Để có thể đạt điểm cao môn Ngữ Văn, thi lớp 10 năm nay, cô Phạm Thị Nhung - giáo viên Ngữ văn trường THCS Mai Động (Hoàng Mai, Hà Nội), đã đưa ra 5 bước thí sinh cần lưu ý.

1. Chuẩn bị đồ dùng: Thí sinh nên mang bút nước màu xanh (3- 5 cái cùng loại), thước để gạch chân, tuyệt đối không mang bút đỏ, bút xóa.

2. Trước khi nhận đề: Thí sinh cần ngồi trấn tĩnh lại để nhớ cách làm các dạng câu hỏi theo form đề đã được luyện trước đó, cố gắng giữ cho tinh thần thoải mái nhất có thể. Bởi lẽ, môn Văn rất đặc thù, khi tinh thần tốt các em có thể diễn đạt cũng như trình bày bài làm khoa học, “nảy” ra được những ý hay.

W-thí sinh thi vào lớp 10.jpg
Thí sinh thi vào lớp 10 THPT Chuyên Ngoại ngữ tại Hà Nội. Ảnh: Mạnh Hùng

3. Khi nhận đề: Ở bước này, thí sinh cần đọc kĩ đề, gạch chân phân tích đề cẩn thận để làm đúng yêu cầu. Quan trọng ở bước này, các em cần phân chia thời gian cho từng phần để làm bài phù hợp; bắt buộc phác thảo ý ra nháp trước khi viết vào bài thi để tránh bị mất điểm khi viết thiếu ý.

4. Khi làm bài: 

- Thí sinh làm tuần tự các câu hỏi trong đề, hạn chế đảo lộn thứ tự, chú ý giãn cách giữa các câu hỏi nhỏ để có thể bổ sung ý. 

- Tuyệt đối, các em không bỏ giấy trắng bất kỳ phần nào.

- Về trình bày: Viết đẹp, rõ nhất có thể, viết sát lề cho ngay ngắn, hạn chế dập xóa. 

- Đối với câu hỏi nhỏ cần: Các em trả lời trúng, đúng, đủ, ngắn gọn, cố gắng đào sâu ý (từ nghệ thuật đến nội dung, chú ý gắn với chủ đề, nhận xét thái độ, tình cảm của tác giả). Không trả lời một đáp án cho câu hỏi tại sao, cảm thụ (dùng nhiều từ đồng nghĩa cho lý trả lời); không viết gộp đáp án mà tách ý và đánh dấu bằng các ký tự như gạch đầu dòng).

- Đối với đoạn nghị luận văn học, thí sinh cần chú ý xác định đúng yêu cầu nội dung, hình thức, tiếng Việt;  xác định nội dung- mạch ý bằng sơ đồ, nháp câu chủ đề, dự kiến dung lượng và yêu cầu tiếng Việt, rồi mới viết.

- Nếu nội dung nghị luận là thơ, cô giáo lưu ý phải chú ý tìm luận điểm, luận cứ, trích dẫn thơ, tìm nghệ thuật, nêu tác dụng. Nếu là văn xuôi, phân tích nhân vật: Các em chú ý xác định luận điểm, luận cứ (hoàn cảnh, đặc điểm của nhân vật, nghệ thuật xây dựng nhân vật và đánh giá về nhân vật, về tác giả).

- Phải gạch chân, chú thích bằng bút mực.

on thi van2.jpeg
Cô Phạm Thị Nhung cùng các học sinh dốc sức ôn thi giai đoạn "nước rút".

Lưu ý: Thí sinh soát lại hình thức, kiến thức tiếng Việt ở đoạn văn rồi mới chuyển sang phần câu hỏi tiếp theo. 

- Đối với đoạn văn nghị luận xã hội, các em cần chú ý xác định đúng kiểu, dạng bài và áp dụng kĩ năng; nháp ý bằng cách đặt câu hỏi: là gì, tại sao, như thế nào, làm gì hoặc theo cấu trúc 2 dạng nghị luận về một sự việc hiện tượng hoặc một tư tưởng đạo lý. lấy dẫn chứng lập luận trong thực tế để tăng sức thuyết phục, phần liên hệ bản thân, bài học viết thật cụ thể là học sinh cần làm gì và câu chốt khẳng định lại ý nghĩa của vấn đề và đưa ra lời nhắn nhủ. 

Thí sinh cũng cần chú ý yêu cầu về hình thức: có thể là đoạn hoặc bài, và giới hạn về độ dài đoạn văn.

5. Trước khi nộp bài: Thí sinh nên dành 5 phút để soát lại bài làm, cẩn thận đối chiếu từng phần, từng câu với bài làm để tránh sai, sót đáng tiếc.

Ngoài những “bí kíp” trên, cô Nhung cũng nhắn gửi đến các thí sinh: Một hành trang kiến thức vững vàng, tâm thế tự tin và sự cẩn trọng, quyết tâm cao độ sẽ giúp các sĩ tử phát huy được hết năng lực.

Với những chia sẻ trên, hy vọng các thí sinh sẽ tự tin bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10, đạt được nguyện vọng mong muốn.

Kỳ thi vào lớp 10 THPT không chuyên ở Hà Nội năm 2024 sẽ được tổ chức trong 2 ngày từ 8 - 9/6, với 3 môn là Toán, Văn, Ngoại ngữ.

Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh đăng ký một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn (thí sinh được đăng ký thi thứ tiếng Ngoại ngữ khác với thứ tiếng Ngoại ngữ đang học tại trường THCS).

Về hình thức thi, bài thi môn Toán và Ngữ văn theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút/bài thi. Bài thi môn Ngoại ngữ theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài là 60 phút; có nhiều mã đề thi trong một phòng thi đảm bảo nguyên tắc 2 thí sinh liền kề không trùng mã đề.

Thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm và kết quả bài thi của thí sinh trên phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính. Đề thi vào lớp 10 Hà Nội năm nay sẽ gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành của Bộ GD-ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS.

Đề thi môn Toán và Ngữ văn đảm bảo 4 cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cấp độ cao. Đề thi môn Ngoại ngữ chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu ở cấp độ vận dụng.

Mức độ yêu cầu về kiến thức và kỹ năng của đề thi được tinh giảm phù hợp với thời gian, đảm bảo theo đúng hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học tại các văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và các văn bản hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội. 

Dưới đây là lịch thi vào lớp 10 THPT không chuyên tại Hà Nội: 

lich thi lop 10.jpeg

>>>Tra điểm thi lớp 10 năm 2024 nhanh trên VietNamNet<<<