Từ chỗ tiêu tiền như nước, dồn dập tuyển dụng, thâu tóm, các startup công nghệ thăng hoa một thời nay đã bị kéo về thực tại. “Hãy chi tiêu từng đồng như thể đó là đồng tiền cuối cùng bạn có”, một CEO startup chia sẻ.
Trở về mặt đất
Năm 2021, startup thương mại điện tử Thrasio được dự đoán sẽ đạt giá trị tối thiểu 10 tỷ USD trong thương vụ gọi vốn để lên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, giao dịch không xảy ra và Thrasio tiếp tục “đốt” hơn 3,4 tỷ USD tiền huy động được. Dù được xem như một hãng công nghệ, Thrasio lại hạn chế về công nghệ. Startup kiếm được 100 triệu USD đầu tiên mà không có đội ngũ kỹ thuật và chỉ dùng bảng tính Google. Vài tuần gần đây, Thrasio cắt giảm gần 20% lao động, bổ nhiệm CEO mới, tạm dừng các vụ thâu tóm và thu hẹp quy mô dự án.
Thrasio không chỉ đối mặt với làn sóng rút vốn mà còn chi phí hàng hóa, quảng cáo tăng. Chi phí đang bóp nghẹt cả những startup khác và góp phần tạo ra 8.200 vụ sa thải tại các startup Mỹ kể từ tháng 3, theo khảo sát của Layoffs.fyi. Chẳng hạn, Reef Technology – chuyên phát triển nhà bếp cho dịch vụ giao đồ ăn tại các bãi đỗ xe – gặp khó khăn khi huy động 1 tỷ USD. Reef phải cắt giảm hàng trăm nhân viên, đóng bếp và trì hoãn thanh toán hóa đơn. Có thông tin tiết lộ Reef đã ký thỏa thuận huy động hơn 250 triệu USD. Startup giao hàng nhanh Gopuff cũng muốn huy động tối đa 1,5 tỷ USD nhưng bất thành. Công ty phải đuổi việc khoảng 450 người, tương ứng 3% nhân viên.
Quỹ đạo của Thrasio và sự nổi lên như vũ bão của nhiều startup là nhờ vào nhiều năm lãi suất thấp và suy giảm về số lượng cổ phiếu công ty đại chúng, thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển hướng sang đầu tư mạo hiểm. Các biện pháp kích thích kinh tế và cứu trợ Covid-19 đẩy nhanh xu thế, tạo ra dòng tiền rẻ mà một số nhà đầu tư đổ xô vào startup, do các lệnh phong tỏa khiến cho ứng dụng và dịch vụ kỹ thuật số trở thành một loại tài sản hấp dẫn hơn hẳn.
Sự đảo chiều phản ánh bước ngoặt trong ngành công nghệ nói chung, nhiều quỹ lớn “tháo chạy” khỏi startup. Các nhà đầu tư mạo hiểm tránh xa việc định giá cao và yêu cầu doanh nghiệp chi tiêu ít hơn, cải thiện tỉ suất sinh lời sau nhiều năm xem trọng tăng trưởng hơn lợi nhuận. Mike Volpi, nhà đầu tư mạo hiểm tại Index Ventures, gọi đây là “sự điều chỉnh hợp lý, dấu chấm hết của một chu kỳ”.
Tháng 3, Doug Ludlow, CEO startup MainStreet Work, cảnh báo những nhà sáng lập khác trên Twitter: “Nếu chưa bắt đầu lộ trình hòa vốn, hãy khởi động ngay lập tức. Trong năm 2022, các nhà đầu tư mạo hiểm sẽ rút lui mạnh mẽ”. Ông cho biết đã lên kế hoạch hòa vốn trong 6 tháng đến 1 năm, sa thải 45 người, tương đương 1/3 nhân sự. “Bạn phải chi tiêu từng đồng đô-la như thể nó là đồng đô-la cuối cùng mà bạn có”, ông nói.
Quỹ đầu tư lỗ nặng
Thoái vốn đầu tư mạo hiểm là sự điều chỉnh cần thiết sau nhiều năm tăng trưởng nóng. Các nhà đầu tư đã rót 1,3 nghìn tỷ USD vào các startup trong thập kỷ qua, sản xuất hàng trăm công ty được định giá hàng tỷ USD và thu hút sự quan tâm từ chính phủ cũng như các quỹ đầu cơ hàng đầu.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm đã huy động 132 tỷ USD để đầu tư vào startup năm 2021, gần gấp đôi năm 2019 và 6 lần một thập niên trước, khi số lượng các quỹ bằng khoảng 1/3 ngày nay. Trong quý IV/2021, đầu tư mạo hiểm đạt kỷ lục 95 tỷ USD, theo dữ liệu từ PitchBook Data.
