Sáng nay 10/6, các thí sinh Hà Nội dự thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023-2024 đã trải qua bài thi môn Ngữ văn trong thời gian 120 phút.

Chia sẻ với VietNamNet, cô Trần Thị Thanh Xuân (giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm) đánh giá, cấu trúc đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 Hà Nội năm nay vẫn giữ nguyên như mọi năm, vừa sức với học sinh.

“Phần 1 của đề hỏi về tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” là một tác phẩm của chương trình học kỳ II nên rất thuận lợi cho quá trình làm bài của học sinh.

Câu 1 hỏi về hoàn cảnh sống và công việc của ba nữ thanh niên xung phong không làm khó các em học sinh bởi đây là câu hỏi kiểm tra mức độ cơ bản của tác phẩm.

Câu 2 vẫn ở mức độ nhận biết và thông hiểu, học sinh ôn kĩ tác phẩm là làm bài một cách rất dễ dàng.

Câu 3 viết đoạn văn về một phẩm chất đáng quý của 3 cô gái (tình đồng chí đồng đội) với dung lượng 15 câu và hai yêu cầu cơ bản về mặt Tiếng Việt (phép nối và câu cảm thán) không làm khó học sinh. 

Tuy nhiên điểm thử thách ở câu này chính là điểm tuyệt đối ở hình thức và câu chốt cuối đoạn văn không chỉ tổng kết được tình đồng chí đồng đội của 3 nữ thanh niên xung phong mà còn biết đánh giá nâng cao về giá trị nghệ thuật và tài năng của nhà văn.

Câu 4 là một câu liên văn bản có cùng đề tài nhưng định hướng rất rõ “tác phẩm đã học trong chương trình Ngữ Văn 9 cũng viết về thế hệ trẻ Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mĩ” giúp các em dễ dàng định hướng được tác phẩm và tác giả: Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật)”, cô Xuân nói.

Còn ở Phần 2, theo cô Xuân, câu 1 mức độ nhận biết về thành phần biệt lập phụ chú không khó để có thể tìm thấy ngay trong bài nhờ vào dấu hiệu nhận biết thành phần biệt lập phụ chú.

Câu 2 mức độ thông hiểu vận dụng nêu cảm nhận của em về tấm lòng người bố được bộc lộ qua văn bản. Đây là một văn bản với chủ đề gần gũi, dễ hiểu, học sinh dễ dàng đưa ra được cảm nhận của mình.

Câu 3 nghị luận xã hội chủ đề có lẽ đem lại nhiều cảm hứng cho học sinh khi viết về “ý nghĩa của việc làm chủ cảm xúc của bản thân”. Đây là vấn đề đặt ra rất gần gũi với lứa tuổi và thực trạng của các em học sinh lứa tuổi cuối cấp với nhiều sự thay đổi trong tâm sinh lý và những áp lực khi đối mặt với thi cử.

“Nhìn chung đề vừa sức với học sinh, học sinh chắc chắn tự tin khi làm bài. Đề vừa đảm bảo kiểm tra kiến thức cơ bản với đủ các mức độ nhưng đồng thời học sinh sẽ có quyền đưa ra những ý kiến riêng và sự vận dụng thiết thực ở câu nghị luận xã hội”, cô Xuân nói.

Với đề thi này, cô Xuân cho rằng phổ điểm sẽ cao vì đây là tác phẩm của học kỳ 2, các câu hỏi mức độ vừa phải.

Cô Ngô Thu Mỹ, Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên Văn của Trường THCS Hoàng Mai (quận Hoàng Mai) cho hay, đây là một đề thi với cấu trúc đề quen thuộc.

"Văn bản được lựa chọn "Những ngôi sao xa xôi" là một tác phẩm truyện rất hấp dẫn với hầu hết học sinh. Vì thế, tôi tin ngay từ khâu đọc đề, các em đã có một tâm thế thoải mái, gỡ bỏ hoàn toàn áp lực tâm lý để có thể phát huy tốt năng lực của mình. Các câu hỏi đọc hiểu, viết đoạn và liên hệ đều khá dễ, học sinh chỉ cần có kĩ năng, nắm chắc cốt truyện, hiểu nhân vật thì sẽ làm tốt mà không phụ thuộc vào việc học thuộc bài", cô Mỹ chia sẻ.

Ở phần 2, theo cô Mỹ, đề đưa ra chủ đề rất gần gũi nhưng vẫn đủ mới với các học sinh, đó là tình phụ tử. "Ngữ liệu ngắn gọn nhưng đủ "chạm" đến cảm xúc của các em, vì thế học sinh sẽ có hứng thú khi trả lời câu hỏi của đề".

"Đề nghị luận xã hội yêu cầu các em viết về vấn đề làm chủ cảm xúc bản thân, vấn đề không mới nhưng vô cùng quan trọng, đặc biệt với các bạn trẻ trong thời đại bùng nổ thông tin, kết nối toàn cầu như hiện nay.

