Ở tuổi 75, thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội), tự nhận mình là người “hạnh phúc và giàu có nhất”. “Tôi cảm thấy mãn nguyện vì hàng ngày vẫn được gặp con trẻ, tuổi già như được hãm lại, trong người luôn thường trực niềm vui, át đi những nỗi buồn nếu có trong cuộc sống”, ông nói.
Thầy Khang vốn là một trong những học sinh chuyên Toán đầu tiên của Việt Nam. Năm 1968, thầy theo học ngành Vật lý tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Lớp của thầy Khang khi ấy, nhiều người bạn trong quá trình học đã lên đường nhập ngũ, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Do mắt và sức khỏe không đạt yêu cầu, thầy không thể tham gia chiến trường. Sau khi tốt nghiệp, thầy chọn ở lại giảng dạy Vật lý cho khối phổ thông chuyên Toán.
Thời điểm mới đi dạy, thầy giáo trẻ chỉ có một bộ áo quần lành lặn để lên lớp. Học trò khi ấy thấy vậy, bèn gặng hỏi: “Hình như thầy chỉ có một bộ quần áo phải không?”. Thầy đành “chữa cháy” rằng mình có 5 bộ giống hệt nhau.
Nhưng thực tế, ban ngày thầy mặc đi dạy, tối về thầy lại giặt và hong khô để sáng hôm sau tiếp tục mặc. Học trò sau đó đã lén dùng bút bi đánh dấu ở gấu áo mà thầy không biết. Vài ngày sau, trò lại thắc mắc: “Thầy đã thay quần áo hay chưa?”. Khi biết thầy nói dối, cả đám bèn kéo gấu áo cho thầy xem.
Thầy Khang nghẹn ngào không nghĩ học trò lại quan tâm mình như thế. Đó là thời điểm những năm 1972-1975, thầy mới ra trường, bắt đầu vào công tác. Các phụ huynh biết chuyện, dù không có nhưng cũng mua gửi tặng thầy một bộ quần áo mới.
"Khi ấy, học trò nghèo, thầy cũng nghèo, nhưng tình cảm học trò dành cho thầy là điều đáng quý nhất", thầy Khang nhớ lại.
Sau nhiều năm lăn lộn với giáo dục, thầy Khang giờ đây tự tin khẳng định mình không còn nghèo nữa. Từ cậu bé sinh ra ở thành phố Vinh, 12 tuổi đi bán kem dạo giữa mùa hè gió lào bỏng rát, chân đi đôi dép cao su, mỗi bên hông là một phích đựng kem, suốt 3 tháng hè đi nhặt nhạnh những đồng xu lẻ để có tiền mua sách vở đầu năm học, đến nay, thầy Khang cảm thấy "mãn nguyện với những gì đang có".
“Tôi vốn là một chiếc lá rách, mong muốn trở thành chiếc lá lành. Muốn được như thế, bản thân phải phấn đấu và kiên trì phấn đấu, không những có thể lo được cho mình mà còn giúp những người khác”, thầy Khang nói.
Vì thế đầu năm 2021, "bén duyên" với mảnh đất cực Bắc Hà Giang, thầy Khang xin địa phương cho trồng 1 vạn cây xanh ở huyện Mèo Vạc. Mọi việc được quyết và triển khai nhanh chóng chỉ sau khoảng 1 tuần lễ. Nhóm khảo sát của thầy đã lên làm việc với địa phương về cây giống, phương thức trồng và các thủ tục cần thiết. 5 tháng sau đó, 2 vạn cây sa mộc được trồng tại Mèo Vạc. Dự án này vẫn trong giai đoạn 2 và sẽ về đích cuối năm nay.
Đến năm 2022, khi nghe cộng sự nói về tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh trầm trọng ở cấp tiểu học tại Mèo Vạc, thầy Khang lại mất ngủ cả đêm để suy nghĩ. Không lâu sau, thầy khởi xướng dự án dạy tiếng Anh trực tuyến cho hơn 2.600 học sinh nơi đây.
Ngay trong học kỳ 1, các thầy cô ở Hà Nội dạy học trò Mèo Vạc (chủ yếu là dân tộc H'Mông) tiếng Anh thông qua màn hình máy tính. Để cô trò hiểu nhau, có sự gần gũi và tin tưởng, thầy Khang hai lần tổ chức cho 22 giáo viên lên Mèo Vạc tiếp xúc trực tiếp với học sinh.
