Không khí học hành tràn ngập trong ngôi nhà nhỏ của chị Hạnh khi con trai lớn Đức Mạnh chuẩn bị vượt vũ môn vào đại học còn cậu út Quốc Tuấn sẽ thi vào lớp 10. Trong ngày sinh nhật của mình, cậu anh dành lời ước để chúc em trai gặp nhiều may mắn.

- Anh ước gì trong ngày sinh nhật 18 tuổi hả Mạnh?
- Ước cho em đỗ vào trường mong muốn chứ sao nữa, còn Tuấn?
- Ha ha, may nhé, em ước cho anh đỗ đại học. May cho anh nhé, em mà ước nốt cho em là anh mất trắng.
...
Cậu em út láu cá được thể, nói liên hồi không ngớt và thế là hai anh em Đức Mạnh, Quốc Tuấn bật cười khúc khích trong căn phòng nhỏ. Quốc Tuấn học lớp 9, Đức Mạnh lớp 12 cùng chuẩn bị đứng trước kỳ thi vượt cấp quan trọng trong cuộc đời học sinh. Tưởng chừng bầu không khí trong gia đình lúc này sẽ căng thẳng bởi việc học hành và những dự định của hai chàng trai. Nhưng thay vào đó, bữa tiệc sinh nhật vẫn được tổ chức chung như thông lệ hàng năm và ngôi nhà có 4 thành viên vẫn tràn ngập tiếng cười nói.

- Nhà có tận hai sĩ tử thì lắm việc phải lo không chị Hạnh?
- Chị chỉ lo nhất là con chị nó không vui, chứ chúng nó vui vẻ, kết quả thế nào chị cũng hài lòng.
Chị Hạnh cười. Nuôi dạy hai cậu con trai, bà mẹ trẻ luôn tự hào vì chúng đều hiền lành, dễ bảo. Đức Mạnh trầm tính, ít nói, lúc nào cũng ân cần với mẹ. Quốc Tuấn lại có phần nghịch ngợm, láu cá hơn anh trai. Mỗi người một vẻ nhưng lại quý mến, thân thiết với nhau từ bé. Sinh nhật cách nhau một tuần, năm nào hai anh chàng cũng tự thống nhất rồi chọn ra một ngày để tổ chức đón tuổi mới cùng nhau. Đến tháng 6 năm nay, cả hai anh em lại cùng nhau trải qua thời gian quý báu - ôn thi vượt cấp.

Nếu nói là không lo thì chẳng phải. Chị Hạnh cũng như những người mẹ khác khi nhìn thấy con mình đứng trước những dấu mốc quan trọng. Thỉnh thoảng, gia đình chị lại tụ họp bên nội, bên ngoại, cùng nhau nấu cơm, ăn uống để mấy đứa trẻ trong nhà có dịp trò chuyện.

Chênh nhau vài tuổi, có đứa đã là sinh viên năm nhất, đứa thì lớp 8, lớp 9... Câu chuyện về thi cử, kinh nghiệm học hành chứ vậy không ngớt. Chị Hạnh nói, chuyện học đâu phải ngày một ngày hai. Các con đã chăm chỉ trong cả quá trình rất dài nên thời điểm nhạy cảm này chị chỉ muốn hai đứa thư thả đầu óc.

"Thỉnh thoảng tôi đọc báo, nghe ngóng trên mạng xã hội, thấy tuổi này dậy thì nên tâm lý các con cũng mong manh. Buồn nhất là câu chuyện những bạn trẻ vì quá áp lực mà sinh ra đổ bệnh", chị nói. Vậy là thay vì ép con học hành, chị Hạnh chọn cách để chúng tự ôn thi, thỉnh thoảng hai anh em kéo nhau đi chơi, xem phim, mẹ cũng đồng ý.

Dù nói là được mẹ "thả cửa", Tuấn vẫn dành phần lớn thời gian trong ngày để tự dùi mài kinh sử. Hiện Quốc Tuấn đang học lớp 9 tại trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam (quận Hà Đông). Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 này, Tuấn dự định đăng ký vào THPT Đào Duy từ và THPT Chuyên Nguyễn Huệ.

Với thế mạnh là môn Tiếng Anh, em cũng bớt đi phần nào căng thẳng. Thời gian này Tuấn tập trung ôn thi cho Toán và Văn, hai môn bắt buộc mà không thuộc sở trường của mình. Lý Ngọc Phúc (gia sư Toán của Tuấn) chia sẻ: "So với các bạn trong lớp, Tuấn hiền lành và khá ít nói. Mỗi buổi tới lớp luyện đề, em ấy sẽ ngồi lặng thinh, tập trung vào giải bài. Thỉnh thoảng lắm mới thấy ngẩng lên hùa theo mấy câu chuyện của đám bạn".

