icon icon

Lời tòa soạn: TS Hà Vĩnh Thọ - người Pháp gốc Việt sinh sống tại Thụy Sĩ - từng làm việc cho Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế tại các vùng chiến sự ở châu Á, Trung Đông, châu Phi và châu Âu trước khi trở thành Giám đốc Chương trình của Trung tâm Tổng Hạnh phúc Quốc gia ở Bhutan. Ông là giáo sư thỉnh giảng một số trường đại học ở Bỉ, Đức và Thụy Sĩ; Chủ tịch Học viện Eurasia về Hạnh phúc và An sinh. Hơn 20 năm qua, ông và các cộng sự đã âm thầm triển khai đào tạo chuyên môn cho giáo viên về giáo dục đặc biệt tại quê nhà Thừa Thiên Huế, và mới nhất là những khóa tập huấn “trường học hạnh phúc” vừa kết thúc thí điểm sau 4 năm lan tỏa ở các trường phổ thông. Tại hội thảo quốc tế lần thứ nhất vừa diễn ra ở Huế về xây dựng trường học hạnh phúc, VietNamNet đã có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với ông. 

Phóng viên: Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về trường học hạnh phúc diễn ra tại Trường ĐH Sư phạm Huế (ĐH Huế) quy tụ các học giả quốc tế nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục hạnh phúc; cùng sự tham gia của các giáo viên, cán bộ quản lý các trường phổ thông tại Huế, Hà Nội, Quảng Trị, Kon Tum, Đắc Lắc, Bến Tre... và các giảng viên, nhà nghiên cứu sư phạm. 4 ngày hội thảo, 4 năm triển khai dự án , dành nhiều thời gian để theo đuổi giáo dục vì  hạnh phúc cho con người. Thưa giáo sư, có thể học được kĩ năng kiến tạo hạnh phúc không?

  GS Hà Vĩnh Thọ: Mọi người thường nghĩ rằng hạnh phúc là thứ mình có thể sở hữu hoặc không và không thể thay đổi được. Thứ nhất, vì quan niệm hạnh phúc chủ yếu là kết quả của ngoại cảnh. Thứ hai, lại cho rằng con người sinh ra vốn đã lạc quan hoặc vui vẻ, trong khi số khác có xu hướng buồn bã, bi quan. Cá nhân tôi cho rằng cả hai quan điểm trên đều chưa đúng.

Trước hết, nếu nhìn vào thế giới nội tâm của con người, sẽ có những người hướng ngoại hoặc hướng nội. Nhưng về cơ bản, hạnh phúc dựa trên các trụ cột: Nhận thức về lối sống tỉnh thức và rèn luyện cách sống này giúp chúng ta học cách tập trung sự chú ý. Sống tỉnh thức cho phép con người hiểu rõ hơn về bản thân, từ đó biết và hiểu được cảm xúc của chính mình.

Còn nhìn ra thế giới bên ngoài, chúng ta không thể thay đổi được vì xã hội là ngẫu nhiên. Nhưng chúng ta lại có thể đóng góp nếu biết đâu là con đường đúng đắn mà xã hội nên hướng tới. Nếu thay đổi cách suy nghĩ, cách kết nối với con người, xã hội, thiên nhiên là chúng ta đã góp phần thay đổi giúp xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Nhìn chung, hạnh phúc là một kỹ năng và có thể học được.

Cốt lõi của “trường học hạnh phúc” là gì thưa ông?

GS Hà Vĩnh Thọ: Bất kỳ “trường học hạnh phúc” nào cũng đều dựa trên 3 yếu tố. Đầu tiên, chúng tôi gọi là “ba kết nối” hoặc ba chế độ chăm sóc. Yếu tố này đề cập đến việc dạy cho cả giáo viên và học sinh cách chăm sóc tốt cho bản thân về thể chất, tinh thần, tình cảm... 

Yếu tố thứ hai là biết cách quan tâm đến người khác. Chúng ta nên tạo ra những mối quan hệ tích cực dựa trên niềm tin, sự tôn trọng, tình bạn, tình yêu, lòng biết ơn, lòng tốt...  Chúng ta thực sự cần phát triển mối quan hệ tích cực giữa người với người ở mọi cấp độ, giữa học sinh với học sinh, với giáo viên, rồi phụ huynh; giữa giáo viên và phụ huynh... Xã hội càng tạo ra nhiều mối quan hệ tích cực thì mọi người sẽ càng cảm thấy hạnh phúc hơn.

