Một ngày, tôi quyết định ngược dòng Nhật Lệ, theo dòng sông đi về phía thượng nguồn, như hành trình của một giọt nước.

 

 

Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu chùm 2 bài Ngược dòng Nhật Lệ của tác giả Trần Hồng Hiếu.

Bài 1: Qua Nhật Lệ gặp Kiến Giang

Bài 2: Từ Đại Giang đến thượng nguồn

 

 

Hồi bé, tôi thích câu chuyện về hành trình của một giọt nước: giọt nước sinh ra từ đại dương, một ngày, dưới chói chang mặt trời, giọt nước bốc hơi, bay lên trời tụ lại dưới dạng những đám mây. Khi gặp không khí lạnh, giọt nước trở về hình hài của mình, làm mưa đáp xuống mặt đất. Trong rừng rậm, mưa được tán cây giữ lại, từ từ rơi xuống, ngấm dần vào đất. Từ đất, giọt nước chui lên, làm thành những réc (khe) nước nhỏ. Nhiều khe nước chảy quanh khu rừng, hòa thành suối. Khe suối chảy vào nhau mà thành sông. Dòng sông mải miết chảy từ thượng nguồn, qua núi đồi, ghềnh thác, làng mạc… rồi xuôi về biển, trở về với mẹ đại dương.

Một ngày, tôi quyết định ngược dòng Nhật Lệ (Đồng Hới, Quảng Bình), theo sông đi về phía thượng nguồn, như hành trình của một giọt nước

Nhà tôi ở gần nơi dòng sông gặp biển. Những chiều đón con tan trường,  men theo bờ sông từ bến đò mẹ Suốt qua tháp chuông nhà thờ Tam Tòa để về nhà, tôi hay kể về Huyền Trân Công chúa, về mẹ Suốt, mẹ Khíu - những người phụ nữ đã làm nên huyền tích trên dòng sông này. Con tôi lớn lên đi xa quê, có lần chợt hỏi: “Sông Nhật Lệ có còn những chiếc rớ “khổng lồ” không mẹ?”. Còn chứ, mỗi chiếc rớ như “chứng tích” của một cuộc đời gắn bó với dòng sông.

10 năm trước, tôi đã được nghe kể về những người canh rớ trên sông Nhật Lệ. Nhớ nhất là chuyện về ông Trần Văn Bờn. 80 tuổi đời thì hơn 50 năm ông làm nghề canh rớ. Giờ ông Bờn đã khuất núi, nhưng đến Bảo Ninh hỏi tên ông, người làng vẫn nhắc chuyện ông cùng đồng đội gan góc chèo thuyền đi phá thủy lôi những năm Mỹ ném bom hủy diệt Đồng Hới 

Có một người canh rớ khác cũng được kể nhiều. Ông tên là Nguyễn Ngọc Châu, năm nay 82 tuổi. Ông Châu người thôn Sa Động, xã Bảo Ninh, từng là "kình ngư", đoạt nhiều huy chương vàng, bạc, giải bơi lội toàn quốc (từ năm 1959-1962). Ông cũng từng là một người lính trước khi trở về neo đời mình với chòi canh rớ bên sông quê. Ông kể, trước đây chưa có máy, phải quay bằng tay để kéo rớ lên, công việc nặng nhọc nhưng thu nhập cũng bấp bông theo con nước, có ngày thu 500-600 ngàn đồng, cũng có ngày chỉ được dăm mớ cả nhỏ. Nhưng dù nắng nôi hay mưa gió, ông vẫn không bỏ chòi canh, thậm chí còn làm thêm cái nhà nhỏ cạnh chòi và ở luôn đó, lâu lâu mới về làng. 

Gần nửa thế kỷ canh rớ nơi cửa sông, ông không nhớ đã cứu được bao nhiêu người thoát đuối nước và sưởi ấm cho họ trong căn chòi nhỏ của mình. Ông càng không nhớ hết đã cùng bạn nghề vớt được bao nhiêu xác người từ sông, từ biển dạt vào. Có những xác chết đã phân hủy, ông cùng mọi người tổ chức khâm liệm, ma chay rồi chôn cất ở khu mộ vô danh trong nghĩa trang Bảo Ninh quê ông. Ông làm công việc nhân nghĩa này tự nguyện, nhẫn nại với nỗi đau và lòng từ bi như của ông và của cả dòng sông quyện vào - vấn vít, se sắt! Trớ trêu thay, đôi bàn tay từng giành giật với hà bá, cứu sống bao người của ông lại phải lần tìm, vớt xác người cháu gái của mình bị đuối nước trên biển Nhật Lệ. Rồi một bàn tay ông, trong một lần đi dọn vệ sinh khu vực bãi tắm Bảo Ninh, chẳng may bom phát nổ, bị thương mà phải cắt cụt. 