Số tiền quá lớn khiến người ta khó lòng triển khai một cách khôn ngoan hay hiệu quả. Những startup huy động được số tiền lớn và được định giá cao đối mặt với áp lực phát triển và họ cố hiện thực hóa bằng cách dồn dập tuyển dụng, thâu tóm. Tại một số công ty, chất lượng công việc xuống cấp, các vụ mua lại không được suy nghĩ thấu đáo, ban lãnh đạo bị phân tâm và đốt tiền ngày một nhiều.
Gil Dibner, nhà đầu tư mạo hiểm tại London (Anh), cho rằng: “Đó là một sự hỗn loạn. Khi đổ từng ấy tiền cho bất kỳ thứ gì, bạn sẽ thay đổi cách mọi người ra quyết định”.
Không chỉ startup, các công ty công nghệ đại chúng từng phát triển mạnh trong thời kỳ dịch bệnh cũng là những công ty chịu thiệt hại nặng nề nhất. Năm nay, cổ phiếu Meta và Amazon đều giảm hơn 30%, Apple, Microsoft và Alphabet giảm khoảng 20%, Netflix giảm 69%. Chỉ số S&P 500 giảm 16% từ dầu năm, chỉ số Nasdaq Composite giảm hơn 1/4 từ khi đạt đỉnh hồi tháng 11/2021.
Với việc lãi suất tiếp tục tăng để chống lại mức lạm phát trên 8%, những startup còn lâu mới có lãi ngày càng kém hấp dẫn. Các quỹ đầu tư cả vào cổ phiếu và công ty tư nhân đặc biệt quan trọng với startup, chiếm khoảng 70% số tiền startup huy động được năm 2021. Tuy nhiên, một số tên tuổi như Coatue Management và D1 Capital Partners đã nhanh chóng thoái lui khỏi startup khi thị trường chứng khoán sụt giảm, ảnh hưởng đến khoản đầu tư của họ vào các công ty đại chúng. Ba tháng đầu năm, số tiền đầu tư mạo hiểm của các quỹ như vậy xuống mức sâu nhất trong vòng 6 quý.
Vài ngày trước, SoftBank – tập đoàn điều hành hai quỹ đầu tư startup thuộc bộ phận Vision Fund – ghi nhận mức lỗ 26,2 tỷ USD trong quý I. SoftBank cho biết sẽ cắt giảm một nửa hoặc 3/4 số lượng đầu tư và startup. Quỹ đầu cơ Tiger Global, một trong những nhà đầu tư vào startup mạnh nhất thời kỳ Covid-19, vẫn cam kết ở lại thị trường khởi nghiệp, song chuyển mục tiêu sang các công ty đang ở giai đoạn đầu, có nhiều dư địa tăng trưởng và chưa vội chào bán cổ phiếu.
Nhìn chung, đầu tư mạo hiểm giảm 26% trong ba tháng đầu năm nay so với ba tháng cuối năm 2021. Từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, định giá của nhóm các startup tăng trưởng cao đã giảm trung bình 42%, theo dữ liệu của Carta. Nhà đầu tư mạo hiểm David Sacks nhận định khoảng trống gọi vốn đã khiến Silicon Valley rơi vào trạng thái “tiêu cực nhất kể từ vụ nổ dot-com” hai thập kỷ trước.
Có nhiều lý do để tin rằng sự hỗn loạn về nguồn vốn không dẫn đến một sự sụp đổ. Công cuộc chuyển đổi số các ngành công nghiệp khởi phát từ đầu dịch sẽ còn tiếp diễn. Nhiều startup vẫn còn nguồn tiền dồi dào và chỉ cần tiết giản chi tiêu. Những vụ việc tương tự trong quá khứ đã chứng minh tính dẻo dai của thị trường công nghệ. Chẳng hạn, năm 2016, các nhà đầu tư lạnh nhạt với các doanh nghiệp SaaS hay năm 2019, họ không mặn mà với các công ty công nghệ mới lên sàn vì thua lỗ. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy số tiền đầu tư đã hồi phục nhanh chóng, thậm chí đạt tầm cao mới.
Cựu CEO Cisco John Chambers, hiện là một nhà đầu tư mạo hiểm, cho rằng đây là một hiện tượng lành mạnh. Với một số nhà đầu tư mạo hiểm khác, họ cảm thấy dễ thở hơn khi không còn phải cạnh tranh với các quỹ đầu tư khủng hơn mình. Trong khi đó, họ cũng thu hồi quyền lực đã trao cho các nhà sáng lập startup khi thị trường còn “nóng”. Các giao dịch nay có thêm những biện pháp phòng thủ, bảo đảm các nhà đầu tư có thể lấy lại giá trị các khoản đầu tư trong trường hợp định giá của startup sụt giảm.
Theo J Zac Stein, Chủ tịch startup phần mềm nguồn nhân lực Lattice, các startup nên chuẩn bị cho kịch bản xấu trước khi tình hình trở nên tốt hơn.
Du Lam