Yếu tố thứ ba là mọi người cần cảm thấy mình là một phần của cộng đồng, được sự chấp nhận của xã hội. Cần tạo ra một cộng đồng mà mọi người cảm thấy được chào đón, cảm thấy bản thân chính là một phần trong đó.

Từ rất nhiều nghiên cứu, chúng tôi nhận ra: Một trong những nguyên nhân lớn gây ra sự đau khổ cho trẻ em là bị bắt nạt. Dù bắt nạt trực tiếp hoặc trực tuyến, tất cả đều có thể dẫn đến tự sát.

Do đó, cảm thấy mình là một phần của cộng đồng và hòa nhập vào đó, trẻ sẽ có cảm giác như một gia đình hỗ trợ lẫn nhau, nạn bắt nạt sẽ ít phổ biến hơn.

Đó là một số giá trị cốt lõi của trường học hạnh phúc.

Tôi xin lưu ý, cần phân biệt hạnh phúc với thú vui hời hợt và theo đuổi ích kỷ của ham mê vị kỷ. Nguy hiểm đã hiện hữu khi nhiều bạn trẻ lớn lên với internet và mạng xã hội, khi những người xung quanh tìm kiếm sự thỏa mãn tức thì. Điều quan trọng phải hiểu rằng, hạnh phúc của chính mình đi liền với hạnh phúc của người khác, của xã hội và của lợi ích chung. Bởi vậy, trường học hạnh phúc chú trọng nhiều đến các giá trị đạo đức.

Hiện nay đang có một số cách thức hướng dẫn xây dựng trường học hạnh phúc như chương trình truyền hình thực tế thầy cô thay đổi; mô hình thí điểm trường học hạnh phúc của Qũy đổi mới giáo dục phổ thông; và mô hình trường học hạnh phúc thí điểm của Học viện Eurasia mà giáo sư đồng sáng lập. Liệu, giáo dục có đang ...chồng chéo các mô  hình “trường học hạnh phúc”?

GS Hà Vĩnh Thọ: Chúng ta nên có cách tiếp cận toàn diện. Không phải là đề cao và cho rằng cách tiếp cận của mình là duy nhất đúng. Chúng ta có thể hợp tác với bất kỳ cá nhân, tổ chức, đối tượng, hay bất kỳ trường học nào muốn mang lại hạnh phúc và an lành cho học sinh.

Mọi thứ có lẽ vẫn sẽ ổn ngay cả khi có nhiều cách khác nhau, vì không ai có câu trả lời hoàn hảo. Vấn đề không nằm ở chỗ giả vờ rằng chúng ta có con đường đúng duy nhất và mọi người phải làm theo.

Đối với tôi, phong trào trường học hạnh phúc càng lớn càng mừng, càng nhiều người tham gia càng tốt.


Các chỉ số giáo dục đã được đo lường và xếp hạng. Còn chỉ số hạnh phúc trong trường học thì có thể đo lường, xếp hạng hay không?

GS Hà Vĩnh Thọ: Đây là một câu hỏi rất quan trọng.

Lấy ví dụ, chúng ta nói tới sự khác biệt giữa GDP (chỉ số phát triển quốc gia) và GNH (chỉ số hạnh phúc quốc gia). GDP chỉ đo lường các chỉ tiêu tài chính kinh tế, còn GNH đo lường hạnh phúc toàn diện.

Tương tự như trong trường học, nếu chỉ đo lường kết quả học tập thì mọi nỗ lực đều dồn vào việc học tập. Chúng tôi hiện đang thảo luận với OECD, tổ chức quốc tế thực hiện khảo sát PISA (khảo sát so sánh tất cả các hệ thống giáo dục trên thế giới).

Nếu đã tham gia hội nghị này, thì chắc bạn còn nhớ giám đốc PISA đã có bài phát biểu, rằng: Việc chỉ đánh giá ngoại ngữ và toán học, vốn là công việc của PISA, là không đủ nữa. Cần thay đổi cách đo lường trong giáo dục. Cần phải có các chỉ số mới.

Nếu chúng ta đo lường hạnh phúc và sự an lành, đo lường sức khỏe tâm lý, đo lường chất lượng trong các mối quan hệ giữa con người với nhau, đo lường sức sống của cộng đồng, đo lường thời gian, sức khỏe, đo lường việc học, thì đây sẽ là những chỉ số mang tính định tính hơn và có thể được sử dụng để đo lường sự phát triển của giáo dục.