Ngọc Phúc đồng thời cũng là gia sư dạy Toán của Đức Mạnh, điều thú vị là khi hỏi về Mạnh, câu trả lời của Phúc cũng không có gì thay đổi nhiều.

Giành được học bổng tiếng Anh, Quốc Tuấn có thêm lựa chọn dễ dàng cho việc thi vào lớp 10. Thế nhưng coi như một thử thách cho bản thân, Tuấn xin mẹ cho đăng ký thi thêm hai trường THPT nữa tại Hà Nội.

Học trường liên cấp, trong khi bạn bè cùng lớp không mấy nghĩ ngợi và còn đang tính xem làm gì cho kỳ nghỉ hè đang đến, cậu bé lại chọn bước vào những ngày ôn thi căng thẳng. Thỉnh thoảng, mấy bạn thân trong lớp nhắn tin động viên hoặc qua nhà rủ Tuấn đi chơi. giải trí cho khuây khỏa. Dự định thi vào các trường top đầu thành phố, Tuấn coi đó là một lần bản thân em lựa chọn thách thức.

Ngày Tuấn đến trường bế giảng, có mẹ và anh trai đi cùng. 5h sáng, ba mẹ con cùng dậy sớm, chuẩn bị quần áo tươm tất rồi chờ xe tuyến của nhà trường tới đón. Đây cũng là ngôi trường mà Đức Mạnh theo học những năm tháng cấp 2.

Với Mạnh, đây vừa là chuyến thăm trường cũ, vừa là dịp đồng hành cùng cậu em trai trong những ngày cuối cấp. "Tính cách hai anh em thì khá giống nhau nhưng vì là em út nên Tuấn có phần trẻ con hơn em. Ngày trước thi lên cấp 3, em cũng ôn thi ác liệt lắm, sau đó thì đỗ vào THPT Đào Duy Từ. Đợt này, Tuấn cũng chọn sẽ thi vào đó", Đức Mạnh nói. 

Mạnh học đều tất cả các môn, đặc biệt là tiếng Anh. Tuấn chia sẻ, anh trai luôn là tấm gương mà cậu muốn noi theo trong việc học tập. Việc chọn thi vào trường cấp 3 mà anh theo học cũng nằm trong dự tính của mình.

Sau mỗi giờ ôn thi hoặc đi học thêm, Tuấn và Mạnh lại tự rủ nhau phụ mẹ làm việc nhà như gấp quần áo, rửa bát, quét nhà... Lúc nào căng thẳng quá, hai chàng trai lại dẫn nhau ra ngoài đi chơi, hôm thì bắn bi-a gần nhà, lúc lại mua vé ra rạp xem phim.

"Hai đứa tình cảm lắm, nhiều khi cứ ríu rít đạp xe đưa nhau đi chơi, mẹ đi làm về chẳng thấy đâu, hỏi bố thì bố bảo hai đứa dắt nhau đi dạo rồi", chị Hạnh cười rồi kể lại. Chị Hạnh cũng không lạ cảnh những gia đình có hai cậu con trai, thường xuyên rơi vào cảnh trái tính ngược nết. Ấy vậy hai anh chàng của chị Hạnh lại hòa thuận nên chị cũng mừng.

Đứng trước ngưỡng cửa thi vào lớp 10, cậu út Quốc Tuấn nhận được sự quan tâm trìu mến của cả gia đình. Dù bận ôn thi đại học, thời gian này, Mạnh vẫn dành nhiều thời gian để động viên, chia sẻ cùng em trai. Hoặc như chị Hạnh, sẽ luôn là hậu phương để cả hai cậu con trai vững tâm dựa vào.

Giữa tháng 5, Sở GD-ĐT Hà Nội công bố số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT của các trường THPT công lập không chuyên và chuyên năm học 2023-2024 . Theo đó, tỷ lệ chọi trung bình vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội năm nay khoảng 1/1,79, cao nhất trong ba năm qua. Thông tin này gia đình chị Hạnh đã nắm rõ. Đôi lúc không khí trong nhà cũng căng lên bởi tình hình thi cử.

Thế nhưng từ phía Tuấn, mỗi lần được hỏi về tâm lý ra sao, chàng trai lại cười lấy cười để: "Em không quá áp lực đâu. Chỉ là muốn xem bản thân cố gắng được tới nhường nào. Ở nhà bố mẹ cũng không thúc ép gì cả. Mẹ bảo, học trường nào cũng được, miễn là em thấy vui vẻ. Em mong không chỉ em mà tất cả các bạn sắp thi vào 10 sẽ đều giữ vững tinh thần lạc quan để vượt vũ môn thành công".