà Nội, 1 tiết còn lại do các thầy, cô giáo Mèo Vạc phụ trách.

Công nghệ đã góp phần giải quyết bài toán “đau đầu” mà theo lãnh đạo ngành giáo dục tại địa phương này là “rất khó có cách giải quyết ngay lập tức”. Nhưng sau 1 năm triển khai chương trình hỗ trợ, ông Thư đánh giá, cách làm này không chỉ giúp giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, học sinh cũng rất háo hức đón chờ những tiết học.

Không thể phủ nhận những lợi ích kỳ diệu do công nghệ mang lại, nhưng theo nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm - người đồng sáng lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cùng với sự hỗ trợ ngày càng tốt cho học sinh, vai trò của người thầy cũng đang gặp nhiều thách thức.

“Công nghệ đã làm thay đổi giáo dục, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc giáo viên không còn là người độc quyền truyền đạt kiến thức cho học sinh. Họ chỉ là một trong những kênh để cung cấp tri thức cho người học.

Giờ đây, các em không chỉ học trong lớp mà đang chủ động học ở bên ngoài trường để chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai. Công nghệ sẽ giúp các em những điều đó”, ông Lâm nói.

TS Trương Đình Thăng – Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị, cũng thẳng thắn chia sẻ: "Mới 45 tuổi mà đôi khi tôi đã cảm thấy mình bị đứng lại đằng sau.

Lượng kiến thức trong thời đại công nghệ thông tin quá lớn. Học trò bây giờ rất giỏi, có thể nói tới những điều mà người thầy không biết chứ không phải chờ thầy nói thì trò mới được mở mang. Học trò có thể học bất cứ ở nơi nào, bất cứ nơi đâu trong thời đại công nghệ số.

Vì vậy, người thầy giỏi bây giờ là người hướng dẫn và truyền động lực, đam mê cho học sinh chứ không chỉ là truyền dạy kiến thức”, TS Thăng nói.

Cho nên, để phát huy hiệu quả của việc đưa công nghệ vào giảng dạy, các chuyên gia cho rằng chính người thầy phải thay đổi - dù điều này không hề dễ dàng.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng giờ đây người thầy cũng thêm vai trò như là một huấn luyện viên khi dẫn dắt, hướng dẫn kỹ năng công nghệ cho học sinh.

Để làm được điều này, giáo viên cũng phải có hiểu biết về sử dụng công nghệ (giao tiếp, biểu đạt thông tin, thiết kế bài học...), đồng thời không ngừng cập nhật, trau dồi để tránh bị lạc hậu so với những đòi hỏi của giáo dục hiện đại, “nếu không, vừa làm mệt vừa phản ứng ngược”.

Cô Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần (Thanh Sơn, Phú Thọ), cũng cho rằng dù ở nông thôn hay thành phố đều không phải là rào cản. Đối với giáo viên, việc ngừng học chính là sự tụt hậu”.

Cô Phượng từng được biết tới là người đầu tiên của Việt Nam lọt top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu do tổ chức Varkey Foundation bình chọn. Nơi cô Phượng dạy học là khu vực miền núi của tỉnh Phú Thọ với hơn 80% học sinh là người dân tộc Mường. Nhưng cô đã sử dụng công nghệ và tìm tòi để thiết kế bài giảng riêng, mang đến cho những học trò cơ hội tiếp cận trải nghiệm làm một công dân toàn cầu. 

Với cô Phượng, nếu giáo viên không chịu chuyển mình, học sinh sẽ là người chịu hệ quả nghiêm trọng. Bởi học sinh không thể chỉ dùng công nghệ để tự tiếp cận thế giới, giáo viên vẫn là người đóng vai trò quan trọng để phát triển các em.

Bài: Thúy Nga

Ảnh: Lê Anh Dũng, NVCC

Thiết kế: Phạm Luyện