Tháng 5/2023, Thụy Phương là tác giả nhỏ tuổi nhất nhận tặng thưởng của Hội đồng giám khảo giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ tư - năm 2023. Cô bé 11 tuổi cũng vừa được nhận giải cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần thứ 52. 

Thụy Phương bộc lộ khả năng ngôn ngữ từ khi còn rất nhỏ. Mới 3 tuổi, chưa biết chữ nhưng cô bé đã bập bẹ đọc thơ dù ngọng líu lo. Nhà văn Lữ Mai, từng chép vội bài thơ đầu tiên của con gái: 

“Con gà và con ngựa/ Không khác nhau gì đâu/ Bạn bảo thế là đúng/ Không bao giờ khóc nhiều”. 

Thế giới của cô bé 3 tuổi khi ấy mọi thứ đều giống nhau, chỉ cần ngoan ngoãn. Nay Thụy Phương sắp tròn 11 tuổi, thế giới trong mắt cô bé đã “đồ sộ”, phong phú hơn rất nhiều. Nhưng điều không thay đổi là tất cả đồ vật, con vật, những người tiếp xúc, quan sát trong cuộc sống hàng ngày đều có thể trở thành “nguyên mẫu”, nhân vật trong tác phẩm của em.

Hồi tháng 5, Thụy Phương được mời phát biểu cảm nghĩ khi nhận quà của giải thưởng Thiếu nhi Dế mèn. Bé nói: “Cảm ơn bố mẹ vì đã sẵn sàng làm nguyên mẫu để con viết văn”. Nhà thơ Đoàn Văn Mật (hiện công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội) mỉm cười hạnh phúc. Anh là nhân vật quen thuộc trong tập truyện Tôi tên là cà khịa của Thụy Phương.

Trong truyện của Thụy Phương, bố là người “thích cà khịa, luôn bắt nạt trẻ con, không biết tiếng Anh, chơi bóng bàn dở, không biết vẽ”. Một ông bố không hoàn hảo. Nhưng ông bố đó luôn làm bạn, luôn đi theo những sở thích, đam mê của con. Chính nhà thơ Đoàn Văn Mật cũng bất ngờ khi chỉ vài phút trao đổi, tranh luận về một cái cây trên sân thượng cùng con hay qua những cuộc điện thoại gọi về quê, trò chuyện cùng người thân… anh đã bước vào trang văn của con gái từ khi nào. 

Không chỉ bố, mẹ, cô giáo hay những người xung quanh bất ngờ trở thành nguyên mẫu trong trang viết của Thụy Phương, mà những đồ vật gần gũi như đôi dép, chú thợ điện bằng tượng sáp, con thiên nga trắng muốt bằng nhựa... cũng có thể xuất hiện sống động qua ngòi bút của cô bé. 

“Con làm quen với các nhân vật ở một thế giới khác. Thế giới này có thể những vật đó không biết nói, nghĩ, trò chuyện, nhưng ở thế giới khác, các bạn ấy trò chuyện với nhau, cùng phiêu lưu với con ở cánh đồng hoang, khu ổ chuột, giải cứu thế giới…”, Thụy Phương say sưa nói. 

Ý tưởng của một tác phẩm đến với Thụy Phương bất cứ lúc nào, và cô bé luôn viết ra ngay. Có những ngày, bé viết một mạch 2.000 - 3.000 chữ. Thụy Phương hiện có một bản thảo mới khoảng 40.000 chữ, hoàn thành sau hơn 2 tháng tập trung sáng tác.

Say sưa, nắn nót từng con chữ như vậy, nhưng có lần khi ý tưởng mới nảy sinh trong quá trình sáng tác, cô bé sẵn sàng xóa toàn bộ để viết lại từ đầu. Nhiều lúc “bí từ”, Thụy Phương tự liệt kê những từ đồng nghĩa để lựa chọn hoặc tra từ điển trước khi nhờ bố mẹ trợ giúp. Nguyên tắc lớn nhất cô bé đặt ra trong mỗi câu chữ là sự trong sáng của ngôn từ, không phải gồng mình tìm từ ngữ cao siêu, đánh đố người đọc. 

Dù là con “nhà nòi” khi cả bố mẹ đều là nhà văn, nhà báo nhưng Thụy Phương chưa từng bị thử thách viết theo các chủ đề giao trước hay bị can thiệp "viết đến đâu, sửa đến đó". “Chúng tôi thường nhắc con quan sát mọi việc xung quanh, tự biết mình ấn tượng điều gì để con viết mà không dựa theo những lời bố mẹ góp ý”, nhà văn Lữ Mai chia sẻ.

Với Thụy Phương, ngoài việc quan sát kỹ thì tưởng tượng đã trở thành thói quen, khiến thế giới của những đồ vật ấy trong tâm hồn bé luôn sinh động, đầy cảm xúc.

Trong tác phẩm Bức thư từ đôi dép cũ, kể về hành trình của một đôi dép được Thụy Phương coi như người bạn thân, có đoạn tác giả viết: “Gửi bạn Kẹo thân yêu của tớ! Tớ là đôi dép cũ của bạn đây. Đôi dép dưa hấu màu đỏ, có hình trái tim chính là tớ đây. Vào cái ngày định mệnh hôm ấy, nhà bạn dọn nhà, bố mẹ bạn vứt tớ đi dù bạn đã can ngăn. Tớ bị ném ra bãi rác gần bến xe buýt mà bạn không hề hay biết. Đêm hôm ấy, tớ phải ngủ ngoài đường, lạnh lắm…”.  

