Theo nguồn tin của Bloomberg, Huawei đang hỗ trợ tài chính cho Pengxinwei IC Manufaturing (PXW), một startup tại Thâm Quyến. PXW do một cựu giám đốc Huawei điều hành và đang xây dựng nhà máy gần trụ sở Huawei. Nguồn tin tiết lộ hãng này sẽ mua hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, sản lượng của PXW và PXW đặt mục tiêu giao hàng sớm nhất vào nửa đầu năm 2023.
Nếu thành công, startup có thể giúp Huawei vượt qua nỗ lực cấm vận của Washington. Dù vậy, PXW cũng đã thu hút sự chú ý từ Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ.
Không rõ kế hoạch của PXW có vi phạm các lệnh cấm vận thương mại của Mỹ hay không. Nếu doanh nghiệp này cung ứng cho Huawei, nó sẽ bị hạn chế đáng kể trong việc mua sắm thiết bị sản xuất chip từ đối tác Mỹ. PXW có xu hướng mua máy móc của các nhà cung ứng nước ngoài như ASML hay Tokyo Electron, dù họ cũng sẽ phải xin cấp phép của Mỹ phụ thuộc vào hàm lượng công nghệ Mỹ trong bất kỳ sản phẩm nào bán ra.
Trong một tuyên bố, PXW cho biết, đã ký thỏa thuận với các nhà cung ứng và dự tính sản xuất vào năm 2025. Công ty sẽ bắt đầu với công nghệ 28nm, lạc hậu hơn 6 thế hệ so với công nghệ tối tân hiện nay, từ năm sau.
Huawei có lẽ hiểu hơn ai hết về thương chiến Mỹ - Trung. Từ nhà cung ứng thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và kình địch của Apple, Samsung, Huawei đã không còn trong danh sách các nhà sản xuất di động hàng đầu và không thể mua được những con chip hiện đại nhất.
Mảng sản xuất chip của PXW không thể đạt tới tầm của TSMC, công ty đúc chip số 1 toàn cầu. Tuy nhiên, startup này có thể giúp Huawei giành lại lợi thế trong các lĩnh vực quan trọng, chẳng hạn smartphone và máy chủ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chuẩn bị các hạn chế mới đối với việc tiếp cận công nghệ chip của Trung Quốc, sẽ ảnh hưởng đến PXW và các hãng khác. Nguồn tin của Bloomberg tiết lộ, Bộ Thương mại Mỹ sẽ giới thiệu quy định trong tuần này. Mỹ không còn nhằm vào những công ty cụ thể như Huawei hay SMIC mà chuyển sang ban lệnh cấm với tất cả các công ty Trung Quốc. Nhà Trắng còn cân nhắc sắc lệnh hành pháp để hạn chế doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào công nghệ Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, chính phủ đã rót hàng chục tỷ USD để thúc đẩy ngành công nghiệp chip nội địa nhằm cạnh tranh tốt hơn với Mỹ. Theo báo cáo từ Ngân hàng Berenberg, bản thân Huawei đầu tư vào hơn 40 công ty liên quan đến chip. Tammy Qiu, nhà phân tích đến từ Berenberg, nhận định, dù Huawei không sở hữu bất kỳ nhà máy sản xuất nào, họ sẽ là một trong những động lực quan trọng nhất đối với ngành công nghiệp bán dẫn trong nước nhờ vào các sản phẩm cung ứng trong những thị trường như mạng lưới, điện toán trí tuệ nhân tạo, đám mây, smartphone, IoT và xe hơi.
PXW cũng được chính quyền Thâm Quyến hậu thuẫn. Theo thông tin trên website, startup chi 23 triệu USD mua diện tích đất tương đương 30 sân bóng. Những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, các công trình đã gần hoàn thành, song không rõ sẽ lắp đặt thiết bị nào và mua từ đâu.
Thị trường thiết bị sản xuất chip đang do 5 công ty chi phối – ASML của Hà Lan, Tokyo Electron của Nhật, Applied Materials, KLA và Lam Research của Mỹ. Tất cả đều là đối tượng tuân thủ quy định phức tạp của Mỹ trong việc bán hàng cho Huawei và khách hàng Trung Quốc. Nhìn chung, họ bị cấm bán công nghệ cao hơn 14nm cho Trung Quốc. Doanh nghiệp Mỹ không thể bán gì cho Huawei nếu không có giấy phép.
Theo nguồn tin của Bloombeg, Applied Materials sẽ không cung ứng cho PXW. Trong thông báo, KLA khẳng định tuân thủ các quy định thương mại của Mỹ. ASML từ chối bình luận, còn đại diện Tokyo Electron cho biết chưa biết về PXW.
PXW hướng đến quy trình 14nm và 7nm, dù kém xa công nghệ của TSMC và Samsung, nhưng vẫn là thách thức đối với các nhà sản xuất chip Trung Quốc. Theo video đăng tải trên website việc làm Liepin, PXW tuyển dụng một số kỹ sư cao cấp từ các “ông lớn” chip như Huahong Semiconductor, United Microelectronics. Công ty non trẻ muốn đạt năng suất 20.000 wafer vào năm 2025.
Một xưởng đúc chip Trung Quốc đủ năng lực sản xuất chip 14nm là quá đủ với Huawei. Nhiều linh kiện trong thiết bị mạng như bộ thu phát, mạch tích hợp dành riêng cho ứng dụng và chip chuyển đổi sản xuất bằng công nghệ này. Dù mảng smartphone đã bị các lệnh cấm vận hạ gục, Huawei vẫn có khả năng phát triển mảng hạ tầng viễn thông. PXW có thể cung ứng chip trong điện thoại, máy chủ cho Huawei, miễn là Washington không có thêm động thái nào.
PXW tự mô tả bản thân là nhà sản xuất chip theo hợp đồng mới nổi. Nhà máy đầu tiên của startup sẽ sản xuất chip dùng trong xe hơi, thiết bị IoT và điện thoại. Trong video tuyển dụng, một nhân viên PXW cho biết, công ty dự định phát triển công nghệ riêng vì “sự bá chủ của Mỹ” buộc Trung Quốc phải đưa ra giải pháp thay thế. Mục tiêu của PXW là trở thành “gã khổng lồ” sản xuất chip ngang ngửa TSMC hay SMIC.
Du Lam (Theo Bloomberg)