“Chọn Yêu thương - Chọn Hạnh phúc” là chủ đề của hội thảo "Thay đổi vì một trường học hạnh phúc" do VTV7 và Cục nhà giáo (Bộ GD-ĐT) tổ chức tại Đà Nẵng trong 2 ngày 24 và 25/9, với sự tham gia của 400 hiệu trưởng đến từ 50 tỉnh thành trên toàn quốc.

Tại hội thảo, các Hiệu trưởng đã có những chia sẻ cùng VietNamNet về việc xây dựng một ngôi trường hạnh phúc.

Trước khi chạm đến trí óc hãy chạm đến trái tim

Hiệu trưởng Trường mầm non Bamboo Preschool (Đồng Nai) - bà Huỳnh Thiện Thanh Thảo cho biết suốt một tháng qua, nhà trường đã bắt đầu thực hiện những bước đầu tiên của trường học hạnh phúc.

“Chúng tôi trang bị cho giáo viên nhiều kỹ năng để điều hướng cảm xúc. Điều quan trọng nhất ở đây chính là không tạo áp lực cho học sinh, trẻ cần được tôn trọng mọi cảm xúc của mình. Trước khi bạn chạm đến trí óc thì hãy chạm đến trước trái tim”, bà Thảo chia sẻ.

Hội thảo “Thay đổi Vì một trường học Hạnh phúc” diễn ra tại Đà Nẵng

Để dễ hiểu hơn, bà Thảo đã đưa ra ví dụ cụ thể: hầu hết trẻ lần đầu tiên đi học còn nhiều bỡ ngỡ, lo lắng, sợ hãi. Giáo viên cần nhận ra điều này, thấu hiểu cùng các con, kết nối học sinh để tránh xa cách với giáo viên. Khi trẻ đồng cảm được điều đó, rõ ràng hành vi của các em sẽ được thay đổi theo hướng tích cực nhất.

Điều khó khăn nhất trong việc nối cảm xúc, như bà Thảo chỉ rõ, chính là từ giáo viên. Giáo viên tiếp cận những ý tưởng trường học hạnh phúc như thế này khá khó khăn, nhiều thầy cô đang bỡ ngỡ khi theo hướng này. Cùng với đó, phụ huynh vẫn chưa hiểu rõ.

“Đa phần phụ huynh quan tâm đến chính sách, học phí hay trường đó có học tiếng Anh hay không mà chưa quan tâm đến cảm xúc của con, rằng đến đó con có thực sự muốn học, thực sự muốn đến lớp”, bà Thảo băn khoăn.

Giải quyết vấn đề trên, bà Thảo cho biết đã có những buổi tập huấn rất kỹ dành cho giáo viên của nhà trường.

 Hiệu trưởng Trường Mầm non Bamboo Preschool (Đồng Nai) - bà Huỳnh Thiện Thanh Thảo

"Hãy đặt những trường hợp cụ thể đến với giáo viên: Cô đã từng tức giận như vậy, khi tức giận thì chúng ta cần xử lý như nào để có kết quả tốt nhất? Hoặc phụ huynh cần phải nhìn nhận cảm xúc của trẻ nhiều hơn. Thay vì đặt câu hỏi rằng "Hôm nay con có vui không?" thì hãy hỏi "Hôm nay con đi học thế nào?", từ đây cho trẻ giãi bày được tâm sự, giãi bày được những thứ mà trẻ đang muốn chia sẻ với chính mình” - bà Thảo chia sẻ.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Quốc tế IEC Quảng Ngãi - bà Hồ Đắc Quỳnh Hoa cho biết với tôn chỉ "Trường học là ngôi nhà thứ 2, học sinh mỗi ngày đến trường đều cảm thấy hạnh phúc", nhà trường đã thành lập phòng tư vấn tâm lý.

Trường thường xuyên tổ chức các chuyên đề tâm lý như kỹ năng nhận biết và quản lý cảm xúc, giáo dục kỹ năng cảm xúc xã hội, năng lực tự nhận thức bản thân, kỹ năng ứng phó với stress, đối diện cơn bão cảm xúc từ con, bố mẹ làm gì khi con có hành vi chưa phù hợp, giáo dục kỷ luật tích cực cho trẻ, tôn trọng sự khác biệt và nuôi dưỡng thế mạnh từng cá nhân…

 Hiệu trưởng Trường Quốc tế IEC Quảng Ngãi - bà Hồ Đắc Quỳnh Hoa

Bà Hoa kỳ vọng: “Hôm nay, chúng tôi phần nào hiểu rõ hơn cách thức, quy trình triển khai mô hình trường học hạnh phúc đồng bộ. Chắc rằng, chúng tôi vẫn tiếp tục tham khảo, học hỏi từ chương trình Happy School và áp dụng triển khai từ mô hình thử nghiệm đến khi đạt được sự đồng bộ trong toàn trường.

