Chiều 2/2 (12 tháng Giêng), trước một ngày khai hội Lim (Bắc Ninh), hàng nghìn du khách đã đổ về du xuân. Tại sân khấu của CLB hát quan họ thôn Lương (xã Tri Phương) một người nào đó ăn mặc cải trang hình hài Tôn Ngộ Không múa, hát xin tiền.

"Tôn Ngộ Không" đi đến đâu mời trầu đều được du khách cho tiền đến đấy. "Đầu năm tôi muốn lì xì gọi là lấy may chứ không thấy phản cảm", một người phụ nữ nói. 

Một số du khách cầm sẵn tiền mệnh giá 10.000-20.000 đồng để chuẩn bị lì xì, có người hào phóng cho hẳn tờ 100.000 đồng.

Trong khi "Tôn Ngộ Không" say sưa hát trên sân khấu, một "liền anh" mang cơi trầu đến các vị trí lấy tiền y như trò hát xẩm ngoài phố. Đổi lại mỗi vị khách thường nhận được một miếng trầu têm cánh phượng.  

Chị Lan và chị Hà (Bắc Ninh) hào hứng chụp ảnh với "Tôn Ngộ Không". "Đây là năm thứ 3 liên tiếp chúng tôi đi hội Lim. Nay tôi đi qua thấy lạ nên ghé vào xem", chị Lan nói. 

Trên đồi Lim, nhiều sân khấu được dựng lên. Du khách thập phương có thể hát chung vui cùng các liền anh, liền chị.

Những sạp cho thuê trang phục quan họ dựng ngay trung tâm, nhiều du khách thuế với giá 50.000 đồng/bộ và họ mặc để chụp ảnh là chính. 

"Đến với hội Lim tôi muốn thuê một bộ trang phục để cho hợp cảnh. Giá thuê như vậy không quá đắt, chỉ cần bỏ ra 50.000 đồng có thể chụp cả buổi", bà Ngọ chia sẻ. 

Các sạp hàng cho thuê trang phục quan họ đều chật kín khách. 

Diện tích chật hẹp, không có phòng thay đồ, nhiều người thay quần áo ngay cạnh sân khấu.

Một số người còn bày hẳn ra các bãi cỏ mời chào, chèo kéo du khách. 

Miền (trái) và Hồng đi từ Bắc Giang đến hội Lim từ 15h. Hai bạn chọn chiều 12 tháng Giêng thay vì ngày chính hội vì muốn đi lại thoải mái, tránh sự đông đúc. "Năm nào chúng tôi cũng thuê trang phục này chỉ để chụp ảnh làm kỷ niệm. Mục đích là up lên mạng cho mọi người biết mình đi hội Lim", Miền nói. 

Mời trầu trên mọi lĩnh vực sinh hoạt chỉ có trong văn hóa Quan họ: Quan họ nam đi tìm Quan họ nữ trong ngày hội xuân để xin kết bạn. Việc đầu tiên là mời Quan họ nữ xơi khẩu trầu, sau rồi mới ca với nhau, ướm thử nhời xin được nên bạn nên tình. Được Quan họ nữ đồng ý, Quan họ nam lại sắm cơi trầu, tuần nhang sang làm lễ đình làng Quan họ nữ cầu khẩn thành hoàng cho phép và chứng giám cho đôi bên thành bạn của nhau. Tiếp đó, Quan họ nữ sang làng bạn đáp lễ, Quan họ nam cũng phải chuẩn bị cơi trầu, tuần nhang làm lễ ở đình.

Trong các cuộc gặp mặt, mỗi canh hát, Quan họ chủ đều mời trầu khách... Việc mời trầu của người Quan họ rất lịch thiệp, tao nhã, trân trọng với thái độ cung kính bạn của người Quan họ. Kế thừa nét đẹp văn hóa truyền thống mời trầu của dân tộc Việt nhưng việc mời trầu, nhận trầu được người Quan họ nâng lên trở thành một nghệ thuật đặc biệt. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, việc mời trầu ở hội Lim đã bị biến tướng, trở thành văn hóa đội lốt xin tiền vào mỗi dịp đầu năm mới.