Việc phạt đọc sách mới được biết đến là chủ trương ở một số trường học, chưa phải tất cả. Thế nên cách làm này được nhân rộng hay không có lẽ cần thời gian kiểm chứng và đánh giá. Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp, vì “được phạt đọc sách” mà trở thành người có sức ảnh hưởng và yêu văn hoá đọc.
Chris D’Lacey (68 tuổi, Cộng hòa Malta) - tác giả có tác phẩm nổi tiếng The Last Dragon Chronicles – Kỷ nguyên rồng cuối cùng (7 cuốn), từng đoạt giải thưởng Rotherham Children's Book Award, Books Factor Award tiêu biểu cho trường hợp thành danh nhờ hình phạt đọc sách.
Chris D’Lacey chia sẻ, ngày bé không thích đọc, có chăng chỉ vài cuốn truyện tranh. Năm 14 tuổi, trong tiết học Mỹ thuật, cậu học trò cảm thấy bài giảng của giáo viên về đại văn hào William Shakespeare quá nhàm chán nên bày trò nghịch ngợm. Thay vì trách mắng, thầy giáo đưa Chris D’Lacey lên thư viện trường phạt đọc sách trong 1 giờ, không được chọn cuốn sách yêu thích. Thủ thư giao cho Chris D’Lacey quyển Kiêu hãnh và định kiến (Jane Austen) và giám sát toàn bộ quá trình chấp hành hình phạt.
Khi nhận quyển sách có bìa “người phụ nữ đội chiếc mũ ren cùng bộ váy dài thướt tha”, cậu ngao ngán không muốn đọc. Sau đó, khi lật giở từng trang, Chris D’Lacey nhanh chóng bị lôi cuốn. Hình phạt 1 giờ qua lúc nào không hay, thậm chí cậu còn không muốn dừng lại việc đọc.
Những buổi sau đó, Chris D’Lacey nhiều lần đến thư viện tìm thủ thư nhờ giới thiệu thêm các tác phẩm tương tự và 'rơi vào mộng tưởng bất tận' của thế giới văn học kinh điển suốt thời niên thiếu.
Lúc là sinh viên chuyên ngành Sinh học tại Đại học Leicester ở Anh, ông vẫn duy trì thói quen đọc sách. Sau khi được giữ lại trường, suốt 28 năm làm việc trong phòng thí nghiệm sinh học tại đây, cứ đến giờ nghỉ giải lao, Chris d'Lacey tranh thủ viết và bắt đầu sự nghiệp cầm bút.
Đến nay, khi là tác giả của hơn 25 cuốn sách dành cho trẻ em, Chris D’Lacey nhấn mạnh chính hình phạt đọc sách năm nào đã tạo tiền đề cho ông theo đuổi nghiệp viết lách.
IU - ca sĩ, nhạc sĩ được mệnh danh “em gái quốc dân” tại Hàn Quốc cũng từng chia sẻ trên truyền hình: “Khi tôi còn nhỏ, mẹ rất bận rộn. Mỗi khi tôi làm điều gì sai, mẹ sẽ bắt đọc một cuốn sách dày cộp như một hình phạt. Tôi nghĩ hình phạt đó trở thành món quà tuyệt vời nhất, giúp tôi có thể viết lời bài hát như bây giờ. Tôi biết ơn mẹ mình rất nhiều”.
Luật pháp của Thổ Nhĩ Kỳ có hình thức trừng phạt được cho là “ngộ nghĩnh”. Một số trường hợp cụ thể cho phép không thi hành án phạt tù, với điều kiện bắt buộc phải đọc sách, đôi khi kèm theo lao động công ích như quét dọn trong thư viện quốc gia...
Hình thức phạt này được áp dụng cho tội danh không nặng, người chưa có tiền án, tiền sự, thời hạn án phạt tối đa không quá 3 năm tù giam.
Trường hợp đầu tiên bị Tòa án Thổ Nhĩ Kỳ tuyên phạt buộc phải đọc sách năm 2006 là Alparslan Yigit vì tội say rượu, gây rối ở thành phố Yozgar. Trên nguyên tắc anh bị phạt 15 ngày tù, nhưng thay vào đó, thẩm phán phạt đọc sách mỗi ngày 1,5 tiếng dưới sự giám sát của cảnh sát.
Lúc đầu Alparslan Yigit đã năn nỉ tòa nhốt trong tù, đừng bắt đọc sách. Alparslan Yigit cho rằng “sẽ bị cả thành phố nhạo báng, danh dự bị tổn thương, nghĩ tới việc đọc sách là không thể chịu đựng được”. Nếu được ngồi tù, Alparslan Yigit sẽ không phải đọc, khi mãn hạn “có thể hiên ngang gặp lại bạn bè”.
Tuy nhiên, Alparslan Yigit buộc chấp nhận hình phạt do thẩm phán quy định “ngồi tù sẽ bị ghi vào lý lịch tư pháp, đọc sách thì không”. Trong thời gian bị phạt, Alparslan Yigit đã đọc quyển sách về các nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ, tiểu sử của lãnh tụ Attaturk. Lúc đầu anh chỉ lật nhanh các trang cho có lệ, nhưng sau đó đã phải đọc kỹ vì biết thẩm phán sẽ kiểm tra.
Sau 15 ngày bị phạt, Alparslan Yigit cho biết “thích đọc sách cho bản thân mình, không còn hổ thẹn với bạn bè”. Thậm chí anh còn khoe kiến thức đọc được với người khác.
Bài 4: 'Hình phạt đọc sách nên áp dụng vào các cơ quan, doanh nghiệp'