Cùng với đó, trường tập trung đẩy mạnh hoạt động tham vấn tâm lý, chăm sóc tinh thần cho học sinh; đẩy mạnh hoạt động giáo dục năng lực cảm xúc - xã hội dành cho học sinh, nuôi dưỡng cảm xúc tích cực và biết chuyển hóa những cảm xúc không tích cực; thầy cô sẽ được trang bị, trau dồi chuyên môn về các phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực…".

Còn thầy Nguyễn Văn Hoàn - Hiệu trưởng Trường THCS Diễn Bích (Diễn Châu, Nghệ An) - chia sẻ bản thân thầy muốn đến tham gia hội thảo để có kinh nghiệm về xây dựng mô hình trường học hạnh phúc, đem về áp dụng tại trường của mình.

 Thầy Nguyễn Văn Hoàn - Hiệu trưởng Trường THCS Diễn Bích

"Ở trường học, hạnh phúc đơn giản là thầy cô và học sinh thân ái, nhẹ nhàng, nhân ái. Làm sao đó để mọi người biết chia sẻ, cảm thông, không có những áp lực như trước đây, không có bạo lực học đường. Nhưng đó chỉ là những bước đầu. Lần này về, tôi sẽ tạo ra những hoạt động giảm khoảng cách giữa thầy và trò, thay đổi phong cách thầy nói trò phải nghe. Bây giờ, mình thay đổi suy nghĩ đó trong các thầy cô, từ đó để học sinh cảm nhận thầy cô là sự yêu thương”, ông Hoàn giãi bày.

"Xây trường học hạnh phúc không chỉ riêng ngành giáo dục"

Theo Hiệu trưởng Trường Mầm non song ngữ Lạc Hồng - bà Đặng Thị Tuyết (TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai), thời gian qua trường đã có nhiều hoạt động kết nối, riêng về đội ngũ giáo viên đã có những buổi tập huấn về giáo dục cảm xúc.

Việc quản trị cảm xúc được nhà trường áp dụng trong tất cả hoạt động, bắt đầu từ giáo viên, đến học sinh và hướng về phụ huynh.

Các giáo viên tham dự hội thảo

Bà Tuyết cho biết ngay buổi họp phụ huynh là một buổi sinh hoạt kết nối chứ không phải là họp đơn thuần. Buổi sinh hoạt sẽ có cả phụ huynh, học sinh và giáo viên, những trò chơi giúp cho phụ huynh và học sinh hiểu và kết nối với nhau hơn.

“Từ đây, phụ huynh sẽ hiểu hơn những cảm xúc, những tính cách của con tại trường. Cách giảng dạy của mầm non chính là học thông qua chơi, điều quan trọng nhất, giáo viên cần tạo hứng thú cho học sinh. Mầm non sẽ được dạy mọi lúc mọi nơi, chơi cũng dạy, ngủ cũng dạy…”.

Để xây dựng được trường học hạnh phúc, bà Tuyết cho rằng không riêng gì giáo dục mà cần có sự phối hợp giữa nhiều Sở, ban ngành, tổ chức xã hội.

"Vì khi các con được đào tạo trong môi trường giáo dục thì sau đó vẫn cần ra ngoài, thậm chí con cần học hỏi ở ngoài xã hội như việc đi chơi, đi ăn ở nhà hàng… Điều ai cũng biết đó là trẻ được học mọi lúc mọi nơi.

Hiệu trưởng Trường THPT Đakrông - ông Lê Chí Thông

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường THPT Đakrông Lê Chí Thông (tỉnh Quảng Trị) đề xuất, trong chương trình đào tạo sinh viên sư phạm nên dành một học phần từ năm thứ nhất, về đào tạo kỹ năng cảm xúc xã hội.

“Từ đây, sau khi ra trường, chính người giáo viên đã có sẵn kỹ năng này, lúc này dễ dàng truyền tải đến thế hệ sau.

Vì nếu thực sự không đào tạo kỹ năng này, khi áp dụng lớp học hạnh phúc vào nhà trường, các giáo viên dễ hiểu nhầm rằng trường tạo áp lực cho họ. Đây cũng là câu chuyện mà mỗi người quản lý hiểu về trường học hạnh phúc đều trăn trở”, ông Thông bày tỏ.