Những tưởng sau lần ấy ông Châu sẽ bỏ nghề, nhưng người Đồng Hới vẫn    nhìn thấy chiếc rớ của ông mãi đấy, bên doi cát Bảo Ninh. Người con trai thứ ba của ông, anh Nguyễn Song Toàn sinh năm 1972, sau bao năm đi làm ăn xa nay đã trở về thay cha canh rớ. Dù tuổi đã cao nhưng mỗi lần nhớ sông, nhớ biển, ông lại cùng con trở về bên chiếc rớ thủy chung nơi cửa sông đầy gió... 

Xa dần Nhật Lệ với hàng trăm chiếc vó "khổng lồ", thuyền đưa chúng tôi đến ngã ba Trần Xá, nơi hai nhánh sông Kiến Giang (Bình Giang) - Long Đại (Đại Giang) hòa chung dòng nước để thành sông Nhật Lệ. Sông nước mênh mang, núi non trùng điệp, cánh đồng bát ngát, làng mạc e ấp dưới bóng tre - bình yên nơi đây như thể đã ngàn năm, chẳng có chiến tranh, thiên tai, chết chóc đau thương, như nó đã từng.

Tôi băn khoăn giữa hai ngã rẽ của dòng sông, nhưng cuối cùng quyết định đi về phía Hạc Hải. Hạc Hải cuối nguồn sông Kiến Giang, được mô tả trong sách Ô Châu cận lục, thế kỷ XVI: "Mênh mông bể bạc, leo lẻo dòng trong. Cá tôm sinh sản, le vịt lội bơi, chài ngư, thuyền củi đi về, dật khách, du nhân lui tới...". Là vùng nước lợ nên ngày trước trên phá bần sú, năn, lác um tùm, chim bay rợp trời, cá tôm quần tụ, sinh sôi. 

Sông Kiến Giang len lỏi uốn khúc giữa bốn bề núi non, rộn ràng khi đi qua trung tâm huyện lỵ, mềm mại uốn quanh những thôn trang, yên ả những bến nước lung linh như tranh vẽ. Dân gian tụng truyền, thế núi hình sông như tháp bút (núi Đầu Mâu), nghiên mực (phá Hạc Hải) nên vùng đất này thời nào cũng có nhân tài. Người tài để lại danh thơm ở đây nhiều, nhưng người ta hay nhắc Tiến sĩ Dương Văn An, người viết “Ô Châu cận lục”, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người đi mở cõi phương Nam và Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Người Lệ Thủy ví phù sa của sông Kiến Giang như nguồn sữa nuôi lớn hạt lúa củ khoai và bao đời người. Họ cũng tự hào vì những công trình "trị thủy" làm nên vùng lúa phì nhiêu, lưu truyền trong câu ca "nhất Đồng Nai, nhì hai huyện". Đó là công trình Đập Mỹ Trung được xây dựng năm 1961, với một tuyến đê bao dài gần trăm km, vừa ngăn ngập mặn, vừa "ngọt hóa" một vùng đệm rộng lớn quanh phá Hạc Hải. Nhờ vậy mà "hai huyện" (Quảng Ninh, Lệ Thủy) thành 2 vựa lúa lớn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực để Quảng Bình làm tốt vai trò "vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến" trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Nhưng nghịch cảnh dường như không thôi thử thách người dân vùng sông nước Kiến Giang. Có những năm nơi đây hạn hán đến "khô người, cháy đồng" như năm 1998, hạn kéo dài khiến sông Kiến Giang cạn trơ đáy. Có 2 ngôi nhà của người dân thôn Phan Xá, xã Xuân Thủy nằm sát bờ sông bị sập làm 2 người chết, một số người khác bị thương. 25 năm đã trôi qua, nhưng nỗi đau mất vợ con, mất mẹ, mất em luôn ám ảnh, day dứt những người thân trong gia đình ấy.

