Vào giai đoạn cao điểm, các thành viên của xưởng phải làm việc hết công suất nhằm phục vụ kịp thời cho các đoàn lân có lịch biểu diễn hoặc thi đấu trong và ngoài nước.

Quy trình làm đầu lân, rồng đều được các thành viên trong xưởng phân chia cụ thể theo từng công đoạn. Sự tỷ mỹ, phối hợp ăn ý giữa các thành viên đã tạo ra các sản phẩm chỉn chu nhất.

Theo anh Hùng, khung đầu được làm từ nguyên liệu tre, mây và phải tuân theo kích thước tiêu chuẩn. Đối với công đoạn dán lông, cần phải sử dụng lông cừu để tạo sự bồng bềnh, sống động của con lân khi biểu diễn. Bên cạnh đó, người thợ còn phủ sơn bóng, phơi khô để tạo hiệu ứng cho sản phẩm.

Chế tác lân sư rồng là một công việc đòi hỏi tính chuyên môn cao. Những người nghệ nhân cần có sự cẩn thận, tỉ mỉ cũng như phải đặt nhiều tình cảm vào công việc mới có thể “thổi hồn” vào những con lân, rồng.

Các thành viên của xưởng anh Hùng đa phần theo nghề khi còn rất trẻ. Có người vào nghề khi mới 14, 15 tuổi và gắn bó với công việc này hàng chục năm qua. Họ đều là những người thợ lành nghề, có những hiểu biết nhất định về ý nghĩa và giá trị mà bộ môn này mang lại.

Nghề làm lân sư rồng vừa mang đậm yếu tố văn hóa truyền thống lại vừa chứa đựng nhiệt huyết của người thợ làm nghề. Tuy vất vả, nhưng tình yêu chính là động lực giúp họ lưu giữ truyền thống làm lân một cách bền vững. 

Phước Sáng