Chúng tôi đã được mời tham gia nhóm làm việc trong OECD để phát triển các chỉ số đo lường mới.

Tương tự với việc đánh giá giáo viên. Làm sao đánh giá được giáo viên nếu chỉ qua tỷ lệ học sinh thi đậu? Nếu dùng chỉ số này, những giáo viên chú trọng vào thành tích học tập mới được đánh giá cao. Còn những thầy cô khác sẽ không được ghi nhận, ngay cả khi họ là những giáo viên rất giỏi đem lại hạnh phúc cho học trò. Đây là thay đổi của mô hình ở cấp độ hệ thống giáo dục. Nếu thiếu đi điều này thì về lâu dài, dự án trường học hạnh phúc sẽ không thể thành công.

Thưa giáo sư! Đất nước đông dân, thiếu đất xây trường, lớp học chật chội… thì trường học cũng khó mà kiến tạo hạnh phúc?

GS Hà Vĩnh Thọ: Tôi nghĩ rằng câu hỏi này có từng vấn đề cần giải quyết.

Đầu tiên là tăng trưởng dân số - vấn đề rất quan trọng vì dân số thế giới đang tăng theo cấp số nhân. Khi tôi còn bé, dân số thế giới chưa đến 3 tỷ người. Bây giờ là hơn 7 tỷ người. Đúng tôi đã già, nhưng cũng đâu phải tôi đã sống 300 năm đâu (cười).

Tăng trưởng như vậy là quá nhiều đúng không? Áp dụng luật như chính sách một con. Nhưng chính sách này chưa thực sự hiệu quả.

Cách tốt nhất để kiềm chế gia tăng dân số là cung cấp giáo dục đại học cho phụ nữ. Khi phụ nữ được đi học, họ có nhiều lựa chọn. Giáo dục là cách hiệu quả nhất và nhân đạo nhất để hạn chế gia tăng dân số.

Vấn đề thứ hai là trách nhiệm. Việc có nhiều con trong khi không đảm bảo điều kiện nuôi dưỡng được cho là thiếu trách nhiệm. Vì vậy, kiềm chế gia tăng dân số cũng giống như việc kêu gọi tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân.

Và tất nhiên, Việt Nam đông dân vì còn có hai thế hệ đầu sau chiến tranh. Nhưng tôi nghĩ bây giờ sẽ tự nhiên giảm đi.

Khi đến Việt Nam, tôi thấy rất nhiều bạn trẻ sôi nổi và năng động. Điều này thực sự tuyệt vời. Về Thụy Sĩ, tôi có cảm giác nơi đây giống như viện dưỡng lão vậy (cười).

Một đất nước rất đẹp khi có những người trẻ tuổi. Đó thực sự là một thế mạnh. Không nên xem việc tăng trưởng dân số hoàn toàn là vấn đề.

Phần còn lại của câu hỏi là liệu chúng ta có nên suy nghĩ lại về phát triển đô thị. TP.HCM, Hà Nội dân số quá đông; không thể có đủ cơ sở hạ tầng cho 10, 12, hay 14 triệu người được.

Chúng ta hoàn toàn có thể có một cuộc sống tốt ở những ngôi làng hoặc những thành phố nhỏ hơn. Vì sự phát triển của công nghệ, truyền thông có thể giúp phi tập trung hóa.

Sự tập trung hóa của các đô thị lớn là hệ quả của sự phát triển công nghiệp. Với những nhà máy khổng lồ thì tất cả thông tin, năng lượng, máy móc đều tập trung ở một nơi. Do đó, cần nhiều nguồn lực tập trung nơi đô thị.

Tuy nhiên, với công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo, in 3D, v.v., thì có thể phân cấp sản xuất; phân cấp thông tin hay phi tập trung hóa cơ sở hạ tầng. Tôi nghĩ đây là một trong những thách thức lớn nhưng rất thú vị để tái tạo hình thức mới của cuộc sống trong cộng đồng nhỏ, cuộc sống làng quê.

Vì vậy, tôi hy vọng rằng có thể tái phát triển một hình thức đô thị mới không quá tập trung. Điều này sẽ giúp giải quyết những vấn đề mà bạn đã đề cập trong câu hỏi.

Kỳ tới: Nỗi đau của vị giáo sư cả đời kiến tạo “trường học hạnh phúc”

Thực hiện: Hạ Anh - Việt Hà

Ảnh: GONU

Hạ Anh

Xem các bài viết của tác giả