Người Lệ Thủy cũng hay nhắc đến "gã" thiên tai có tên "lũ tiểu mãn". Họ gọi lũ tiểu mãn (lũ nhỏ, lũ đầu mùa) là "kẻ ăn cướp" giữa ban ngày. Lúa đang làm đòng hay vừa "chín tới" thì lũ về, đồng ruộng ngập nước, vụ chính gần như mất trắng, tôm cá nuôi trong ruộng cũng bị cuốn đi. Có năm, cả tỉnh chăng khẩu hiệu "xanh nhà hơn già đồng" rồi dồn sức gặt lúa “chạy lũ” cho Lệ Thủy, Quảng Ninh. Một đồng nghiệp của tôi kể lại: "Có năm lũ tiểu mãn sớm, bọn mình phải đi gặt lúa lặn, tức là ngập trong nước lút tới cổ để cắt lúa, đưa lên thuyền, chuyển về nhà. Mùi lúa thối và mùi gạo hẩm do ngâm nước lâu ngày đến nay vẫn nhớ".

Năm 2010, hệ thống đê bao được hoàn thiện khi Nhà nước đầu tư hơn 300 tỷ đồng xây dựng công trình thủy lợi Thượng Mỹ Trung. Công trình này cùng với đập An Mã (hoàn thành năm 1999) đảm bảo cung cấp nước toàn bộ lưu vực, chủ động tưới tiêu cho hơn 4 ngàn ha lúa của 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, ngăn lũ tiểu mãn, ngăn mặn, cải tạo môi trường tự nhiên cho 800 ha phá Hạc Hải.

Cư dân vùng sông nước Kiến Giang những tưởng đã có thể yên tâm tăng năng suất lúa, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản. Nhưng, lũ lớn liên tiếp xảy ra. Trận lũ tháng 10/2020, Lệ Thủy có mức nước lũ vượt kỷ lục, cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 2010 tới 20cm. Nhà cửa của gần 20 ngàn hộ dân chìm trong biển nước. Thói quen thủng thẳng "dọn lũ" của người Lệ Thủy đã bị một trận lũ lớn với sức nước nhanh và mạnh "nhấn chìm". Mấy ngày sau, khi nước lũ rút, đôi bờ Kiến Giang ngập rác, rều rác tự nhiên một phần, còn lại là rác do chính con người xả ra. Người ta tìm nguyên nhân của trận lũ lịch sử và nhắc nhớ: rừng đầu nguồn bị khai thác cạn kiệt, rừng trồng không đủ sức giữ nước; hệ thống thoát nước đã lỗi thời; con người không coi trọng môi trường nên thiên tai "nổi giận"... những lý do đã cũ, nhưng vẫn như một bài học mới.

Thuyền qua Mũi Viết, lên Trốôc Vực rồi quay về Hạc Hải. Tôi tiếc nuối khi rặng bần trăm tuổi giờ chỉ còn lại một cây cổ thụ đứng chơ vơ giữa mênh mông sông nước. Thuyền cập bên trang trại của vợ chồng ông Nguyễn Công Xuân, người xã Hoa Thủy. Con đê bao quanh những ruộng lúa ở phá giờ phủ kín cây bụi, năn, lác nên ríu rít chim về làm tổ. Từ một người mưu sinh bằng nghề săn bắt chim trời, ông Xuân quay lại bảo vệ đàn chim, trồng lại cây xanh, tạo vùng sinh thái mới trên phá Hạc Hải… để làm du lịch. 

Qua bao mùa chim làm tổ, gia đình ông Xuân đã đón nhiều đoàn khách thập phương về trải nghiệm không gian văn hóa đầm phá, chèo thuyền xem tổ chim, thả lưới trên sông, thưởng thức ẩm thực vùng sông nước và ngủ qua đêm giữa "khách sạn ngàn sao" trong hương đồng gió nội và phảng phất hương sen khi mùa hạ tới. 

Cũng như nhiều người dân khác ra khai phá vùng đất này, ông Xuân những mong phá Hạc Hải được trả lại hệ sinh thái tự nhiên như trước đây. Ông lý giải: giờ lúa gạo không còn lo thiếu, đập Mỹ Trung sau hơn nửa thế kỷ đã làm tròn sứ mệnh của mình, đã đến lúc nên mở đập, trả lại vùng nước lợ lắm cá tôm, để phá Hạc Hải, sông Kiến Giang lại tấp nập những cuộc mưu sinh bằng nghề sông nước. Mong ước của người dân cũng là trăn trở của chính quyền. Đã có những cuộc hội thảo khoa học nhằm tìm lời giải cho bài toán khó này. Trong khi chờ đợi, người dân tiếp tục khai phá, mở mang kinh tế gia đình, như trước đây họ đã theo chủ trương của Nhà nước, đi khai hoang để giờ có được một cơ ngơi rộng lớn trên vùng đầm phá này.

Mời độc giả đón đọc Bài 2:Từ Đại Giang đến thượng nguồn đăng ngày 10/6/2024.

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch. 

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html