“Suốt 4 tháng trời chỉ thấy nhau thông qua màn hình, ngày cô trò gặp nhau vô cùng xúc động. Mọi người gặp gỡ, trò chuyện, cùng ăn với nhau một bữa cơm rồi trở về, tiếp tục việc dạy và học qua màn hình máy tính", thầy Khang nhớ lại.
Kết thúc năm học, dự án được đánh giá thành công đặc biệt, trong đó có 4 học sinh được tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh tại Hà Giang. Đến nay, dự án này đã bước sang năm thứ ba. Sáng kiến hỗ trợ của thầy Khang cũng được lan tỏa rộng rãi. Nhiều trường học cam kết sẽ hỗ trợ địa phương vùng khó trong việc cử người dạy trực tuyến cho học sinh để giải quyết việc thiếu giáo viên trước mắt.
Dù việc dạy tiếng Anh cho học sinh Mèo Vạc đã đi vào ổn định, thầy Khang vẫn canh cánh nỗi lo cách thức này chỉ là giải pháp tình thế. Nghĩ vậy, năm 2023, thầy đề xuất với UBND huyện Mèo Vạc về việc "đặt hàng" đào tạo hơn 30 giáo viên tiếng Anh địa phương thông qua hình thức cử tuyển, dự kiến tổng kinh phí khoảng 12 tỷ đồng.
Những sinh viên sư phạm tiếng Anh được lựa chọn và cam kết trở về dạy học tại Mèo Vạc sẽ được thầy Khang và Trường Marie Curie hỗ trợ học phí, chi phí ăn ở với mức hỗ trợ tối thiểu 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, thầy Khang sẽ mua tặng một chiếc xe máy cho mỗi sinh viên sau khi tốt nghiệp và bắt đầu đi dạy. Theo kế hoạch, bắt đầu từ năm 2025, lần lượt có lứa sinh viên tốt nghiệp về dạy tiếng Anh cho học sinh Mèo Vạc.
Cũng trong khoảng thời gian này, thầy Khang tiếp tục đưa ra quyết định bất ngờ khi khởi động dự án xây Trường Phổ thông dân tộc bán trú Marie Curie - Mèo Vạc với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng. Tuy nhiên theo thầy Khang, quyết định này không mang tính bột phát. “Tặng trường cho một địa phương biên giới phía Bắc là ước nguyện từ lâu của tôi”, thầy nói.
Ngôi trường này nằm trên khu đất rộng 1,5 ha ở trung tâm thị trấn huyện, được quản lý, vận hành theo loại hình trường công. Dự kiến, trường được xây từ năm 2025, hoàn thành khoảng tháng 7/2026, sau đó sẽ bàn giao cho Mèo Vạc và bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2026-2027.
Ông Ngô Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc (Hà Giang) cho hay Mèo Vạc là huyện nghèo, cực kỳ khó khăn. Việc có được ngôi trường khang trang là điều người dân nơi đây luôn mơ ước. Tuy nhiên, đây không phải là dự án đầu tiên thầy Khang thực hiện tại Mèo Vạc.
Làm nhiều điều cho mảnh đất địa đầu Tổ quốc, thầy Khang lý giải: "Cách đây 45 năm, tôi từng viết tâm thư xung phong bảo vệ biên giới phía Bắc nhưng không được toại nguyện do mắt trái hỏng, mắt phải suy giảm thị lực. Nhiều bạn bè tôi đã hy sinh, có người sau này trở về nhưng mang trên mình đầy thương tật. Tôi luôn nghĩ mình có một món nợ. Không được cống hiến xương máu để bảo vệ biên giới phía Bắc, nay tôi xin dùng mồ hôi, nước mắt góp phần giữ đất, giữ nước ở biên cương Tổ quốc".
Trong lúc thầy đang bộn bề với nhiều dự án cho Mèo Vạc, tin tức đưa về vụ lũ quét ở thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) khiến nhiều đứa trẻ bỗng chốc thành mồ côi. Rất nhanh sau đó, thầy Khang quyết định nhận nuôi tất cả trẻ ở Làng Nủ.