Một điểm mới trong phần II là câu hỏi cảm nhận về tấm lòng người bố được bộc lộ qua những lời tâm sự với con. Tôi rất thích câu hỏi này, vì hầu hết đề các năm chưa ra vào dạng câu hỏi biểu cảm, câu hỏi thể hiện chất 'văn', chất 'tâm hồn' của các em".

Đánh giá chung là đề thi vừa sức, phù hợp nhưng vẫn có thể phân hóa được năng lực của học trò. Bởi đề vừa đòi hỏi khả năng lập luận, logic, vừa có điểm 'chạm' cảm xúc.

Cô giáo Nguyễn Thiên Hương, giáo viên Ngữ văn của Trường THCS Đống Đa, đánh giá đề Văn năm nay bám sát kiến thức cơ bản, vừa sức với học sinh, câu hỏi trong đề thi kiểm tra được toàn diện kiến thức đọc hiểu văn bản, kiến thức tiếng Việt, kỹ năng tạo lập đoạn văn nghị luận văn học và nghị luận xã hội của học sinh.

Theo cô Hương, đề thi năm nay không quá đột phá. Với phần Nghị luận xã hội, cô Hương đánh giá khá hay, phù hợp với đối tượng học sinh. Tuy nhiên, ở phần 1 của câu 1 hỏi về hoàn cảnh sống và công việc của 3 cô gái thanh niên xung phong, nhưng đến đoạn văn câu 3 trước khi làm rõ tình đồng đội của 3 nhân vật, học sinh phải nêu lại, như vậy có sự trùng lặp ý. Với đề thi này, cô Hương dự đoán phổ điểm môn Văn năm nay sẽ cao, có nhiều điểm 7- 8.

Cô Hoàng Tuệ Minh - Tổ trưởng tổ Văn trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) nhận định đề năm nay cơ bản vừa sức, không có tính phân loại cao so với đề mọi năm, năng lực chuyên biệt của bộ môn chưa thấy rõ nét nên khó có thể đánh giá năng lực cá nhân học sinh.

“Đề thi năm nay cấu trúc rất điển hình, không có nhiều thay đổi và là dạng đề phổ biến.

Đặc biệt, câu nghị luận văn học rơi vào truyện, các sĩ tử sẽ rất tự tin vì 6 năm gần đây chưa thi vào đặc trưng thể loại truyện. Đề thi có thể được coi trúng trọng tâm của các nhà trường”, cô Minh cho hay.

Cũng theo giáo viên này, câu hỏi đọc hiểu không làm khó học sinh nhưng câu hỏi liên quan đến cảm thụ không nhiều, ngữ liệu đưa ra quen thuộc nên học trò dễ làm được.

“Với đề thi này phổ điểm sẽ không thấp, 7-8 điểm sẽ tương đối nhiều”, cô Minh nói. Phân tích kỹ hơn, cô Minh cho biết, đề không thấy câu nào khó, không có câu hỏi tính đánh đố phải rất vất vả, khó khăn, đào sâu thí sinh mới có thể làm được bài nhưng thí sinh cũng cần thận trọng để không bị sót ý.

Với câu hỏi nghị luận văn học, bản thân học sinh phải nắm được form bài ở đây là nghị luận về vẻ đẹp nhân vật trong tác phẩm. Học sinh phải có kỹ năng phân tích nhân vật, lồng ghép dẫn chứng, khai thác nghệ thuật.

Với câu nghị luận xã hội, câu đọc hiểu đơn giản còn câu 3 khá thú vị không nằm trong chương trình nhà trường.

Câu hỏi hỏi về nghĩa của việc làm chủ cảm xúc bản thân, vấn đề này cô Minh cho rằng phù hợp với học sinh, về tâm lý lứa tuổi học sinh.

“Tôi cho rằng, trải nghiệm bản thân các em và sẽ được đánh giá cao ở câu hỏi này”, cô Minh nhận định.

Cô Phạm Nhinh, giáo viên Trường THPT Quang Trung - Đống Đa cũng đánh giá đề thi năm nay vừa sức với học sinh. “Các câu hỏi trong đề thi khá hợp lí, gắn với thực tiễn hiện nay, có ý nghĩa giáo dục và phát triển năng lực của học sinh”.

Theo cô Nhinh, với đề thi này, mức điểm trung bình của các thí sinh đạt được khoảng 7 điểm.

Chiều nay, từ 14h, các thí sinh sẽ bước vào bài thi môn Ngoại ngữ theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 60 phút. Sáng ngày mai 11/6, các thí sinh sẽ làm bài thi môn Toán (hình thức tự luận, 120 phút).

Thí sinh lưu ý: Điểm xét tuyển lớp 10 THPT công lập không chuyên = (Điểm Toán + điểm Văn) x 2 + Điểm Ngoại ngữ + Điểm ưu tiên.

Những thí sinh đăng ký vào các lớp chuyên sẽ thi thêm ngày 12/6.

Điểm xét tuyển lớp 10 chuyên = Tổng điểm các bài thi không chuyên + Điểm thi chuyên x 2.

Theo dự kiến, chậm nhất ngày 4/7, Hà Nội sẽ công bố điểm thi.