Bức thư đặc biệt ấy được Thụy Phương viết khi 8 tuổi. “Con nghĩ đôi dép cũng có cảm xúc như con người, nên con đã viết một bức thư đóng vai thành đôi dép cũ để gửi cho bản thân, nói lên mong ước của người bạn ấy…”.

"Tôi không cho rằng việc Thụy Phương tập sáng tác văn chương, làm thơ, viết truyện, đồng nghĩa với việc con có tư chất đặc biệt. Mỗi đứa trẻ đều lấp lánh những khả năng khác nhau. Nhiều đứa trẻ ở miền núi xa xôi có thể làm thơ từ khi chưa biết chữ với những ý tưởng rất hay, người lớn không nghĩ ra được. Điều đặc biệt là người lớn cần phát hiện, tôn trọng, chia sẻ và bồi dưỡng khả năng của trẻ", nhà văn Lữ Mai bày tỏ quan điểm.

Thụy Phương đặc biệt thích vẽ. Mỗi lần vẽ, cô bé được tự do, thoải mái, trong khi việc đọc và viết văn giúp con học nhiều hơn, không đơn thuần chỉ là giải trí.

Từ nhỏ, Thụy Phương lớn lên cùng sách và sớm bộc lộ khả năng ngôn ngữ tinh tế. Năm 3 tuổi, được bố mẹ đọc cuốn thơ thiếu nhi Vui cùng tiếng Việt của tác giả Thụy Anh, cô bé thích mê. Đặc biệt, truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được cô bé “cày đi cày lại” bởi sự tự nhiên, dí dỏm, trong trẻo dễ hiểu trong từng câu chữ.

“Việc đọc nhiều và đọc chậm giúp con làm dày vốn từ vựng, từ từ phân tích và học cách các nhà văn, nhà thơ quan sát thế giới, cảm nhận sâu hơn về cách mở đầu, lối kể chuyện, miêu tả, diễn đạt để bài văn ở trường hoặc các mẩu truyện sáng tác được chỉn chu hơn”, Kẹo nói.  

“Luôn nhìn thế giới xung quanh với con mắt hóm hỉnh và vốn từ vựng phong phú, luôn khiến các cô giáo háo hức mong chờ khi thu bài” là nhận xét của cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm, cô giáo chủ nhiệm lớp 5, với những bài văn của Thụy Phương. 

Đều “hành nghề con chữ” nhưng trong gia đình nhỏ ấy, nhà văn Lữ Mai và nhà thơ Đoàn Văn Mật chưa từng chủ động kèm con học tiếng Việt, dạy con làm văn hay bất kỳ môn học nào khác. 

“Nhiều người đưa ra ranh giới giữa sáng tác văn chương và văn học nhà trường. Tôi cho rằng, văn học nào cũng cần có nền tảng và tiêu chuẩn. Tôi thường nói với con, nếu trong tác phẩm sáng tạo con được quyền đảo lộn cấu trúc kể chuyện, bay bổng câu từ thì văn học trong nhà trường dù sáng tạo vẫn phải có chuẩn mực về kết cấu, dung lượng câu chữ, ý tứ rõ ràng, cần đủ ý về tả xa, tả gần, những tình huống... Nếu người lớn nói với trẻ rằng văn học nhà trường là rập khuôn, không sáng tạo sẽ khiến trẻ không thích học văn”, nhà văn Lữ Mai chia sẻ.

Theo nhà văn Lữ Mai, vẫn còn những phụ huynh coi nhẹ việc học văn, cho rằng chỉ cần học thuộc lòng, viết theo ý của giáo viên là đủ, không nên “tốn công” sáng tạo, đi lệch hướng dẫn. “Tôi nghĩ bất kỳ giáo viên nào cũng hạnh phúc khi học trò thể hiện sự sáng tạo, không ai muốn gò ép học sinh vào khuôn mẫu duy nhất”. Vấn đề là trẻ có đủ năng lực sáng tạo, vượt qua những dàn ý hay bài văn mẫu và chinh phục được người đọc hay không.  

Say sưa với sách, nhưng vốn sinh ra trong gia đình có bố công tác trong quân đội, Thụy Phương tuyệt đối không có tình trạng mải mê đọc hay sáng tác văn thơ đến quên ăn quên ngủ hay xao nhãng việc học. Cô bé từ nhỏ đã quen với kỷ luật, thậm chí không ít lần rơi nước mắt vì đòn roi. 

Thụy Phương được bố mẹ khuyến khích lên kế hoạch, ý tưởng cụ thể trong việc sáng tác và khoảng thời gian cần thiết để hoàn thành từng bước. “Cùng làm về văn chương, vợ chồng tôi ở góc độ nào đó cũng biết cái hay và cả những góc khuất của nghề. Con được phép bay bổng sáng tạo, nhưng phải có trách nhiệm với cuộc sống của bản thân", nhà văn Lữ Mai cho biết.


Ảnh: Tuấn Anh, NVCC

Thiết kế: Cúc Nguyễn