Ước tính, số tiền hỗ trợ cơ bản dành cho các em khoảng 5,6 tỷ đồng, chưa tính các chi phí phát sinh. Thầy Khang nói thêm: "trong quá trình phát triển, các con cần thêm gì, ông sẽ lo được”.
“Bây giờ tôi là người 'ham sống nhất'. Ông nội của 22 bé Làng Nủ mong muốn sống ít nhất thêm 15 năm nữa để thấy tất cả các con trưởng thành. Nhưng dù ông nội có phải đi xa, gia đình ông và trường Marie Curie vẫn sẽ tiếp tục chăm sóc các con chu đáo. Các con vẫn được ấm no và học hành tử tế như mong muốn của ông khi quyết định nhận nuôi các con. Ông đủ lực để chăm sóc các con cho đến khi tất cả trưởng thành”.
Trở lại với cuộc sống thường nhật, trong căn phòng làm việc của thầy Khang tại trường Marie Curie không treo bất kỳ tấm bằng khen, giấy khen nào. Trên tường chỉ có những bức ảnh của "ông nội" chụp cùng "lũ học trò nhỏ" và những món quà chúng tự làm tặng thầy.
"Ông nội" cũng là cách gọi thân thương của học trò trường Marie Curie gọi thầy Khang. Về phần mình, thầy cho rằng "mình cứ gần gũi với chúng, chúng sẽ cảm thấy thầy dễ gần nên thích trò chuyện, chia sẻ, nhờ vậy thầy trò dần xóa đi khoảng cách".
Giờ đây, được nói chuyện với học trò mỗi ngày đã trở thành sở thích của thầy Khang. "Ông nội" 75 tuổi mỗi khi rảnh thường xuống ngồi ven sân bóng để cổ vũ cho học trò thi đấu. Thầy Khang cũng có biệt danh là “hiệu trưởng ghế nhựa" vì những lúc cần ngồi tập trung, kể cả trong lễ khai giảng, thầy luôn chọn ghế nhựa, ngay giữa đám đông học trò.
Trong các giờ ăn trưa, thầy cũng thường chọn ngồi ăn cùng học trò. "Hôm nay ngồi ăn với bạn này, ngày mai ngồi với bạn khác để trò chuyện. Dần dần, mình nói gì tụi trẻ cũng nghe và luôn sẵn sàng chia sẻ với thầy. Tôi như vậy nên các đồng nghiệp, từ thầy cô giáo, chú bảo vệ, bác lái xe, cô cấp dưỡng đều yêu quý bọn trẻ, không bao giờ la mắng, nhờ thế ai cũng thấy hạnh phúc".
Luôn chăm lo cho học trò, vì thế khi xây trường, nhà vệ sinh là nơi được thầy chú trọng nhất. Thầy nói việc thiết kế và thi công phải làm thật chỉn chu, thuận lợi để học sinh không phải ra mưa, ra nắng. Trong các nhà vệ sinh cần đảm bảo 4 tiêu chí: sáng, sạch, đẹp và thơm.
"Tại quảng trường Ba Đình hay vào Nhà hát Lớn, không ai nỡ vứt một mẩu tàn thuốc lá hay vỏ bánh vì quá sạch đẹp. Môi trường như thế sẽ làm cho mình không nỡ phá bỏ cái đẹp. Nhưng cũng là chúng ta khi ra bến xe, việc vứt một mẩu thuốc hay que kem là điều rất dễ. Do đó, mình cần giáo dục trẻ thông qua cái đẹp", thầy Khang nói.
Trước mỗi kỳ thi quan trọng, thầy Khang đều viết một bức thư động viên tinh thần học sinh. Với thầy, gia tài lớn nhất chính là lũ trẻ. "Chúng có thể thi trượt nhưng nhân cách tốt vẫn ổn. Thậm chí học xong, đi học nghề cũng có thể làm một ông thợ tốt. Con đường của học sinh không chỉ duy nhất có đại học, còn rất nhiều thứ khác trong cuộc sống để chúng chinh phục. Điều quan trọng hơn chính là học cách sống, cách đối nhân xử thế và học cách làm người".
Nội dung: Thúy Nga
Ảnh: Thạch Thảo
Thiết kế: Amy Nguyễn