Đặc thù của bộ môn Lịch sử là tái hiện quá khứ theo dòng thời gian, vì vậy học sinh phải nắm vững sự kiện về ngày, tháng, năm, bối cảnh, ý nghĩa, tính chất của sự kiện lịch sử… Nói cách khác, các em cần nắm được bản chất của sự kiện. Muốn vậy, các em có thể học, ôn tập theo các cách sau:

Học theo sơ đồ hóa kiến thức: Đây là một trong những phương pháp học, ôn tập có hiệu quả hiện nay. Để có một sơ đồ đúng, học sinh phải tập trung theo dõi thầy cô giảng, nắm kiến thức trọng tâm cơ bản, yêu cầu cần đạt được. Việc nghe giảng, tương tác với thầy cô quan trọng hơn việc các em cặm cụi ghi chép bài.

Khi kết thúc tiết học, bài học, chủ đề nào đó, học sinh cần phải tóm lược lại kiến thức bằng sơ đồ với nhiều dạng khác nhau tùy theo nội dung bài học. Cần xác định đâu là ý chính, ý nào là cơ bản, ý nào là bổ trợ… Nếu được, các em nên tô màu sắc vào sơ đồ để tạo dấu ấn dễ học, dễ nhớ. 

Phân chia từng giai đoạn để khỏi nhần lẫn: Việc phân chia các giai đoạn lịch sử để ôn tập sẽ giúp các em không bị nhầm lẫn về mặt thời gian của từng sự kiện vì có quá nhiều sự kiện. Trong từng mốc thời gian, các em hãy xác định sự kiện nào là cơ bản, có ý nghĩa lịch sử, cần phải ghi nhớ.

Trong giai đoạn 1939-1945, học sinh không thể bỏ qua cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Rất nhiều học sinh không trả lời được câu hỏi: “Sự kiện nào đánh dấu cách mạng tháng Tám đạt đỉnh cao?” vì không hiểu bản chất của sự kiện 2/9/1945 – ngày  Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi học, các em phải nắm được bản chất của sự kiện là vì vậy.

Nắm vững hoàn cảnh lịch sử (bối cảnh lịch sử): Học Lịch sử, học sinh phải nắm chắc bản chất, ý nghĩa sự kiện nhưng để khắc sâu sự kiện, các em cần đặt ra các câu hỏi và tự trả lời. Cụ thể, sự kiện đó xảy ra trong hoàn cảnh lịch sử nào? Không gian và thời gian diễn ra sự kiện đó? Nguyên nhân vì sao đưa đến sự kiện?...

Ví dụ, lệnh Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 được ban bố trong hoàn cảnh nào? Vì sao Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương đã quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành lấy chính quyền trước khi quân Đồng minh vào? Với phương pháp học như vậy, các em không bao giờ quên và nhầm lẫn kiến thức.

Tiếp cận các nguồn tư liệu, ngoài kiến thức trong sách giáo khoa: Để có kiến thức phong phú, bổ trợ cho việc học Lịch sử, các em cần đọc thêm các nguồn sử liệu khác, tham quan di tích lịch sử, học ở bảo tàng, nghe nhân chứng kể chuyện lịch sử, xem phim lịch sử… Những kiến thức bổ trợ, kiến thức từ thực tế này sẽ hỗ trợ các em rất nhiều trong quá trình ôn tập môn Lịch sử trên lớp.

Những lỗi sai dễ mắc trong bài thi

Các em cũng cần lưu ý những lỗi dễ mắc khi làm bài dẫn đến điểm thấp một cách đáng tiếc đó là hay nhầm lẫn mốc thời gian, địa điểm xảy ra sự kiện; phân bố thời gian không hợp lý…

 Ví dụ, các em nhớ nhầm trận Điện Biên Phủ năm 1954 sang trận “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Cũng có những câu hỏi của đề yêu cầu chọn nội dung nào “không đúng” trong 4 phương án trả lời nhưng do các em đọc không kỹ nên chọn câu trả lời đúng (trong khi yêu cầu câu hỏi là chọn câu trả lời “không đúng”). 

Một lưu ý các em dễ mắc phải nữa là phân phối thời gian thiếu hợp lý khi xử lý khoảng 40 câu hỏi trắc nghiệm. Mỗi một câu hỏi có thời gian tương ứng khoảng 1 phút nên các em cần đọc kĩ và tìm phương án trả lời nhanh nhất, tránh dành quá nhiều thời gian cho một câu hỏi. 

Với phương pháp học khoa học, hợp lý cùng niềm yêu thích, việc học Lịch sử sẽ trở nên dễ dàng và việc đạt kết quả tốt trong kì thi là tất yếu. Chỉ còn vài ngày nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra, các em cần chú ý vấn đề sức khỏe, ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý để có tâm thế bình tĩnh, tự tin bước vào kỳ thi. 

Nguyễn Văn Lực (Giáo viên Lịch sử, Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)

Tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT nhanh trên VietNamNet